Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHÚ QUANG

(NCTG) “Giờ thì Phú Quang ra đi, chắc chắn để lại nhiều nỗi nhớ khắc khoải qua những ca khúc bàng bạc trong âm nhạc Việt Nam mấy chục năm qua, đẹp trong sự cô quạnh và thanh khiết...”.
Nhạc sĩ Phú Quang (1949-2021)
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời, mạng Facebook “dậy sóng” với những status, bài viết... tưởng nhớ ông, đương nhiên ai viết cũng hay, cũng cảm động. Nhưng mình thích nhất một nhận xét ngắn sau đây của Phạm Tường Vân: “Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang, một người bạn đặc biệt của thi sĩ, người vô tình san phẳng thứ hạng thơ ca. Bởi câu thơ nào vào tay ông, thì dẫu thô vụng sến súa lê thê đến mấy cũng thành óng ả, còn những câu thơ sang cả chợt trở nên gần gũi như chưa từng”.

Tân nhạc Việt Nam từ thuở ban đầu cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 trở đi, cho tới nay, có nhiều nhạc sĩ kỳ tài trong phổ thơ, mà đứng đầu phải nhắc tới Phạm Duy, Phạm Đình Chương... Thế hệ thành danh sau 1975, trong số những nhạc sĩ quan trọng nhất ở trong nước như Trần Tiến, Thanh Tùng..., có lẽ Phú Quang là người phổ thơ nhiều nhất và xuất sắc nhất mà một ví dụ tiêu biểu là “Em ơi, Hà Nội phố”, với sự tinh lọc “rất Hà Nội” ở mức có thể từ bản trường ca dài bất tận của Phan Vũ.

“Em ơi - Hà Nội phố” có mặt trong album “Tình khúc Phú Quang: Mùa hạ còn đâu” (1993) với giọng ca Nguyễn Lệ Thu, đã đặt vương miện lên bài ca hay nhất về Hà Nội sáng tác thời hậu chiến. Nhưng album ấy còn nhiều “bom tấn” khác, đều là phổ thơ, như “Nỗi nhớ mùa đông” (thơ Thảo Phương), “Đâu phải bởi mùa thu” (thơ Giáng Vân), “Phía tối tâm hồn tôi” (thơ Phan Đan), “Tình khúc 24” (thơ Dương Tường), “Nỗi nhớ” (thơ Phạm Dũng), “Lời tình muộn” (thơ Phạm Quang Đẩu)...

Từ một khoảng cách rất xa, vào thời điểm chưa hề có Internet và sự “giao lưu” văn nghệ từ trong nước còn rất chập chững, mình biết đến loạt ca khúc này qua một băng video mang tên “Trong miền ký ức”, tiêu đề một ca khúc mà Phú Quang phổ thơ Hoàng Hưng từ tập “Ngựa biển”. Cũng trong video mà mình đã xem đi xem lại đến mức... nhão nhoét ấy, còn “Dạ khúc” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường), và “Biển của một thời đã mất”, sau này mình mới biết là phổ thơ Dương Thu Hương.

Nhớ lại những khoảnh khắc đầu tiên được “chạm” vào những ca khúc ấy của Phú Quang cách đây gần 30 năm, mình nghĩ, đã có những lúc mình thực sự run rẩy và ngỡ ngàng vì những thanh âm tinh khôi và quá lãng mạn, bên cạnh phần lời mặc nhiên đã hay và sâu lắng của nhiều tác giả khác. Tất cả tạo nên một phong cách Phú Quang, rất Hà Nội, rất hoài niệm và rất vang bóng, đặc biệt trong lòng người đi xa (chỉ cần rời xa thành đô yêu dấu, mà không nhất thiết phải ra nước ngoài).
 
Cùng ca sĩ Cẩm Vân, người thể hiện xuất thần bản “Dạ khúc” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước - Ảnh: Facebook của nhân vật
Cùng ca sĩ Cẩm Vân, người thể hiện xuất thần bản “Dạ khúc” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước - Ảnh: Facebook của nhân vật

Và kể từ ấy, mình bắt đầu viết về nhạc Phú Quang, trong nhiều tản mạn đăng loạn xị ngậu đây đó, với nỗi nhớ nhà vào những thời điểm đặc biệt của cuộc đời. Mọi cảm nhận có lẽ rất võ đoán, vì thông tin cũng ít ỏi, việc nghe và viết về nhạc Phú Quang với một người ở xa như mình có lẽ cũng chỉ là để thổ lộ chính những cảm xúc mà mình hình dung, về mảnh đất, nơi chốn mà mình đã trải qua những năm chưa có ý thức trong đời, và nay thì đã ở quá xa. Hà Nội của mình, là như thế...

“Hạnh ngộ” của mình với Phú Quang vỏn vẹn chỉ là vậy. Mình có được găp ông một lần, dăm ba phút, nói vài câu, trong một đêm nhạc cuối năm của ông tại Nhà Hát Lớn trong dịp về thăm nhà mà đương nhiên ông cũng chả biết mình là ai. Dịp Phú Quang qua Hungary, có đêm nhạc của ông, thì mình đi đâu đó, cũng không tới dự được. Có lẽ như thế lại hay, vì tất cả mọi thứ - kể cả con người nhạc sĩ - sẽ còn để lại mãi trong hoài niệm, trong ngọn gió đam mê, ngọn cỏ cuồng dại...

Giờ thì Phú Quang ra đi, chắc chắn để lại nhiều nỗi nhớ khắc khoải qua những ca khúc bàng bạc trong âm nhạc Việt Nam mấy chục năm qua, đẹp trong sự cô quạnh và thanh khiết. Đó là những “nụ hôn lạnh giá mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm”, như lời chính ông thổ lộ khi nói về sáng tác lớn nhất, “Em ơi - Hà Nội phố”, bài ca của một thời chiến tranh và đầy lao khổ, nhưng chỉ đọng lại vẻ đẹp của ký ức...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh