Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÀI GÒN LẠ HAY QUEN?

(NCTG) “Sài Gòn là miền đất trốn chạy trong tâm trí mỗi khi tôi thấy mình lạc lõng giữa những khách sáo, giả tạo được định danh “lịch sự Tràng An” nhiều lúc làm tôi nổ tung, muốn chỉ đơn giản yêu là yêu, ghét là ghét, sao cứ rào đón giấu giếm?” - cảm nhận của tác giả Bùi Uyên về mảnh đất Sài Gòn.
Mảnh đất đầy sức sống và đầy cung bậc thăng trầm
Cô em Sài Gòn hỏi tôi “chị có kỷ niệm gì về Sài Gòn không?”. Tôi đực mặt ra nghĩ, có lẽ gần là con số 0, chỉ vài lần lướt qua. Nhưng thật trái ngược, Sài Gòn chưa bao giờ xa lạ trong tâm trí tôi.

Nơi này có thể là giấc mơ của nhiều người Bắc muốn đổi đời, hoặc đơn giản muốn tránh cái rét buốt miền Bắc. Còn tôi, đã mơ về Sài Gòn từ những năm học cấp 2, nó là miền đất trốn chạy trong tâm trí mỗi khi tôi thấy mình lạc lõng giữa những khách sáo, giả tạo được định danh “lịch sự Tràng An” nhiều lúc làm tôi nổ tung, muốn chỉ đơn giản yêu là yêu, ghét là ghét, sao cứ rào đón giấu giếm?

Từ lúc đó, tôi đã có thiện cảm và tin rằng người miền Nam sống “thật” hơn, dễ gần và cởi mở hơn. Mong được sống ở miền Nam, để hít thở, để được chạm vào thật một miền Nam hằng tưởng tượng. Để kết bạn với những người miền Nam hào sảng, phóng khoáng, để sống thật bộc trực bản tính của mình, không phải lo mếch lòng, động chạm, đoán ý ai cả.

Thời đó, tôi nâng niu từng tờ “Mực Tím”, “Nữ Sinh”, “Áo Trắng”… nên cảm giác khá quen thuộc với đời sống học sinh miền Nam. Dù lớn lên tôi biết mình đã quá thân quen nên quá yêu Hà Nội trong máu thịt, nhưng cũng có một Miền Nam rõ nét trong tôi. Như một tuổi thơ thứ hai sống với “Đất rừng Phương Nam”, “Dòng sông thơ ấu”, với “Thằng Quỷ Nhỏ” hay hàng loạt truyện Nguyễn Nhật Ánh thời bấy giờ. Và giờ đây, sống động, giản dị mà đầy yêu thương trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư.
 
*

Người Sài Gòn đặc thù và mang trong mình đủ mọi tính cách của dân Sài Gòn mà tôi biết là cô bạn thân cấp 2, theo bố mẹ công tác ra sống ở Hà Nội, yêu Sài Gòn điên dại và phùng mang trợn má khi cần bảo vệ Sài Gòn hay thấy cái gì “cắc cớ” ở Hà Nội. Như nó chửi tụi tôi te tua về cái thói “mời bác xơi cơm” khi đã vét sạch nồi, hoặc mời xong cúi xuống húp xì xụp tiếp như không.

Nó nhất quyết không “mời xã giao” và vỗ ngực “tao mà mời là mời thật, chứ không mời miệng như lũ Bắc Kỳ”. Dù đứa nào cũng “dịch” cái câu “mời bác xơi cơm” chỉ có nghĩa “xin phép bác cho cháu ăn trước mặt bác” thôi, nhưng tôi thấy thích cái tư duy của cô bạn miền Nam hơn. Trả đũa lại, chúng tôi luôn bắt nó phát âm “con ếch” và cười lăn lộn khi nó cố phát khóc cũng chỉ đến mức “con ết”! Để nghe nói mắng “lũ zô zuyêng”.

Cũng chính con bé đó, là đứa chia sẻ cùng tôi mong ước được đi tình nguyện Mùa Hè Xanh ở miền Nam từ hồi cấp 3, khiến tôi ngưỡng mộ hoạt động sôi nổi ý nghĩa ấy, mà ở miền Bắc, dường như chỉ mờ nhạt và hình thức. Cũng phải sau này nhiều năm, hoạt động đó mới mạnh dần ở phía Bắc.

Cũng thời đó, tôi nghe mỗi lần miền Trung lũ lụt, bà con Sài Gòn quyên góp tiền của, rồi tự hè nhau trực tiếp vác quà, vác tiền vào tận miền Trung chia cho người bị nạn. Bây giờ hoạt động đó ở Hà Nội không hiếm, nhưng vào lúc bấy giờ, người Bắc tôi được biết vẫn chỉ gửi cho Mặt Trận Tổ Quốc hay Hội Chữ Thập Đỏ, rồi Thành Đoàn... mà ít thấy nhóm nào chịu lăn xả đi làm từ thiện như người miền Nam.
*

Lần đầu thăm Sài Gòn năm 1997, tôi thấy thành phố phát triển khá xa so với Hà Nội bấy giờ. Đi xe buýt, ngó ra cửa sổ mà không nhìn hết nóc những tòa nhà, những biển hiệu, không nhìn được đến ngọn những tán cây sao đen cao thẳng tắp mà ở Hà Nội chỉ có trên đường Lò Đúc. Nhưng bước xuống phố lại là một thế giới khác. Những xe sâm lạnh, sương sáo, sương sa, rau má, bò bía, rải đầy hè phố.

Tất cả làm tôi tò mò, từ cái tên xa lạ đến những cái thùng sắt tròn lấm tấm mồ hôi lạnh chơ vơ dưới cái dù che nắng, như những ốc đảo rợp bóng giữa nắng hè chói chang. Uống một cốc sâm ngọt mát giữa trời nắng, nghiêng đầu ghé vào thùng, những bông hoa cúc vàng nổi trôi dập dềnh giữa những tảng đá lạnh, thơm thơm và mát lạnh.

Một kỷ niệm buồn cười bữa ăn trong quán, thấy bàn nào xung quanh cũng đặt một cốc vại thứ đồ uống màu xanh lá cây đùng đục, tôi chắc mẩm đó phải là nước mía đá như ở Hà Nội. Chủ quan, tôi hớn hở gọi nước, dấu cái sự ngố tàu của dân du lịch, tôi chỉ gọi “cho em xin một cốc” rồi chỉ tay sang mấy bàn bên. Hút soạt một phát mà không biết… nhổ đi đâu! Đấy là lần đầu tiên tôi biết đến mùi vị món rau má đã nổi danh từ miền Thanh Hóa, không ngờ lại quá thông dụng ở tận xứ Sài Gòn!
 
*

Vào thăm Sài Gòn được 3 lần, mỗi lần chỉ chóng váng 1-2 ngày, nhưng thật may mắn là lần nào cũng được “thổ địa” dẫn đi chu đáo. Nhớ lần đi Xuyên Việt với nhóm bạn, chúng tôi được dẫn bởi cô bạn Sài Gòn quen qua… điện thoại, chỉ vì cùng ngày tháng năm sinh. Chỉ thế thôi mà nhiệt tình dẫn chúng tôi mấy ngày giang nắng lặn lội hết ăn chơi Sài Gòn lại chui hầm Củ Chi.

Cũng là lướt qua hai ngày vội vã, lượn qua khu chợ người Tàu để lần đầu thấy chữ Tàu viết bên trên và to hơn chữ Việt trên các biển hiệu. Vào chùa để diện kiến những ngôi chùa hai ba tầng bằng bê-tông, màu mè sặc sỡ - trái ngược với gỗ nâu thâm trầm và dáng một tầng trải dài vững trãi, bình lặng nép dưới tán cây của chùa chiền Bắc Bộ. Ngồi ăn với nhau quán chè hàng trăm món xanh đỏ, rộng thênh thang sáng choang đèn.

Hà Nội cũng du nhập kiểu ăn uống ấy nhanh lắm. Nhưng tôi đoán rằng đó chỉ là cái người khách lạ như tôi được biết, chứ người Sài Gòn chắc có những quán chè trong hẻm, quán bánh cuối ngõ, những góc cà phê khuất nẻo mà thân thương như Hà Nội, hay Huế thôi.

Nhớ nhất sự khác biệt mà lần ấy tôi được trải nghiệm, đó là cái sự không đánh giá bề ngoài của người Sài Gòn. Chúng tôi mượn người quen xe máy đi dạo chơi phố, là một xe Cup 50 đèn tròn, màu xanh lá. Cái xe đó thời bấy giờ chưa có trào lưu vintage chế lại, nó thực sự xấu xí như dân Hà Nội gọi thẳng là “xe chở lợn”, chỉ dùng cho người nông thôn đi buôn hàng rau dưa buổi sáng, hoặc chở lợn mới mổ kéo lê trên phố phường lúc tinh mơ.

Tuyệt nhiên người Hà Nội sĩ diện không ai dám ngồi lên xe kiểu đó. Cái xe chúng tôi còn thậm chí không có yếm chống bùn! Vậy mà nghênh ngang đèo nhau trên cái xe xấu bẩn, chúng tôi lượn từ trung tâm ra những xóm hẻm bùn đỏ nhầy nhụa ở Hóc Môn, rồi lại lượn về điềm nhiên kéo nhau vào mấy quán nước to nhất Sài Gòn.

Không phút nào bắt gặp một ánh mắt “hình dấu chấm hỏi”, “cái cười nhếch mép” của người trên phố, dân cư trong mấy con hẻm, hay mấy anh trông xe ở quán nước. Có lẽ đấy là cảm giác “tự do” nhất mà người Hà Nội, vốn cứ phải mặc đẹp, xe chảnh mới dám bước chân vào shop xịn, cảm thấy sung sướng khi được sống ở Sài Gòn? Không biết bây giờ Sài Gòn còn “không phân biệt hình thức” như dạo đó không?

*
Tuy không đánh giá hình thức, người miền Nam nhiều khi lại khá kỳ thị “bọn Bắc Kỳ” như tôi. Từ mỉa mai “bọn giỏi lý luận”, đến hẳn cạch mặt không giao du. Nhưng một câu chuyện “cạch mặt” làm tôi nhớ mãi, cũng là kỷ niệm trong chuyến đi “bụi” xuyên Việt. Lần ấy, nhóm chúng tôi đến Ninh Thuận, lơ ngơ lần mò tìm địa chỉ mấy khách sạn được tour du lịch giới thiệu, chúng tôi tạt vào hỏi đường một chị chủ cửa hàng trên phố.

Chả hiểu chỉ dẫn nói chuyện kiểu gì, tiếng Nam tiếng Bắc nghe còn chưa thủng, chỉ biết chị chủ bỗng đề nghị 5 đứa thanh niên… vào ngủ luôn trên gác nhà chị, khỏi tốn công thuê khách sạn! Bất ngờ sung sướng, chúng tôi nhận lời ngay. Chị để lũ chúng tôi ở cùng 3 đứa nhóc tuổi tiểu học nhà chị. Chúng tôi được cho ăn cơm tối, ngủ lại, sáng hôm sau lại còn được cho mượn xe cùng lũ trẻ lang tham thăm thú, rồi kéo nhau ra đồi cát.

Điều ngạc nhiên làm chúng tôi nhớ mãi, là khi nói chuyện, chị hồn nhiên kể “chị gọi báo cho chồng mà anh ấy không thể tin được chị lại cho... người Bắc vào ở nhà!”. Chả là, do làm ăn buôn bán nhiều mối hàng Nam - Bắc, không biết gia đình chị đã gặp những kinh nghiệm không hay thế nào, mà sau hai vợ chồng hứa hẹn với nhau sẽ cạch, không làm ăn giao du với người Bắc!

Vậy mà, chị bảo, thấy mấy đứa lộn ngược xuôi cái bản đồ, dò hỏi khách sạn khi đã cuối ngày, chị lại nảy lòng thấy tội nghiệp. Chị không kể lể dài, chỉ chân tình bấy nhiêu thôi đã là quá nhiều và làm chúng tôi không thể quên. Chả có gì làm quả cảm ơn, chúng tôi chỉ loay hoay vẽ ký họa lũ trẻ tặng lại.

Sự tử tế của chị, lớn hơn những ác cảm mà những đồng hương Bắc Kỳ đã gây nên, chúng tôi quả là may mắn. Không biết có nhờ được gặp những người như chị, mà tôi dặn mình không được thành kiến, phân biệt với bất kỳ chủng tộc, sắc dân, vùng miền nào. Dù xung quanh người ta có kể trăm ngàn ví dụ xấu mà họ nghe thấy, hoặc chính tôi chứng kiến, hay gặp những trải nghiệm không vui vẻ, thì khi bắt đầu tiếp xúc một người mới, tôi vẫn giữ một niềm tin rằng trước mặt tôi lần này, là một người tử tế.

Còn ngược lại, khi sống xa đất nước, hay đi đâu du lịch, tiếp xúc, tôi tâm niệm, mình đang không chỉ đại diện cho riêng bản thân, mà có thể, phần nào, gây ấn tượng tiêu cực hoặc tích cực, lên người xung quanh, về người Bắc Kỳ, về người Châu Á, về người Việt Nam... Nếu không được thiện cảm, thì ít nhất cũng mong không tạo thêm thành kiến.
 
*

Năm kia, trong chuyến về thăm nhà kỳ nghỉ hè, tôi may mắn thực hiện vội vàng được mơ ước thăm thú miền Tây - Nam Bộ và trở lại Sài Gòn. Cũng được dẫn đi chơi cả ngày bởi một người anh Sài Gòn mới quen qua… Facebook! Nhưng thời gian ngắn ngủi chẳng bao giờ là đủ. Tôi vẫn muốn nếu về lại Việt Nam, sẽ được sống ở đó một thời gian, được trải nghiệm ngoài những trang truyện thời học sinh, những tác phẩm văn học.

Thực tế sẽ không một màu như những trải nghiệm ngắn ngủi của khách du lịch, của truyện và thơ. Nhưng tôi tin, nó đầy sức sống và đầy cung bậc thăng trầm dành tặng mỗi con người đã một lần chọn Sài Gòn là mảnh đất cư ngụ, ngắn hay dài. Như những bạn bè tôi, đã trót đặt chân đến sống một quãng đời ở đó, luôn lao đao vì trót “phải lòng”, để nhớ về Sài Gòn như một góc tâm hồn họ.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris