Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NỤ CƯỜI HIỀN VỀ CHỐN BÌNH YÊN

(NCTG) "Nụ cười ấy, đôi mắt ấy chiều nay đã khép lại... Vui buồn, cay đắng đã cùng thầy trôi vào miền bình yên vĩnh cửu".
GS. Nguyễn Đăng Mạnh (thứ hai từ trái) cùng các đồng nghiệp - Ảnh tư liệu
Cách đây vài ngày, chị bạn thân từng làm nghiên cứu sinh do thầy hướng dẫn hơn chục năm về trước buồn rầu thông báo với mình: “Sợ thầy khó qua khỏi. Lạnh tái tê thế này...”.

Lần này thì chỉ có mình chị vào thăm thầy. Không giống như lần trước đã gần chục năm mình đi cùng chị đến Đồng Xa. Dạo ấy thầy vừa thoát một trận ốm nặng lại vào đúng những ngày thiên hạ sôi sục mà đa số là vô lối về những trang viết chưa hề chính thức được công bố của thầy. Trước đó đọc những lời gay gắt của một số người từng là đồng nghiệp của thầy mình đột nhiên kinh hãi.

Sao con người ta có thể độc ác với nhau một cách nhanh chóng thế. Khác nhau về điểm nhìn và cách tiếp cận vấn đề thôi. Và giải thiêng những nhân vật huyền thoại từ góc độ đời thường đâu có gì lạ lẫm. Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại”, Tô Hoài với “Cát bụi chân ai” đã từng làm thế... Không ai nói gì về những chuyện đang làm thầy (mình chắc chắn thế), dù bình thản mấy cũng không thể an yên.

Thế mà rồi loanh quanh thế nào lại chạm phải. Mình sững lại đang tìm cách đánh trống lảng thì thầy bất ngờ cười xòa, đuôi mắt nheo lại. Không trách móc, không bực tức như thể chuyện của ai đó, như thể điều có thể làm người khác nếu cùng cảnh phải khốn đốn thầy như đã thấy cả. Cái cười hiền lành, hệt ngày xưa lúc giảng về các tác giả văn học hiện đại Việt Nam nếu thấy sinh viên ngơ ra thầy sẽ dừng lại “có hiểu không?”.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh nhân dịp về thăm trường và trò chuyện cùng cùng sinh viên khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình - Ảnh do nhân vật cung cấp
GS. Nguyễn Đăng Mạnh nhân dịp về thăm trường và trò chuyện cùng cùng sinh viên khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình - Ảnh do nhân vật cung cấp
 
Cái cười hồn nhiên như khi thầy nhắc đến một câu quen thuộc của “Số đỏ” - “vô nghĩa lý” - lúc thầy giảng bài... Bất giác mình nhớ đến bài phê bình của thầy về “Phở” của Nguyễn Tuân. Bài viết thuyết phục, khách quan của thầy đã giúp Nguyễn Tuân thoát khỏi những quy chụp của sự dốt nát, phi thẩm mỹ khi nhìn nhận về vẻ đẹp đích thực của văn chương. Vào lúc ấy, khi Nguyễn đang bị “đánh” hội đồng, tơi bời khói lửa vì “thói” tiểu tư sản thì bài viết của thầy quả là hơn cả sự dũng cảm...

Rất thống nhất và có cả phần lạ lẫm, cùng với nụ cười hiền của thầy là một trí tuệ sắc sảo và bản lĩnh của người làm khoa học chân chính. Với cặp “mắt xanh” tài hoa thầy đã liên tiếp “đọc” ra phong cách của nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại, nhanh chóng khẳng định tài năng của tác giả ngay cả khi tác phẩm của họ vẫn đang phân đôi hai luồng ý kiến đồng tình với phản đối. Và thời gian đã minh chứng, cho đến thời điểm hiện tại những gì thầy chỉ ra trong sáng tác của họ chưa sai lệch chút nào.

Có thể nói các bài phê bình của thầy về các tác giả văn xuôi hiện đại giống như Hoài Thanh nắm được cái thần của các nhà Thơ Mới hồi đầu thế kỷ đã khơi nguồn cho bao ý tưởng, đề tài nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh...

Nụ cười ấy, đôi mắt ấy chiều nay đã khép lại... Vui buồn, cay đắng đã cùng thầy trôi vào miền bình yên vĩnh cửu. Rất nhiều trang Facebook của các thầy, anh chị, bạn bè đồng nghiệp sẫm tối chiều nay... Sắc màu thay cả ngàn lời tiếc thương. Vĩnh biệt thầy, thầy đã sống bình thản và ra đi bình yên, thầy ơi...

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương, từ Ninh Bình