Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhà văn Phạm Hải Anh: “NGHE THẤY CHỮ “HỘI THẢO” THÌ RÓN RÉN LÙI RA XA...”

(NCTG) “Tôi là người rất sợ hội họp dưới mọi hình thức, cho nên nghe thấy chữ “hội thảo” thì rón rén lùi ra xa”, “chắc là nó cũng tào phào như bao nhiêu cái hội thảo khác đã, đang và sẽ còn được tổ chức ở ta” là hai ý kiến nhuốm màu bi quan về Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam vừa qua.

Nhà văn Phạm Hải Anh

Sau phần trả lời của hai nhà văn Trần Thị Hồng HạnhLê Ngọc Mai, NCTG xin tiếp tục giới thiệu những chia sẻ của các nhà văn Phạm Hải Anh (*) và Nguyễn Hoài Phương (**), trong loạt trao đổi về Hội nghị.

*

1. Anh/ Chị có quan tâm đến kỳ hội nghị này không? Vì sao?

Nhà văn Phạm Hải Anh (P.H.A.): Đã từ lâu tôi bận rộn với công việc riêng và không tham gia vào các hoạt động văn chương.

Tôi là người rất sợ hội họp dưới mọi hình thức, cho nên nghe thấy chữ “hội thảo” thì rón rén lùi ra xa. May mà không phải ai cũng như tôi, cho nên văn học Việt Nam mới có cơ hội được quảng bá.

Nhà văn Nguyễn Hoài Phương (N.H.P.): Sự thật là tôi chẳng biết gì và sau đó là cũng chẳng quan tâm gì đến cái hội thảo này. Chắc là nó cũng tào phào như bao nhiêu cái hội thảo khác đã, đang và sẽ còn được tổ chức ở ta.

Toàn những hội thảo rất hoành tráng với số người (cả chủ nhân lẫn khách) tham dự rất đông, những khẩu hiệu rất kêu, địa điểm rất sang trọng, đưa tin ầm ĩ... nhưng sau đó thì chẳng để lại dấu ấn gì, nói chi đến kết quả và những ảnh hưởng tới xã hội...

Cái còn lại trong tôi về „hội thảo” lúc này chỉ là mấy hình ảnh các quan khách ngả ngớn tán chuyện linh tinh mà “VnExpress” ghi lại được, cũng như nhận xét gì đó của nhà thơ Dương Tường về cái “khẩu hiệu” dịch không được xuôi lắm của Ban tổ chức.

2. Cá nhân Anh/ Chị có ý định đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài hay không, và sẽ chọn con đường gì?

P.H.A.: Ai chẳng muốn tác phẩm của mình đến với độc giả càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, tôi tin vào “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu tác phẩm của mình hay, thì mình không cần phải làm gì, tự nhiên sẽ có người thích và dịch.

Còn nếu nó dở, thì đưa ra nước ngoài để làm gì?

N.H.P.: Hiện nay thì không và sau này cũng vậy.
 
3. Anh/ Chị có đặt kỳ vọng vào ý kiến cần thành lập một trung tâm, một viện dịch thuật (nhà nước) để hỗ trợ các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài hay không?

P.H.A.: Tôi không kỳ vọng vào bất cứ cái gì. Nước mình có thể đổ 17 tỉ vào một lễ hội hoa cho người ta dẫm đạp trong mấy ngày, thì cũng có thể thành lập một trung tâm dịch thuật (có lẽ ít tốn kém hơn), hiệu quả hay không thì chưa biết, nhưng có hại gì đâu?

Nhà văn Nguyễn Hoài Phương

N.H.P.: Tôi hoàn toàn chẳng kỳ vọng gì, không phải chỉ vào một “trung tâm dịch thuật” mà cả vào các “tác phẩm” nữa. Tôi không có điều kiện đọc nhiều lắm, nhưng, nếu có một “trung tâm” như thế thì tôi cũng chẳng biết là người ta có thể chọn được những tác phẩm nào.

Với một nền văn nghệ nặng tính minh họa và đồng hành với nó là những ám chỉ, những bâng quơ, nói xa nói gần, tủn mủn (như đã đang và còn sẽ…) như thế này thì tôi e rằng rất khó. Nếu cứ cố mà dịch và quảng bá thì khả năng không được chấp nhận, để rồi lại mau chóng đi vào lãng quên sẽ rất lớn.

4. Theo Anh/ Chị, văn học Việt Nam cần “xuất ngoại” theo con đường nào?

P.H.A.: Bằng giá trị của chính nó, đủ để các trí thức Việt Nam yêu thích, tự hào về nó và muốn quảng bá nó với bạn bè thế giới.

N.H.P.: Muốn được độc giả nước ngoài đón nhận thì trước hết các tác giả Việt Nam phải có độc giả trong nước đã, khi mỗi đầu sách chỉ được in với số lượng rất hạn chế như hiện nay mà vẫn còn nằm bám bụi trên các giá sách thì có lẽ chưa nên tìm con đường nào đưa tác phẩm ra ngoài.

(*) Nhà văn Phạm Hải Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Bảo vệ luận án TS Văn học (đề tài phân tích thơ tứ tuyệt của Lý Bạch). Nguyên giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (1991-1998). Hiện đang sống tại Hà Nội.

Các tác phẩm đã in: “Huyết đằng” (tập truyện ngắn, NXB Văn Mới, California, USA 2001); “Đi hết đường mưa” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2002 - Giải thưởng Hội Nhà văn 2003); “Tìm trăng đáy nước” (tập truyện ngắn); "Sâm cầm" (tập truyện ngắn, chung với Lê Minh Hà, NXB Hội Nhà văn, 2004); "Kiến lửa" (phim truyện ngắn, Giải nhì Liên hoan phim ngắn Việt Nam 2005).

(**) Nhà văn Nguyễn Hoài Phương (sinh tại Nam Định), hiện đang sinh sống tại CHLB Đức. Tác giả nhiều truyện ngắn và thơ đăng trên các báo hải ngoại.

Các tác phẩm đã in: “Chuyện tình thời thổ tả” (Làng Văn, 2000); “Chuyện đồng hương” (Làng Văn, 2002).

Tác giả bài viết: Phạm Hải Anh & Nguyễn Hoài Phương