RA MẮT HAI TÁC PHẨM VĂN HỌC DỊCH TẠI BUDAPEST
- Thứ sáu - 12/10/2012 12:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vuk - chú cáo dũng cảm” và “Lời bộc bạch của một thị dân” là hai tác phẩm văn học sẽ được ra mắt cộng đồng Việt Nam tại Hungary vào tối thứ Bảy 13-10 (địa điểm: Phòng Tea Szalon, Khách sạn Gellért - địa chỉ: 1111 Budapest, Szent Gellért tér 1.)
Dịch giả Giáp Văn Chung và Đại sứ Hungary tại Việt Nam Vizi László trong buổi giới thiệu hai tác gia lớn của nền văn học Hungary (Hà Nội, tháng 10-2010) - Ảnh tư liệu
Sinh hoạt văn hóa trên được tổ chức bởi Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Hội Phụ huynh học sinh Việt Nam tại trường Radnóti Miklós (Budapest) và CLB Kruspér (quy tụ một số cựu NCS Việt Nam từng có thời gian học tập, nghiên cứu tại nước Hung).
Như NCTG đã đưa tin, sau khi đến với độc giả trong nước vào cuối năm ngoái (NXB Kim Đồng ấn hành), “Vuk - chú cáo dũng cảm” (Vuk) - một tác phẩm kinh điển của dòng văn học thiếu nhi thế giới - lại có dịp ra mắt tại chính quê hương của tác giả Fekete István dưới hình thức một ấn bản song ngữ Việt - Hung.
Sau “Những ngọn nến cháy tàn” (Budapest, 2007), đây là cuốn sách thứ hai của Tủ sách Nhịp cầu Thế giới, được thành lập nhằm giới thiệu một số giá trị văn hóa, tinh thần của Hungary và thế giới. Sách được ra đời bởi sự ủng hộ kinh phí của các bậc phụ huynh học sinh trường Radnóti Miklós, cùng một số cá nhân hảo tâm khác.
Vừa được NXB Văn học & Công ty Nhã Nam ấn hành tại Việt Nam, “Lời bộc bạch của một thị dân” (Egy polgár vallomásai) được đánh giá là một kiệt tác của nền văn học Hungary giữa hai cuộc Thế chiến, đồng thời cũng là sáng tác quan trọng nhất - mang tính tự truyện - của văn hào Márai Sándor.
Đây cũng là cuốn sách thứ 5 được dịch ra tiếng Việt của bậc thày văn xuôi Hungary, sau “Những ngọn nến cháy tàn, “Bốn mùa”, “Trời và đất” và “Casanova ở Bolzano”. Người chuyển ngữ tất cả những tác phẩm lớn nói trên là TS. Giáp Văn Chung, một dịch giả Việt Nam định cư tại Hungary từ hai thập niên nay.
TS. Giáp Văn Chung sinh năm 1953 tại Hà Bắc. Năm 1970, ông sang Hungary, theo học ngành Ðầu máy Toa xe (Khoa Giao thông, Ðại học Kỹ thuật Budapest) và tốt nghiệp năm 1976. Trở về Việt Nam, ông giảng dạy tại Ðại học Giao thông Hà Nội, rồi trở lại Hungary năm 1988 để bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Cùng gia đình định cư tại Hung, từ thập niên 90, ông tham gia viết bài, làm thơ và dịch thuật cho “Quê Hương” và “Nhịp cầu Thế giới”, hai tờ báo Việt ngữ xuất bản tại Hungary. Tác phẩm dịch đầu tiên của ông về cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary Kádár János đăng nhiều kỳ trên NCTG Online (2007).
Tiếp đó, Giáp Văn Chung đã cho ra đời hàng chục đầu sách in tại Hungary và Việt Nam, trong đó, ngoài các tác phẩm thượng dẫn của Márai Sándor, ông còn là người chuyển ngữ “Không số phận” và “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, hai sáng tác chính yếu của văn hào Kertész Imre (Giải Nobel Văn chương 2002).
Ông cũng là dịch giả của cuốn sách giới thiệu một số danh nhân Hungary “Những người Hungary đoạt giải Nobel” (Bödők Zsigmond) và tuyển tập phỏng vấn những nhà văn nổi tiếng thế giới “Thế giới là một cuốn sách mở” (Lévai Balázs).
Bên cạnh đó, TS. Giáp Văn Chung còn tham gia dịch thuật và viết bài trong số đặc biệt về văn học Việt Nam của tạp chí văn học “Nhật ký Hungary” (Magyar Napló, tháng 8-2008), cũng như số đặc biệt về văn học Hungary của tạp chí “Văn học Nước ngoài” (Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 8-2010).
Gần đây nhất, ông là đứng đầu nhóm tuyển chọn và dịch thuật một số truyện ngắn đương đại Việt Nam, vừa được NXB Nhật ký Hungary ấn hành. Mang tựa đề “Tướng về hưu” (một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp), đây là ấn bản hợp tác giữa Hội Nhà văn hai nước và sẽ ra mắt vào ngày 18-10 tới.
Những nỗ lực và vai trò “cầu nối” giữa hai nền văn học Việt nam và Hungary của TS. Giáp Văn Chung đã được Nhà nước Hungary đánh giá cao. Năm 2011, ông đã được trao tặng Giải thưởng Quốc gia “Pro Cultura Hungarica” (Vì nền văn hóa Hungary) cho những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa Hungary tại nước ngoài.
Tại buổi ra mắt sách vào tối 13-10 tới, sau phần giới thiệu sách, cử tọa sẽ tham dự cuộc giao lưu với dịch giả Giáp Văn Chung. Một số tiết mục thi ca đề tài quê hương, đất nước cũng sẽ được trình bày bởi các nghệ sĩ, giọng ca cộng đồng.