PETŐFI SÁNDOR, NHÀ THƠ ÁI QUỐC
- Thứ tư - 12/12/2007 08:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tên tuổi của Petőfi được biết đến bắt đầu từ năm 1843, trong một trường hợp giống như huyền thoại (mà thực ra, như NCTG từng viết, cả cuộc đời Petőfi đối với người dân Hung cũng là một huyền thoại). Năm đó, sau nhiều bôn ba trong cuộc đời, một ngày, chàng thanh niên Petőfi hoàn toàn tay trắng đã run lên vì lạnh trong một căn phòng không lò sưởi. Tràn trề thất vọng, trong một phút liều lĩnh, “như một con bạc đặt hết số tiền cược cuối cùng lên chiếu bạc” như chính lời nhà thơ kể lại), anh quyết định đến gặp Vörösmarty Mihály, một trong những nhà thơ danh giá nhất của Hungary lúc bấy giờ, để nhờ ông đọc những thi phẩm của mình. Chẳng ngờ, nhà thơ đã rất khích lệ anh và theo đề nghị của ông, một nhóm trí thức tiến bộ có tư tưởng đối lập ở Pest mang tên “Bút nhóm dân tộc” (Nemzeti Kör) đã đăng tải những thi phẩm này.
Sự kiện ấy khiến Petőfi như được “lột xác”, trong khoảnh khắc, anh trở thành một người nổi tiếng. Không còn cảnh cóng lạnh bần hàn nơi căn phòng độc thân cũ kỹ nữa, và cũng từ đó, bắt đầu cuộc đời văn chương vinh quang và đau khổ, sướng vui và khó nhọc của một nhà thơ.
Petőfi không chỉ là một nhà thơ. Ông là một nhà cách mạng, một chiến sĩ theo đúng nghĩa đen của từ này. Ông lao vào cuộc chiến 1848-1849, mưu cầu một xã hội dân chủ và công bằng cho dân tộc, bằng những vần thơ và bằng cả sức trẻ của mình, chiến đấu hết mình trong quân ngũ, và được phong đến hàm thiếu tá.
Trước khi trở thành nhà cách mạng, trước khi ngòi bút của chàng trai biết thốt ra tiếng lòng sôi nổi như trong bài thơ “Tự do và ái tình” (1847) để có thể “vì tự do muôn đời – tôi hy sinh tình ái”, thì Petőfi Sandor từng có quãng thời gian đắm chìm trong những vần thơ ưu tư, đen tối và nhuốm màu triết lý. Thời điểm này, nếu chúng ta nhớ lại hai mối tình đã đi qua đời Petőfi và kết thúc đau buồn (kể cả mối tình trong ảo mộng của nhà thơ với cô thiếu nữ mệnh yểu Csapó Etelke), nếu đọc những trang nhật ký đầy trăn trở của nhà thơ về một số nhận thức mới và không mấy sáng sủa về cuộc đời, về sự phân hóa giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội v.v…, chúng ta có thể hiểu được vì sao sáng tác của Petőfi giai đoạn 1845-1846 lại mang nét bi thảm, tuyệt vọng, mặc dù ở đó, vẫn thấy lấp lánh sáng một tình yêu với con người, với Tổ Quốc, với nhân dân - những giá trị bất diệt trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ.
Ở đây, tôi xin chọn dịch một bài thơ được sáng tác vào thời kỳ ấy. Bài thơ viết về Tổ Quốc. Lo lắng sâu sắc trước vận mệnh của Tổ Quốc mình, cảm nhận tình yêu đối với mảnh đất ông cha bằng cả trái tim đau đớn, Petőfi Sándor đã viết:
VIẾT VỀ TỔ QUỐC (*)
Mặt trời vắng, những vì sao trì hoãn mãi
Chẳng hiện lên. Đêm tối mịt mùng
Chỉ có tình yêu Tổ Quốc kỳ diệu vô cùng
Như chiếc đèn thờ kia, cháy sáng
Tình của ta với đất đai tổ phụ
Sáng hơn sao. Sáng hơn cả những đèn đêm sáng nhất
Xứ sở bất hạnh của ta, thân yêu tha thiết
Có được mấy ai yêu mến Người đâu!
Vì cớ gì ngọn lửa bùng lên giữa đêm thâu
Trên ngọn đèn thờ? Nửa đêm đã điểm
Bóng người xưa tổ tiên ta hiển hiện
Về cả đây, hôm nay, nơi này…
Mỗi bóng ma như một mặt trời
Cháy chói lọi sáng ngời trong đêm muộn
Bởi một ánh hào quang lồng lộng
Bất diệt vinh quang trên vầng trán của Người
Hỡi người dân Hung kia, người day dứt trong đời
Trong tăm tối kéo lê thê chuỗi ngày bất hạnh
Chớ nhìn lên ánh bừng kiêu hãnh
Của tổ tiên. Hãy thương lấy mắt mờ!
Các bậc tiền bối ta như cơn lốc gió lùa
Như bão tuyết trên đỉnh cao núi thẳm
Nổi trận cuồng phong uất hận
Giữa trời Âu tro bụi điêu tàn
Biển dâng sóng lên cao tới tận non ngàn
Biển thân yêu của lòng ta ruột thịt
Nơi phương Bắc, phương Nam, phương Đông biền biệt
Những vì sao sa xuống biển xa vời
Nhưng vòng nguyệt quế hạnh phúc ngàn đời
Vinh danh chiến thắng dân tộc ta đã từ xa xưa lắm
Khiến cho cánh đại bàng trí hùng phóng khoáng
Bay đến đây đã chân mỏi gối chùng
Lá nguyệt quế từng vinh danh người Hung
Đã tàn héo cũng từ lâu, lâu lắm
Để đến giờ đây tin về vinh quang chiến thắng
Có lẽ chỉ còn là cổ tích, là giấc mơ…
Chẳng mấy khi tôi khóc, nhưng giờ
Lệ lấp lánh trong mắt tôi thầm thĩ
Những giọt sương này báo điềm gì đây nhỉ?
Bình minh? Hay ảm đạm hoàng hôn?
Hỡi vinh quang của dân Hung, người ở chốn nào?
Chỉ thấy vì sao băng rực sáng
Từ bầu trời rơi vào lòng đất
Để rồi tắt lịm muôn đời
Hay rồi đây sao chổi có chiếc đuôi dài
Lượn một vòng tiền định
Qua vạn năm lại trở về như số mệnh
Bỗng một hôm làm chói lóa bầu trời?
(Pest, tháng 10/11-1845)
Cho dù mang sắc màu tuyệt vọng và buồn đau thì bài thơ trên vẫn để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc. Thậm chí, đối với độc giả Việt Nam vào thời kỳ hiện đại này, bài thơ, theo thiển ý của tôi, vẫn có thể được tiếp thu với sự đồng cảm sâu sắc nhất.
Có thể nói, cuộc đời ngắn ngủi của Petőfi Sándor đầy thăng trầm, sóng gió. Cuộc đời ấy mang dấu ấn những thời khắc đặc biệt của cả thời đại ông sống, vì thế, nó rất đẹp trong tâm trí của những kẻ hậu thế, kể cả nếu đó chỉ là cuộc đời của một con người bình thường vô danh chứ chưa nói đó là những nét khắc trong tiểu sử của một nhà thơ vĩ đại của cả một dân tộc.
Xin được dùng một đoạn trích trong “Nhật ký” (Napló) của nhà thơ để khép lại bài viết nhỏ này, với lời khẳng định: Petőfi xứng đáng là đại diện cho thời đại ông đã sống!
“Người ta bảo tôi không điềm đạm. Điều đó, đáng tiếc, lại là sự thật, nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Đấng bề trên không cho tôi một số phận êm đềm để tôi được tung tăng dạo chơi trong những cánh rừng kỳ diệu, để tôi được bện những bài ca về hạnh phúc dịu dàng và những nỗi buồn thầm thĩ của mình vào tiếng ngân nga của chim họa mi, vào tiếng xạc xào cành lá và tiếng rầm rì suối chảy. Đời tôi trôi qua trên chiến trường, trong những cuộc chiến giằng xé giữa buồn đau và mê đắm. Nàng thơ nửa tỉnh nửa mê của tôi, tưởng chừng như nàng công chúa bị phù phép bị lũ quái vật và thú dữ giam trên một hòn đảo hoang giữa biển khơi, cất tiếng hát vang giữa xác tàn của những ngày tươi sáng đã qua, giữa tiếng nấc nghẹn trước lúc lâm chung của những niềm hy vọng đang bị đưa ra hành quyết, giữa tiếng cười giễu cợt của những ảo mộng không thành, giữa tiếng rít từ những yêu ma độc địa của niềm tuyệt vọng… Vâng, ngoài ra, trong sự này không chỉ mình tôi có lỗi, lỗi còn ở… cả thế kỷ của chúng ta! Mọi dân tộc, mọi gia đình, hơn thế - người người đều tràn đầy tuyệt vọng. […] Thời đại của chúng ta là vậy. Tôi lẽ nào có thể khác đi, bởi tôi là đứa con của thời đại mình!” (Trích nhật ký ngày 1-1-1847 - sinh nhật lần thứ 24 của nhà thơ).
(*) Nguyên tác: “A hazáról”. Dịch từ bản tiếng Nga của N. Chukovsky (rút từ tuyển tập “Petőfi Sándor - Thơ và trường ca”, NXB Văn học, Moscow, 1971)