Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhà văn Lê Ngọc Mai: HỘI NGHỊ “CHẮC ÍT NHẤT CŨNG ĐƯỢC VIỆC “KHUẤY ĐỘNG PHONG TRÀO”…

(NCTG) Hội nghị “chắc ít nhất cũng được việc “khuấy động phong trào” lên đôi chút (như phần lớn các hội thảo tổ chức kiểu này). (…) Còn sau đó, nếu không có biện pháp thiết thực gì khác thì tôi nghĩ chắc “phong trào” sẽ lại lắng xuống cho đến... kỳ hội thảo sau” – ý kiến của nhà văn, dịch giả Lê Ngọc Mai.

Nhà văn, dịch giả Lê Ngọc Mai cùng con gái

Hội nghị Quốc tế truyền bá văn học Việt Nam đã kết thúc với nhiều dư ba “trái chiều” trên các mặt báo, về những bất cập của công tác tổ chức, như dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét là “tổ chức xôm trò nhưng vẫn những người cũ, cách làm cũ”, “cách làm vẫn rập khuôn, vẫn chung chung, nên hiệu quả không tương xứng, không cao...

Tiếp theo kỳ trước, lần này, NCTG đã có dịp trao đổi với nhà văn, dịch giả Lê Ngọc Mai (*) về một số vấn đề có liên quan tới hội nghị, cũng như, về việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

*

1. Chị có quan tâm đến kỳ hội nghị này không? Vì sao?

Tôi có quan tâm đến cuộc hội thảo này, nhưng chỉ ở mức độ của một người bình thường quan tâm đến tình hình văn học nước nhà, chứ không phải với tư cách một dịch giả hay người viết văn có đặt những hy vọng vào đó.

Tức là khi nhìn thấy những bài báo trên mạng viết về cuộc hội thảo này thì tôi có chú ý đọc, nhưng chỉ có vậy thôi. Vì tôi cảm thấy mình thực sự không liên quan trực tiếp đến chuyện này (ít nhất là hiện tại).

2. Chị có nghĩ hội nghị sẽ đạt được một điều gì đó hay không?

Chắc ít nhất cũng được việc “khuấy động phong trào” lên đôi chút (như phần lớn các hội thảo tổ chức kiểu này). Các dịch giả có dịp gặp gỡ nhau và gặp gỡ các nhà văn để trò chuyện, trao đổi cũng là một điều tốt để người trong cuộc có cảm giác được quan tâm và người ngoài cuộc thì chú ý hơn đến lĩnh vực hoạt động rất “âm thầm” ấy.

Còn sau đó, nếu không có biện pháp thiết thực gì khác thì tôi nghĩ chắc “phong trào” sẽ lại lắng xuống cho đến... kỳ hội thảo sau.

3. Cá nhân chị có ý định đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài hay không, và sẽ chọn con đường gì?

Hiện giờ thì chưa.

4. Chị có đặt kỳ vọng vào ý kiến cần thành lập một trung tâm, một viện dịch thuật (nhà nước) để hỗ trợ các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài hay không? Theo chị, văn học Việt Nam cần “xuất ngoại” theo con đường nào?

Tôi chưa hình dung được một trung tâm dịch thuật nhà nước như vậy sẽ được tổ chức và hoạt động theo kiểu nào.

Nếu trung tâm sẽ tự chọn các tác phẩm để dịch, sẽ có một đội ngũ dịch giả riêng của mình và sẽ tự xuất bản các dịch phẩm (như một một “NXB Ngoại văn”), thì theo tôi hình thức này không hiệu quả, sách sẽ rất khó tới được độc giả rộng rãi ở nước ngoài, do sự lựa chọn sách dịch của trung tâm có thể không phù hợp, do việc xuất bản theo hình thức ấy có thể khiến người ta e ngại tính chất “tuyên truyền” và không tin tưởng vào chất lượng văn học, v.v…

Theo tôi, văn học Việt Nam “xuất ngoại” thông qua các NXB nước ngoài thì tốt hơn là thông qua một trung tâm dịch thuật nhà nước như vậy. Có lẽ, nên thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các NXB nước ngoài, thường xuyên giới thiệu sách cho họ, nếu cần thì giới thiệu cho họ cả các dịch giả nữa, nhưng sự lựa chọn thì là của họ, vì họ nắm vững thị trường sách của nước họ hơn ai hết. Có thể ký kết với họ những thỏa thuận miễn giảm tiền bản quyền để giúp họ đỡ gánh nặng tài chính nếu bán sách bị lỗ (khả năng lỗ là rất lớn, vì văn học Việt Nam chưa hề có sức hấp dẫn với độc giả nước ngoài).

ĐSQ Pháp tại Việt Nam vẫn thường chọn - giữa những cuốn sách văn học Pháp mà các NXB Việt Nam định in - một số cuốn mà họ cho là có giá trị quảng bá văn hóa Pháp, để tài trợ, nhằm khuyến khích các NXB Việt Nam in văn hóa Pháp (tôi đã từng dịch một cuốn sách do ĐSQ Pháp tài trợ, nhuận bút dịch được trả cao hơn hẳn!)

Tôi không dám nghĩ đến việc chính phủ Việt Nam tài trợ cho các NXB Phương Tây để in sách văn học Việt Nam, nhưng thiết tưởng việc miễn giảm tiền bản quyền thì có thể làm được, nhất là khi mục đích hàng đầu của ta là giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

(*) Nhà văn, dịch giả Lê Ngọc Mai sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984. Bảo vệ TS Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (Moscow) năm 1990. Hiện đang sinh sống ở Pháp.

Các tác phẩm đã in: “Chó hoang Đin-gô, hay Câu chuyện mối tình đầu” (sách dịch, 1984 - nguyên tác: “Dikaya sobaka Dingo” của Ruvim Isayevich Frayerman); “Và nếu như truyện này là có thật” (sách dịch, NXB Văn học, 2002 - nguyên tác "Et si c’était vrai" của Marc Levy); “Tìm trong nỗi nhớ” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2003 - Giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai (2002-2004) của Hội Nhà văn Việt Nam); “Trên đỉnh dốc” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2006); “Người tình” (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2007 – nguyên tác: “L'amant” của Marguerite Duras); “Gặp lại” (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2007 – nguyên tác “Vous revoir” của Marc Levy); “Bản giao hưởng Pháp” (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2008 - nguyên tác “Suite Française” của Iréne Némirovsky).

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Mai