Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhạc sĩ Phạm Duy nói về nhà thơ Huy Cận: HUY CẬN, MỘT THI SĨ CÓ “HỒN VŨ TRỤ”

(NCTG) Như NCTG đã đưa tin, thi sĩ Huy Cận, một đại diện lớn của dòng Thơ Mới, đã qua đời tại Việt Nam ngày 19-2 qua, thọ 86 tuổi.

Nhà thơ Huy Cận

Trong những ngày sau đó, trên báo chí trong nước, đã có rất nhiều bài viết, hồi tưởng về ông, từ giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Vừa qua, NCTG đã có dịp trao đổi với nhạc sĩ Phạm Duy, hiện đang định cư ở Hoa Kỳ, về Huy Cận, một người cùng thời với ông, và cũng là một thi sĩ được ông phổ nhạc rất thành công (bản “Ngậm Ngùi”).

NCTG:Thưa nhạc sĩ PD, trên tư cách là một nhạc sĩ đã phổ nhạc rất thành công bài thơ “Ngậm ngùi” của thi sĩ Huy Cận, ông có thể kể về một kỷ niệm với nhà thơ?

Nhạc sĩ Phạm Duy (PD): Tôi yêu thơ Huy Cận từ khi chưa bước vào thế giới âm nhạc. Trong đầu thập niên 40, trước khi soạn ca khúc đầu tiên trong đời mình là bài “Cô Hái Mơ” phổ thơ của Nguyễn Bính, tôi đã đem những câu thơ Huy Cận ra phổ nhạc. Ví dụ: “Đêm mưa làm nhớ không gian... Bèo dạt về đâu hàng nối hàng, mênh mông không một chuyến đò ngang...”.

Có thể nói, sau ca dao, Thơ Mới (nhất là thơ trong cuốn “Lửa Thiêng”), ngay từ đầu, đã là chất liệu nuôi dưỡng con người soạn ca khúc là tôi. Trong loại nhạc tình cảm con người của tôi, nếu có thêm hồn vũ trụ, đó là nhờ ở những bài thơ Huy Cận.

NCTG:Ông có thể cho biết cơ duyên nào khiến ông chọn “Ngậm Ngùi” mà không phải là những bài thơ tình khác, cũng rất hay, của Huy Cận, như “Áo Trắng”, “Vạn Lý Tình”, “Đi Giữa Đường Thơm”, v.v... để phổ nhạc?

PD: Vào khoảng 1960-61, tôi có may mắn làm quen với một nữ thi sĩ, một nguời rất yêu thơ tiền chiến, nàng muốn tôi phổ nhạc những bài thơ mà nàng thích, như “Ngậm Ngùi” (Huy Cận), “Chiều” (Xuân Diệu), “Vần Thơ Sầu Rụng” (Lưu Trọng Lư), v.v... Thật tình ra, lúc đó tôi không đặt tầm quan trọng vào việc phổ thơ nhưng tôi chiều chuộng người bạn gái nên “hát lên những bài thơ mà nàng thích”.

Không ngờ khi những bài thơ này đã trở thành ca khúc và do các ca sĩ có giọng hát tốt (như Anh Ngọc, Lệ Thu... ) luôn luôn hát trên Đài Phát Thanh, trong cassette và tại phòng trà thì ai ai cũng đều thích. Bài thơ “Ngậm Ngùi” của Huy Cận đã là một bài thơ vuốt ve, an ủi cho những người phải sống trong một hoàn cảnh bất bình thường rồi, bây giờ lại được hát lên như một bài ru, có tính cách vỗ về, gây một cảm tưởng yên tĩnh, nghỉ ngơi...

Bài thơ phổ nhạc đã thành công trong một thời gian rất dài, khi mà con người Việt Nam, kể cả ca sĩ lẫn người nghe, ai cũng mong muốn được an ủi lẫn nhau bằng thi ca và âm nhạc. Tôi có sưu tập được trên 15 giọng ca, từ Thái Thanh, Lệ Thu, Anh Ngọc, Khánh Ly... qua Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Duy Quang, Thái Hiền, Ý Lan cho tới Đức Huy, Kim Anh, Hoàng Nam... trong vòng mấy chục năm, dường như ba, bốn thế hệ ca sĩ không bao giờ ngưng hát bài “Ngậm Ngùi” cả...

Khi được hân hạnh gặp thi sĩ Huy Cận tại Hà Nội vào năm 2000, tôi đã trân trọng tặng ông một compact disc. Sau đó, còn phải tặng thêm một vài đĩa nữa vì yêu cầu của thi sĩ.

NCTG:Từng phổ nhạc rất thành công cho nhiều bài thơ của phong trào Thơ Mới (“Tiếng Thu”, “Hoa Rụng Ven Sông”, “Vần Thơ Sầu Rụng”, “Thú Đau Thương” của Lưu Trọng Lư, “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, “Tỳ Bà” của Bích Khê, “Màu Thời Gian” của Đoàn Phú Tứ, v.v...), ông có nhận xét thế nào về Thơ Mới nói chung và vị thế của thơ Huy Cận trong Thơ Mới nói riêng?

PD: Tôi thường quan niệm thơ Á Đông, nhất là thơ Việt Nam, không chỉ nên in ra cho độc giả đọc mà còn cần hát lên cho thính giả nghe. Cho nên thơ cổ của chúng ta thường có thêm chữ “ngâm”, ví dụ “Chinh Phụ Ngâm”, “Cung Oán Ngâm Khúc”, và “hát ả đào” là một lối “ngâm lên”, “hát lên” những bài thơ mà các cụ tặng nhau trong quá khứ.

Từ khi có Thơ Mới, kể từ các vị tiền tiến như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... cho tới những thế hệ đi sau như Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, v.v... thì có lẽ tôi là người nuôi giấc mộng “hát lên thơ hiện đại” chăng?

Bây giờ, để nói tới địa vị của thơ Huy Cận trong dòng Thơ Mới, tôi thấy trong thơ ông có đủ ba cái hay của ba loại thơ: Đường Luật, Thơ Tây Phương và Thơ Dân Gian Việt Nam. Lục bát của ông cao hơn lục bát của Nguyễn Bính. Ông còn hơn các thi sĩ khác của dòng Thơ Mới ở chỗ có nhiều hồn vũ trụ hơn, ngoài tình cảm nội tâm.

NCTG: Xin chân thành càm ơn nhạc sĩ PD đã bỏ thời gian cho phép chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thủy Minh thực hiện