Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhân 50 năm ngày ra mắt “Bác sĩ Zhivago” (1): MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ BORIS PASTERNAK (1890-1960)

(NCTG) Boris Pasternak, nhà thơ, nhà văn, dịch giả kiệt xuất Nga sinh năm 1890 tại Peredelkino, một thị trấn gần Moscow. Ông được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một môi trường văn hóa: thân mẫu ông là nghệ sĩ dương cầm, còn thân phụ là họa sĩ, dạy bộ môn Hội họa và là thành viên Hàn lâm viện Nghệ thuật Petersburg.

Boris Pasternak (1890-1960)

Căn nhà của gia đình Pasternak là nơi lui tới thường xuyên của Rachmaninoff, Leon Tolstoy, Alexander Scriabin, Rainer Maria Rilke..., những yếu nhân của giới văn nghệ lúc bấy giờ.

Thời nhỏ, Pasternak vẽ rất giỏi; ngoài ra, ông thích và có năng khiếu âm nhạc. Là học trò của Scriabin trong một thời gian, Pasternak có nguyện vọng trở thành nhạc sĩ. Tuy vậy, sau đó ông lại theo học và tốt nghiệp khoa Lịch sử - Triết học tại Đại học Moscow.

Pasternak cho ra đời những bài thơ đầu tay vào năm 1911. Sau năm 1914, ông theo trường phái vị lai (chủ trương phá bỏ hình thức cũ, chống lại quá khứ và đề cao vai trò của tuổi trẻ, của tương lai) và được biết đến từ đó. Pasternak hồ hởi đón chào sự kiện tháng Mười 1917: ông coi đó là sự nổi loạn của con người nhạy cảm, sự giải phóng của thiên nhiên, của cuộc sống. Tập thơ “Chị tôi - cuộc sống” (1917) khiến ông nổi tiếng trên văn đàn Nga.

Boris Pasternak và Korney Chukovsky tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Nhà văn Liên Xô (1934)

Từ đó, Pasternak được độc giả Nga vô cùng mến mộ. Ông còn được đánh giá cao bởi các bậc "trưởng lão" trên văn đàn. Gorky cho rằng "anh ấy [Pasternak] chẳng những là một thi nhân trữ tình lớn, mà còn là một nhà thơ xã hội thực thụ, theo nghĩa đẹp nhất của từ này". Mayakovsky nhận định "[Pasternak] là đại diện kiệt xuất nhất của nền thi ca mới, của những cách tân vô cùng nhạy cảm". Ngay Bukharin - nhà lý luận bôn-se-vích xuất sắc, được Lenin coi là "con cưng của toàn đảng [Cộng sản Liên Xô]" - cũng tuyên bố trong Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô (1934) rằng "[Pasternak] là nhà thơ đại diện cho kỷ nguyên Xô-viết" và khuyên các nhà thơ "vô sản" "hãy theo xu hướng Pasternak."

Cạnh những thi phẩm, Pasternak còn là một dịch giả tài ba: ông đã chuyển ngữ rất thành công nhiều tác phẩm của Goethe, Shakesspeare, Shelley, Verlaine, Petőfi, Keats... ra tiếng Nga. Phương Tây đánh giá ông là một nhịp cầu vĩ đại trong việc đưa chở những giá trị văn hóa Tây phương đến nước Nga xa xôi.

Sau một thời gian, Pasternak cảm thấy thất vọng với chế độ mới. Dù được trọng vọng, ông cảm thấy mình không thích hợp với vai trò "đại diện văn hóa cho nền văn hóa cách mạng" (ông thở phào khi biết rốt cục, vai trò đó được Stalin trao cho Mayakovsky). Từ đầu thập niên 30, Pasternak nghiền ngẫm và chuẩn bị cho ra đời một tác phẩm lớn, dài hơi về đề tài thân phận và tình yêu của con người trong cảnh binh đao đọa đày.

Tuy rất thành công trong thi ca, song thế giới thường biết Pasternak như tác giả cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, được ông khởi sự năm 1933 và hoàn thành năm 1955. Tác phẩm vĩ đại này chứa đựng những yếu tố tự sự rõ rệt về số phận một con người rối bời trong cơn lốc của cách mạng (tháng Mười) và không tìm được chỗ đứng trong thời kỳ nội chiến Nga. Nhận vật chính, bác sĩ Yury Zhivago - một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa Nga - đã không thể chấp nhận cuộc cách mạng, không tìm thấy nghĩa lý cuộc đời trong đó; thụ động, anh đành để thời cuộc làm tan nát số phận và tinh thần mình. Lara, nữ nhân vật chính trong cuốn sách chính là hóa thân của Olga Ivinskaya, người bạn đời, tình yêu lớn của tác giả trong những năm cuối của đời ông. Với sự biểu cảm phi thường trong nghệ thuật, Pasternak đã rất thành công trong việc phác họa một nước Nga triền miên trong khói lửa chiến tranh, đói khổ thời kỳ 1903-29 (phần vĩ thanh diễn ra trong Thế chiến thứ Hai) với những con người mang tâm thức lưu đày trên chính quê hương mình.

Pasternak gửi bản thảo cuốn sách cho BBT tạp chí “Novy Mir” (Thế giới mới), nhưng bị từ chối vì "độc giả Liên Xô có thể nghĩ tác phẩm này chống lại những thành quả của cách mạng Tháng Mười và chế độ Xô-viết". Chỉ sau đó, ông mới tìm cách chuyển nó đến Feltrinelli, một nhà xuất bản "cánh tả" ở Milan. Năm 1957, “Bác sĩ Zhivago” được ấn hành ở Ý và sau đó, tại hàng loạt nước phương Tây. Lần đầu tiên, thế giới biết đến Pasternak như một văn hào lớn, người kế tục xứng đáng truyền thống văn xuôi cổ điển Nga thế kỷ trước.

Thoạt đầu, sự kiện này không gây chấn động gì đáng kể ở Liên Xô. Báo chí Xô-viết lờ tịt đi những gì xảy ra. Nhưng vào năm 1958, khi Hàn lâm viện Thụy Điển tuyên bố giải Nobel Văn chương được trao tặng cho Pasternak (1), giới lãnh đạo chính trị và văn hóa Liên Xô đã không thể tiếp tục im hơi lặng tiếng. Giải Nobel đầu tiên của nhà nước Xô-viết lại dành cho một kẻ không lấy gì làm kiên định trong lập trường, thậm chí, có thể nói là dao động? Cho một người đã tự tiện chuyển tác phẩm của mình ra một nước "tư bản" đối nghịch? Không thể được!

Rồi một chiến dịch rầm rộ chống Pasternak được khởi xướng, bắt đầu từ những xã luận đanh thép trên tờ “Pravda” (Sự thật). Mọi ngôn từ bẩn thỉu nhất, bỉ ổi nhất và thậm tệ nhất để lăng nhục nhà đại thi hào đã được đưa ra. Pasternak bị đấu tố theo kiểu "hội đồng" trên nhiều trận tuyến. Điều đáng buồn là không ít những văn nghệ sĩ - trong số đó, nhiều người có tên tuổi - đã hùa vào "phong trào chung", đòi khai trừ ông khỏi Hội Nhà văn, tước quốc tịch (Xô-viết) của ông và đày ông ra nước ngoài. Vì những lý do ấy, Pasternak đành chối từ giải thưởng Nobel cao quý mà ông vô cùng xứng đáng được trao nhận.

Dễ hiểu là cả khối XHCN phải theo tấm gương của "anh cả" và thế là Pasternak phải chịu cả những đòn hạ tiện từ các xứ sở xa lạ. Tại Việt Nam, cũng có không ít những bài “phê bình” rập khuôn Liên Xô từ giới "văn nghệ sĩ", được đăng tải rộng rãi trên các mặt báo thời kỳ 1958-60, như “Văn Nghệ”, “Nhân Dân”... Sau mốc 1975 và ít nhất là hơn 15 năm sau đó, khi nói về "nền văn hóa biệt kích-nô dịch-thực dân kiểu mới..." ở miền Nam trước 1975, “tiện thể”, tên tuổi Pasternak lại bị lôi ra bêu riếu một lần nữa.

Cuộc đời của Pasternak thật cay nghiệt! Là một thi hào "ngoại hạng", một văn sĩ xuất chúng, một cây đại thụ của văn học Nga, nhưng thế giới biết đến Pasternak lần đầu tiên không phải qua những tác phẩm, mà vì chiến dịch nhơ nhớp - do chính những đồng hương ông khởi sự - chống “Bác sĩ Zhivago” và giải Nobel dành cho ông. Và dù đã từ bỏ tất cả để được ở lại quê hương, Pasternak phải sống những ngày cuối của cuộc đời mình trong nỗi thất vọng, chán chường vô bờ bến. Tháng Năm 1960, tờ “Literaturnaya Gazeta” (Báo Văn học) đưa một mẩu tin nhỏ về cái chết của một thành viên thuộc tổ chức Litfond (Quỹ Văn học). Ít ai ngờ rằng đó là lời vĩnh biệt chính thức dành cho một trong những văn hào Nga vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Chỉ trong những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi Gorbachev thi hành công cuộc cải tổ và công khai ở Liên Xô, Pastenak mới được phục hồi cạnh nhiều tên tuổi khác. “Bác sĩ Zhivago” và toàn bộ thi phẩm của ông được ấn hành, những hồi tưởng về Pasternak được đăng tải rộng rãi và không ít người Nga lần đầu tiên được đọc các tác phẩm bị dán mác "phản động" trong suốt mấy thập niên. Năm 1987, tại một hội nghị quốc tế, thi sĩ Andrey Voznesensky - chủ tịch ủy ban gìn giữ di sản và sự nghiệp của Pasternak - lên tiếng đề nghị UNESCO tuyên bố năm 1990 là năm Pasternak. Đề xuất đó đã được nhiệt liệt tán đồng. Ngày 12-9-1987, tờ “Moskovskie Novosti” (Tin Moscow) đăng tin Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ) đã chấp nhận đề nghị của nhà thiên văn học Nga Ludmilla Karachkina: đặt tên Pasternak cho tiểu hành tin số 3508 - quay quanh sao Hỏa và sao Mộc - do bà phát hiện. Sau đúng ba chục năm, văn giới Nga trân trọng "kính mời Boris Pasternak vào lại Hội Nhà văn" (lời thơ Thanh Thảo). Rồi, vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông, “Boris Pasternak toàn tập” đã được xuất bản năm 2005. Âu cũng là những niềm an ủi muộn mằn, nhưng không bao giờ thừa, cho nhà đại thi hào nơi cửu tuyền!

Julie Christie trong vai Lara

Ở Việt Nam thời xưa, các tác phẩm của Pasternak không mấy được lưu hành. Miền Bắc có lẽ chỉ nghe đến tên tuổi nhà văn qua những ngôn từ miệt thị mô phỏng phong cách Moscow. Ở miền Nam đầu thập niên 70, Nguyễn Hữu Hiệu phỏng dịch “Bác sĩ Zhivago” dưới tiêu đề “Vĩnh biệt tình em”. Sự nghiệp thi ca của Pasternak hầu như không được biết đến. Đa số dân Việt "tiếp cận" Pasternak qua bộ phim dựa trên tác phẩm “Bác sĩ Zhivago” của ông, với sự tham gia của nhiều tài tử phương Tây (Omar Sharif và Julie Christie thủ vai chính) cùng phần nhạc nền bất hủ của Maurice Jarre (bản “Somewhere My Love”), do đạo diễn người Anh David Lean dàn dựng năm 1965 (2). Chỉ sau ngày Pasternak được "minh oan" ở Liên Xô, mới có một tuyển tập dày gồm tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, một số bài thơ chọn lọc cùng những tư liệu về Pasternak được ấn hành tại Việt Nam (3). Cũng là một kết cục "có hậu" cho những người yêu mến nền văn học Nga đích thực nói riêng, và cái đẹp nói chung. (4)

Nhân 50 năm ngày “Bác sĩ Zhivago” ra mắt độc giả, hy vọng một số tư liệu động lòng dưới đây sẽ khiến độc giả Việt Nam thấu hiểu hơn và cảm thông hơn với Boris Pasternak, đại diện xuất chúng của nền văn học Nga truyền thống.

Ghi chú:

(1) Boris Pasternak được Nobel Văn chương 1958 "vì sự đóng góp to lớn cho nền thi ca trữ tình hiện đại thế giới, cũng như cho các truyền thống vĩ đại của các nhà văn xuôi Nga".

(2) Mùa hạ năm 2006, lần đầu tiên, “Bác sĩ Zhivago” cũng đã được các đạo diễn Nga dựng thành phim truyền hình.

(3) “Boris Pasternak, con người và tác phẩm”, Nhà xuất bản TP HCM, 1988.

(4) Nhưng dường như cho đến nay, vẫn chưa ai rút lại chỉ thị cấm lưu hành toàn bộ các tác phẩm của Pasternak được in ở miền Nam trước 1975!

Tác giả bài viết: Trần Lê dịch và giới thiệu - Còn tiếp