SỰ CHÍNH XÁC CỦA THÔNG TIN VÀ BÀI HỌC CỦA BÁO CHÍ THỜI NAY
- Chủ nhật - 05/04/2015 17:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một trong những thông tin về giáo dục gây sốt trên các phương tiện truyền thông thế giới là tin trường học Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách dạy truyền thống bằng việc dạy theo các chủ đề trong chương trình đổi mới giáo dục vào năm 2016.
Giảng dạy tại một trường phổ thông Phần Lan - Ảnh: Olivier Morin (AFP)
Cơn sốt được bắt đầu từ bài viết “Trường học Phần Lan: Các môn học sẽ bị bỏ và thay bằng chủ đề khi nhà nước cải cách hệ thống giáo dục” (Finland schools: Subjects scrapped and replaced with 'topics' as country reforms its education system” trên báo “The Independent” ngày 20-3-2015 . Người viết nhận xét đây sẽ là cuộc cách mạng chưa từng có trong giáo dục trên thế giới.
Ngay lập tức, thông tin ấy được nhiều báo mạng khác ở Anh, Ý, Brazil và một số nước khác đồng loạt đăng theo. Ở Việt Nam, mở đầu là báo “Vietnamnet”, chỉ ba ngày sau, đã phỏng dịch bài báo trên của “The Independent”. Tiếp theo là “Tiền phong”, “Dân trí”, “Dân Việt”, VTV, VnExpress.net, “Tia sáng”, “Giáo dục & Thời đại”, “Khám phá”.
Cơn sốt từ các báo nước ngoài vọng về Phần Lan, khiến truyền thông và những người trong cuộc hết sức ngạc nhiên. Ngày 25-3, Nha Giáo dục Quốc gia Phần Lan (OPH) đã chính thức “cải chính” trên trang mạng của mình về thông tin đó, rằng: “Việc dạy theo các môn học không bị bãi bỏ mặc dù chương trình khung mới của giáo dục cơ sở (từ lớp 1-9) sẽ có một số thay đổi vào năm 2016.
Chương trình khung mới của giáo dục cơ sở sẽ được thực hiện ở các trường học từ tháng 8- 2016 bao gồm một số thay đổi có thể đã gây nên sự hiểu nhầm. Để thích ứng với những thách thức trong tương lai, chương trình chú trọng tới các năng lực chung và hợp tác qua các môn học. Các giờ học thực hành tập thể, nơi học sinh có thể học và thực hành đồng thời với một số giáo viên trong thời gian học kết hợp dựa trên chủ đề được chú trọng.
Mỗi năm học sinh cần thực hành ít nhất một hình thức học kết hợp này. Việc thiết kế các chương trình học kết hợp này do các cơ sở giáo dục thực hiện và học sinh cần tham gia vào việc thiết kế đó”.
Trang mạng của OPH ngày 25-3-2015 còn đăng bài viết của bà Irmeli Halinen, Trưởng Ban Phát triển Chương trình của OPH, về Chương trình Khung Quốc gia (National Core Curricula) của bậc giáo dục cơ sở Phần Lan. Bà Halinen viết: “Tháng 12-2014, Phần Lan đã hoàn thành việc đổi mới chương trình khung quốc gia của giáo dục cơ sở và giáo dục tiền học đường. Các cơ quan giáo dục địa phương hiện đang gấp rút làm việc với chương trình địa phương dựa trên chương trình khung quốc gia.
Các trường học sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới từ mùa thu năm 2016. Phát triển trường học như những cộng đồng học tập, nhấn mạnh hứng thú học tập và hợp tác tập thể cũng như khuyến khích sự tự chủ của học sinh trong học tập và sinh hoạt ở trường là những mục tiêu chủ yếu của sự đổi mới. Các môn học vẫn giữ một vai trò quan trọng trong học tập và giảng dạy”.
Cùng ngày 25-3, Giáo sư Pasi Sahlberg, một chuyên gia giáo dục Phần Lan nổi tiếng, nguyên Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Trao đổi Sinh viên Quốc tế của Phần Lan (CIMO), tác giả cuốn sách “Những bài học của Phần Lan: Thế giới có thể học về những thay đổi trong giáo dục ở Phần Lan không?” (Finnish Lessons: What Can the World Learn About Educational Change in Finland?) cũng có trên “The conversation” một bài viết với tiêu để “Những đổi mới của trường học Phần Lan không loại bỏ tất cả các môn học” (Những bài học của Phần Lan: Thế giới có thể học về những thay đổi trong giáo dục ở Phần Lan không?).
Ông Sahlberg nhấn mạnh: “Dù có những đổi mới, các trường học Phần Lan vẫn tiếp tục dạy toán, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và các môn học khác trong tương lai”. Một ngày sau khi thông tin trên của OPH và bài viết của GS. Pasi Sahlberg được đăng tải, ngày 26-3, trang blog của báo “The Washington Post” có bài viết khẳng định “cải chính” của OPH với tiêu đề: “Không, Phần Lan không bỏ các môn học truyền thống. Đây là những sự thực đang diễn ra” (No, Finland isn’t ditching traditional school subjects. Here’s what’s really happening). Bài viết này đã dẫn lại giải thích của GS. Pasi Sahlberg trong bài trên “The Conversation”.
Như vậy, rõ ràng là không có việc trường học Phần Lan sẽ bỏ các môn học truyền thống và thay bằng dạy theo các chủ đề. Thông tin được đưa ra lần đầu tiên trên báo “The Independent” đã có “sự hiểu nhầm”. Có lẽ vì “The Independent” là tờ báo đáng tin cậy trên thế giới nên các báo khác đã tin và đưa tin theo.
Đáng tiếc là, nhiều báo ở Việt Nam đã không cập nhật thông tin, không biết được cải chính của Nha Giáo dục Quốc gia Phần Lan cũng như giải thích của ông Pasi Sahlberg trên “The Conversation” và “The Washington Post” nên mấy ngày qua nhiều trang mạng vẫn tiếp tục đăng tải lại thông tin đã được cải chính ấy.
Đáng chú ý hơn, vài ngày gần đây, một số trang còn đi xa hơn khi thực hiện phỏng vấn các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo có uy tín rằng liệu giáo dục Việt Nam có thể học tập Phần Lan bỏ các môn học truyền thống không, như: evan ngày 2-4; “Tia sáng” ngày 2-4; “Tiền phong” ngày 3-4; VTC ngày 3-4; VTV ngày 3-4; “Giáo dục & Thời đại” ngày 4-4... Những tranh luận không đáng có từ một việc không có thực đã và đang nổi lên ở Việt Nam.
Một sự hiểu lầm đáng tiếc từ một tờ báo có uy tín của Anh đã gây nên cơn sốt trên truyền thông thế giới. Có thể nói đây là một bài học cho những người làm báo trong thế giới phẳng ngày nay. Người viết bài này ngạc nhiên không hiểu vì sao Nha Giáo dục Quốc gia Phần Lan không đề nghị “The Independent” cải chính bài viết của tờ báo? Nhưng, trong mục phản hồi của một tờ báo Phần Lan về thông tin đó, một bạn đọc Phần Lan đã viết: người ta cứ để vậy cũng là một cách quảng bá cho giáo dục của Phần Lan.
Ngẫm ra cũng có vẻ đúng!