NHỮNG ĐỐT XƯƠNG TRAI
- Chủ nhật - 17/02/2013 11:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Mẹ mất. Hai chị em kỳ cạch học. Ấn tượng về thời hậu chiến là không khí trong veo mùa theo mùa, và tiếng reo ời ời khi có điện, và tiếng gọi nhau đi xếp hàng khi gạo về, và bạn.
Chị học xong đi lấy chồng. Ba năm lấy chồng, liệu có ở với nhau được ba tháng? Ngày ăn hỏi, gần xong thì chú rể mới từ biên giới về tới nơi, quần xắn móng lợn, đầy bùn.
Chú rể người Hà Nội, Ngõ Huyện, phố còn hơn cả mình. Nếu không có chiến tranh biên giới phía Bắc, bây giờ anh...
Thằng bé con được bảy tháng thì bố mất, sau chuyến lên biên giới chuẩn bị cho công việc mới ở Tổng cục chính trị.
Nhớ cháu ngơ ngác trước ngày bố mất. Người trông quên không cho cháu uống nước, cháu hau háu nhìn cô với cái cốc.
Nhớ anh, chỉ trong một tháng da tái xám, không ngồi dậy được. Vào 108 rồi đi. Lồng ngực con trai chưa tới tuổi ba mươi căng đầy, giật lên sau mỗi cú sốc điện, rồi bất động.
Nhớ những người lính trẻ có màu da y hệt như anh, gầy còm trong bộ đồ bệnh binh, lặng lẽ nhìn theo cái băng ca anh nằm đi về phía nhà xác. Họ đều được đưa về từ chiến trường biên giới phía bắc, từ trên chốt, đều vì một chứng bệnh như anh: máu trắng.
Nhớ ngay khi từ đám tang anh về, gặp đồng đội của anh, quần xắn móng lợn đầy bùn y như anh ngày ăn hỏi. Họ mang về cho anh những đồ dùng sót lại, trong có chiếc chiếu cá nhân sẫm vệt anh nằm.
Thằng con anh giờ bằng anh ngày ấy, đã du học, đã vợ, sắp con.
Vợ anh, không đến nỗi một mình thành bà lão, nhưng khi tái giá thì tâm niệm lấy chồng lần này là lấy bố cho con.
Phố nhà anh, Ngõ Huyện, giờ tiếng chuông nhà thờ vang vọng khác xưa.
Còn gì như xưa?
Những đốt xương trai, khi ấy mới hai bảy tuổi?