SÓNG DANUBE DẠT DÀO TRONG ĐÊM THU HÀ NỘI
- Thứ năm - 01/12/2016 16:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khẽ cúi đầu chào và nở một nụ cười tươi tắn, nữ nghệ sĩ đặt cây vĩ cầm lên vai và… nắng bừng lên, dòng Danube hiền hòa giữa đôi bờ biếc xanh, và mây trắng nhẹ trôi”.
Sau một ngày dài mướt mải chạy theo lũ trẻ dưới trời nắng hơn 30 độ trong một khu vui chơi rộng mấy chục ha, rồi chạy xe hơn 100 cây số về đến Hà Nội khi trời đã tối muộn, điều gì có thể khiến người ta bất chấp mệt mỏi để đến 7h30 tối lại vượt qua dòng người xe đông đúc, tấp nập để có mặt ở Nhạc Viện Hà Nội?
Chỉ có thể là buổi diễn của nghệ sĩ vĩ cầm Hungary Illényi Katica!
Không phải vô cớ mà nữ nghệ sĩ người Hung được lựa chọn để biểu diễn trong buổi khai mạc Liên hoan Âm nhạc Châu Âu tại Việt Nam, một sự kiện âm nhạc do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nước thành viên EU đồng tài trợ và tổ chức, đã hơn chục năm nay trở thành sự kiện thường niên được những người yêu âm nhạc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đón đợi.
Sinh năm 1968 trong một gia đình mà cha là nghệ sĩ trong Nhà hát Opera Quốc gia Hungary và mẹ tuy là giáo viên nhưng chơi đàn dương cầm rất giỏi, Katica được bố hướng theo con đường nghệ thuật từ rất sớm. Ba tuổi, nữ nghệ sĩ đã được bố dạy chơi đàn. Mười bốn tuổi, cô bé Katica được nhận vào “lớp tài năng đặc biệt” của Nhạc Viện Liszt Ferenc (Franz Liszt) ở Budapest và tới năm 1991 nhận bằng thạc sĩ về violin. Cô đã nhận nhiều giải thưởng lớn về âm nhạc trong đó có các giải thưởng Artisjus và Liszt dành cho nghệ sĩ violin và danh hiệu Nghệ sĩ Xuất sắc của Hungary, đồng thời nữ nghệ sĩ cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hungary.
Chỉ có thể là buổi diễn của nghệ sĩ vĩ cầm Hungary Illényi Katica!
Không phải vô cớ mà nữ nghệ sĩ người Hung được lựa chọn để biểu diễn trong buổi khai mạc Liên hoan Âm nhạc Châu Âu tại Việt Nam, một sự kiện âm nhạc do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nước thành viên EU đồng tài trợ và tổ chức, đã hơn chục năm nay trở thành sự kiện thường niên được những người yêu âm nhạc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đón đợi.
Sinh năm 1968 trong một gia đình mà cha là nghệ sĩ trong Nhà hát Opera Quốc gia Hungary và mẹ tuy là giáo viên nhưng chơi đàn dương cầm rất giỏi, Katica được bố hướng theo con đường nghệ thuật từ rất sớm. Ba tuổi, nữ nghệ sĩ đã được bố dạy chơi đàn. Mười bốn tuổi, cô bé Katica được nhận vào “lớp tài năng đặc biệt” của Nhạc Viện Liszt Ferenc (Franz Liszt) ở Budapest và tới năm 1991 nhận bằng thạc sĩ về violin. Cô đã nhận nhiều giải thưởng lớn về âm nhạc trong đó có các giải thưởng Artisjus và Liszt dành cho nghệ sĩ violin và danh hiệu Nghệ sĩ Xuất sắc của Hungary, đồng thời nữ nghệ sĩ cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hungary.
Các buổi hòa nhạc của Illényi Katica luôn mang đến cho khán giả những tiết mục biểu diễn mới mẻ, trong đó nữ nghệ sĩ kết hợp các tác phẩm âm nhạc cổ điển với nhạc jazz, xen kẽ giữa những bản nhạc cổ điển nổi tiếng là những nhạc phẩm được sáng tác cho các bộ phim kinh điển. Bên cạnh các tác phẩm của Tchaikovsky, Paganini, Dvořák, Gershwin, Morricone, Michel Legrand và John Williams, nữ nghệ sĩ cũng biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hungary như Bartók Béla, Kodály Zoltán, Liszt Ferenc, Weiner Leó. Kênh You Tube của Illényi Katica được hàng triệu người trên khắp thế giới thường xuyên truy cập vào xem các clip biểu diễn của nữ nghệ sĩ.
Nhưng không chỉ là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng ở Hungary và trên thế giới như ở trên đã giới thiệu, khán giả đến với buổi diễn khai mạc của Katica tại Hà Nội còn được nữ nghệ sĩ dành cho nhiều sự ngạc nhiên hơn thế.
Sau bài phát biểu của Đại sứ Liên minh Châu Âu Bruno Angelet và Đại sứ Hungary Őry Csaba, nữ nghệ sĩ xuất hiện, duyên dáng trong chiếc váy dài màu xanh cánh chả. Khán phòng rộ lên tràng pháo tay đón chào. Biểu diễn cùng nữ nghệ sĩ người Hung trong tối khai mạc là Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji.
Khẽ cúi đầu chào và nở một nụ cười tươi tắn, nữ nghệ sĩ đặt cây vĩ cầm lên vai và… nắng bừng lên, dòng Danube hiền hòa giữa đôi bờ biếc xanh, và mây trắng nhẹ trôi. Không biết có khán giả nào có cùng cảm xúc như tôi không nhỉ?
Tiếng vĩ cầm của Katica hòa điệu cùng cả dàn nhạc tràn ngập không gian của nhà hát. “80 days around the world” (Tám mươi ngày vòng quanh thế giới) - tiết mục đầu tiên là nhạc phẩm do nhà soạn nhạc nổi tiếng Cole Porter viết cho nhạc kịch cùng tên. Này là sóng nước bồng bềnh, dìu dặt, này là những thanh âm trong trẻo của một xứ sở Nam Âu đầy nắng và gió nào đó mà các nhân vật của Jules Verne đã đi qua trong cuộc hành trình…
Khán giả lặng đi trong những cảm xúc tuyệt vời mà tiếng vĩ cầm thanh thoát của nữ nghệ sĩ lôi cuốn họ qua tiết mục thứ nhất rồi tiết mục thứ hai.
Và điều ngạc nhiên thứ nhất…
Sau bản nhạc “Bumble Boogee”, giọng hát của nữ nghệ sĩ vĩ cầm vang lên với ca khúc kinh điển “La Vie en Rose” (Cuộc đời màu hồng) của Edith Piaff. Giọng của nàng ấm áp, tình cảm và điêu luyện như một nghệ sĩ opera chuyên nghiệp. Thật thú vị khi biết rằng bên cạnh nhạc cụ chính là cây vĩ cầm, Katika còn có giọng hát rất hay và trong những năm đầu tiên hoạt động nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã từng diễn vai chính trong nhiều vở kịch và nhạc kịch, trong đó nữ nghệ sĩ vừa hát vừa chơi đàn vĩ cầm.
Và điều ngạc nhiên thứ hai…
Các khán giả ồ lên đầy hứng thú khi nữ ca sĩ trình bày ca khúc “Trống Cơm” quen thuộc của Việt Nam với vẻ tự tin và đầy duyên dáng. Tiếng vỗ tay nhịp nhàng của khán giả khích lệ nữ nghệ sĩ thể hiện bài hát thành công như một ca sĩ Việt Nam chuyên nghiệp (phải thú thật “Trống Cơm” là một tiết mục rất khó hát đơn ca và có lẽ không nhiều người Việt dám tự tin hát “Trống Cơm” một mình như vậy).
Và điều ngạc nhiên thứ ba…
Có một nhạc cụ cho tới lúc đó vẫn đứng một mình lặng lẽ gần giữa sân khấu và tôi đã vài lần tò mò nhìn và phỏng đoán đó là một cây đàn bầu cải tiến. Chỉ đến khi nữ nghệ sĩ cất cây đàn vĩ cầm và bắt đầu giới thiệu về nhạc cụ này thì tôi mới lần đầu được biết đó là Theremin, một nhạc cụ điện tử do nhà vật lý học người Nga Leon Theremin sáng chế. Nhạc cụ này chỉ gồm hai ăng-ten kim loại và nghệ sĩ biểu diễn Theremin sẽ di chuyển bàn tay của mình một cách khéo léo mà không hề chạm vào nhạc cụ để tạo nên đủ loại âm thanh từ cảm ứng của hai ăng-ten với cử động của bàn tay người nghệ sĩ. Cả nhà hát cùng thích thú khi nữ nghệ sĩ biểu diễn các âm thanh khác nhau và một nhạc phẩm với nhạc cụ Theremin lạ lẫm.
Bên cạnh những điều ngạc nhiên, nữ nghệ sĩ cũng dành tặng cho khán giả những cảm xúc dạt dào với các nhạc phẩm nổi tiếng và quen thuộc với giới hâm mộ âm nhạc. Giai điệu tango nóng bỏng, đầy quyến rũ với tiếng vĩ cầm réo rắt đầy ma thuật không dưới một lần tràn ngập không gian nhà hát và làm cho các khán giả mê khiêu vũ cổ điển rạo rực với các nhạc phẩm kinh điển “El Choclo” và “Libertango”. Những tràng pháo tay cứ rộ lên khắp nhà hát sau mỗi tiết mục đầy cảm hứng.
Âm nhạc mà cây đàn vĩ cầm của nữ nghệ sĩ người Hung mang đến đêm khai mạc Liên hoan Âm nhạc Châu Âu là một thứ âm nhạc lộng lẫy, tràn đầy những âm hưởng vui tươi, những giai điệu được biểu diễn và lắng nghe trong những cung điện và lâu đài cổ kính của xứ sở Trung Âu, lung linh ánh nến và rực rỡ xiêm áo của các quý ông, quý bà.
Xin cám ơn nữ nghệ sĩ Illényi Katica, nhạc trưởng Honna Tetsuji và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã dành tặng cho các khán giả yêu âm nhạc của Hà Nội một đêm nhạc với những trải nghiệm và cảm xúc thật sự hiếm có.
Và thay cho lời kết, có lẽ là một sự tiếc nuối, một sự tiếc nuối nhè nhẹ. Đó là giá như buổi diễn được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội thì sẽ là một đêm nhạc hoàn hảo hơn rất nhiều, vì một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế như Illényi Katica, cũng như âm nhạc quý phái và đầy màu sắc của cô, là dành cho những khung cảnh huy hoàng, lộng lẫy bên trong các tòa lâu đài.
PS: Thấy tôi than thở, nhạc sĩ Trịnh Minh Cường an ủi: “Mai Phạm đừng tiếc, đã có dàn nhạc giao hưởng tham gia thì chất lượng âm thanh ở Nhà Hát Lớn không bằng phòng hòa nhạc lớn của Nhạc Viện Hà Nội đâu”.
Cũng đã được không ít người giải thích rằng âm thanh ở Nhạc Viện Hà Nội có chất lượng tốt hơn, nhưng một kẻ vừa đam mê cả âm nhạc lẫn hội hoạ như tôi vẫn cứ ao ước nghệ thuật đỉnh cao luôn được trình diễn trong một khung cảnh đẹp đẽ nhất.