Orhan Pamuk: “VỚI TÔI QUÁ KHỨ LÀ NIỀM AN ỦI” (Phần 1)
- Thứ bảy - 08/11/2014 18:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khi tôi viết về quá khứ, tôi biết rõ độc giả cũng biết thực ra tôi đang nói về hiện tại, về xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại; đối với tôi quá khứ thực chất là hiện tại giả trang” – chia sẻ của Orhan Pamuk, nhà văn Thỏ Nhĩ Kỳ duy nhất hiện đang sở hữu giải Nobel Văn chương.
Nhà văn Orhan Pamuk
Lời giới thiệu: Orhan Pamuk sinh năm 1952 tại Istambul, trừ vài năm sống ở nước ngoài chủ yếu ông sống ở thành phố này. Khởi đầu học kỹ thuật, nhưng sau Pamuk lại tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Istanbul.
Bắt đầu viết văn từ năm 1974, tiểu thuyết đầu tiên của ông – “Cevdet bej và các con” - ấn hành năm 1979. Những tiểu thuyết đề tài lịch sử đa dạng của Pamuk mang cảm hứng Borges (Jorge Luis Borges, nhà văn Achentina, 1899-1986), Calvino (Italo Calvino, nhà văn Italia, 1923-1985), hay cả Marquez (Gabriel José García Márquez, nhà văn Columbia, 1928-2014) đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Orhan Pamuk được yêu thích cả trên quê hương mình và nước ngoài: được coi là một trong những đại diện xuất sắc nhất của “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, tờ “Guardian” còn liệt ông vào hàng 21 nhà văn hàng đầu của thế kỷ XX. Pamuk còn là nhà hoạt động xã hội tích cực: những bài báo, tản văn của ông được đăng trên các tạp chí tầm cỡ thế giới, thậm chí ông là một trong những người đầu tiên đứng về phía nhà văn bị săn đuổi Salman Rushdie.
Cho đến nay, Orhan Pamuk là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất được trao tặng giải Nobel Văn chương (2006). Nhân dịp tiểu thuyết “Bảo tàng ngây thơ” (*) - tác phẩm đầu tiên ông hoàn thành sau khi được trao giải thưởng cao quý này vừa được ra mắt tại Việt Nam, NCTG xin giới thiệu bài phỏng vấn ông do Lévai Balázs thực hiện (**), để bạn đọc có thể hiểu thêm về tác giả xuất sắc này của nền văn học thế giới.
*
Cho tới năm 22 tuổi tôi vẫn nghĩ mình sinh ra để trở thành họa sĩ. Lúc sáu, bảy tuổi - như mọi đứa trẻ khác - tôi cũng vẽ rất nhiều. Nhìn những bức tranh tôi vẽ, mọi người trong gia đình bảo tôi rất có năng khiếu, và sau này chắc sẽ trở thành họa sĩ. Thế là từ năm lên sáu đến lúc 22, tôi chỉ tập trung vào vẽ, hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành họa sĩ danh tiếng.
Tôi sinh ra trong một gia đình kỹ sư, ông nột tôi là kỹ sư đường sắt, vì vậy cả nhà nghĩ: được, nếu thằng bé không thành kỹ sư, nó lại có thiên hướng nghệ thuật, thì cho nó học kiến trúc, thành kiến trúc sư. Thế là tôi đăng ký vào khoa kiến trúc của một trường đại học kỹ thuật. Sau này, lúc 23 tuổi tôi bỗng nhận ra, đó không phải là thế giới của mình. Lúc ấy tôi quyết định sẽ trở thành nhà văn.
Nhiều người cho rằng kiến trúc và văn học đòi hỏi cách quan sát và tư duy khác hẳn nhau. Ông nghĩ trong quá trình viết văn ông có sử dụng được dưới dạng nào đó những kinh nghiệm đã thu lượm được ở khoa kiến trúc?
Tôi không muốn phóng đại tầm quan trọng của nó, nhưng ít nhiều là có. Sự tương đồng dễ nhận thấy nhất, theo tôi, là một cuốn tiểu thuyết tốt cũng cần được thiết kế trước. Điều quan trọng là nhà văn phải biết chính xác những gì sẽ xảy ra trong tiểu thuyết, tác phẩm sẽ kết thúc ra sao, thậm chí phải biết tất cả từng chi tiết của hành động. Tôi nghĩ chỉ có thể viết được tiểu thuyết tốt, nếu trước khi viết nhà văn đã thiết kế kỹ lưỡng mọi thứ.
Có lẽ với hội họa cũng vậy. Trước khi bắt tay vào việc, trước khi cầm cọ đi nét đầu tiên, người họa sĩ đã phải mường tượng được bức tranh sẽ ra sao. Và bức tranh trong tưởng tượng ấy càng chi tiết thì tác phẩm hoàn thành sẽ càng tốt hơn. Ít nhất đó là ý kiến của tôi. Tôi chỉ có thể làm việc theo cách như thế.
Như vậy nghĩa là trước khi ông ngồi viết thì trong tưởng tượng của ông tác phẩm đã hoàn thành?
Đúng thế! Tất nhiên dung lượng của não bộ con người cũng có hạn, và dĩ nhiên không thể lưu giữ từng từ của một tác phẩm sáu trăm trang. Nhưng nếu ta ghi chép càng nhiều, càng mường tượng rõ mình sẽ viết gì, thì tác phẩm sẽ càng tốt hơn. Và vì bộ nhớ của con người hạn chế, trong khi viết ta buộc phải tái sáng tạo tác phẩm. Một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo là nghịch lý: tái sáng tạo tác phẩm đã thiết kế và suy nghĩ từ trước.
Tôi biết các nhà văn không thích nói về những tấm gương của họ. Cho phép tôi hỏi, những tác phẩm của các nhà văn nào đã tác động tới ông nhiều nhất?
Có thể điều tôi sẽ nói bây giờ, nghe có vẻ ấu trĩ... Có lẽ vì sinh ra từ một vùng ven lề Châu Âu, mà tôi dễ bị cuốn hút bởi sự giản đơn địa phương (provincial) hơn. Tôi thán phục nhiều tác giả Phương Tây, hâm mộ Tolstoy, Dostoyevsky, Stendhal, Proust, Faulkner, Nabokov, Borges và Calvino. Thomas Mann cũng nằm trong số họ, nhưng Joyce thì không. Đó là những nhà văn tôi thích.
Nếu đã nói về văn học thế giới, chúng ta đang ở trong một tình huống thú vị: một phóng viên Hungary phỏng vấn một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ. So với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp thì cả hai nước đều ở bên lề đời sống văn chương quốc tế. Từ những vùng như vậy, nhà văn có những khả năng nào để hòa nhập vào văn học thế giới?
Gần như chẳng có gì. Với các nhà văn Hungary, tôi nghĩ, tình hình cũng như vậy. Theo tôi được biết thì hiện nay ở Hungary đã có bốn, năm nhà văn được quốc tế biết tiếng và công nhận, nhưng cách đây hai chục năm thì tình hình bên đó cũng giống như Thổ Nhĩ kỳ hiện nay.
Nếu một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết bằng tiếng Thổ, và xây dựng văn nghiệp dựa vào văn hóa Thổ, thì gần như không có chút cơ hội nào để quốc tế công nhận. Điều này làm chúng ta ngậm ngùi cay đắng, từ đó mà mối quan hệ của chúng ta với tiếng mẹ đẻ mang màu sắc dân tộc kỳ lạ nào đó.
Chúng ta tự khép mình lại, tự nhìn bản thân một cách bi quan: “Ta đâu cần cho độc giả Châu Âu, họ chẳng hiểu nổi tác phẩm của ta”, và ngay từ đầu chúng ta không tin các tác phẩm của chúng ta sẽ gặt hái thành công trên thế giới. Sẽ luôn luôn tồn tại một ý nghĩ bực bội, từ đó mà các nhà văn Thổ luôn phàn nàn: chẳng ai biết đến Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà văn Thổ.
Từ những điều ông vừa nói, có thể suy ra, một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungary, cần phải quyết định bám vào những truyền thống văn hóa dân tộc, hay từ bỏ chúng vì mục đích đạt được thành công quốc tế. Khi bắt đầu viết một tiểu thuyết, ông có quyết định bám sát những truyền thống văn hóa riêng, hay tốt hơn là viết một tiểu thuyết mang đặc tính Châu Âu hơn, phù hợp hơn với thị hiếu Châu Âu?
Đó là một vấn đề rất hệ trọng. Tôi thường tự đặt câu hỏi cho mình trước khi bắt đầu viết một tiểu thuyết mới: mình viết cho bạn đọc Thổ Nhĩ Kỳ hay viết cho độc giả quốc tế? Câu hỏi này, người ta thường đặt ra cho tôi cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở những nơi khác trên thế giới.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ câu hỏi có một chút hàm ý tiêu cực: giờ đây, khi sách của tôi được dịch ra nhiều thứ tiếng, phải chăng tôi không chỉ viết cho người Thổ, mà viết cả cho những người sống ngoài khu vực văn hóa Thổ? - Một số người ám chỉ tôi không còn là người Thổ đích thực nữa, vì tôi muốn nói với những người khác, muốn những người khác hiểu được các tác phẩm của mình.
Có thể chỉ là sự ghen tị, một phản ứng tự nhiên của con người.
Đúng! Có thể là họ ghen tị, nhưng tôi không quan tâm. Sự ghen tị luôn đồng hành với đời sống văn chương. Đó là một vấn đề khác, ta cho qua đi, đừng để ý đến nó.
Còn một vấn đề quan trọng hơn nhiều. Trong vòng hai chục năm trở lại đây, do toàn cầu hóa, số lượng sách dịch tăng lên rất đáng kể. Nhờ internet và các công ty xuất bản quốc tế, các nhà văn ngày càng có lượng độc giả hâm mộ đông đảo hơn trên thế giới, ngày càng được biết đến ở phạm vi rộng hơn, các tác giả cũng hiểu biết về nhau ngày một nhiều hơn, và bình diện của văn học thế giới ngày một rộng mở hơn.
Ví dụ: tôi có khoảng hai, ba nghìn độc giả Hàn Quốc, trong khi ở đó tôi không được coi là một tác giả nổi tiếng. Nhưng tôi vẫn đến được với độc giả bên đó. Đây là một hiện tượng mới. Trở lại với câu hỏi: liệu có phải trước hết tôi viết cho độc giả Thổ? Câu trả lời của tôi là: ngày nay, khi viết một tiểu thuyết mới, tôi biết, nó sẽ được đọc ở 25 nước. Tôi cố làm như không phải vậy, nhưng không thể không biết về điều đó.
Và ở Thổ Nhĩ Kỳ, dù sách của tôi được coi là bestseller, vẫn có hàng triệu người không đọc chúng. Tóm lại là tôi viết cho tất cả những người đọc sách của tôi, trong đó có cả người Thổ và người các dân tộc khác. Tôi không phải người dân tộc chủ nghĩa chỉ viết cho độc giả Thổ, mà không quan tâm đến bạn đọc ngoài nước. Tôi lưu tâm cả tới độc giả thuộc các dân tộc khác.
Về mặt lý thuyết mỗi nhà văn đều viết cho lượng độc giả toàn cầu do chính mình mường tượng ra. Tất nhiên dịch thuật lại là một vấn đề phức tạp hơn.
Qua những gì ông nói, dường như ông không hoàn toàn quan tâm tới biên giới quốc gia, ông suy nghĩ trên một bình diện khác: đối với ông chỉ tồn tại khái niệm “Người đọc”.
Đúng! Đó là một hiện tượng mới. Một trăm năm trước đây, khi Tolstoy được dịch ra nhiều thứ tiếng thì ai ai cũng đọc các tác phẩm của ông. Những tác giả như tôi, chỉ tạo ra lượng độc giả nhỏ trong văn học thế giới. Chẳng hạn ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, độc giả của tôi cũng là những người thích các tác phẩm của Borges, Thomas Bernhard hay Calvino. Họ không đông lắm, nhưng tôi vẫn tới thăm những nơi đó, vì tôi cảm thấy những lớp độc giả ấy thực sự muốn đến với văn chương có giá trị.
Đối với nhiều người, chủ ý đến mức như vậy là điều bất ngờ. Nhiều người phê phán ông có thể nói: Pamuk là một nhà văn rất có ý thức, có chủ ý sáng tạo cho thị trường quốc tế.
Vâng, đúng thế. Đó là ý kiến của những nhà dân tộc chủ nghĩa. Xét cho cùng, họ đúng ở chỗ, tôi là một nhà văn có ý thức, nhắm tới độc giả ngoài nước một cách có ý thức. Nhưng đồng thời - cũng với một chủ ý như thế -, những tác phẩm của tôi cũng được viết cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ lý luận cho rằng viết cho độc giả dân tộc mình là tự nhiên, còn viết cho độc giả quốc tế là một cái gì đó cố ý - đơn giản là không đúng.
Nghe ông nói về chuyện này thật lý thú, đặc biệt khi được biết những thành công ban đầu ông đạt được lại chính nhờ những tiểu thuyết lịch sử. Nhiều người cho rằng ông đã làm mới thể loại tiểu thuyết lịch sử bằng việc tiếp cận những sự kiện được đặt vào trong các thời đại lịch sử theo quan điểm trí tuệ hiện đại. Đối với ông, tại sao lịch sử có tầm quan trọng như thế? Lịch sử dạy chúng ta điều gì?
Tôi không tiếp cận lịch sử theo quan điểm thực chứng chủ nghĩa (positivisme), không đơn giản chỉ sử dụng lịch sử. Mối quan hệ của tôi với quá khứ rất lãng mạn. Đôi lúc, khi chán ngán thực tại, tôi muốn trốn vào quá khứ, vào tất cả những tình tiết của nó. Tất nhiên tôi nói về quá khứ Ottoman (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế - ND).
Nếu sống ở Istanbul, ở Thổ Nhĩ Kỳ người ta hay bắt gặp một lối suy nghĩ buồn bã thê lương, dân tộc chủ nghĩa: Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, nền văn minh Thổ Nhĩ Kỳ một thời hùng mạnh, nay đã mất. Tôi cũng cảm thấy sự mất mát này, cảm thấy một nỗi buồn tiếc nuối. Khi viết tiểu thuyết lịch sử, tôi muốn tái hiện quá khứ hào hùng ấy. Đối với tôi đây quả thực là một sự thôi thúc lãng mạn. Tôi không cố tận dụng lịch sử, mà muốn tận hưởng, muốn say mê hòa nhập vào thế giới quá vãng. Với tôi quá khứ là niềm an ủi.
Chính vì thế, tôi thích sử dụng lịch sử như một ẩn dụ của tình trạng xã hội hiện tại. Nhưng, cũng giống như Borges và Calvinó tôi tiếp cận những sự kiện lịch sử một cách nhẹ nhàng: tôi quay về quá khứ trong khi biết mình đang sống trong hiện tại, và tôi biết quá khứ đó do mình tạo ra. Tôi không thể dựng lên một quá khứ đúng như đã từng có, cũng không thể làm như mình đã sống trong quá khứ.
Người ta gọi đó là cách tiếp cận hậu hiện đại. Tất nhiên điều này không nhất thiết có chủ ý về phía tôi. Nhưng có thể diễn trò chơi lịch sử. Những câu chuyện của tôi không phải là các phim hóa trang Hollywood ăn khách những năm 50. Khi tôi viết về quá khứ, tôi biết rõ độc giả cũng biết thực ra tôi đang nói về hiện tại, về xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại; đối với tôi quá khứ thực chất là hiện tại giả trang.
Lịch sử đúng là một trò chơi của ông. Trong lời nói đầu cuốn “Lâu đài trắng” ông đã viết: ông cho in một văn bản được phát hiện ngẫu nhiên trong một thư viện sau mấy trăm năm, nhưng sau vài câu đầu thì chúng ta có thể chắc chắn đang đọc một văn bản hiện đại. Mục đích của ông là gì vậy khi sử dụng thủ thuật này?
Tôi viết lời nói đầu ấy cho cuốn “Lâu đài trắng”, vì tôi cảm thấy không thể bắt đầu kể câu chuyện một cách đơn thuần. Tôi muốn đưa hành động vào trong một bối cảnh, một khuôn khổ nào đó: “câu chuyện mà tôi sẽ kể nói về điều này điều nọ...”. Trong khi tôi nói phải chú ý tới điều này điều nọ, thì tôi biết, bạn đọc sẽ tự thấy không cần chú ý đến điều đó mà phải lưu tâm đến một điều gì khác nữa.
Giống như một trò chơi, từ đó mà hơi văn trở nên trào lộng (ironique): tôi viết một đằng, nhưng thực ra lại muốn nói một nẻo - điều đó có thể gây rối, nhưng tôi đâu có viết tiểu thuyết lịch sử cổ điển, hiện thực thế kỷ XIX, mà viết những câu chuyện nhẹ nhàng, trào lộng và hậu hiện đại thử nghiệm.
Trò chơi này còn có một mặt khác nữa. Với tư cách người đọc, tôi biết cuốn sách này do một nhà văn Thổ viết. Chuyện kể về hai chàng trai trẻ: một hodzsa (cha cố đạo Mohamedan) và một người Valence. Nhưng người kể chuyện lại là chàng thanh niên Velence, và như thế người đọc biết tới câu chuyện không qua giác độ của hodzsa, lẽ ra có vẻ hợp lý hơn. Phải chăng cách bố trí người kể chuyện như thế cũng phục vụ cho trò chơi?
Tôi nghĩ là ông đã đoán trúng. Tôi đã làm như vậy để gây nhiễu cho độc giả và bản thân tôi. Có lẽ tôi đã làm vậy vì tôi gắn bó với thành phố này, với nền văn hóa này tới mức tôi thường xuyên đi tìm cơ hội để có thể quan sát nó từ bên ngoài. Chính vì thế, với tôi, viết cho không riêng cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vấn đề - từ đó mà tôi có thể xem xét nền văn hóa của chúng tôi một cách phê phán lành mạnh hơn, điều đó tạo ra khả năng nhìn nhận sự việc từ giác độ khác.
Có những tác giả - như Nabokov, Rushdie, hay Conrad - đã đổi ngôn ngữ, văn minh, tổ quốc, và như thế họ có thể nhìn lại văn hóa mẹ đẻ dưới một nhãn quan khác. Tôi thì đã sống trong thành phố này năm chục năm, tôi gắn bó - có lẽ quá gắn bó - với nó. Vì vậy mà tôi muốn hóa thân vào một người khác, một người không liên quan gì đến nơi này, để có thể bằng đôi mắt xa lạ, nhìn rõ ràng hơn với thái độ phê phán các sự việc.
Nhưng không chỉ có thế. Trong tôi có một mơ ước trẻ thơ, đó là được đến những vùng đất khác, đất nước khác, thử sống một đời sống khác. Vì thế tôi luôn luôn đồng nhất với một nhân vật xa lạ. Tôi rất thích một tác phẩm của Conrad có tựa đề: “Under Western Eyes”. Tôi luôn cố gắng tưởng tượng xem những người Phương Tây nhìn chúng tôi như thế nào. Tôi thử nhìn lại chúng tôi bằng con mắt của họ từ bên ngoài. Tôi rất quan tâm xem họ nhìn nhận chúng tôi thế nào, và chúng tôi thấy họ ra sao.
Xem tiếp Phần 2.
Ghi chú:
(*) “Bảo tàng ngây thơ” (Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành, tháng 10/2014). Tiểu thuyết này được đánh giá là “xứng đáng là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn học thế giới”.
(**) Bài phỏng vấn được thực hiện trước khi Orhan Pamuk được trao giải Nobel Văn chương (2006). Bản Việt ngữ đã được đăng trong cuốn “Thế giới là một cuốn sách mở” (Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành, 2009).