OLGA BERGGOLTZ – “CÂY NGẢI ĐẮNG” CỦA NỀN THI CA XÔ-VIẾT (2)
- Thứ tư - 09/01/2008 00:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dầu thế nào mặc lòng, từ bấy giờ, Olga đã thề sẽ trở thành một nhà thơ thực sự, hơn thế nữa, là một nhà thơ của giai cấp vô sản. Mặc dù luôn có những linh cảm lạ lùng, khi ấy, người thiếu nữ trong sáng không hề biết rằng cuộc đời đầy biến động phía trước đang chờ đợi nàng với tất cả nỗi thống khổ cùng cực" (trích Phần 1 của bài viết)
Phần 2: NHỮNG MỐI TÌNH TRONG ĐỜI: SAY MÊ VÀ THỐNG KHỔ
Và thế là Olga dấn thân vào con đường xa xôi, kỳ ảo của Thi Ca.
Những năm đầu tiên bước vào đời, Olga đã từng rất thân thiết và ý hợp tâm đầu với người bạn thơ Iaroslav Smeliakov (1913-1972), nhưng đến khi gặp chàng trai 19 tuổi Boris Kornilov trong một lần sinh hoạt với bút nhóm có tên "Kế tục" vào tháng 2-1926, nàng đã rơi vào ánh hào quang của một tình yêu "từ cái nhìn đầu tiên".
Boris Kornilov, người chồng đầu của Olga Berggoltz
Vẫn còn là trẻ thơ, non nớt nhưng say đắm, cô thiếu nữ 16 tuổi Olga Berggoltz đã đón nhận tình yêu đầu như đón nhận số phận của mình. Chàng trai trẻ có vóc dáng nhỏ bé, đội mũ kepka, biết đọc thơ mình sáng tác một cách lôi cuốn và say sưa đã khiến trái tim nàng rung động. Họ yêu nhau và chỉ mấy tháng sau đã thành vợ thành chồng. Olga sinh được một cô con gái Irina, nhưng về sau bé bị bệnh mà mất khi mới tròn 8 tuổi (1936).
“Tính cách khắc nhau”, thậm chí thơ của họ cũng mang những đặc điểm đối chọi nhau, nói như Lev Anninsky (1), nhịp thơ nặng nề, trơn chuội của Kornilov ít có thể hòa hợp với cung đàn dâng trào thẳng băng của Berggoltz. Và vì thế (mà cũng chẳng chắc đã vì thế, bởi chuyện yêu đương rồi xa cách vốn dĩ luôn là điều bí ẩn), đôi tình nhân mê đắm này đã chia tay. Họ xa nhau, nhưng mối dây liên hệ sâu sắc giữa hai người vẫn còn, không lời, không hình ảnh, nhưng thiêng liêng đến mức khó hiểu. Mãi đến sau này, Olga vẫn không nguôi nhớ và đây đó trong các bài thơ, người ta vẫn mơ hồ hiểu Olga nhắc đến mối tình đầu của mình với niềm day dứt khôn nguôi. Sở dĩ người viết bài này dùng từ “mơ hồ” vì chỉ duy nhất có một bài thơ nữ sĩ ghi rõ “Gửi Boris Kornilov” (mà nhà thơ Bằng Việt tạm đặt tên là “Bài thơ cuộc đời”), sáng tác năm 1940, sau khi Kornilov đã mất được hai năm. Bài thơ này đã trở thành huyền thoại trong lòng người yêu thơ Việt Nam, qua bản dịch uyển chuyển và rất thành công của nhà thơ Bằng Việt (2).
Khi viết bài thơ này, Olga mất liên lạc với Boris đã lâu, chỉ được biết rằng anh bị bắt – không ai rõ Kornilov bị đi đày giữa chốn Gulag xa hút, hay đã bỏ mình? Olga kiên nhẫn chờ đợi tin người, và không một phút nào tin vào cái chết của Boris Kornilov:
Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu
rằng anh đã qua đời, anh hãy tin em nhé
Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí
em bây giờ thường nhìn thấu được ra
(“Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu”, 1938*)
Boris Kornilov và Olga Berggoltz, năm 1929
Đến Leningrad vào năm 1925, chàng trai 18 tuổi từ thành phố bên sông Volga đã từng rất nổi tiếng, là “cái hy vọng” của nền Thi ca Xô-Viết trẻ như lời khẳng định của nhiều người tại Đại hội lần thứ I các nhà văn Xô-Viết. Tháng 4-1925, “Ra biển!”, bài thơ đầu tiên của Boris Kornilov được đăng tải và rất được khen ngợi. Ảnh hưởng khá sâu sắc phong cách Esenin, nhưng anh vẫn giữ được cho mình nét riêng không trộn lẫn. Đó là những câu thơ mang nhịp điệu khá gập ghềnh, đôi lúc trúc trắc, khó đọc. Thi phẩm nổi tiếng nhất thời đó của Kornilov là “Bài ca chào đón” (1931) được nhạc sĩ tài danh Shostakovich (cũng là nhạc sĩ yêu thích nhất của Olga) phổ nhạc trong bộ phim “Người đón chờ” (1932):
Ban mai đón ta bằng hơi giá
Dòng sông đón ta bằng gió xa
Cô gái tóc quăn hỡi, cớ sao em vẫn
Không vui nghe tiếng còi tàu?
Đừng ngủ nữa, tóc quăn ơi, hãy dậy mau
Những đội thợ đã vào phân xưởng
Đất nước bừng dậy cùng vinh quang
Đón chào ngày mới
(Olga có mái tóc xoăn vàng óng rất đẹp và ngay ở bài thơ mang âm hưởng ngợi ca cuộc sống mới này, nàng vẫn hiển hiện bên chàng!)
Suốt hơn hai thập niên, cả nước hát bài ca ấy, ngợi ca nhịp điệu làm việc sôi nổi của một ngày mới trên đất nước Xô-viết. Có ai ngờ, chờ đón tác giả của nó lại là một ngày đen tối! Boris trở thành một trong những cái đích ngắm của nạn bạo hành thời Stalin sau khi anh viết bài thơ "Ngày cuối cùng của Kirov" (3). Vì bài thơ này, anh bị khép vào tội “phản cách mạng”. Năm 1936, Kornilov bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Xô-viết. Tháng 3-1937, nhà thơ bị bắt. Thi phẩm cuối cùng của anh được đăng là những vần thơ về A. Pushkin. 20-2-1938, nhà thơ vĩnh viễn không bao giờ còn được làm thơ nữa: Boris Kornilov bị xử hình. (4)
Từng là người thân của Boris, mặc dù đã rất xa, Olga Berggoltz vẫn không tránh khỏi liên lụy. Bà cũng rơi vào chốn ngục tù khi đang mang thai đứa con trai nhỏ, để rồi vĩnh viễn mất đứa bé cùng quyền làm mẹ. Về điều này, chúng ta sẽ còn trở lại vào các phần sau.
Trong một tác phẩm của mình viết năm 1935, Boris Kornilov nhắc đến Olga với giọng thơ tha thiết đầy tiếc nuối:
Người thương ơi, em tìm được ai rồi?
Mà ngân nga bài ca trong trẻo
Thủ thỉ tâm tình... thay thế cho kẻ
U uẩn một thời… là tôi
Em đã hôn ai rồi
Bên dòng Dunai, bên dòng Oka nước mát
Trên bến đợi, bên bờ đổ nát
Bên dốc đứng kia nơi ào ạt sông này
Anh chàng ấy sẽ cao thấp béo gầy?
Xuân tới chàng ta bao nhiêu tuổi?
Có dám bước đến đây đàng hoàng không bối rối
Giản dị cất tiếng chào tôi?
(“Tôi từng có người thương”, 1935 )
Có một điều thú vị là, cho dù bài thơ được viết từ năm 1935, nhưng nhiều hình ảnh nhắc nhở về cô đoàn viên Olga trẻ trung, trong sáng như thiên thần mà Boris gọi là "người vợ có đôi cánh trắng", cũng như những nơi nàng bước chân qua trong trí tưởng tượng của anh - tất cả đều từng có thực trong cuộc đời của Olga sau này, hệt như một sự tiên tri, một điềm báo.
Chúng ta gặp lại những "bến đợi, bờ đổ nát, dốc đứng, dòng sông" trong thơ của Olga viết trong thập kỷ 40-50 của thế kỷ trước. Đó cũng là tiếc nuối:
Tìm về bờ dốc cũ xưa
Đối mặt tận cùng số mệnh
Hạnh phúc một thời chống chếnh
Là tôi... nhiều năm qua rồi
Biển xanh biếc tận chân trời
Hoàng hôn màu đồng ngút ngát
Hoa cỏ dưới chân xào xạc
Lại như... nhiều năm qua rồi
Cũng hương bạc hà khắp nơi
Cũng tiếng én kêu não ruột
Làm sao lấy lại, anh ơi
Những gì thân thương đã mất?
( “Cánh én bên bờ dốc đứng”, 1940)
Đó cũng là một giấc mơ yêu:
Một bến đợi lạ lùng trong đêm tối cuối trời
Lửa sáng trên bờ, lửa ở sâu đáy nước
Ai đó tôi không quen đứng chờ đây từ trước
Mà từ xa tôi cũng có thể nhận ra
Chỉ một phút nữa thôi tôi sẽ nghe thấy người ta:
“Em đây rồi. Anh đến với em, em có biết?”
Phút đầu tiên tôi không thốt nên lời gì hết
Chỉ chìa tay đón số phận của mình...
(“Lại một mình đơn độc lên đường”, trích “Chùm thơ về sông Đông – sông Volga”, 1950)
Phải chăng, nàng Olga năm nào và mối tình say đắm đầu tiên vẫn thấp thoáng sống dậy trong suốt cuộc đời gian truân của nữ sĩ Berggoltz?
Và mãi về sau, Olga vẫn thường xuyên qua lại thăm nom thân mẫu của Kornilov, âu yếm gọi bà là “mẹ”.
*
Mối tình thứ hai - Nikolai Molchanov - đến với Olga rất giản dị, nhưng lâu bền, và, như bà nói, là "mãi mãi".
Em lấy được anh của cuộc đời
Như tia lửa bắn ra từ đá cuội
Để rồi chẳng chia rời,
Để rồi anh yêu em mãi mãi.
(“Em lấy được anh của cuộc đời”, 1936)
“Mãi mãi” – từ này tưởng chừng dễ nói ra giữa những người đang yêu, cũng dễ trở thành là “đầu môi chót lưỡi”. Nhưng với Olga, đến cuối đời, bà đã một lần nữa nhắc đến người chồng thứ hai của mình với từ “mãi mãi”. Bà luôn cảm thấy mình là “người vợ góa” của ông, kể cả khi bà đang hạnh phúc với mối tình thứ ba, mối tình cuối đời:
Hôm nay đây em đã ngoái nhìn.
Và bỗng thấy: hướng về mình từ lòng băng giá
Người bạn đời còn sống với đôi mắt có hồn rất lạ
Người duy nhất của em – mãi mãi, muôn đời
…
Là vợ người ta - với tất cả những ai đang sống
Với riêng chúng mình – em là vợ góa của anh.
(“Ôi xin đừng ngoái lại phía sau”, 1947)
Olga Berggoltz và người chồng thứ hai, Nikolai Molchanov, tại Alma-Ata (năm 1930)
Năm 1926, Olga Berggoltz theo học khóa nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật và năm 1927, bà được tuyển vào học ngành báo chí khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Leningrad. Ở đó, sau khi chia tay với Kornilov năm 1930, bà gặp Nikolai Molchanov (1909-1942) và đi bước nữa cùng ông. Buổi đầu bày tỏ tình yêu giữa đôi trai gái cũng vẫn xúc động không khác gì lần yêu đầu: một buổi sớm mai trên con đường dọc bờ sông vắng thưa người qua lại, không khí nao niết mùi hương tỏa ra từ những rặng thông, tiếng hải hâu kêu chao chác từ xa… thấp thoáng cánh trắng dập dềnh phía bầu trời ửng đỏ của rạng đông. Cảnh tượng ấy đã chứng kiến mối tình "mãi mãi" của Olga Berggoltz và Nikolai Molchanov. Hai con người trẻ tuổi cùng làm việc miệt mài bên nhau ở Alma-Ata (Kazakhstan) - khi ấy Olga là phóng viên báo “Thảo nguyên Xô-viết”, cùng chiến đấu trong vòng phong tỏa của phát-xít Đức ở Leningrad và cùng chung sức trong rất nhiều dự định.
Nikolai là nhà nghiên cứu văn học. Tác phẩm cuối cùng của ông - “Năm nhà thơ” - vẫn còn dang dở vì chiến tranh, và vì… cái chết! Đầu năm 1942, khi nạn đói hoành hành đến cực điểm trong thành Len, Nikolai Molchanov đã qua đời, trong đau đớn. Olga, người phụ nữ kiên gan chịu đựng đói, khổ, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong những ngày đêm Leningrad bị bao vây, đã “khóc một lần cho cả 900 ngày đêm ấy”. Người vợ góa của Molchanov, khi đó tuyệt vọng cùng cực, đã đi bộ băng qua nửa thành Len chết chóc để đến ngồi bên cha - bởi lẽ, cũng như thời thơ ấu, người cha vẫn là nơi bấu víu về tinh thần của bà. Trong hồi ký “Những ngôi sao ban ngày”, Olga kể:
“Cha im lặng, tôi có cảm tưởng, im lặng rất lâu, mà cũng có thể là chỉ vỏn vẹn vài giây thôi. Cha hiểu tại sao tôi lại tìm đến người. Cha vẫn biết Nikolai đã vào viện. Và người chậm rãi bước ra khỏi cái barie, đứng trước mặt tôi và, cúi đầu rất thấp, yên lặng hôn tay tôi. Đoạn, ngẩng phắt đầu lên, nhìn vào mắt tôi bằng ánh nhìn điềm tĩnh, hình như có đôi chút lảng tránh sang hướng khác và khẽ nói:
- Nào, đi thôi bé con, cha sẽ cho con uống chút nước nóng. Có thể cha con mình chế món gì ăn nhỉ!... – Rồi ông nói thêm, hơi nhếch mép cười: “Món shi thì lại hơi mặn…” (5)
Tôi hiểu câu lẩy đó của ông và nghe thấu được tất cả sự cay đắng. Cha rất yêu quý Nikolai. Nhưng cha con tôi không nói thêm lời nào nữa, kể cả về anh lẫn về cái chết.”
Số phận quả đã cay nghiệt với Olga. Bi kịch của người chồng đầu tiên Boris Korinilov, cái chết của hai bé gái: Irina và Maia (Maia là con gái của Olga với Nikolai Molchanov, cô bé mất vì bạo bệnh khi vừa mới biết cất lời gọi “Mẹ”), mất đứa con út ở trong tù khi còn là một bào thai..., và bấy giờ, mất người bạn đời tri kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà sau này, Olga luôn luôn lo sợ, rằng tất cả những người bà yêu mến đều bỏ bà mà ra đi.
Thế nhưng, cuộc sống dẫu vô vàn khó khăn, khốc liệt, nhưng quý giá vô cùng, vẫn còn đang ở phía trước. Và Olga Berggoltz đã sống, đã đứng vững một cách xứng đáng, là chỗ dựa tinh thần của biết bao con người thành Len năm ấy. Bà làm được tất cả những điều ấy nhờ có tình yêu:
Tình yêu của anh kỳ diệu vô chừng
Khiến em phải ngẩng cao đầu và sống
(“Ngày 29 tháng Giêng năm 1942”)
*
Về sau, không chỉ một lần, Olga đã nhắc đến việc viết tiếp phần hai cuốn “Những ngôi sao ban ngày”, trong đó, bà nói, “tôi sẽ viết nhiều về người bạn, người chồng của tôi – Nikolai Stepanovich Molchanov. Tôi chưa từng biết người nào tuyệt vời và cao cả hơn con người ấy. Phóng khoáng, độ lượng, tuyệt vời, một con người rất kiêu hãnh”.
Và cũng không phải một lần, Olga cảm thấy mình có lỗi với người, khiến những giấc mơ không tròn và trái tim không thôi thao thức:
Anh đi qua những trận chiến, trại tập trung Maidanek, địa ngục tối mò
xuyên qua những lò thiêu say lửa cười nghiêng ngả
qua cái chết của chính mình anh tìm về thành Len sỏi đá
đến được nơi này vì anh rất yêu em
Anh tìm được nhà em, em đang sống êm đềm
không ở nhà chúng mình xưa mà trong ngôi nhà khác,
và người chồng mới bên em – thực tại làm anh ngơ ngác,
ôi sao anh chẳng ngờ đến sự hiện diện của người?!
…
Bạn đời của em ơi, - xin tha thứ cho em tiếng nghẹn ngào vô tình không trông đợi,
từ lâu rồi em không biết nữa đâu là thực là mơ…
(“Bội bạc”, 1946)
Người chồng thứ ba của Olga Berggoltz: Georgi Makogonenko
“Người chồng mới” mà Olga nhắc đến trong bài thơ trên là nhà ngôn ngữ học Georgi Makogonenko (1912-1986), người mà, không hiểu sao, sau này các nhà viết tiểu sử Olga thường tránh nhắc đến tên. Dường như người ta ngầm lên án ông về sự dằn vặt tâm hồn của Olga thể hiện trong các bài thơ viết về tình yêu cuối đời, về sự cô đơn của bà lúc tuổi già. Mà chính Olga cũng chưa bao giờ đề tặng ông bất cứ một bài thơ tình nào, cho dù, vì ông, bà đã từng viết những vần thơ “âm thầm ghen tuông cay đắng”. Thế nhưng, không thể phủ nhận được một điều rằng, tình yêu thứ ba này, tuy không làm mờ đi mối tình âu yếm trong quá khứ với Boris Kornilov, không khiến bà nguôi quên mối tình sâu đậm kéo dài “mãi mãi” với Nikolai Molchanov, thì vẫn từng là bàn tay chìa ra nâng đỡ tinh thần bà trong những giờ khắc hoang mang:
Anh đã nhận lấy người đàn bà u sầu, không mềm dịu
Người có ý nghĩ tối tăm, cơn mê dại nặng nề
Có nỗi niềm góa bụa không xóa được đau tê
Có nghiêm túc một tình yêu chưa từng qua đi hết
Nhận lấy về mình không mưu cầu niềm hoan hỉ
Miễn cưỡng nhưng vì yêu anh đã nhận về….
(“Đã nhận lấy…”, 1942)
Theo Lev Anninsky, Georgi Makogonenko đã làm mọi cách để Olga bình tâm lại, thậm chí, lấy quyền của một phó Phòng Văn nghệ BBT Đài Phát thanh Leningrad (nơi Olga làm việc suốt thời gian thành Len bị phong tỏa), ông đã “lệnh” cho bà phải viết cho xong thi phẩm “Trường ca tháng Hai” kịp ngày lễ Quân đội 23-2-1942. Bởi ông nhìn rõ, chỉ có công việc mới cứu được Olga khỏi nỗi đau riêng. Bản trường ca ấy đã cứu được Olga, trả lại sự bình tâm cho bà, cũng như cứu được rất nhiều người đàn bà góa khác của Leningrad khỏi chìm đắm trong hồi ức đau thương. Và tình yêu, cho dẫu đầy ắp ghen tuông, day dứt, thì vẫn cứ là “hạnh phúc”.
Hai người chính thức hóa quan hệ vợ chồng vào ngày 20-2-1949 (một sự trùng hợp kỳ lạ: đây cũng chính là ngày mất của Boris Kornilov!) mặc dù trước đó, ngay từ năm 1942, họ đã chung sống dưới một mái nhà. Con trai riêng của Georgi và thân phụ ông cùng sống với họ. Tổ ấm mới của Olga có đầy đủ những gì từ lâu bà thầm mơ ước. Đó là một căn hộ xinh xắn với những tiện nghi thường nhật của một gia đình, với “bàn giải khăn ren họa tiết nhẹ nhàng” (6), với những buổi tối tiếp đón khách thơ đông vui sôi nổi. Và hai vợ chồng cùng viết chung những vở kịch về Leningrad thời chiến; “Họ đã sống ở Leningrad” (1944), “Trên mảnh đất của chúng tôi…” (1947), kịch bản phim “Bản hợp xướng Leningrad” (1945), những trang bút ký đăng tải nhiều kỳ trên tờ “Tin tức” (Izvestia) “Dòng thơ Nga” (13-8-1944), “Phụ nữ Nga” (19-8-1944)…
Theo hồi ký của I. Glikman, nhà nghiên cứu nghệ thuật Nga, thì thời bấy giờ, Georgi thường tham gia làm việc ở xưởng “Lenfimlm”: “Những cô diễn viên trẻ đẹp thường tìm mọi cách làm quen với Iura (tên thân mật của Georgi) Magokonenko. Họ mê không phải là cái sự hoạt động nghệ thuật của ông mà là vẻ bề ngoài của Iura. Ông cao lớn, cân đối, đẹp trai, có đôi mắt xám tuyệt diệu, mái tóc dày tuyệt vời, những ngón tay dài thanh mảnh. Mà ăn mặc thì rất đỏm dáng”.
Từ tháng Năm đến tháng 10-1949, Olga đi thực tế ở làng Rakhino tỉnh Novgorod. Tại đây, bà đã viết những dòng lo âu vào nhật ký của mình, linh cảm về sự không bền vững của mối tình này:
“… Những cô gái trẻ dễ thương – những cô giáo có khi còn ít tuổi hơn Irka (tên gọi âu yếm của con gái đầu lòng đã mất) – giờ là những đứa con của mình.
Nhìn họ, điều đầu tiên cảm thấy là sự ghen tị với sức trẻ tươi mới của họ, với sự quyến rũ của họ - chắc là tuổi già đã chớm đến rồi, và mình cảm thấy rất rõ là Iura – người hãy còn trẻ và rất đẹp trai, rồi cũng sẽ muốn có những cô nàng như thế…, mà biết đâu anh đang có rồi chăng…[…] Mình ở đây đã 7 ngày rồi mà Iurka chẳng gửi lấy một tấm bưu thiếp, chẳng có lấy một bức điện. Ôi, rồi mình sẽ được nhận từ anh ấy điều tệ hại cuối cùng, nỗi buồn đau kinh khủng nhất – anh ấy sẽ bỏ mình, sẽ đi theo cô khác…
Giá mà được tự do! Muốn quá tự do, thoát được những ghen tuông, thoát được cả tình yêu, thoát khỏi những ý nghĩ về anh ấy!”
Không phải ngẫu nhiên mà Olga đã viết trong thi phẩm “Em thầm cay đắng ghen tuông” (1949), tả lại tâm trạng khổ sở lụy tình của một người đàn bà:
Em giấu giếm nỗi niềm khổ sở
Của hờn ghen xuống tận đáy tâm hồn
Tưởng tới anh cùng một cô gái nhỏ
Không phải mình - tươi sáng, đáng yêu hơn!
và hoang mang:
… Giờ thốt nhiên em như chẳng là em
Ít nói, ít cười, đùa những lời cay độc
Mọi người thương hại em, và bỗng chốc
Họ không còn chia sẻ những niềm vui
Giữa cuộc chơi em chợt nghẹn lời
Đưa mắt nhìn về miền mông lung bí ẩn
Trong giây lát em đã xa vạn dặm
Cô độc vô cùng với nỗi lòng riêng
Nơi nhạt nhòa ánh sáng không tên
Khẽ run rẩy trong khí trời ẩm ướt
Nếu khi ấy anh gọi em thảng thốt
“Em ở đâu?” … Em cũng chẳng quay về
để rồi cất lời khẩn khoản người thương:
Anh yêu ơi giữa bao điều vô thức
Hãy nhắc thật nhiều rằng anh rất yêu em
Em lại trở về giản dị đáng yêu thêm
Em sẽ không còn ghen tuông cay đắng nữa
Những câu thơ này không phải được thốt ra vào một giây phút bất chợt, chúng phản ánh sự dằng xé day dứt trong tâm hồn của bà từ rất lâu.
Đó là bản đầu tiên của bài thơ “Em thầm cay đắng ghen tuông” in trên tạp chí “Thế giới mới” (Novyi Mir). Sau này, khi in cuốn “Nút thắt” (Uzel) (7), Olga đã sửa lại một cách cay đắng như thế này: "Em sẽ thôi không còn bất hạnh, nghiệt ngã và đau buồn…"
Bà sống những ngày sau với Makogonenko bằng một tình yêu thái quá và bất an. Và cái kết cục bà luôn lo sợ đã đến. Năm 1959, tình yêu cuối cùng trong đời nữ sĩ đã ra đi. Makogonenko bỏ người vợ thi sĩ để đến với một cô gái trẻ “tươi sáng, đáng yêu hơn”. Dù đã linh cảm trước được mất mát bằng trái tim nhạy cảm với khổ đau của mình, thì Olga vẫn rơi vào trạng thái trầm uất. Không chịu nổi, bà từng kêu lên trong những trang nhật ký của mình: “Đừng giày vò tôi nữa, hỡi người/ Người không bị lãng quên, người không xứng với dòng thơ tôi viết/ Người không khiến ai phải than tiếc,/ không bị giặc giết/ Không rơi vào vòng tay của bất hạnh khốn cùng…”
Có cảm giác rằng, những tủi khổ trong đoạn đời cũ chưa bao giờ làm bà kiệt quệ về tinh thần đến thế. Lẽ chăng là, mọi bất hạnh đều có thể chịu đựng được nếu trong tim lưu giữ được tình yêu? Chỉ đến bấy giờ, tình yêu hiện tại lụi tắt, bà mới rơi vào mép vực của cái chết – cái chết về tinh thần. May thay, Olga đã chạm được “bàn tay giải cứu” chìa ra với mình từ… những vần thơ. Bà đặc biệt xúc động khi đọc Marina Svetaeva, những vần thơ về sự chia ly:
Mới hôm qua còn chìm trong mắt em đây
Bây giờ đã nhìn sang phía khác
Mới hôm qua còn ngồi bên em đợi tiếng chim gọi sáng
Giờ sơn ca thành quạ cả rồi anh.
…
Những con tàu đưa người yêu dấu đi rồi
Con đường trắng mang người đi mất hút
Và tiếng nức nở ngân vang khắp nơi trên trái đất:
“Anh yêu, em đã làm gì anh?”
(“Mới hôm qua”, 1920)
Olga Berggoltz thời Đệ nhị Thế chiến (1943)
Những ngày này, trên môi Olga không ngừng ngân lên những bài thơ tình yêu của Martynovski, của Pasternak, của Marina Svetaeva… Dường như, đó là “liệu pháp tinh thần” của bà vậy, để thấy mình không đơn độc chịu đựng nỗi đau chia lìa. Và cuối cùng, đương nhiên, bà tìm quên trong… thuốc lá và rượu. Thực ra, bà bắt đầu uống từ lâu, ngay từ khi bắt đầu chung sống với Georgi Makogonenko và thói quen xấu này đã khiến miệng lưỡi thế gian xúc xiểm bà khá nhiều. Họ thêu dệt đủ điều. Thật đau lòng khi tưởng ra cảnh người phụ nữ phúc hậu dịu dàng này chìm trong cơn mộng của ma men. Nhưng, nhìn lại những gì bà trải qua, chúng ta hoàn toàn hiểu bà. Đôi khi, cơn mê lại đem tới cho tâm hồn những khoảng lặng cứu rỗi vô cùng cần thiết.
Tuy vậy, Olga không chìm mãi trong “rượu, mê, quên”. Bà còn làm việc, làm việc say mê, hết lòng, hết sức cho đến cuối đời. “Cây ngải đắng” của nền Thi ca Xô-viết trong mọi nỗi bất hạnh vẫn sống, vẫn nở hoa, vẫn tỏa mùi hương cay cực cùng đời:
Đời đã chia cắt đôi ta đã khiến mình xa mãi
Em vẫn tin anh sáng trí sáng lòng
Nhưng chưa bao giờ chạm tay vào mảnh đất kiệt cùng
Hẳn anh chưa từng biết mùi ngải đắng
Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
Ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
Đã trở thành niềm cay cực của riêng tôi
Từ những cửa đập bê tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
Mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi
Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời
Trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước.
(“Những lá thư viết trên đường”, 1952-1960)
(*) Những đoạn thơ dịch trong bài viết này là của Thụy Anh.
Ghi chú:
(1) Lev Aleksandrovich Anninski (1934-): nhà phê bình văn học và điện ảnh Nga, tác giả bài nghiên cứu “Olga Berggoltz: “Tôi... người vợ góa của thành Leningrad” (tạp chí “Neva” số 6, 2005).
(2) Tuy nhiên, ở đây, tôi vẫn muốn nhắc đến một câu trong nguyên bản chỉ để thấu hiểu thêm số phận của một con người và, hơn thế, cả một mối tình. Dịch ý câu thơ ấy: “Bây giờ, anh có lý, ơi người đầu tiên, người đã xa mất dấu của em!” Ý thơ này nằm trong đoạn:
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu, bây giờ anh có lý
Dù chuyện xong rồi, Anh đã xa cách thế!
"Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo..."
(“Bài thơ cuộc đời”, 1940 - Bằng Việt dịch)
Xin nhấn mạnh: "Người đầu tiên, người đã xa mất dấu" (dịch sát nghĩa hơn là "mất tích") - Olga muốn ngầm nhắc ý "mất tích", không có tin tức gì về Kornilov thời gian từ sau ngày ông bị bắt.
(3) Sergei Kirov (1886-1934), lãnh tụ Xô-viết, giữ chức bí thư Thành ủy Leningrad từ năm 1926. Từ đầu thập niên 30 thế kỷ trước, Kirov rất được ưa chuộng trong Đảng Cộng sản Liên Xô và vì thế, trở thành đối thủ của Stalin. Cái chết của ông vào đầu tháng 12-1934 (nhiều sử liệu cho thấy có thể Stalin đã tổ chức vụ ám sát này) được coi là sự kiện mở đầu của chiến dịch đại thanh trừng, đại khủng bố xảy ra ở Liên bang Xô-viết những năm sau đó.
(4) Ngày 5-1-1957, Boris Kornilov được phục hồi danh dự sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, sau khi bản báo cáo mật của Khrushchev về Stalin được công bố.
(5) Lấy từ tích truyện "Shi" (món xúp bắp cải chua) của văn hào Nga Ivan Turgenev (1818-1883), viết năm 1878. Đó là câu chuyện kể về nỗi đau của người mẹ trong ngày chôn cất đứa con trai độc nhất của mình. Khi đó, người nhà giàu ngạc nhiên thấy bà ngồi ăn món shi, và nói rằng: "Món shi hơi mặn" mà không hiểu rằng nó mặn vì đẫm nước mắt của người mẹ, không phải do muối.
(6) Ý trong bài thơ “Chẳng có gì trở lại…” (1947).
(7) Xuất bản năm 1965, tuyển các thi phẩm của Olga sáng tác trong giai đoạn 1937-1964.