Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NỖI NIỀM PHẬN CỌ

(NCTG) “Niềm thương và nỗi buồn cho phận cọ mấy người ai biết, ai còn?”.
Rừng cọ đồi chè - Ảnh minh họa
Một ngày ngang qua phố thị tình cờ nhìn thấy mấy hàng thân cọ sang chảnh đứng bên đường, giữa bốn bề hoa cỏ tốt tươi của đại lộ vừa mới được khánh thành, lòng mình bỗng trở nên xốn xang, mừng vui như gặp người quen. Cái cây cọ yêu dấu của quê hương thuở nào nay cũng đã được bon chen giữa chốn phố phường sánh vai cùng với các loài cổ mộc quái thạch từ những rừng thẳm núi cao đưa về.

Nhưng rồi có một điều thật lạ! Cũng ngay từ cái nhìn đầu tiên, giữa vô vàn cây hoa cây cảnh của chốn nhân gian với đủ các kiểu cách cổ kim, Đông Tây của những tiểu sơn lâm trên đường phố này có bao điều đáng nghĩ sao ta chẳng nghĩ mà lại cứ bận tâm hoài với mấy thân cọ kia. Phải chăng cái cây vốn quen bây giờ bỗng trở thành lạ ấy đã chạm đến cái huyệt thần kinh nhạy cảm trong tâm thức để khơi dậy một lòng trắc ẩn, ru hồn ta trở về với bến đỗ ngày xưa, cho ta mơ về một nơi xa lắm mà biết rằng chuyến tàu thời gian chẳng bao giờ trở lại.

Cứ thế, mê mải với những nghĩ suy miên man về một thời xa lắc của những năm tháng tuổi thơ vui sống dưới những tán rừng rợp bóng cọ xanh, kỷ niệm xưa bỗng ào về như những suối nguồn tươi mát làm dịu nguội đi cái nắng hè oi ả xen lẫn những bụi bặm của phố phường đang thẩm thấu trong từng thớ thịt.

Tôi sinh ra và lớn lên giữa hai vùng quê ngập tràn bóng cọ. Quê cha, bên bờ sông Thao với những “rừng cọ đồi chè” (Phú Thọ); quê mẹ, bên con suối hiền hòa, trong vắt, mềm mại uốn quanh những “vườn cam đồi cọ” (Hà Giang). Bởi thế, những năm tháng tuổi thơ anh em chúng tôi cùng lớn lên dưới những tán cọ xanh ngắt một màu.

Có thể nói, cây cọ quê hương đã làm chứng nhân của bao kiếp đời; là bạn đồng hành với bao nỗi buồn vui sướng khổ của một thời con trẻ. Và như thế, thời gian cứ trôi đi, cũng chẳng biết từ bao giờ những cây cọ đã đi vào trong máu thịt hồn tôi như những gì thân thiết nhất, ngỡ chẳng thể nào quên được.

Cho đến tận bây giờ, mỗi lần về quê tôi vẫn thường mê mải đứng ngắm những hàng cọ thô ráp, xù xì bên đường, trên những vạt đồi, để thu mình lắng nghe những thanh âm rì rào của tàu cọ đung đưa trong gió. Mỗi lần như thế, tôi như thể được trở lại với dòng sông tuổi thơ của mình với biết bao kỷ niệm của một thời niên thiếu. Nào, những buổi đến trường băng đồi đi dưới tán “cọ xòe ô che nắng”; nào, những lần trú mưa, bạn bè lại túm năm tụm ba dưới tán cọ già; nào, những buổi chơi chốn tìm trên mênh mông đồi cọ; và rồi còn nữa những buổi đi trẩy quả trong mỗi mùa cọ chín…

Và cứ như thế, đã có biết bao lần, trong những giấc ngủ mơ, hình ảnh dưới tán lá cọ xanh “mùa hoa cọ đầy hương bay” với vòi hoa màu nâu hồng, dài khoảng nửa mét, căng phồng như những bao kiếm chĩa ra tứ phía, rồi nở bung thành những chùm hoa trắng ngà tựa như cành san hô biển đã không ít lần hiện lên, xòe ra trong nỗi nhớ làng da diết của kẻ tha hương.

Với tôi, rừng cọ cố hương bao giờ cũng đong đầy những kỷ niệm, ký ức về cọ chưa bao giờ phôi pha. Cũng chính bởi mối thâm tình sâu nặng ấy nên khi nhìn thấy bóng cọ giữa chốn phố phường đông đúc mà lòng bỗng mừng vui khôn tả. Trông thấy bóng cọ ta như thấy dáng quê nhà. Nhưng rồi, cũng một ngày kia, ngang qua con đường cũ chợt nhìn thấy những hàng cọ sang chảnh bên đường ngày nào cứ xơ xác dần và lụi tàn, trơ trụi theo thời gian, lòng lại trào dâng nỗi buồn đau tê tái.

Đến khi ấy, bình tâm suy ngẫm, ta đã ngộ ra một điều và buồn cho phận cọ.

Hóa ra, cọ không có duyên với chốn đô thành. Cọ chỉ quen với những nơi đất đồi cằn cỗi và xa lạ với chốn phồn hoa.

Phải chăng do thổ nhưỡng nơi phố phường không hợp với cọ? Điều đó có thể đúng nhưng đó cũng mới chỉ là một lý do. Giả thiết, cứ cho thổ nhưỡng chốn phồn hoa hợp đi chăng nữa thì những cây cọ đứng đơn lẻ kia liệu có gợi lên được cái hồn của rừng cọ hay không thì lại là một việc khác. Ngẫm nghĩ, ta chợt nhận ra rằng cây cọ quê nhà đâu có đứng một mình bao giờ. Cọ thường mọc bên nhau thành từng khóm, mỗi khóm khoảng ba đến bốn cây và các khóm thường san sát bên nhau tạo thành những vườn cọ, nhiều vườn cọ làm thành những rừng cọ…

Rừng cọ ở quê thương nhau lắm, chúng lúc nào cũng “tay ôm tay níu” bên nhau, chúng chẳng bao giờ ở riêng, đứng một mình tách rời, xa cách. Có lẽ vì vậy mà những cây cọ bị bứng khỏi cội nguồn, đưa về bên phố đông kia dẫu có xanh tốt thì cũng trở nên ngơ ngác vô hồn. Sự vô hồn ấy phải chăng vì hồn vía của chúng đang thương nhớ đồng loại ở một xứ xa xôi nào đó, nơi chôn nhau cắt rốn?
 
Tác giả bên cây cọ non - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả bên cây cọ non - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phận cọ trên phố đã vậy. Phận cọ ở quê bây giờ ngẫm cũng không khỏi chạnh lòng thương xót. Quê tôi cây cọ bao đời nay vẫn gần gũi và giúp ích cho con người chẳng kém gì cây tre. Cũng giống như tre, cọ “ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”; “giúp người trăm công nghìn việc khác nhau” (Thép Mới). Thế nhưng so với tre, cọ vẫn phải chịu phận hèn.

Cọ chưa bao giờ được người đời tấn phong như tre: “Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu” (Thép Mới). Quả đúng vậy! Này nhé, ta cứ kể sơ qua mấy việc mà cọ giúp người thử xem. Thân cọ già rất cứng và rất tốt. Người quê tôi thường bảo “cọ già là bà gỗ lim”. Bởi vậy thân cọ được sử dụng hữu ích trong việc làm nhà (cột, rui, mè, xà, kèo, lát sàn…); làm máng dẫn nước, hứng nước; làm máng cho lợn ăn, làm chõ đồ xôi.

Tàu (cành) cọ làm mành, làm chiếu; làm bờ rào; lá cọ lợp nhà, làm nón, làm quạt, làm áo tơi; tàu và lá cọ có thể dùng làm chổi, chổi cọ quét được nhiều và rất sạch. Quả cọ là một đặc sản, nếu ai đã ăn một lần thì hẳn sẽ còn nhớ mãi cái màu vàng mỡ gà, hương thơm và vị bùi béo ngậy của quả cọ (từ quả cọ có thể chế biến các món cọ muối, đồ xôi, cọ ỏm…); hơn thế từ quả cọ bây giờ người ta còn ép thành dầu, dầu cọ rất nhiều dinh dưỡng và rất thơm. Rễ cọ cũng là một vị thuốc. Và nếu có dùng làm củi thì củi cọ đun rất nỏ, than cọ cũng rất đượm.

Không những thế, cây cọ quê tôi rất biết thương người. Người quê tôi thường bảo cọ biết thương người nghèo nên rễ cọ biết bám sâu vào đất cằn để sinh sống, lớn lên từng ngày giúp người chứ không chờ người chăm bón. Đã thế cọ còn nhường phần cho cả các loài cây khác để cùng cộng sinh. Cọ chẳng ích kỷ đến mức ăn để sống một mình.

Bởi thế, bên dưới tán cọ còn có biết bao loại cây khác cùng sinh tồn bên nhau. Ở quê tôi, phần đất dưới những cây cọ, người dân thường trồng thên sắn, thêm rau, thêm chè. Và nếu có vườn cọ, đồi cọ nhà ai đó bỏ hoang thì ít ra cọ cũng không sống một mình mà sống chung cùng với vài ba bụi sim, bụi mua.

Ở điểm này cọ khác hẳn với tre. Nếu ai để ý sẽ thấy dưới những bụi tre đất đai luôn xơ xác vì rễ tre tỏa ra rút hết dinh dưỡng, bởi thế dưới khóm tre, đến cỏ cũng hiếm có một cây sống sót. Không những thế, nếu chẳng may, tàu lá cọ nào có bị rơi rụng xuống chân thì theo thời gian nó sẽ ải mục đi và lại trở thành nguồn dinh dưỡng bổ sung thêm vào đất để nuôi dưỡng con người. Thế đấy, lòng cọ bao la những yêu thương là vậy!

Bây giờ, trong thời đại công nghiệp cây cọ không còn có chỗ đứng như những ngày xưa nữa. Những rừng cọ ở không ít nơi đã vơi đi ít nhiều. Ấy vậy, cây cọ quê tôi vẫn kiên trì, nhẫn nại cắm sâu vào đồi đất khô cằn để lặng lẽ dâng cho đời những mùa thơm thảo.

Thương và nhớ cọ nhiều. Chập chờn trong nhưng giấc mơ, bóng cọ với bao búp non vươn dài lên trời cao như những thanh gươm dũng mãnh, kiên cường chống trả cơn mưa rừng xối xả ngày hè oi ả; những thanh âm ào ào như thác đổ của tiếng mưa rơi vang dội một cách khác lạ trên những tàu cọ; mỗi mùa cọ chín những tiếng chim gọi bầy của đàn phượng hoàng rủ nhau về xao động cả một khoảng rừng…

Tất cả... tất cả... ào ạt hiện về, ám ảnh trong nỗi nhớ khôn nguôi. Thế đấy, niềm thương và nỗi buồn cho phận cọ mấy người ai biết, ai còn?

Tác giả bài viết: Đào Thị Thu Hiền - Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội