Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ

(NCTG) “Chiến tranh thì có ly tan, nhưng hòa bình chưa hẳn đã là ngày đoàn tụ. Người ta có thể không chết trong thời chiến nhưng lại chết trong thời bình, có thể không chết dưới bàn tay kẻ thù mà chết dưới bàn tay người thân ruột thịt, bạn bè. Cũng như, người ta có thể có hạnh phúc trong thời chiến nhưng lại rất bất hạnh trong thời bình” – hồi ức 30-4 của đạo diễn Nguyễn Hải Anh.
Lời Tòa soạn: Nguyễn Hải Anh sinh ngày 30-4-1968, theo học tại Học viện Sân khấu, Điện ảnh và Âm nhạc Saint Petersburg (Leningrad cũ), và tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật vào năm 1994. Trở về nước, chị làm đạo diễn phim tài liệu cho Đài Truyền hình TP. HCM trong mười hai năm, sau đó là nhà sáng lập và giữ cương vị giám đốc cho kênh truyền hình VTC6 trong ba năm đầu.

Trên một cương vị đạo diễn, đồng thời là người viết kịch bản phim và lời bình cho các tác phẩm của mình, Nguyễn Hải Anh là tác giả của gần 50 bộ phim tài liệu với thế mạnh là thể loại chân dung, được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước - trong đó có những bộ phim được báo chí đánh giá là có đề tài gai góc (*).

Hiện tại, Nguyễn Hải Anh định cư và sinh sống tại Hà Lan cùng gia đình. Sau đây là trích đoạn những ký ức về ngày 30-4 trong cuốn hồi ký “Đàn bà Mậu Thân” đang viết dở của chị.

 

Người dân Hà Nội trong ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

- Tồ, con muốn mẹ mua quà sinh nhật gì?

Vừa đi dậy học về, mẹ chưa kịp cho xe đạp vào nhà đã gọi với vào trong nhà hỏi nó.

- Con muốn một đôi guốc nhựa đen có quai màu trắng.

Nó đã ngồi chờ mẹ về trên cái ghế lim nặng trịnh gần bực cửa gỗ từ sáng nên vừa nghe tiếng mẹ là nó chạy thẳng ra lề đường chỗ mẹ dựng xe đạp và trả lời. Nó biết, chỉ có ngày hôm nay là nó có thể làm nũng mẹ thoải mái mà không bị mẹ la mắng, và đòi bất cứ cái gì mẹ nó cũng sẽ mua cho.

Ngồi sau xe đạp mẹ chở ra Bờ Hồ, nó hát nghêu ngao: “Mùa đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh, cây bàng như mở hội mừng chim đến vây quanh, có cây bàng trước ngõ giờ bom đạn đập gãy lá cành. Chim ơi chim, chim đừng buồn nhé, ta sẽ ươm nhiều cây cho chim về hót mê say…”. Nó cao hứng hát rõ to làm mấy cô chú đạp xe đi bên cạnh không hiểu chuyện gì nhưng đoán chắc nó đang vui nên cũng quay sang nhìn nó mỉm cười.

Rồi, nó nhanh chóng sà vào mấy quầy guốc nhựa, guốc gỗ đủ màu sắc bày bán rất nhiều trên góc phố Hàng Đào – Cầu Gỗ. Đang mải mê thử các loại guốc khác nhau thì đột ngột chiếc loa phát thanh phường treo trên cột điện gần sạp guốc mẹ con nó đang ngồi phát rõ to và dõng dạc một thông báo to: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Sài Gòn đã được giải phóng! Sài Gòn đã được giải phóng! Đất nước Việt Nam ta đã thống nhất một dải…”.

Cả Bờ Hồ đang người xe đi lại ầm ĩ, tất cả không ai bảo ai đều dừng hết xe đạp lại và im lặng tuyệt đối để nghe hết bản tin trong vòng ba phút. Rồi bỗng chốc người người hò reo, nhà nhà hò reo, cả Hà Nội hò reo, tất cả những ai trong nhà đều nhất loạt đổ hết ra ngoài phố, tiếng hò reo, tiếng cười tiếng nói thật khó diễn tả thành lời. “Vậy là không còn phải đổ máu nữa, vậy là đã kết thúc chiến tranh thật rồi, vậy là chồng tôi, con trai tôi sẽ về…”.

Những tiếng nói cười râm ran đan xen những giọt nước mắt hạnh phúc. Nó thấy mẹ nó và bà bán guốc cũng rơm rớm nước mắt trong hạnh phúc. Hôm nay là đúng sinh nhật nó tròn bảy tuổi, nó chưa hiểu gì cả nên cũng chưa ý thức được niềm vui lớn lao mà mẹ nó và hàng triệu người dân Việt theo Cụ Hồ trải qua trong thời khắc ấy. Nhưng nó cảm nhận được chắc là phải vĩ đại lắm, phải lớn lao lắm khi bà cụ bán guốc đã tăng luôn cho hai mẹ con nó mỗi người một đôi mà trước đó mẹ con nó đã chọn để mua.
 
*

Nó không bao giờ ngờ rằng nếu với hàng triệu triệu người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là ngày giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh, ngày của đoàn tụ và hạnh phúc, thì với riêng gia đình nó thì đó lại là ngày ly tan, trầm ải. Những thước phim đầy tang thương ám ảnh ký ức non nớt của nó - xác người bị đạn pháo phanh thây ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, ruột gan lòi cả ra ngoài, những cái xác bị ruồi nhặng bâu đen kín mặt, những hố bom, khói lửa, địa đạo… không còn được bố mang về nhà để đêm đêm chui vào phòng tối tráng, phơi phim nữa.

Sài Gòn giải phóng rồi và theo chỉ đạo, bố nó cũng đã theo đoàn quân giải phóng ở lại Sài Gòn từ ngày 30-4 để tiếp quản, làm giám đốc một xưởng phim trong thành phố. Có lẽ bố nó đã bị choáng ngợp và bị chinh phục bởi vẻ đẹp của hòn ngọc Viễn Đông cùng các cô gái, các cô ca sĩ, diễn viên Sài Gòn xinh đẹp, nóng bỏng nên đã không còn muốn trở về với Hà Nội chỉnh chu, lễ nghi nữa chăng? Hay có lẽ vì mẹ nó -  với lòng tự trọng quá cao, quá nghiêm khắc, kỹ tính, mô phạm của một cô giáo toán nên đã không chấp nhận nổi tính lãng mạn, hào hoa của bố nó?

Nó không hiểu chuyện người lớn nhưng cũng không muốn nghe bố nó, mẹ nó hay bất cứ ai giải thích, ngày đó nó chỉ biết rằng nó ghét cả bố nó lẫn mẹ nó, nó ghét chiến tranh nhưng cũng ghét luôn cả cái ngày 30-4 đó. Vì nó mà bố nó đã không bao giờ trở về ngôi nhà ở Hà Nội với mấy mẹ con nó nữa.

Và sau này nó hiểu thêm một sự thật rằng chiến tranh thì có ly tan, nhưng hòa bình chưa hẳn đã là ngày đoàn tụ. Người ta có thể không chết trong thời chiến nhưng lại chết trong thời bình, có thể không chết dưới bàn tay kẻ thù mà chết dưới bàn tay người thân ruột thịt, bạn bè. Cũng như, người ta có thể có hạnh phúc trong thời chiến nhưng lại rất bất hạnh trong thời bình.
 
*

Cuộc sống và sinh hoạt suốt những năm tháng tuổi thơ của mấy chị em nó diễn ra trong căn gác gỗ nhỏ dùng làm điện thờ. Căn nhà gỗ cổ với kiến trúc điển hình nhà ống hơn hai trăm năm tuổi của ông bà ngoại nó nằm trên một con phố cổ Hà Nội, chỉ cách Bờ Hồ vài phút đi bộ. Đồ đạc của mấy mẹ con nó trên căn gác gỗ không có gì ngoài một cái quạt tai voi Liên Xô, mấy bị cói quần áo, mấy cái chiếu rải nằm ngủ và một cái bàn học.

Chính vì ngủ ngay phía trước mặt các ban thờ nên trí óc non nớt của nó không đêm nào không gặp ác mộng. Cứ hễ nằm xuống chiếu là hình ảnh Năm dinh quan lớn - năm con hổ dữ tợn trong tranh thờ trước mặt lại như sắp lao đến tấn công và ăn thịt nó. Nó luôn phải trùm chăn kín đầu, người co quắp thu lu lại vì sợ, và đó cũng là tư thế ngủ của nó cho đến tận bây giờ…

Mẹ nó là một người đàn bà đẹp, thông minh, là hoa khôi một thời của khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mắt mẹ to, nâu hạt dẻ, sống mũi cao thẳng tắp, vầng trán rộng, cả khuôn mặt mẹ toát lên vẻ đẹp quý phái mà cương nghị. Là thần tượng của không ít đàn ông Hà Nội thời đấy, mỗi lần mẹ chở nó trên xe đạp đi học đàn vào các sáng Chủ nhật, nó thấy rất nhiều người đạp xe theo mẹ, hoặc nhìn mẹ mải miết đến đâm sầm vào đuôi xe đạp phía trước.

Mẹ nó sống nề nếp, nguyên tắc của một nhà giáo và phong cách của người phụ nữ Tràng An xưa. Nhưng đúng như tử vi nói mẹ “hồng nhan bạc phận” nên nó chưa gặp một người đàn bà nào phải chịu quá nhiều đau khổ như mẹ. Cũng chưa gặp người đàn bà nào bản lĩnh kiên cường như mẹ...

Cũng từ ngày đó, 30-4-1975, ngôi nhà nó ở đã bị mất nóc, nó bị người ta chà đạp và cướp mất tuổi thơ, chị gái nó xanh xao trong bệnh tật, em trai nó bị người ta tìm cách ném ra đường để chiếm nhà và đã phải chịu đau đớn lìa khỏi cõi đời này khi chưa tròn mười tám tuổi… Trong đám tang em, xe ngựa chở áo quan phủ đầy hoa trắng, cái xác mới được vớt lên từ Sông Hồng… mẹ nó đã không khóc nổi...

Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:

NẾU...

30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI

NÓI VÀ LÀM

30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ

NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI

30-4

(*) Có thể nhắc đến “Lê Trọng Tấn - vị tướng của những chiến trường nóng bỏng”, “Giáo sư tình báo Nguyễn Đình Ngọc”… hay “Đi tìm trang phục Việt” ( 24 tập), bộ phim dài hơi có giá trị như một kho tư liệu về mỹ thuật cổ bằng hình đầu tiên của người Việt từ thời Hùng Vương, văn hóa Đông Sơn đến ngày nay.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Anh, từ Hà Lan – Ngày 29-4-2014