Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÀI GÒN ĐƯA TIỄN MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC VỀ VỚI ĐẤT MẸ

(NCTG) “Một khi người Việt còn hát nhạc Phạm Duy thì tiếng Việt còn, mà tiếng Việt còn, thì nước Việt không bao giờ mất.”

Nụ cười chia tay của nhạc sĩ Phạm Duy

Sáng 3-2, nhiều người yêu nhạc và giới văn nghệ sĩ Sài Gòn đã đến chia tay và đưa nhạc sĩ Phạm Duy về nơi an nghỉ cuối cùng. Suốt đời khóc cười theo vận nước nổi trôi, Phạm Duy để lại một gia sản âm nhạc hết sức phong phú và đa dạng về đề tài, nội dung thể hiện và phong cách, khiến hậu thế có thể bình tâm coi ông như người nhạc sĩ & ca nhân vĩ đại nhất của nền nhạc Việt Nam.

Tiễn đưa

Từ sáng sớm, nhiều người đã tập trung trước nhà của nhạc sĩ Phạm Duy ở đường Lê Đại Hành để dự lễ tang của ông. Gần 7 giờ, lễ di quan bắt đầu. Đưa tiễn nhạc sĩ có ca sĩ Quang Dũng, nghệ sĩ Kim Cương, nhà thơ Kiên Giang, ca sĩ Đức Tuấn, các con của ông như Thái Thảo, Thái Hiền, Duy Cường, Duy Minh, Duy Đức, Tuấn Ngọc... và khoảng hơn 300 người hâm mộ.

Gia đình Phạm Duy đã chu đáo mướn 6 chiếc xe để chở người hâm mộ đưa tang nhạc sĩ đến nghĩa trang Bình Dương. Tại cổng nghĩa trang Bình Dương, những băng rôn vĩnh biệt và hình chân dung của nhạc sĩ được dựng từ ngoài cổng vào đến khu huyệt mộ của ông. Từ 8 giờ 40, quan tài ông được đặt trên huyệt mộ và mọi người cùng vây quanh, hát bài “Việt Nam, Việt Nam” để tiễn đưa ông.


Nghẹn ngào đưa người nhạc sĩ lên xe

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng ngồi xe lăn đến tận nơi, kể lại những kỷ niệm khi Phạm Duy mới về nước và ngậm ngùi nói lời chia tay nhạc sĩ. Lần lượt, các ca sĩ Tuấn Ngọc, Đức Tuấn cùng hát những bài hát nổi tiếng của Phạm Duy như “Tình ca”, “Tình hoài hương”, “Ngậm ngùi”, “Nắng chiều rạng rỡ”, “Những gì sẽ mang theo vào cõi chết”… Đúng 9 giờ 30, quan tài của nhạc sĩ Phạm Duy được hạ huyệt. Mọi người cùng hát bài “Nghìn trùng xa cách” trong nước mắt.

Đám tang lặng lẽ

Đám tang của nhạc sĩ dù được nhiều người hâm mộ trên mạng Internet quan tâm, nhưng báo chí, truyền thông chính thống trong nước hầu như không đưa tin nhiều.

Sáng nay, ngoài những tờ báo mạng chuyên về mảng giải trí như baomoi.com, ngoisao.net, dantri.com.vn… có đưa tin, chủ yếu là những tin và ảnh về giới ca sĩ (Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Đức Tuấn…) đi đưa tang nhạc sĩ. Báo điện tử Vietnamnet thì đưa bài tổng hợp từ các báo khác. Trong số các tờ báo lớn, “Tuổi Trẻ” có đăng tin ngắn gọn về đám tang của ông với vài ba hình ảnh ở Sài Gòn, tin này được “Tiền Phong” đưa lại, còn “Thanh Niên” thì không thấy đưa. Đám tang Phạm Duy cũng chỉ có một vài kênh như Phương Nam film, VTC10, Let's Viet... cử người đi quay.


Truyền thông tác nghiệp

Đáng chú ý là vào lúc hạ quan, khi chung khúc nổi tiếng “Việt Nam, Việt Nam” của bản âu ca “Mẹ Việt Nam” vang lên, mọi người đều tỏ ý thắc mắc vì sao nó không được cấp phép? Bởi lẽ, ai cũng thấy đó là một bài ca thắm đượm tinh thần yêu nước, và mong ước được công bố nó tại quê hương cũng là di nguyện cuối cùng của nhạc sĩ. Đến câu Việt Nam hai tiếng sau cùng khi lìa đời, tất cả bất giác cùng hướng về linh cữu người nhạc sĩ mà không ai cầm được nước mắt.

Những tình cảm yêu nước

Đến đưa tang nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ ở các lứa tuổi khác nhau. Chúng tôi gặp một ông già tóc đã bạc phơ, đứng lặng lẽ, chấp tay chào tạm biệt nhạc sĩ. Một cô gái lặng lẽ khóc bên vòng hoa viếng ông. Một người phụ nữ ngoại quốc trung niên đứng tựa vào gốc cây trong nghĩa trang, âm thầm lau nước mắt.

Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, một chị Việt kiều hồi hương chia sẻ: “Những năm sau 75, tôi chỉ muốn vượt biên để tìm một cuộc sống tốt hơn. Tôi đã xuống tận miền Tây, ra đến Phan Thiết, Huế… chỉ để vượt biên. Trong những chuyến vượt biên đó, nhạc của Phạm Duy luôn bên tôi. Một lần, khi tàu qua khỏi hầm Hải Vân, tôi nhìn ra biển và tự hỏi: Quê hương mình đẹp như vầy, sao mình lại bỏ ra đi?

Sau những lần vượt biên không thành, cuối cùng, năm 1991 tôi cũng được gia đình bảo lãnh đi Mỹ. Suốt mười năm sau đó, tôi cúng hết tiền của mình cho Malaysia Airlines, Vietnam Airlines vì tôi nghèo nhưng năm nào tôi cũng về quê hết. Đến năm 2000 thì tôi về hẳn luôn. Lúc đó, tôi coi băng Thúy Nga By Night, thấy nhạc sĩ đi liêu xiêu trên một con đường ở Cali mà mong có ngày được về lại quê hương, tôi nghĩ sao mình về quê được mà một người tài hoa như ông lại không thể chứ.


Ca sĩ Tuấn Ngọc cám ơn người yêu nhạc đã đến tiễn đưa Phạm Duy


Và cuối cùng, ông cũng được về lại quê mình, được chết trên mảnh đất của mình. Tôi nghĩ ông là một người yêu nước. Cũng như chúng tôi, trên chuyến bay đầu tiên về nước, khi cơ trưởng thông báo còn 25 phút nữa, máy bay sẽ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thì ai nấy đều đứng lên chỉ để được nhìn xuống mảnh đất quê hương mình. Người ta có thể ra đi, người ta có thể ở lại, nhưng ra đi không có nghĩa là không yêu nước
.”

“… còn hát nhạc Phạm Duy, nước Việt không bao giờ mất”

Nhà thơ Kiên Giang cũng nhắn nhủ rằng ông rất vui mừng vì giới trẻ còn hát nhạc Phạm Duy, bởi khi người ta còn yêu nghệ thuật, còn yêu cái đẹp thì giá trị đạo đức còn được gìn giữ. Ông cho rằng xã hội bây giờ quá nhiều giả dối, coi trọng đồng tiền theo kiểu “đồng tiền đi liền khúc ruột” thì những giá trị tinh thần, nhân bản và cái đẹp càng cần phải được phổ biến. Vì vậy, mỗi người yêu nhạc Phạm Duy phải có trách nhiệm phổ biến nhạc của ông, bảo vệ ông khi người ta cố tình làm xấu đi hình ảnh và sự nghiệp của ông.

Những câu chuyện xúc động như vậy liên tục được chia sẻ với nhau. Xin được mượn câu chuyện của một cô giáo để kết thúc bài tường thuật này. “Nhà tôi ở Cần Thơ, hôm qua tôi lại có việc ở Hậu Giang nên phải đi chuyến xe 12 giờ 30 đêm để kịp đến tiễn đưa nhạc sĩ. Tôi biết nhạc của bác khá muộn, sau năm 1975, lúc đó tôi mới 17-18 tuổi qua những bản nhạc chép tay. Những bài hát như “Nước mắt rơi”, “Kỷ vật cho em”… là những bài đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi.


Giây phút giã từ

Với tôi, bác Phạm Duy không chỉ đem đến cho tôi âm nhạc, mà còn mang đến cho tôi một kho kiến thức về ngôn ngữ. Ngôn từ của bác phong phú, chính xác và rất đẹp. Người ta nói: người đời còn đọc “Truyện Kiều” là tiếng Việt còn, tiếng Việt còn là nước Việt còn. Với tôi, tài năng của bác Phạm Duy cũng sánh ngang với tài năng của Nguyễn Du. Và một khi người Việt còn hát nhạc Phạm Duy thì tiếng Việt còn, mà tiếng Việt còn, thì nước Việt không bao giờ mất.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lan Phương, từ Sài Gòn - Ngày 3-2-2013