Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


RA MẮT BẢN DỊCH MỚI “BÀI CA DÂN TỘC” TẠI BUDAPEST

(NCTG) “Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal), thi phẩm được biết đến rộng rãi nhất của đại thi hào Hungary Petőfi Sándor - được coi là hiệu kèn thúc giục giới trẻ Hung ra trận trong cuộc cách mạng 1848 - đã có thêm một bản dịch Việt ngữ mới, và lần đầu tiên, đã được vang lên bằng tiếng Việt tại một cơ sở văn hóa có tiếng ở thủ đô Budapest.

Một nghệ sĩ Hungary trình bày tác phẩm của thi hào Petőfi Sándor trong Đêm thơ - Ảnh: amdala.hu

Người dịch tác phẩm của Petőfi Sándor là chị Phan Bích Thiện, một gương mặt quen biết của cộng đồng, hiện giữ cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, và Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam. Chị cũng là tác giả của ba đầu sách (hai tập thơ và một tập thơ phổ nhạc), cũng như, đã dịch một số bài thơ của các tác giả Hungary và Nga.

Bản tiếng Việt của “Bài ca Dân tộc” đã được giới thiệu trong “Đêm thơ tưởng nhớ Petőfi” tại Nhà hát József Attila (Quận 13, Budapest) vào tối 16-1-2015. Đây là một trong chuỗi các chương trình mang tên “Theo dấu các huyền thoại” (Legendák nyomában) về các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Hungary, tổ chức mỗi tháng một lần từ đầu năm 2014.

Hoạt động này do Nhà hát József Attila kết hợp cùng CLB Văn học “Phương Tây mới” đồng tổ chức, với sự điều hợp, giới thiệu, phân tích và bình luận của ông Szabó Zoltán Attila, TBT tờ tạp chí “Phương Tây mới” của CLB. Trong khuôn khổ các chương trình, khán giả cũng có dịp được nghe các tác phẩm lớn với sự trình bày của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát.

Trong sinh hoạt tổ chức vào ngày 16-1 vừa qua, chị Phan Bích Thiện đã là khách mời đặc biệt của chương trình. Cử tọa đã cùng xem một đoạn phim trong đó người dịch đã chia sẻ một số cảm xúc về nhà thơ Petőfi Sándor, và đọc “Bài ca Dân tộc”, một áng “thiên cổ hùng văn” bậc nhất trong văn học sử, cũng như lịch sử dựng nước và giữ nước của Hungary. (*)

Chia sẻ với NCTG, chị Phan Bích Thiện cho hay: “Nói đến thơ ca Hungary mọi người đầu tiên đều nghĩ đến Petőfi. Mặc dù Petőfi ra đi khi còn rất trẻ nhưng ông là một cây đại thụ trong nền thơ ca Hung. Theo tôi trong các nhà thơ người Hung chỉ có Petőfi là người có thể so sánh như Pushkin đối với thơ ca Nga.

Cái vĩ đại của Petőfi - và cũng là điều trùng hợp với Pushkin - là Petőfi biết sử dụng những ngôn ngữ giản dị, gần gũi, đời thường nhưng lại viết được về những điều vô cùng đẹp và cao cả. Cũng chính vì thế mà dịch thơ Petőfi là một điều không đơn giản.

Khi nhận được lời mời, tôi rất vui vì mình được tham gia đêm thơ về nhà thơ mà mình ngưỡng mộ và yêu quý, vui vì thơ tiếng Việt được vang lên trong nhà hát của Hungary. Nhưng khi được biết chương trình sẽ có sự tham gia của những diễn viên kỳ cựu, đặc biệt là của chính Giám đốc Nhà hát - nghệ sĩ nổi tiếng Nemcsák Károly thì tôi cũng thấy lo.

Bên cạnh đó tôi cũng băn khoăn không biết khán giả Hungary sẽ đón nhận thơ tiếng Việt ra sao. Thêm vào đó, bài thơ được đọc là „Bài ca dân tộc”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Petőfi, được coi như bản tuyên ngôn của cách mạng Hungary năm 1848 và người dân Hung nào cũng biết bài này.

Do vậy, làm sao truyền đạt được không chỉ ý nghĩa về nội dung mà còn phong cách của bài thơ cũng không hề đơn giản. Tôi cũng có đọc một số bản dịch nhưng có bản chỉ dịch nội dung còn câu cú, nhịp điệu thì hoàn toàn khác. Theo tôi khi dịch thơ ngoài việc truyền tải ý nghĩa còn cần cố gắng truyền tải phong cách của nhà thơ - đó chính là điều làm lên nét đặc trưng riêng của từng người.

Điều khích lệ tôi rất nhiều là khi Đêm thơ kết thúc thì nhiều khán giả đến chúc mừng và nói, mặc dù được đọc bằng tiếng Việt nhưng họ nhận ra ngay nhịp điệu của „Bài ca Dân tộc
”.
 

Chị Phan Bích Thiện cùng nữ ca sĩ Vincze Lilla, nghệ sĩ Nemcsák Károly, nhà báo Szabó Zoltán Attila và nghệ sĩ Dóka Attila - Ảnh do nhân vật cung cấp

Được coi là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Hungary, “Bài ca Dân tộc” còn nổi tiếng vì nó luôn mang tính thời sự trong mọi thời kỳ, mọi diễn biến lịch sử của nước Hung. Thập niên 70 thế kỷ trước, thi phẩm đã được ca - nhạc sĩ nổi tiếng Tolcsvay László phổ nhạc, trở thành một ca khúc Rock với âm hưởng hùng tráng.

Những câu thơ thấm đẫm tinh thần ái quốc của bài thơ - “Sẽ là nô lệ - Hay người tự do - Câu hỏi là đây - Bạn hỡi, lựa chọn!” - cũng đã xuất hiện trong bài phát biểu lịch sử, gây nhiều tiếng vang mà Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đọc để vinh danh cuộc cách mạng 1956 của Hungary, nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ biến cố lịch sử trọng đại đó vào năm 2006.

Gần đây nhất, “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” (Rabok legyünk vagy szabadok?) còn được khắc trên tượng đài Bức màn sắt đặt tại đại lộ chính Andrássy của thủ đô Budapest, nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày “bức màn sắt” ngăn cách biên giới Hungary – Áo được dỡ bỏ, mở đường cho sự thống nhất của nước Đức và của một Châu Âu thống nhất.

“Bài ca Dân tộc” trước đây đã có một số bản dịch Việt ngữ, trong số đó, bản dịch của PGS. TS. Vũ Ngọc Cân đã được đăng trong một tuyển tập thơ Hungary xuất bản ở Việt Nam. Trao đổi với NCTG, dịch giả Vũ Ngọc Cân đã đánh giá đây là một trong bốn bài thơ xuất sắc nói về tình yêu quê hương, đất nước trong nền thơ ca bác học hơn bảy thế kỷ của Hungary.

Trân trọng giới thiệu bản dịch mới của chị Phan Bích Thiện:
 
BÀI CA DÂN TỘC

Tổ Quốc gọi, đứng lên người Hung!
Bây giờ, hay không khi nào nữa!
Tự do, hay kiếp làm nô lệ?
Hãy quyết định vận mệnh hôm nay!
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

Ta là nô lệ đến lúc này,
Bao đời, bao kiếp chịu đọa đày,
Lúc sống cũng như khi nhắm mắt,
Vẫn cùm nô lệ còng nơi tay.
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

Đừng hèn nhát, như kẻ đê hèn,
Với nỗi sợ chết luôn kề bên,
Cố bám lấy cuộc sống nhục nhã,
Không dám đặt Tổ Quốc lên trên.
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

Ánh gươm chói ngời hơn xiềng xích,
Tay kiếm người người đều khuyến khích,
Hãy nắm lấy cây kiếm, thanh gươm,
Vứt bỏ đi gông cùm xiềng xích.
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

Dân tộc Hung lại đẹp tuyệt vời
Là niềm ngưỡng mộ của muôn nơi
Gột rửa sạch đi bao nỗi nhục
Khơi lại tự hào đã bao đời
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

Vì quê hương sẵn sàng hy sinh,
Con cháu chúng ta biết ơn mình,
Đời đời ghi nhận lòng cao cả,
Anh hùng vì nước thật quang vinh.
Thề với Chúa, không hề lung lay
Xin thề,
Xin thề, quyết không làm nô lệ
Không bao giờ!

(*) Có thể xem phóng sự về sự kiện này tại đây.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh