Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhà thơ Hungary Falusi Márton: “HỘI NGHỊ MANG TÍNH HÌNH THỨC QUÁ MỨC…”

(NCTG) “… nhưng đằng sau sự “hoành tráng” khiến người ta phải bối rối ấy, tôi thấy thiếu tính thực tiễn” – ý kiến của nhà thơ, BTV Văn học Falusi Márton (Hungary) về Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam.

Nhà thơ Falusi Márton (Hungary)

Falusi Márton (sinh năm 1983) được coi là một tài năng trẻ trên thi đàn Hungary. Tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (Budapest) năm 2007, cho đến nay Falusi đã ấn hành hai tập thơ: “Hazáig látni” (2004), “Rádnyitva ablak, ajtó” (2007).

Anh đã được nhiều giải thưởng về thi ca, trong số đó, phải kể đến Giải Gérecz Attila (2004) và Giải Văn học Junior Prima (2008, dành cho các 10 tài năng trẻ trên các lĩnh vực văn, thơ, phê bình và biên tập trong năm).

Ngoài sáng tác thơ, Falusi Márton còn viết tiểu luận và dịch thuật. Anh là BTV các tạp chí văn học “Niềm tin” (Hitel - từ năm 2006) và “Nhật ký Hungary” (từ năm 2008).

Trên cương vị BTV mục Văn học Nước ngoài của tạp chí của Hội Nhà văn Hungary, Falusi Márton là người chủ biên số báo đặc biệt (tháng 11-2008) về văn học Việt Nam của “Nhật ký Hungary”, giới thiệu một số tác phẩm của Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Châu, Dư Thị Hoàn, Cấn Vân Khánh…

Với số báo này, sau 13 năm, như diễn đạt của “Nhật ký Hungary”, “văn học của một nước Việt Nam phải đương đầu với những cơn sốc của chiến tranh và toàn cầu hóa” mới có dịp tái hiện diện ở Hungary.

Có mặt trong số các khách mời tham dự Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam vừa qua, trên cương vị đại biểu của một nước đã có quá trình dịch văn học Việt Nam, Falusi Márton cũng đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật (*).

Trong thời gian Hội nghị đang diễn ra, NCTG đã có dịp trao đổi ngắn với Falusi Márton.

Nhà thơ Falusi Márton (phải) và Đại sứ Hungary tại Việt Nam Vizi László tại Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam - Ảnh: Le My Attila

- Anh qua Việt Nam trên tư cách gì và với mục tiêu như thế nào? Mục tiêu ấy có thực hiện được hay không?

Tôi cố gắng kiếm các mối quan hệ để Hội Nhà văn Hungary (tôi tham gia trên tư cách chuyên viên về văn học quốc tế) và NXB Nhật ký Hungary (mà tôi là BTV) có thể biên soạn và xuất bản được 1-2 tuyển tập văn học Việt Nam bằng tiếng Hungary.

Việc gây dựng các mối quan hệ có thể coi là thành công, mặc dù, đáng tiếc là chúng tôi chưa đạt được thỏa thuận với các tác giả, cũng như với Hội Nhà văn Việt Nam. Hội nghị mang tính hình thức quá mức và điều này đã “làm khó” cho sự áp dụng các “nguyên tắc”.

Tuy nhiên, tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích và đã ký với phía Việt Nam một văn bản thỏa thuận hợp tác trong vòng 5 năm.

- Anh có ý kiến như thế nào về Hội nghị?

Hội nghị được thực hiện bởi một Ban tổ chức hào hiệp và hết sức mến khách. Tôi được biết nhiều về nền văn hóa Việt Nam, tôi cũng cảm thấy vô cùng dễ chịu, nhưng đằng sau sự “hoành tráng” khiến người ta phải bối rối ấy, tôi thấy thiếu tính thực tiễn.

- Qua những gì thấy được, anh có ấn tượng như thế nào về văn học Việt Nam?

Văn học Việt Nam có chất lượng cao, đa dạng và một Hội Nhà văn tầm quốc gia phải giới thiệu được điều này trong tổng thể của nó. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có thể hợp tác thành công trong những năm tới.

“Nhật ký Hungary” coi tuyên bố hợp tác chỉ là bước đi đầu, sẽ không có giá trị gì nếu không có các bước tiếp theo.

- Anh có những dự kiến gì liên quan tới văn học Việt Nam?

Bước tiếp theo là việc xuất bản một hợp tuyển truyện ngắn đương đại Việt Nam. Chúng tôi đang tìm các đối tác tài chính – bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần – cho sự ra đời của cuốn sách đó.

(*) Về phía Hungary, ngoài Falusi Márton, nhà thơ, dịch giả Tandori Dezső (1938-) và dịch giả, nhà tổ chức xuất bản Domokos János (1921-1987) cũng được tặng Kỷ niệm chương này.

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện