PHIM “OAN HỒN” VÀ MÔ-TÍP “HỒN MA” TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
- Thứ sáu - 14/01/2005 11:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Cách đây chừng một thập niên rưỡi, có một bộ phim tình cảm đã thu hút được thiện cảm của đông đảo khán giả ưa chuộng “nghệ thuật thứ bảy”. Thời đó, hiếm có cặp tình nhân nào lại bỏ qua phim đó, chưa kể nhiều đôi trai gái còn đưa nhau đi xem lần thứ hai, thứ ba..., không biết chán. Ở một số nước, bộ phim còn được trình chiếu ròng rã mấy năm trời và hầu như không bao giờ phim vắng khách. Ðó là “Oan hồn” (Ghost).
Patrick Swayze và Demi Moore trong một cảnh hết sức ấn tượng của phim “Hồn ma”
Cặp tài tử chính của bộ phim là Patrick Swayze và Demi Moore. Tính cho đến thời điểm “Oan hồn” ra đời, hai diễn viên kể trên đều đã thủ vai một số phim và đã có chút tiếng vang, nhưng về cơ bản, “Oan hồn” là bộ phim khiến họ được khán giả yêu thích và biết tiếng. Từ đó về sau, cả hai đều thành đạt, nhất là Demi Moore, cô đào dễ thương có thân hình hấp dẫn và bộ ngực núi lửa, vợ của nam tài tử Bruce Willis (chuyên đóng các vai trong phim “hành động” - action); có thời, thù lao đóng một phim của Demi Moore lên đến 20 triệu đô-la, khiến cô trở thành một trong những tài tử đắt giá nhất Hollywood, không thua kém gì các đồng nghiệp nam giới (và chồng cô).
Nhắc đến Demi Moore, dân ghiền phim ảnh hẳn để tâm đến những “tiểu tiết” xung quanh đời tư sóng gió và lắm “lời ra tiếng vào” của cô. Như ai nấy đều biết, Moore là tên người chồng trước của Demi, phụ nữ Mỹ khi lấy chồng thường đổi họ theo họ của chồng. Lẽ ra, khi kết hôn với Willis, Demi Moore sẽ trở thành Demi Willis. Tuy nhiên, Demi tâm sự là cô muốn giữ một kỷ niệm về người chồng đầu nên cô không đổi tên; hơn nữa, khi đã nổi tiếng thì các tài tử thường giữ một tên thống nhất, cái tên đã khiến khán giả nhớ đến họ.
Vợ chồng Bruce và Demi có ba đứa con, dường như khi họ chưa thật nổi tiếng thì lại sống rất hạnh phúc bên nhau. Về sau, hai người lục đục với nhau một hồi rồi chia tay. Hiện tại, Bruce đã vừa qua ngưỡng “tri thiên mệnh”, còn Demi cũng đã gần “tứ thập” và vẫn giữ tính khí mạnh mẽ, nhưng quyến rũ, như xưa. Dù đã li dị nhau, song cặp tài từ gạo cội của Hollywood này vẫn có những dịp gặp gỡ, thậm chí gần gũi nhau: đáng nhớ nhất là bận “hậu trăng mật” cách đây vài ba năm ở Prague, khiến báo chí lá cải nhất loạt gióng chuông về khả năng “tái hợp” (chắc sẽ không bao giờ có) của họ.
*
Mười lăm năm trôi qua, nhiều người vẫn nhớ như in nội dung của bộ phim “Oan hồn” năm xưa. Hồi đó, trong phim, Demi Moore thủ vai một cô gái tóc ngắn, vóc người nhỏ nhắn, xinh đẹp. Nàng là người thích chuốt những đồ vật bằng đất sét và có người chồng (nam tài tử Patrick Swayze thủ vai) làm việc ở văn phòng. Ðầu phim, cảnh mùi mẫn nhất là khi nàng đang ngồi nặn đất sét, chàng rón rén đến ngồi sau lưng, cầm tay nàng làm theo rồi hai người âu yếm nhau.
Chàng trai kiếm được một món tiền khá lớn, gửi ở ngân hàng. Vì tham lam, một tên bạn bất lương cùng làm chung với chàng đã thuê sát thủ giết chàng để tìm cách đoạt món tiền. Một tối nọ, đôi vợ chồng trẻ đi coi phim về thì bị một tên cướp lạ mặt chặn lại, đòi có bao nhiêu tiền phải đưa hết. Hai người làm theo nhưng tên cướp vẫn tấn công chàng trai, chàng đánh trả và bị giết hại. Nàng khóc sướt mướt bên xác chàng. Ðoạn này, phim chiếu cảnh hồn chàng trai lìa khỏi xác, rượt theo tên cướp, rồi quay lại nhìn thấy xác mình nằm giữa đường, ngơ ngơ ngác ngác không hiểu tại sao.
Chàng trai trở thành một oan hồn không có một chút sức lực. Tên bạn khốn nạn loay hoay với chiếc máy điện toán để rút số tiền bốn triệu Mỹ kim từ nhà băng, nhưng không mò ra mã số. Hắn bèn tìm cách đến dụ dỗ người vợ, hòng biết thêm tin tức. Chàng trai hiểu ra kẻ đã giết mình là ai, chứng kiến cảnh hắn quyến rũ vợ mình nhưng không làm gì được. Tình cờ, chàng biết một bà đồng chuyên gọi hồn người chết và thuyết phục được bà, nhờ bà ta giúp đỡ. Vai bà đồng do nữ tài tử người da đen Whoopi Goldberg thủ vai; với vai diễn xuất sắc này, cô đã đoạt giải Oscar dành cho diễn viên phụ và sau đó, Whoopi rất nổi tiếng trong nhiều bộ phim hài.
Cảnh tượng tuyệt vời và động lòng của bộ phim
Lang thang trong cõi chết, chàng trai gặp những hồn ma khác và được họ chỉ bảo cách tập trung sức lực để truy đuổi kẻ thù và báo oán. Tên bạn gian ác phải đền mạng. Phim có một kết thúc vui và có hậu. Chàng trai quyết định nhờ bà đồng - một phụ nữ có tính tham, thấy gì cũng tưởng là của mình - rút toàn bộ số tiền trong ngân hàng để tặng các bà xơ thuộc một dòng tu chuyên lo việc phúc lợi, giúp đỡ người nghèo. Sau đó, trước khi chia tay để vĩnh viễn lên thiên đàng, chàng trai nhập vào cơ thể bà đồng này để âu yếm người yêu của mình. Ðây là một cảnh tượng tuyệt vời và động lòng của bộ phim.
*
Thực tế, nội dung bộ phim khá giản dị và quen thuộc, thậm chí gần gũi, với suy nghĩ của dân Á Ðông về chuyện “báo ân trả oán”, “hồn phách”... Nhiều người Việt đã ưa thích và dễ dàng tiếp nhận “thông điệp” của bộ phim vì họ cảm thấy ở đó nhiều điểm tương đồng trong văn hóa Ðông - Tây. Ðồng thời, cùng sự diễn xuất chân thực, ấn tượng của dàn diễn viên cự phách, nhạc nền rất hay của bộ phim - bản “The Unchained Molody” của ban nhạc “The Righteous Brothers”, xuất hiện từ đầu thập niên 60 nhưng rất ăn khớp với nội dung phim, khiến không ít thanh niên tưởng nó được sáng tác dành riêng cho bộ phim - cũng là một yếu tố không thể bỏ qua, giúp “Oan hồn” chinh phục sự mến mộ của khán giả bốn phương.
Ði vào phân tích, mổ xẻ nội dung phim, có thể thấy đạo diễn “Oan hồn” đã khai thác tối đa mô-típ của những chuyện ma ân đền oán trả, với những tình tiết đặc thù như sau:
- Có một người bị chết oan (thường là rất trẻ),
- Oan hồn hiện về báo mộng, khiến người sống tìm hiểu được lý do nạn nhân bị sát hại, cũng như thủ phạm đã gây án,
- Vụ án được phát giác, sau quá trình tìm tòi, điều tra gian nan, phức tạp,
- Kẻ giết người bị đền tội.
Xét trên một phương diện nào đó, kiệt tác “Hamlet” của đại văn hào Shakespeare cũng chứa chất những nét đặc thù kể trên. Trong trường hợp “Hồn ma”, nhân vật chính - chàng trai bị chết oan uổng ở ngay đầu phim - luôn ở vị thế yếu, gợi sự thương xót trong lòng khán giả. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ của bộ phim, khán giả luôn cổ vũ cho chàng trai (cùng người vợ hiền của anh), và mong đợi kẻ giết người phải chịu hình phạt thích đáng để công bằng, lẽ phải được lập lại. Trong phim, hồn ma là động lực chính trả thù, thay vì nhờ tay cảnh sát hay thám tử điều tra và bắt kẻ sát nhân vì nếu thế, phim sẽ loãng và không có ý nghĩa, không gây được hiệu quả nghệ thuật trong lòng người xem. Vai chính là nam giới, mạnh mẽ, nên bằng một cách nào đó, hồn ma phải thực hiện được việc trả oán.
Tuy nhiên, là một hồn ma, bị nhiều hạn chế, nên cần một vai phụ góp phần giúp vai chính thực hiện được những dự định của mình. Từ đó, nảy ra vai bà đồng, có khả năng duy trì liên lạc với người đã khuất. Thứ nữa, phim Mỹ bao giờ cũng có một nhân vật hết sức yếu đuối - thường là phụ nữ hay trẻ em -, cần sự bảo vệ, che chở và khiến độc giả lo lắng, tập trung theo dõi. Trong “Oan hồn”, vai này là người vợ trẻ của chàng trai. Khán giả vừa xót xa cho cái chết oan uổng của chàng, xót xa cho sự cô đơn của nàng, vừa hồi hộp, lo ngại cho sự an toàn và tính mạng của nàng. Thêm vào đó, “Oan hồn” còn có những pha âu yếm rất “mùi mẫn”, lãng mạn và ngoạn mục. Không có gì khó hiểu khi bộ phim rất ăn khách, vì nó đánh trúng tâm lý (và thị hiếu) của người xem ở mọi lứa tuổi.
Nói xa hơn nữa, giả sử có một vụ giết người, câu chuyện có thể phát triển theo nhiều hướng:
- Câu chuyện điều tra, xoay quanh nhân vật chính là điều tra viên.
- Câu chuyện xử án, xoay quanh nhân vật chính là quan tòa (như Bao Công chẳng hạn).
- Câu chuyện hồn ma báo oán.
Ở đây, chỉ xin nhắc đến hướng thứ ba (chuyện ma) với nhiều thể loại, ví dụ:
1. Khai thác về nỗi sợ hãi:
- Nhân vật chính yếm thế, sợ ma mà chết vì sự ngu ngốc và sợ hãi của mình (chuyện Ivan của Nga tìm ra nghĩa địa lúc nửa khuya, cắm gươm lên ngôi mộ).
- Nhân vật chính hoảng sợ nhưng kết cục bỏ trống để khán giả suy nghĩ (một người tình cờ rẽ vào nhà người làm bia mộ, đọc thấy tên tuổi mình trên một tấm bia; anh ta lo lắng không biết có nên ra về hay ở lại đến hết đêm, sợ sẽ gặp tai nạn trên đường về, nửa đêm thao thức anh nghe tiếng mài dao của chủ nhà).
- Kẻ sát nhân lo lắng, hoang mang, tâm thần hoảng loạn, cuối cùng thú tội (như chuyện “Tell Tale Heart” của Edgar Allan Poe).
- Nhân vật chính tinh nghịch, đánh lừa một nhân vật nhát gan rằng có ma (chuyện “Cửa sổ” của Saki, nhân vật chính bịa rằng người sống đã chết).
2. Khai thác những chi tiết kỳ bí (thần giao cách cảm, hiện hồn...):
- Hồn ma người vợ hiện về giúp chồng (hay người mẹ hiện hồn về bú mớm cho cho con thơ).
- Hồn ma hiện về báo mộng, đền ân trả oán (một người con gái trẻ chết oan hiện hồn báo mộng trả thù).
- Nhân vật chính phân thân để giúp người thân (một cậu bé biến thành dế để giúp cha thắng những cuộc chọi dế).
- Về thần giao cách cảm (trong cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, văn hào Gabriel Garcia Marquez tả lại cảnh khi đứa con trai đầu lòng của bà Ursula bị giết, một dòng máu chảy ra cửa, ra đường, chảy mãi đến tận nhà bà mẹ. Viết như vậy quả là tuyệt!)
3. Khai thác sự ma quái, siêu tự nhiên:
- Chuyện kinh dị, ma sói, ma cà rồng... (một em bé đi thăm bà, giữa đường gặp một con sói già, em chém sói đứt một chân trước, nhặt lấy rồi đi tiếp, lúc đến nhà bà thì bà đang đau nặng, sốt cao và cụt mất một cánh tay).
- Chuyện hồ ly tinh ma cáo (như “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh).
- Chuyện người sống hai lần và nhớ lại tiền kiếp của mình.
- Chuyện người xuống địa ngục rồi trở về (như nhân vật phán quan trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ).
- Chuyện hóa thân và nhập vào trẻ sơ sinh (như Từ Ðạo Hạnh hóa thân thành vua Lý Thần Tông).
- Chuyện về những điều ước, cầu được tiền bạc... nhưng bù lại, một người thân phải chết (chuyện cái chân thỏ của W.W. Jacobs).
4. Ðề cao sự thông minh, gan dạ:
- Nhân vật chính nghĩ ra cách đánh lừa ma (mỗi đêm Giáng sinh, hồn ma ẩm ướt hiện về làm ướt nhà một chàng trai, vậy là chàng ta ra ngồi giữa hồ, hồn ma đi theo, bị đóng băng đông cứng và biến thành một bức tượng).
- Bán linh hồn cho quỷ sứ và sau đó tìm cách đánh lừa nó để lấy linh hồn về.
- Nhân vật chính không sợ ma, cuối cùng chiến thắng (chàng trai dũng cảm, không biết rùng mình, trong “Truyện cổ Grimm”), v.v...
Trong lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới tự cổ chí kim, có không ít những tác phẩm lớn đã ra đời dựa trên một phần, hay toàn bộ, những mô-típ kể trên. Ðặc biệt, với lợi thế lớn lao dựa trên tác động của những hình ảnh động, điện ảnh đã thường xuyên sử dụng các mô-típ đó để đưa ra hàng loạt bộ phim, thường theo hướng kinh dị, để phục vụ những ai muốn tìm “cảm giác mạnh”.
Ngược lại, “Oan hồn” là một ví dụ điển hình cho sự áp dụng thành công đề tài “hồn ma” một cách khá “lành mạnh” và thấm đượm ý nghĩa giáo dục...