Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Phỏng vấn Joseph Brodsky: NỖI HOÀI NHỚ CỐ HƯƠNG CÓ KHI NÀO? (1)

(NCTG) Ngày 16-2-1988, sau khi nhận giải Nobel Văn chương, Joseph Brodsky (1940-1996) đã có một cuộc trò chuyện rất thân tình với Tomas Ventslova (1937- ), nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Lithuania, chuyên gia xuất sắc về văn học Nga, hiện đang sống ở Mỹ. Hai người là bạn cũ của nhau từ thời Brodsky còn ở Leningrad (cũ).

Brodsky trên bìa cuốn tuyển thơ bằng tiếng Anh của ông

Cuộc nói chuyện đã đề cập đến khá nhiều vấn đề lý thú trong đời sống văn học Nga và thế giới. Nhiều ý kiến, nhận định của Brodsky đã khiến độc giả phải ngạc nhiên và làm nhiều đồng nghiệp văn, thi sĩ của ông phật ý. Sau khi xuất hiện trên một tạp chí Nga ngữ xuất bản ở München năm 1988, nhiều báo chí văn nghệ các nước đã dịch và đăng tải lại cuộc trò chuyện nói trên (ví dụ: tạp chí “Akiraciai” số 5-6 năm 1988, Chicago, Mỹ); giữa các văn bản có sự khác biệt, tuy không lớn.

Chúng tôi dịch bài phỏng vấn quan trọng nói trên theo bản tiếng Hung: “Mikor születik a honvágy?”, nguyệt san “Kétezredik” (Năm hai ngàn), số tháng Năm 1989, có tham khảo bản tiếng Nga in trên tạp chí “Novy Mir” số 6, tháng 2-1996, do Hồng Thanh Quang lược dịch với tựa đề “Con người chỉ đại diện cho chính mình”, đăng trên tuần báo “Văn nghệ trẻ” (Việt Nam) số 21, ngày 10-9-1996.

*

Anh có cảm giác gì sau khi nhận giải Nobel?

Tôi không cảm thấy gì đặc biệt, mới lạ về chất cả. Hơn thế nữa, tôi không cảm thấy mình mang danh giữ giải Nobel. Tôi chỉ cảm thấy là con đẻ của địa ngục - như tất cả mọi khi, như suốt cuộc đời...

Anh đánh giá như thế nào về các văn hào Nga khác, từng được nhận giải Nobel: Bunin, Pasternak, Sholokhov, Solzhenitsyn?

Bunin và Pasternak là những thi hào tuyệt vời, là thi sĩ, họ thú vị hơn nhiều so với vai trò văn sĩ. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, Pasternak đã nhận giải thưởng Nobel nhờ tiểu thuyết. Còn nói về Sholokhov, tôi nghĩ rằng quả thực giải thưởng được trao cho tác giả đích thực của bộ “Sông Đông êm đềm” - Kryukov hoặc ai đó - chứ không phải cho Sholokhov.

Và tác giả đích thực đó có xứng đáng được nhận giải thưởng hay không?

Tôi cho rằng không, nếu xét rằng những văn hào như Proust, Musil, Joyce, Platonov cũng đã từng sống trong thế kỷ XX.

Anh chỉ muốn nhắc đến Platonov trong số các văn hào Nga?

Đáng tiếc, chỉ có thể nhắc đến tên Platonov. Theo tôi, những người khác đều yếu hơn, không thể so sánh được. Cả Bulgakov, Pilnak, Zamyatin, Babel... đều là những nhà phong cách học tuyệt vời, nhưng văn học không chỉ là phong cách, nó còn là thực thể. Ở họ, thực thể hơi bị sút kém so với Platonov. Tôi cho rằng Solzhenitsyn đã được giải thưởng vì thực thể chứ không phải vì phong cách.

Phong cách của ông ấy cũng còn có thể khá hơn nữa, phải không?

Phong cách còn có thể khá hơn nữa, có điều... Tôi còn nhớ một bận tôi và Neuman - bạn thơ của tôi - trò chuyện với Akhmatova. Chúng tôi bàn về cuốn “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”. Neuman tuyên bố rằng anh không thích cuốn sách lắm. Anna Andreyevna [Akhmatova] ngắt lời anh: "Thích hay không thích là thế nào? Đây là cuốn sách mà cả 250 triệu người dân cần phải đọc." Đó cũng là ý kiến của tôi. Giờ đây, lại càng có thêm nhiều người phải đọc nó...

Anh cũng có ý kiến như thế về cuốn “Gulag?” (1)

Nhất định là phải thế. Đó là một tác phẩm đáng kể hơn Ivan Denisovich. Thậm chí, tôi muốn nói thêm rằng “Vòng đầu” (2) cũng quan trọng hơn Ivan Denisovich.

Thế còn “Khu ung thư?”

Cuốn đó thì hơi yếu hơn rồi.

Còn “Ngôi nhà của Matryona?”

Không tồi, cũng ở tầm vóc như Ivan Denisovich.

Ở Liên Xô, người ta phản ứng - chính thức và không chính thức - như thế nào về giải Nobel của anh?

Tôi không biết mấy về phản ứng chính thức, nhưng những điều tôi biết thì chính xác. Tôi biết là theo chỉ thị từ trên, báo chí trung ương không hề đăng tin đó: chỉ thị này xuất phát từ một ông Ligachev nào đó. Tôi không biết ông ta có vai trò như thế nào trong nhà nước, nhưng có vẻ chức tước khá cao, ít ra cũng bởi tên ông ta trùng một vần với tên Gorbachev...

Anh không hay biết gì về phản ứng của Gorbachev?

Tôi hoàn toàn không hay biết chút gì.

Một bận anh được hỏi - xin trích: "Ông nghĩ gì về Gorbachev?" Và anh đáp: "Không nghĩ gì cả, và tôi hy vọng điều này là tương hỗ."

Đúng vậy. Tuy nhiên, cách đây không lâu người ta kể rằng Ban Trung ương họp vào tháng Giêng. Một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận là quan điểm liên quan đến điều này. Tôi không biết đó là hội nghị của Ban Trung ương hay phiên họp của một ủy ban trực thuộc Ban Trung ương. Dù sao đi nữa, người ta cũng thông qua một quyết định, theo những người quen của tôi, quyết định đó có thể tác động một cách không thuận lợi vào khả năng công bố các tác phẩm của tôi. Tuy nhiên, xét về mặt khác, bởi lẽ ngày nay bàn tay phải cũng chẳng biết tay trái làm gì... - điều này cũng đã tồn tại từ hồi xưa, có điều giờ đây nó đã..., biết nói thế nào nhỉ...

Đã mang tính tổ chức.

Chính xác! Thậm chí, nó đã mang tính hiện sinh. Vì vậy, các báo chí Xô-viết đủ loại vẫn tiếp tục xin tôi thơ. Và tôi cũng thường viết cho họ.

Họ có xác định cụ thể là họ cần loại thơ như thế nào không?

Thường là không. Tờ “Oktyabr” (Tháng Mười) không, còn tờ “Neva” (Sông Neva) thì có...

Tức là hai tờ “Oktyabr” và “Neva” có xin bài của anh...

Và còn tờ “Ogonok” (Tia lửa nhỏ) nữa. Cách đây ít lâu, chừng ba tháng, tôi đã thương lượng với tờ “Ogonok”. Không phải với tổng biên tập Korotich mà với phụ tá của ông ta, tôi nhớ là Medvedev thì phải. Ông ta hỏi tôi muốn gì nếu họ đăng bài của tôi. Số là tờ “Novy Mir” có đăng một chùm thơ của tôi, kèm theo vài lời theo đó tác giả đã cho phép đăng chùm thơ tuyển đó, điều này không hoàn toàn đúng. Tờ “Ogonok” biết về bất đồng đó của tôi với “Novy Mir”: họ muốn tránh việc đó và vì thế, họ gạn hỏi tôi. Tôi cho họ biết điều tôi muốn. Khi đó, cuộc nói chuyện chuyển sang một bước ngoặt lý thú, đương sự hỏi: "Ông nghĩ thế nào nếu một tuyển tập của ông được ấn hành ở Liên Xô?" Tôi nói là tôi không có gì để phản đối cả. Đáp lời, ông ta nói: số là TBT “Khudozhestvennaya Literatura” (Nhà xuất bản Văn học) đang ngồi cạnh bên tôi. Ở Liên Xô, có hai nhà xuất bản – “Khudozhestvennaya Literatura” và “Sovietskiy Pisatyel” (Nhà xuất bản Nhà văn Xô-viết) - phát hành các tác phẩm thơ, và bởi lẽ không thể liệt tôi vào hàng ngũ các nhà văn Xô-viết, tất nhiên tôi phải in sách tại Nhà xuất bản Văn học. Tôi trả lời: nếu các ông muốn vậy, hãy gửi tôi một hợp đồng hợp lệ và tôi sẽ chọn lựa ra một cuốn thơ...

Và họ báo cho anh biết là họ sẽ gửi bản hợp đồng?

Họ không bảo là sẽ gửi mà họ chỉ bảo: có thể họ sẽ gửi.

Ở Stockholm, anh nói: sau lần thơ anh được đăng trên tờ “Novy Mir”, số các bài thơ của anh được đăng tải ở Liên Xô tăng lên con số 12. Có đúng thế không?

Đúng vậy.

Đây là phản ứng chính thức. Thế còn phản ứng không chính thức?

Về phản ứng không chính thức, phải nói rằng đã xảy ra những chuyện động trời. Người ta tổ chức những tối đọc thơ tôi...

Ít nhiều mang tính chính thức chứ?

Vâng, với những giới hạn nhất định. Nhưng không ai để tâm đến những giới hạn ấy cả... Ít nhất cũng đã có hai đêm thơ ở Moscow: Koma Ivanov (3) làm chủ tọa một tối, tối kia Evgeny Rein (4). Những hoạt động tương tự đã diễn ra ở Leningrad. Một số giáo viên trung học đọc thơ tôi trong đài phát thanh của nhà trường...

Anh vẫn chưa được đưa vào sách giáo khoa về văn học?

Hiện thời thì chưa, nhưng...

Nhưng có vẻ anh sẽ được vào?

Một người vừa sang Nga cách đây không lâu, kể rằng thời nay người ta ăn mừng lễ Giáng sinh như thế nào. Như anh biết đấy, do nhiều lý do khác nhau, Giáo hội Chính thống giáo Xla-vơ rất được thịnh. Người ấy đã tham dự hai, ba lễ mừng Giáng sinh và hầu như tất cả đều diễn ra như sau: cây thông Noel, những lá cờ Thánh nho nhỏ và có trời biết được còn những thứ bà rằn gì nữa, rồi người ta ngâm những vần thơ Giáng sinh của Pasternak và tôi.

"Cùng nhau, chúng ta đều là những chuỗi san hô..."

Cả bài ấy, cả những bài khác nữa. Số là vào mỗi dịp Giáng sinh, như tôi còn nhớ được, tôi lại thử làm thơ "Giáng sinh" và ít nhiều cũng thành công. Vài bài thơ của tôi - chừng mươi bài - đã ra đời như thế.

Tuyệt vời!

Tôi không biết có gì tuyệt vời ở đây, nhưng chắc chắn là...

Bây giờ là một câu hỏi khá xa chuyện đang bàn, liên quan đến thời điểm cuộc trò chuyện của chúng ta. Hôm nay là ngày 16 tháng Hai 1988, kỷ niệm lần thứ 70 ngày nước Lithuania độc lập. Anh nhắn gì với độc giả Lithuania về thời điểm này?

Tôi vô cùng tiếc rằng đây chỉ là một thời điểm chứ không phải thực tế.

Ta hãy nói về khả năng sách của anh được ra mắt ở Liên Xô.

Toàn bộ chuyện này mới xảy ra ở mức độ đàm tiếu hoặc ý định, và cái ý định này, nếu tôi hiểu chính xác, không xuất phát từ những người có tâm hồn cao thượng nhất. Đây là một thứ cục diện mới.

Cũng như điều đã xảy ra với Milos ở Ba Lan?

Dĩ nhiên. Nhưng tôi không thể chờ đến lúc người ta ra tem có in hình tôi.

Có trời biết được...

Không, không, điều đó thì có thể biết được.

Cuộc sống ở phương Tây có ảnh hưởng đến anh như thế nào? Anh không thấy hoài nhớ nước Nga hay Leningrad ư?

Tôi nghĩ rằng nó không có ảnh hưởng gì đến tôi. Có lẽ, nó chỉ khiến tôi nổi khùng hơn. Từ năm 15 tuổi, ít nhiều tôi đã sống tự lập; tôi đã quen như thế và lối sống của tôi chẳng đổi thay chút nào trong 15 năm qua, tôi nghĩ rằng anh cũng có thể chứng thực điều đó.

Đúng, ở Mỹ hầu như anh cũng sống hệt như ở Leningrad.

Chỉ khác là ở Leningrad không có gì ăn, còn ở đây thường thường là có. Có cả cái ăn lẫn cái uống. Đặc biệt, ở Leningard không có gì để uống. Tại đây, cuộc sống của tôi hệt như ở nhà, đúng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, kể cả con mèo...

Trong vòng 15 năm ở Mỹ, lúc nào anh cũng nuôi mèo?

Lúc nào tôi cũng có một con mèo nào đó. Thường thường là mèo hoang. Con mèo ở Leningard chết sau khi mẹ tôi qua đời. Nó còn sống khá lâu sau khi tôi ra đi.

Thế còn nỗi nhớ quê hương?

Cố nhiên tôi rất hay có một cảm giác mạnh về thực thể, rằng tôi phải về lại nơi này hay nơi khác, gặp lại người này hay kẻ khác. Nhưng theo tôi, điều đó không đồng nhất với nỗi hoài nhớ quê hương. Tôi không khát khao về quê hương thuần túy. Nhưng tôi hoài nhớ về Leningrad. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đến mức tôi muốn có mặt bất thần ở đó. Theo tôi, mọi nỗi hoài niệm được ra đời khi con người từ bỏ mối quan hệ với thực tế và tôi thì không phải là loại người như thế. Hoặc giả, tôi rất hay muốn từ bỏ hiện thực, nhưng không để thiên về quá khứ.

Nếu có khả năng và chắc hẳn anh sẽ có, anh có về thăm Leningrad không?

Không biết. Tôi còn lưỡng lự. Trong trường hợp đó, sự hỗn loạn còn lớn hơn nhiều, mặc dù tình thế hiện nay cũng chưa sáng sủa gì lắm.

Nếu có thể lựa chọn, anh sẽ về đâu: Leningrad hay Vilnius?

Tôi muốn chọn Vilnius hơn, vì ở đó tôi sẽ không bị người ta lùng sục như ở thành phố quê hương tôi. Và kỷ niệm cũng ít hơn. Đây là điều quan trọng. Dường như - và ở đây tôi nói nghiêm chỉnh - tri giác tôi hoạt động một cách sai trái. Bởi lẽ tôi nghĩ rằng cuộc sống ít nhiều phát triển theo đường thẳng. Con người ta, khi đã cảm nhận, đã trải qua một điều gì đó, anh ta thường xuyên bỏ lại nó sau lưng. Càng ngày, anh càng rời xa nguồn cội, xa ngày hôm qua, hôm kia. Và trở về, như cách “Thánh Kinh” viết về gió... Tôi không phải là gió. Tôi ngờ về chuyện có thể trở về. Sẽ là một hành động dại dột nếu tôi trở về thành phố quê hương rồi lại biến đi sau hai, ba ngày, thậm chí một tuần. Con người cố gắng sống cuộc đời riêng của mình và đừng đùa cợt với nó. Đối với tôi, về thăm Leningrad... tôi không biết, có thể chuyện đó sẽ diễn ra... Nhưng tôi nghĩ rằng tự bản thân tôi, tôi sẽ không về. Hẳn là một số hoàn cảnh nhất định có thể buộc tôi phải về, chẳng hạn nếu tôi không có khả năng nào khác để gặp con trai tôi hoặc một vài người khác. Nhưng vì nhớ nhà - điều mà chúng ta đang nói đến - thì tôi không bao giờ về.

Anh thấy gặp gỡ họ ở đây thì hơn?

Thì tự nhiên hơn. Và tôi muốn nói thêm điều này nữa. Tôi đã quen - và tôi tin rằng, anh cũng thế - sống ẩn dật, đứng tránh sang một bên, cùng lắm cũng chỉ bình luận các sự kiện. Như một kẻ quan sát phong lưu, hoặc có lẽ không phong lưu, nhưng là một quan sát viên.

Mọi nhà văn đoạt giải Nobel đều đạt được một uy tín tinh thần lớn lao. Anh có ý tận dụng thứ uy tín đó như thế nào, nếu anh muốn?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không cảm thấy mình đạt được một thứ uy tín tinh thần nào.

Chắc hẳn đây là một ảo ảnh.

Có thể là vậy, nhưng ít nhất không phải sự tự dối mình.

Anh từng luôn luôn lên tiếng nếu ai đó bị bắt bớ chẳng hạn...

Tôi nghĩ rằng chuyện ấy cũng không thể khác được trong tương lai.

Có điều, giờ đây nó đã có trọng lượng lớn hơn.

Nhờ trời!

Anh nghĩ gì về công khai và cải tổ? Chúng có ảnh hưởng không đến nền văn học Nga đương đại và nếu có, ra sao?

Chắc hẳn chúng sẽ tác động đến cung cách cư xử của các tạp chí, đến chế độ đăng tải bài vở, đến việc ấn hành các tác phẩm.

Điều đó cố nhiên là tốt.

Thì rõ là tốt và nếu nó là công trạng của một cá nhân cụ thể nào đó thì phải cám ơn cá nhân ấy một cách nghiêm chỉnh.

Kể cả khi cá nhân đó là Gorbachev?

Nhưng tôi không tin là những chuyện như thế lại có ảnh hưởng đến sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật, hoặc nhìn chung, lại khiến tình trạng văn học, thi ca và các bộ môn nghệ thuật khác trở nên khá hơn. Có thể nó tác động đến tình trạng của nghệ thuật tạo hình, của âm nhạc, nhưng văn học thì không. Vì văn học là thứ thường thường không bị xác định bởi bầu không khí chính trị. Trong thế kỷ này, nền văn học tốt đã ra đời ở cả hai phía của bức rèm sắt, thậm chí trước cả khi nó được phát minh ra.

Có thể nó lại thịnh nhất trong bầu không khí khủng bố chính trị?

Không nhất thiết. Tôi không khẳng định thế. Proust đứng ngoài mọi thứ khí quyển chính trị hoặc ít nhất, ông đứng ngoài mọi bầu không khí có thể gọi là mang tính khủng bố. Frost, Musil... cũng như vậy...

Nhưng Musil đã phải chạy trốn Hitler đấy thôi?

Nhưng ông đã viết từ trước thời Hitler và bản thân ông sống phần lớn cuộc đời mình ở nước Áo thời tiền Hitler.

Cũng phải có một cái lý gì đó chứ...

Không có mấy đâu. Có thể nói điều tương tự về Faulkner, Joyce và còn nhiều người nữa.

“Kinh cầu hồn” của Akhmatova, các tác phẩm của Platonov và nhiều cuốn sách khác đã ra đời trong bầu không khí khủng bố.

Đúng vậy. Đúng như thế nếu xét về văn học Nga. Nhưng vì vậy, chúng ta không thể muốn duy trì hoặc làm sống dậy bầu không khí đó. Cũng như ta không thể quá hy vọng rằng bầu không khí được cải thiện sẽ khiến nền văn học khá khẩm hơn. Nhà văn có thể viết những tác phẩm đáng giá trong bất kỳ bầu không khí nào.

Anh có ý kiến gì về bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm [70 năm cách mạng tháng Mười] của Gorbachev?

Chịu! Tôi chưa đọc nó.

Chà, các đồng chí, hãy tự ghi nhớ câu trả lời này! Hãy trở về đề tài Vilnius. Anh bảo thà anh về Vilnius còn hơn là về Leningrad, mặc dù thời đó toàn bộ dân Leningrad sẵn sàng tràn về Vilnius.

Có thể, mặc dù tôi không tin rằng người Lithuania... gì nhiều lắm về chuyện này.

Nếu tôi không nhầm, thân mẫu anh là người gốc Lithuania hay một vùng lân cận nào đó.

Mẹ tôi sinh ra ở Daugavpils (Latvia) nhưng thời thơ ấu, đa phần bà sống tại Lithuania với ông tôi.

Ở vùng ngoại ô Baisogala?

Đúng thế, ở vùng ngoại ô Baisogala. Hình như còn có một ai đó biết tiếng Lithuania trong gia đình bà. Tôi không nhớ là ai, có lẽ một bà bác nhiều tuổi nhất, hiện nay bà vẫn còn sống.

Anh không biết tiếng Lithuania?

Không. Tôi cho rằng bà ngoại tôi cũng biết tiếng Lithuania nhưng tôi không có dịp chứng thực điều này.

Thiện cảm của anh đối với Lithuania xuất phát từ đó?

Tôi nghĩ không phải thế. Có vẻ đó là thiện cảm cá nhân của tôi thì đúng hơn.

Xem tiếp Phần 2.

Ghi chú:

(1) Tức "Gulag, quần đảo ngục tù".

(2) Tức "Vòng đầu địa ngục".

(3) Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, chuyên gia nghiên cứu lý thuyết các dấu hiệu tổng quát.

(4) Nhà thơ, bạn của Brodsky.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh dịch và giới thiệu, theo bản tiếng Hung - Còn tiếp