Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 7: MỚI MẺ VỚI MÀN “TƯƠNG TÁC THƠ 360 ĐỘ”

(NCTG) Theo thông lệ, Lễ hội thơ Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức vào Tết Nguyên Tiêu (thứ Hai, 9-2-2009) tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Poster của Chương trình thơ trẻ tại Ngày Thơ 2009


Là ngày hội dành cho người yêu thơ Việt Nam, trong 6 lần tổ chức trước đây, Ngày Thơ Việt Nam - với những lời khen, tiếng chê khác nhau – nhưng lần nào cũng để lại dư âm. Điều đáng nói, với Ngày Thơ thường niên, những cây bút trẻ - chuyên và không chuyên – trên thi đàn Việt Nam đã có một sân chơi để thể hiện bản thân, với những thử nghiệm mà mức độ thành công khác nhau, nhưng đều mang khát vọng, mong muốn đổi mới, bứt phá trong thi ca.

Tổ chức lần này là lần thứ 7, Ngày Thơ 2009 hứa hẹn những bất ngờ và mới mẻ.

Theo một nguồn tin của NCTG từ Hà Nội, ngày thơ năm nay có 2 chủ đề chính: Chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Hồ chủ tịch (1969-2009) và chủ đề về con đường mòn huyền thoại Trường Sơn, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959-2009). Các thi phẩm của những nhà thơ viết về Trường Sơn sẽ được trưng bày và giới thiệu tại Nhà Thái học. Cạnh đó, Ngày Thơ còn có màn xướng họa Đường thi, và người yêu thơ có thể ứng đối trực tiếp.

Điểm mới trong năm nay là màn Trình diễn thơ sẽ không mang tính “độc tấu”, mà là một màn diễn chung, được chuẩn bị rất công phu, của những gương mặt mới, với những phong cách khác biệt, nhiều khi đối chọi. Mang tên “Thơ 360 độ”, màn “tương tác thơ” này kỳ vọng giới thiệu đến người yêu thơ một Câu chuyện thi ca, đặt trên cơ sở sự kết nối và tương tác giữa 8 cây bút tham gia.

Điệp Giang, Nguyễn Phan Quế Mai, Thụy Anh, Lệ Bình Quan, Lữ Thị Mai, Nguyễn Anh Vũ, Huyền Minh, Nguyễn Quang Hưng, 8 tác giả mới tham gia Trình diễn thơ năm nay, có người đến từ những miền xa như Hà Giang và Quảng Bình, có người vừa hồi hương từ Liên bang Nga. Là những gương mặt trẻ nên ngoài nét chung là ngoài làm thơ và được biết đến chủ yếu bởi những thi phẩm đăng tải trên mạng, họ còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác như viết báo, thiết kế bìa sách, dịch thuật, viết truyện ngắn (có người có truyện ngắn lọt vào Top 10 của báo “Văn Nghệ” năm 2008). Ngoài đời, có người là kiến trúc sư, có người là TS Tâm lý học trẻ em, nhưng tình yêu thi ca là điểm chính yếu thu hút họ tới Sân thơ Trẻ với tiết mục trình diễn được tập luyện công phu dưới sự hướng dẫn của Dạ Thảo Phương và Phan Huyền Thư, hai cây bút “cựu trào” trên phương diện trình diễn thơ.

Buổi trình diễn và giao lưu được chờ đón này sẽ bắt đầu tại ở Sân thơ Trẻ vào hồi 8 giờ 30 phút sáng 9-2-2009.

Tác giả bài viết: Trần Lê