Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nguyễn Thị Thanh Lưu: “VIẾT TỰ TRUYỆN LÀ VI PHẠM NGUYÊN TẮC “ĐÓNG CỬA BẢO NHAU” CỦA VĂN HÓA VIỆT”

(NCTG) “Đã chấp nhận viết tự truyện thì tôi buộc phải gánh lấy những hệ lụy cùng trang viết của tôi”, chia sẻ của tác giả Nguyễn Thị Thanh Lưu nhân dịp cuốn sách đầu tay của chị được phát hành.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Lưu - Ảnh do nhân vật cung cấp

Như NCTG đã đưa tin, tự truyện “Làm dâu nước Mỹ” của Nguyễn Thị Thanh Lưu đã được Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ ấn hành trên toàn quốc từ cuối tháng 8-2014. Sách thuộc loạt “Làm dâu xứ lạ”, nội dung chứa chở nhiều tâm sự, cảnh đời mang tính riêng tư của những phụ nữ Việt chọn những miền đất xa xôi làm quê hương thứ hai, cùng nhiều bài học, trải nghiệm hội nhập, ứng xử của họ trên mảnh đất mới.

Là một CTV của NCTG, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã chia sẻ một số trích đoạn trong sách với bạn đọc của báo từ nhiều tháng nay. Nhân dịp chị ra cuốn sách đầu tay, NCTG đã có cuộc trao đổi với tác giả.



Bìa cuốn tự truyện

- Là một Tiến sĩ Văn học được đào tạo để làm công tác nghiên cứu, nhưng cuốn sách đầu tay của chị lại là tự truyện. Cơ duyên nào đã đưa chị tới với loạt sách “Làm dâu xứ lạ” của NXB Phụ nữ?

Tôi nhận được lời mời tham gia series sách “Làm dâu xứ lạ” của NXB Phụ nữ một cách khá tình cờ. Một bạn biên tập viên (BTV) phụ trách mảng văn học Việt Nam của NXB đã liên lạc với tôi qua mạng xã hội Facebook, bày tỏ sự thích thú về những mẩu chuyện nhỏ tôi viết trên trang blog cá nhân và bạn ấy ngỏ ý mời tôi viết tự truyện “Làm dâu nước Mỹ”.

Rồi, rất nhanh nhảu, bạn BTV trẻ gửi Thư mời từ NXB và đề cương chung của bộ sách. Theo như bản đề cương chung, những gì tôi đã chia sẻ trên trang cá nhân vô cùng phù hợp với series sách, nghĩa là tôi hoàn toàn có khả năng viết một cuốn trên cơ sở những gì đã chia sẻ.

Từ trước đến nay, viết lách với tôi đơn thuần là một niềm vui, văn chương với tôi cũng chỉ là một nơi nương náu riêng tư nên tôi chưa bao giờ có ý định in sách văn chương. Tôi còn nhớ hồi tập tọe viết bản báo cáo khoa học đầu đời thời sinh viên, tôi đã bị buộc phải trả lời câu hỏi nghiêm túc này từ cố GS. Nguyễn Tài Cẩn qua những bức thư trao đổi thường xuyên với cụ: “Cháu muốn làm gì, người nghiên cứu hay người sáng tác?”.

Khi nghe tôi rụt rè bày tỏ rằng tôi muốn trở thành người nghiên cứu, cụ bảo: “Nếu thế thì cháu phải chặt bỏ hết những khả năng khác, để tập trung trí óc vào việc nghiên cứu. Nếu viết văn làm thơ thì cũng chỉ được coi đó là thú vui thôi, không phải là sự nghiệp!”.

Nghe cụ, tôi vẫn luôn nghĩ rằng nếu tôi có in gì thì cũng chỉ in sách nghiên cứu thôi. Nhưng lời mời đột ngột của NXB Phụ nữ đã đem đến cho tôi một cơ duyên khác những gì tôi hằng nghĩ. Và thế là, trong những bận bịu chăm sóc con nhỏ, trong những bối rối, ngỡ ngàng trước một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ ở xứ người với vô số điều cần phải học, trong những thiếu trước hụt sau về mặt thời gian, tôi đã chấp nhận cơ duyên ấy mà không suy nghĩ quá nhiều, tự nhủ rằng, cứ coi như đó cũng là một cơ hội để thỏa niềm ham viết.

Coi như, có một lần, thú vui viết lách riêng tư của tôi được biến thành một chia sẻ rộng.

- Viết tự truyện khi tuổi đời còn rất trẻ, đối với chị có những khó khăn hay thuận lợi nào? Với những vấn đề có liên quan tới những người khác, nhưng lại không thể bỏ qua vì tính chân thực của loại hình tự truyện, chị đã chọn cách xử lý ra sao?

Trước khi bắt tay vào viết tự truyện, tôi đã nghĩ: khó gì, chuyện của mình cứ thế viết ra thôi, có cần thêm thắt tưởng tượng gì đâu mà bảo khó! Nhưng viết vào rồi, tôi mới thấy viết tự truyện khó làm sao. Bởi lẽ, tự truyện không chỉ đơn thuần là sự tự đối diện với chính mình, thành thật với chính mình mà còn là sự đối diện với những người thật, việc thật xung quanh mình – những người có những mối dây liên hệ ràng buộc với đời mình.

Có những sự thật vô cùng khó đối diện, dù nó đã thuộc vào thì quá khứ, dù thời gian đã phủ lấp và xoa dịu nhiều cảm giác về nó, dù nó được nhìn bằng cái nhìn ngoái lại bình tâm. Khi người viết tự truyện buộc phải đối diện với một sự thật nào đó, họ không còn cách nào khác cũng buộc phải lôi kéo những người có liên quan vào cuộc, cho dù đó là cuộc buồn hay cuộc vui.

Nói chuyện vui thì dễ rồi, nhưng chuyện buồn, dù đã xa thì nói ra vẫn chao ơi là khó! Khó cho người viết một thì khó cho người “bị” buộc phải vào cuộc là mười. Đứng giữa những phân vân phải viết sao cho thật nhưng không làm tổn thương đến những người từng trong cuộc, người viết tự truyện không khác gì diễn viên xiếc trên dây, sa sẩy một chút là “xong đời”!

Tự truyện lại không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là câu chuyện hiện tại, đương thời đang diễn ra, thế nên khoảng cách từ trang sách đến cuộc đời là một cự li gần. Thế nên, viết tự truyện không chỉ là một hành trình nhọc nhằn buộc người viết phải tự sống lại những tháng ngày quá khứ mà còn là một sự khởi đầu cho những quãng sống mới nhiều thử thách trước phản ứng của độc giả.

Khi viết lại những nỗi đau đã trải, những nỗi buồn đã qua, người viết tự truyện buộc lòng phải “sống” lại từng cảm giác để viết. Chính vì thế, những trang viết về quá khứ và những nỗi buồn đau là những trang khó khăn nhất của tôi. Khi viết những trang đời ấy, tôi mới hiểu vì sao có nhiều người đột ngột bỏ ngang cuốn tự truyện viết dở. Có lẽ, họ không chịu đựng được việc phải sống lại lần nữa những cảm giác đã qua chăng?

Và giờ đây, khi cuốn sách đã xuất bản, tôi lại khổ sở thêm lần nữa khi chứng kiến phản ứng của những người trong cuộc trước những nỗi đau đã cũ bị buộc phải xới lên. Những hiểu lầm là chuyện dễ dàng xảy ra... Giờ, trước những phản ứng của người thân, tôi không khỏi có những phút cảm thấy tự dằn vặt với bản thân vì buộc phải nhắc lại những chuyện cũ không vui vẻ gì.

- Chị suy nghĩ như thế nào khi gặp những phản ứng đã nói tới ở trên?

Dù là người làm nghiên cứu văn học, dù đã lường trước những sự cố sẽ xảy đến khi quyết định đặt bút viết ra câu chuyện của riêng mình, tôi vẫn bất ngờ trước một số phản ứng về cuốn sách. Và bây giờ, tôi thấm thía, văn chương không phải chỉ là một cuộc chơi. Viết là đương đầu, viết là tự nhiệm, viết là sẵn sàng đón nhận mọi khả năng có thể xảy ra, một khi đã chấp nhận vi phạm nguyên tắc “đóng cửa bảo nhau” của văn hóa Việt.

Sự vi phạm ấy kéo theo những va đập khó tránh khỏi với dư luận xã hội dành cho cuốn tự truyện cũng như tác giả. Bởi lẽ, tự truyện dẫu chỉ là sự mổ phanh từng chi tiết, sự kiện cuộc đời của một cá nhân nhưng rồi cũng sẽ gợi mở những ý nghĩ sâu xa hơn về cuộc sống và xã hội.

Do đó, sau khi một cuốn tự truyện ra đời, mối quan hệ tương tác giữa người viết – cuốn sách – độc giả dễ dàng biến dạng thành mối quan hệ qua lại đơn thuần giữa tác giả và độc giả. Còn cuốn tự truyện, lẽ ra là tâm điểm thì lại bị biến thành một cái cớ cho những tương tác không mong đợi đó.

Nhưng, nghĩ cho cùng, tôi đã chấp nhận viết tự truyện thì tôi buộc phải gánh lấy những hệ lụy cùng trang viết của tôi...

- Những dự định sáng tác trong tương lai gần của chị?

Như đã nói, tôi viết lách làm vui nên cũng không có dự định gì nhiều. Nhưng có lẽ cơ duyên xuất bản vẫn chưa dứt khi NXB Phụ nữ đã ngỏ ý muốn tôi cộng tác lâu dài và có “đánh tiếng” tôi về một bản thảo mới. Hiện nay, tôi đã viết gần xong bản thảo cuốn sách mới, hi vọng sẽ ra mắt bạn đọc trong tương lai gần.

Ngoài ra, một NXB tư nhân ở Mỹ cũng đề nghị được đọc một chương tự truyện “Làm dâu nước Mỹ” bằng tiếng Anh để cân nhắc việc xuất bản nó tại Mỹ.

- Chúc mừng cuốn sách đầu tay và mong được đọc các trích đoạn bản thảo mới của chị trên NCTG!

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện