Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi: NGẬM NGÙI NHỚ BỮA CƠM GIA ÐÌNH Ở NƠI XA

(NCTG) “… nhiều lúc một mình đi học về, qua những ô cửa sổ của những ngôi nhà trong cùng khuôn viên, nghe tiếng mọi người xào xào nấu nấu, hoặc chỉ đơn giản là ngửi thấy mùi thơm của bữa cơm, nhìn thấy ánh đèn từ trong hắt ra, Chi lại bồi hồi nhớ đến những bữa cơm gia đình thật ấm cúng ở nhà… để rồi lại lắc đầu, ngậm ngùi tự đi về nhà một mình” - nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi chia sẻ với NCTG về những ngày tháng du học xa nhà.

Tạ Thùy Chi trong vở múa “Chuyện kể những chiếc giày” của đạo diễn Tấn Lộc

Tạ Thùy Chi chào đời và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật: ông nội là GS. Tạ Phước, hiệu trưởng đầu tiên của trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thân phụ là GS. NSND Tạ Bôn, nghệ sĩ trình diễn violon hàng đầu của Việt Nam và thân mẫu là NGND Kim Dung, từng giữ cương vị Phó hiệu trưởng Trường Múa TP HCM. Thùy Chi còn có anh trai là nghệ sĩ violon Tạ Tôn - tốt nghiệp cao học Biểu diễn violon và cao học Sư phạm Âm nhạc tại Đại học Houston (Hoa Kỳ).

Trên nền tảng cơ bản như vậy, Thùy Chi học múa năm lên năm tuổi và là một ngôi sao của đoàn múa “Những ngôi sao nhỏ” (TP HCM). Năm 12 tuổi, Thùy Chi du học tại Trường Múa Quảng Ðông và trở thành một học sinh xuất sắc, đoạt nhiều giải của trường và trong các giải múa chuyên nghiệp cấp quốc gia Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Trung cấp múa tại Trung Quốc, Thùy Chi đã cộng tác với một công ty tổ chức biểu diễn nổi tiếng tại Thâm Quyến trong vòng 3 năm, đồng thời, ấp ủ mơ ước tiếp tục theo học ngành Biên đạo ở Bắc Kinh.

Trở về quê hương sau 9 năm du học và làm việc ở Trung Quốc, Thùy Chi làm giảng viên Trường Múa TP HCM trong 3 năm, rồi được nhận học bổng nhà nước theo đúng nguyện vọng để theo học Biên đạo tại Học viện Múa Bắc Kinh theo đúng nguyện vọng của cô. Du học xa nhà, hiện là sinh viên năm thứ ba, nhưng vào những dịp về thăm quê hương, Thùy Chi đã thể hiện tài năng trong một số chương trình múa rất ấn tượng, đặc biệt là “Chuyện kể những chiếc giày” của đạo diễn tài ba Tấn Lộc, vở múa hội tụ nhiều tài năng trẻ xuất sắc của nền múa Việt Nam.

Thuộc hàng những nghệ sĩ múa hàng đầu của Việt Nam hiện tại, ngoài đời, Thùy Chi được bạn bè và người quen quý mến với tính cách giản dị, chân thật và dễ gần. Mùa hạ 2008, theo lời mời của Thị trưởng Budapest Demszky Gábor, Thùy Chi đã cũng có dịp cùng Ðoàn Nghệ thuật TP HCM lưu diễn phục vụ bà con trong cộng đồng tại Cộng hòa Hungary. Trong những ngày bận rộn cho thi cử giữa múa Giáng sinh, Thùy Chi cũng đã dành cho NCTG một cuộc trò chuyện thân mật về nghiệp múa và một số điều liên quan tới đời sống của người nghệ sĩ.



* Mấy năm về trước, bà con Việt Nam ở Hungary đã có dịp thưởng thức tài nghệ của Chi trong chuyến lưu diễn tại Budapest, Sau đó, được tin Chi tiếp tục du học Trung Quốc. Tại sao Chi lại chọn xứ sở này làm nơi trau dồi kiến thức của mình?

Ngày đầu Chi bước chân vào nghệ thuật múa một cách chính quy là tại trường múa Quảng Đông (Trung Quốc), năm đó Chi mới 12 tuổi. Trải qua 6 năm rèn luyện rất nghiêm khắc tại trường, Chi trở nên quen thuộc và gắn bó với các điệu múa của Trung Quốc.

Sau khi ra trường, mang trong mình một chút tính phiêu lưu, Chi tự đi thi vào các đoàn múa ở Trung Quốc để xin việc làm, cuối cùng cũng chọn được một đoàn nghệ thuật múa của Khu du lịch nổi tiếng Thẩm Quyến – Trung Hoa Cẩm Tú, chủ yếu là biểu diễn múa dân gian Trung Quốc.

Lý do Chi chọn đi làm tại Trung Quốc và làm tại đoàn múa này là vì Chi nuôi ước mơ được tiếp tục học lên bậc đại học theo chuyên ngành Biên đạo múa, chứ không chỉ đơn thuần là học làm diễn viên nữa. Chi muốn học hỏi cách các biên đạo người Trung Quốc làm việc, cách họ đưa múa dân gian của nước họ lên sân khấu một cách tài tình, cuốn hút và hấp dẫn người xem. Và hơn hết là cách tư duy của những nhà biên đạo Trung Quốc.

Dù gì, cách tư duy của người phương Tây và phương Đông khác nhau rất nhiều, và đặc biệt là người Trung Quốc. Những người hoạt động trong nghệ thuật múa Việt Nam được học tập và làm việc tại môi trường phương Tây rất nhiều, nhưng còn đối với Trung Quốc, có lẽ chỉ là số ít mà thôi.

Và với vốn liếng sẵn có trong người là múa Trung Quốc, Chi nghĩ không đâu tốt hơn hết là quay lại Trung Quốc để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình một cách toàn diện nhất.

* Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc về múa, và đã có những diễn viên múa nước này thành danh trên một lĩnh vực nghệ thuật khác là điện ảnh, như Chương Tử Dy. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam có lúc đã đăng những bài viết về chế độ tập luyện quá hà khắc, có thể gọi là “hành xác” ở mức cao độ, của các trường Múa ở Trung Quốc. Chi thấy điều đó có đúng sự thật hay không? So với các trường phái Múa khác mà Chi đã biết (như của Châu Âu), múa Trung Quốc có những tính ưu và nhược gì?

Có lẽ có sự hiểu lầm ở đây chăng? Những nơi rèn luyện quá nghiêm khắc theo Chi biết có thể là trong các trường thể dục thẩm mỹ, nơi họ mong muốn rèn luyện nên những nhà vô địch thể thao trong tương lai. Còn theo Chi, múa tuy vất vả nhưng các thầy cô luôn có những chế độ luyện tập rất chừng mực.

Còn khi so sánh múa Trung Quốc với những môn múa khác, Chi nghĩ ưu điểm lớn nhất của múa Trung Quốc là một khi đã bắt đầu làm động tác, người xem sẽ biết ngay đây là múa Trung Quốc, không lẫn với bất cứ môn múa nào khác, bởi múa Trung Quốc rất cá tính và màu sắc dân tộc rất rõ rệt, đậm nét. Và vì Trung Quốc có đến 56 dân tộc nên múa Trung Quốc cũng muôn màu muôn vẻ, rất phong phú. Đây là điều mà Chi thấy, trong tương lai múa dân gian Việt Nam cũng có thể phát triển nhiều hơn về phương diện này.


Trong một chương trình múa tại Trung Quốc


Còn về nhược điểm, theo riêng Chi, có lẽ do toàn bộ xã hội Trung Quốc đều đang phát triển rất nhanh nên trong nghệ thuật cũng vậy, tất cả đều phát triển một cách chớp nhoáng và có vẻ như đang lãng quên đi những điều cốt lõi nhất. Nghệ thuật sẽ khó sống lâu trong tim người thưởng thức, khi mà tính văn hóa nói chung của một nước dần bị đánh mất dần trong mỗi tác phẩm nghệ thuật.

* Tại Việt Nam, múa là một môn nghệ thuật có thể nói một cách chủ quan là kén người xem, không được phổ biến và thông dụng lắm. Thậm chí, có người còn cho rằng dân tộc Kinh không hề có truyền thống về múa. Trong mối tương quan như vậy, Chi suy nghĩ thế nào về tương lai môn múa ở Việt Nam? Ai sẽ là những khán giả chính của bộ môn nghệ thuật này?

Theo Chi thực ra nghệ thuật múa không phải là không phổ biến và thông dụng mà chỉ là hiện nay vẫn chưa thật sự có một chỗ đứng độc lập mà thôi. Nếu bảo múa không phổ biến và thông dụng thì thử nhìn lại trong tất cả các chương trình mang tính nghệ thuật nói chung, có bao giờ thiếu múa đâu, tuy nhiên Chi nhận thấy rằng mỗi lần xuất hiện trước công chúng múa đều làm nhiệm vụ phụ họa mà thôi. Nghệ thuật múa Việt Nam chưa được đưa đến với công chúng theo hướng chuyên nghiệp và toàn diện nhât nên khiến nhiều người có cách nhìn chưa thật sự chính xác về nó.

Nhưng đó cũng chỉ là quan niệm của nhiều năm trước, còn hiện nay, đã và đang có nhiều người làm nên những thành công đáng kể, khiến nghệ thuật múa Việt Nam đến gần với công chúng hơn. Một vài chương trình múa trong những năm gần đây tái diễn tới 4 lần mà vé vẫn được bán hết, hay những cuộc thi múa chuyên nghiệp đều được nhiều vũ đoàn, công ty tích cực tham gia và có rất nhiều thành tựu mới… Đó là những tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật múa Việt Nam!

Chi nghĩ rằng khán giả của múa Việt Nam không ai khác hơn là những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này và chịu khó đến gần hơn, tiếp xúc nhiều hơn với múa. Bởi vì chỉ như vậy mới thực sự cảm nhận được sự thay đổi của nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay và cảm thông cho những khía cạnh mà những người làm nghề còn chưa thể hoàn thiện được.

* Riêng về chế độ tập luyện, ai cũng biết rằng sau những hào quang của sân khấu, nghệ thuật múa đòi hỏi một sự kiên trì, hy sinh ghê gớm. Chi đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào? Một cách cụ thể, điều gì Chi coi là khó khăn nhất trong quá trình học múa?

Thực ra đối với riêng Chi, nghề múa không quá khắc nghiệt như mọi người vẫn nghĩ, có chăng là những chấn thương cơ thể, nhưng múa là bộ môn nghệ thuật bằng hình thể nên chấn thương thì khó tránh khỏi rồi. Mà có ngành nghề nào là không có khó khăn, nghề nào cũng đòi hỏi người theo đuổi nó phải hy sinh một số thứ nhất định.


Trong buổi diễn trước cử tọa Hungary tại chân Cầu Xích (Lánchíd, Budapest) - Ảnh: Ðông Xuân

Đối với Chi, điều lớn nhất mà Chi phải hy sinh cho múa là vì muốn theo đuổi ước mơ của mình nên Chi đã đánh đổi rất nhiều thời gian được ở bên gia đình, bạn bè, v.v… cho việc đi du học. Và cái khó khăn lớn nhất trong nghệ thuật múa Chi nghĩ không gì khác ngoài sự kiên trì. Dù có yêu múa đến mấy, nhưng nếu không có sự kiên trì rèn luyện, học hỏi thì sẽ khó mà theo đuổi đến cùng được, nhất là giữa thời điểm nghệ thuật múa Việt Nam vẫn đang cố gắng vươn lên với nhiều thử thách gian nan như hiện nay.

* Chắc chắn nhiều độc giả nữ sẽ tò mò muốn biết để giữ được ngoại hình tuyệt vời như của Chi, có cần kiêng khem gì nhiều lắm không? Chế độ ăn uống của Chi thế nào?

Câu trả lời của Chi luôn là: Chi không có chế độ ăn uống kiêng khem nào cả. Ngược lại Chi ăn nhiều lắm (cười): tại vì hay đi xa nhà, nên mỗi lần về là cố gắng ăn sao để sang Trung Quốc đỡ thèm món Việt Nam (cười).

Tuy nhiên, đúng là đối với diễn viên múa, hình thể quan trọng lắm. Nên để giữ được hình thể cân đối, Chi khuyên các bạn nữ ăn đủ chất cần thiết cho cơ thể, nhưng không ăn cái gì nhiều quá cả. Chúng ta nên làm quen với việc bổ sung cho cơ thể tất cả những chất dinh dưỡng có thể, không nên chỉ áp dụng phương án chọn lọc. Và lý do mà Chi ăn “không ít” mà vẫn giữ được hình thể là vì Chi luyện tập rất nhiều, mỗi ngày đều kiên trì tập luyện thì cơ thể mình nhìn mới cân đối và đặc biệt là rất có sức sống.

* Một ngày bình thường của Chi tại trường múa Trung Quốc như thế nào? Chi đã gặp phải những gian nan gì trong cuộc sống tại đây?

Một ngày của Chi chắc có lẽ không có gì quá đặc biệt ngoài những buổi học khá kín nối tiếp nhau đều đặn. Hiện nay đã là sinh viên năm thứ 3 của Khoa Biên đạo múa nhưng Chi thấy sao mình học hoài mà mãi không hết (cười).


Trong đời thường

Còn gian nan trong học tập và cuộc sống đối với Chi có lẽ là trong năm đầu mới sang Bắc Kinh. Những ngày ấy Chi luôn phải dậy từ lúc 5h45 sáng để chuẩn bị đến trường (giờ học sáng bắt đầu vào 6h30). Hè thì không sao, chứ mùa đông thì cái rét khiến mình muốn bật khóc vì mỗi ngày cứ lủi thủi đi đi về về một mình, bố mẹ và gia đình thì xa thật xa, còn bạn bè thì tất cả đều sống trong ký túc xá.

Cái cảm giác ấy đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn đến với Chi một cách bất chợt. Tuy đã quen với cuộc sống sinh viên 2 năm rồi, nhưng nhiều lúc một mình đi học về, qua những ô cửa sổ của những ngôi nhà trong cùng khuôn viên, nghe tiếng mọi người xào xào nấu nấu, hoặc chỉ đơn giản là ngửi thấy mùi thơm của bữa cơm, nhìn thấy ánh đèn từ trong hắt ra, Chi lại bồi hồi nhớ đến những bữa cơm gia đình thật ấm cúng ở nhà. Ðể rồi lại lắc đầu, ngậm ngùi tự đi về nhà một mình thôi (cười).

* Thú vui của Chi trong thời gian rảnh rỗi là gì? Tận dụng các thế mạnh của mạng Internet, Chi có nghĩ tới việc – như nhiều nghệ sĩ khác - lập 1 trang web để chia sẻ những thông tin, những hoạt động nghệ thuật cho các “fan” của Chi hay không?

Thú vui của Chi cũng khá đơn giản như đọc sách, xem phim, nghe nhạc, đi xem triển lãm, hoặc hẹn bạn bè đi ăn và ngồi thảo luận, trao đổi luyên thuyên đủ thứ.

Còn về Internet thì thật sự không nằm trong thế mạnh của Chi lắm. Nhất là việc lập trang web cho mình thì Chi chưa bao giờ nghĩ đến cả, bởi vì Chi chỉ là một diễn viên múa bình thường như tất cả những diễn viên múa khác mà thôi. Chỉ cần ai quan tâm đến múa, quan tâm đến những hoạt động của nghệ thuật múa Việt Nam thì sẽ thấy Chi có mặt ở đó đấy.

* Mối quan hệ của Chi với bạn bè, người dân bản địa thế nào? Chi có nhận xét ra sao về con người và đất nước Trung Quốc?


Cùng các bạn hữu tại Học viện Múa Bắc Kinh

Chi tin rằng ở đâu cũng giống nhau, luôn có mặt tốt và mặt chưa được, có người tốt và cả những người không thích hợp với mình. Nhưng Chi luôn thấy mình may mắn khi được học tập tại Trung Quốc, một đất nước có truyền thống lịch sử, văn hóa, nghệ thuật rất lâu năm, phong phú và có chiều sâu. Hơn nữa xung quanh mình là những người thầy cô, những người bạn rất chân tình, luôn giúp đỡ Chi trong suốt những năm tháng học tập xa nhà.

* Trưởng thành trong một gia đình có nhiều thành viên là những tên tuổi nổi tiếng trong các ngành nghệ thuật, Chi có gặp phải áp lực về tinh thần trong phấn đấu nghệ thuật của mình?

Ðược sinh ra và lớn lên trong một gia đình thế này, Chi luôn cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Nhờ có tiếng nói chung từ nghệ thuật, những thành viên trong gia đình có khi là đồng nghiệp, là bạn bè để Chi có thể tâm sự, trao đổi và học hỏi.

Liệu gia đình có mang đến cho Chi áp lực hay không? Chi nghĩ điều đó là một động lực hơn thì đúng hơn. Tuy cả nhà ai cũng hoạt động nghệ thuật, nhưng mỗi người có một khoảng trời rất riêng và tự do. Bố, mẹ hoặc anh trai Chi không bao giờ thay Chi quyết định bất cứ điều gì, mà luôn dành cho Chi những lời khuyên và động viên. Ðối với Chi, gia đình là sợi dây thật chắc chắn để giữ cho cánh diều Thùy Chi được bay cao hơn trên bầu trời nghệ thuật.

* Trong đời, đã tham dự nhiều đợt lưu diễn trong và ngoài nước, chắc hẳn Chi đã có nhiều kỷ niệm, ấn tượng khó quên, mà Chi có thể chia sẻ với độc giả NCTG?

Chi vẫn còn nhớ lần đầu Chi diễn trong nhà hát cho cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Lần đó, khi mới bước ra sân khấu, Chi không thể quên được khi dưới khán giả có người nói rằng: “Có mỗi một cô múa thôi à? Thế thì xem cái gì…” (cười).

Và sau khi Chi diễn xong, mọi người đã dành cho Chi tràng pháo tay rất lâu, lúc đó Chi không có cảm xúc gì khác ngoài sự vui mừng. Chi đã có thể giúp mọi người đến gần hơn nữa với múa, ít ra, dù chỉ có một mình, Chi vẫn có thể khiến bà con xa quê hương cảm thụ được những tâm tư tình cảm trong bài múa đó.

Sau lần diễn đó, Chi đã có thêm tự tin khi một mình đứng trên sân khấu trước Cầu Xích, đón những cơn gió của Hungary, của con sông Danube. Ðứng trước nhiều người dân nước bạn và thể hiện bài múa Việt Nam “Bèo dạt mây trôi”, đến giờ cảm giác tự hào, hạnh phúc, tràn ngập ánh nắng vẫn đọng lại trong Chi.


Cùng các đồng nghiệp trong chuyến lưu diễn tại Budapest - Ảnh: Trần Lê

Có thể nói, lần đi diễn tại Hungary đã để lại cho Chi nhiều kỷ niệm rất sâu sắc, mà câu chuyện vui trên chỉ là một. Cộng đồng ta bên đó không đông, các đoàn qua Hung diễn chắc cũng không nhiều, nhưng tình cảm của các cô chú, anh chị bên ấy lại rất đầm ấm, gần gũi khiến Chi cảm động. Cho đến nay, Chi vẫn giữ liên lạc với những người bạn Hung và Việt được làm quen trong chuyến đi ấy, và trong tâm trí mình, Chi luôn mong chờ ngày được trở lại diễn ở Hungary!

* Chúc Chi đạt được những mong mỏi trong sự nghiệp và cuộc sống, và mong có ngày gặp lại Chi bên dòng sông Danube!

Tác giả bài viết: Hoàng Linh thực hiện