NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT” CỦA SOLZHENITSYN (1)
- Thứ ba - 20/02/2007 22:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Solzhenitsyn tại "quần đảo ngục tù" Gulag (1953)
THỞ
Cơn mưa bụi lất phất vào buổi đêm và đến giờ, những đám mây vần vũ bao phủ bầu trời và thỉnh thoảng, vẫn lất phất vài hạt mưa.
Tôi đứng dưới cành táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ cành táo mà bốn bề quanh đó, cây cỏ cũng ướt đầm sau cơn mưa và không thể gọi tên cái mùi thơm ngọt ngào thấm đẫm không trung. Tôi hít đầy phổi và cái hương vị ấy ngập tràn lồng ngực, tôi thở, thở gấp, lúc mở mắt, lúc nhắm nghiền, tôi không biết thế nào thích hơn.
Vâng, tôi cho rằng đây là tự do, thứ tự do duy nhất nhưng cũng quí giá nhất mà tù ngục đã lấy đi của chúng tôi, nó không cho chúng tôi hít thở khí trời như thế này, ở đây. Chẳng có đồ ăn, thức uống gì trên thế gian này, kể cả nụ hôn của người đàn bà, lại ngọt ngào hơn dưỡng khí, hơn bầu không khí đẫm trong hoa lá, ẩm ướt và trong lành này.
Chỉ là một mảnh vườn bé tí tẹo bị chặn giữa những tòa nhà hộp bốn tầng, nhưng có sao? Giờ đây, tôi không nghe tiếng động cơ xe máy bình bịch, tiếng gào thét của đài, tiếng gầm gừ của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở sau cơn mưa dưới cành táo, chừng ấy tôi còn có thể sống!
*
KHÚC GỖ DU
Chúng tôi xẻ gỗ và khi đụng đến một khúc gỗ du (1), ai nấy phải kêu lên: năm ngoái, người ta hạ cây du này, từ dạo đó họ dùng máy kéo lôi đi và xẻ nó thành nhiều khúc, những khúc gỗ bị quẳng lên xà-lan và xe tải, rồi bị chất thành cột hoặc ném lăn lóc dưới đất, vậy mà khúc gỗ này không chịu đầu hàng! Một chồi xanh nhú lên, ở đó, một cây du tương lai, một nhành cây đầy hứa hẹn rì rào cất tiếng giận hờn.
Chúng tôi đặt khúc gỗ lên giá cưa như thể đưa nó lên đoạn đầu đài, nhưng không làm sao cầm lòng cứa vào cổ nó. Làm sao xẻ được nó cơ chứ? Vì nó cũng muốn sống! Mà nó muốn sống biết bao, còn hơn cả chúng tôi!
(1) Một loại gỗ cứng và bền.
*
CỤC BỘT
Ở sân nhà chúng tôi, một chàng trai xích Cục bột - một chú chó nhỏ - từ dạo nó còn bé xíu.
Một bận, tôi mang cho nó vài mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức. Vừa lúc đó, chàng trai mở khóa xích thả con chó chạy rông đôi chút trong sân. Một tấm màn tuyết dày, mềm mại phủ kín sân, Cục bột khoan khoái nhảy nhót trên đó như một con thỏ, nó nhún, lúc thì chân trước, lúc chân sau, nhào từ góc sân này sang góc kia rồi quặt lại, mũi chúi xuống nền tuyết.
Nó chạy đến chỗ tôi - bộ lông ướt đầm vì tuyết chảy -, nó nhảy quanh người tôi, đánh hơi mấy mẩu xương, rồi lại vù chạy và ngập trong tuyết tới bụng!
Tôi chả cần xương, nó nói, nếu được tự do!
*
GIỎ NÔNG TRANG
Nếu bạn đi xe buýt liên tỉnh và bạn bị cạnh cái giỏ cứng như đinh của ai đó quệt vào ngực hay vào cạnh sườn, bạn chớ lên tiếng nguyền rủa mà hãy quan sát thật kỹ cái giỏ bằng vỏ cây, đeo trên vai bằng một dây vải tua rộng bản. Chủ nhân của nó chở sữa, pho-mát tươi, cà chua - của bà và của cả hai láng giềng - lên thành phố, rồi từ thành phố, bà lại mang về dăm chục mẩu bánh mì tròn cho ba gia đình.
Thứ giỏ miệng loe, bền và rẻ tiền này của các bà, các cô, không thể sánh với những loại túi thể thao màu sắc, có biết bao ngăn và khuy cài sáng choang. Thứ giỏ ấy có thể tải một sức nặng khiến dây đeo vai của nó, thấu qua chiếc áo gi-lê ấm áp, vẫn khiến đôi vai dãi dàu của người nông dân phải đau đớn khôn cùng.
Vì thế, các bà, các cô phải đeo nó theo cách sau đây: đặt chiếc giỏ cân đối sau lưng, căng sợi dây đeo ngang trước ngực như một thứ yên cương. Bằng cách đó, trọng lượng sẽ được xẻ đều xuống hai vai và ngực.
Các bạn viết của tôi ơi! Tôi không bảo các bạn hãy thử đeo trên lưng thứ giỏ như thế. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào cạnh sườn, xin mời các bạn hãy đi tắc-xi!
*
HỒ SEGDEN
Người ta không nói, và không viết về cái hồ này. Như thể đó là một lâu đài bị phù phép, mọi con đường dẫn đến đó đều bị khóa chặt và tại mọi ngả đường, lơ lửng một dấu “cấm”, một vạch kẻ đỏ đơn giản, câm lặng. Người hay vật, nếu chạm trán dấu hiệu này, hãy quay lại! Một thế lực trần gian cấm bạn đi tiếp, bay tiếp, dạo tiếp hay trườn tiếp.
Cạnh con đường, trong rừng thông rậm rạp, một toán lính canh ngồi mai phục, lăm lăm máy bộ đàm và súng lục.
Bạn có thể đi vòng quanh cánh rừng thầm lặng để tìm đường đến hồ, nhưng vô hiệu, và không ai có thể trả lời được cho bạn: người dân đã bị hăm dọa và trong cánh rừng này, bạn không thể hỏi ai. Mưa rơi từng hạt, chiều tới, theo âm thanh lúc lắc của cái chuông nhỏ buộc ở cổ bò, lần theo dấu chân những chú bò đầu tiên, bạn đến được hồ. Vừa thoáng thấy mặt hồ bao la thấp thoáng sau hàng cây du, khi chửa đến tận nơi, bạn đã biết bạn sẽ yêu nơi này suốt cuộc đời.
Hồ Segden tròn trịa như thể được vẽ bằng com-pa. Nếu bạn đứng ở một bờ hồ và thét vang (nhưng bạn không thét để khỏi bị phát hiện ra), chỉ có tiếng vang đã mờ nhạt đến được bờ bên kia. Xa lắm. Giải rừng ven bờ ôm lấy hồ. Những hàng cây san sát bên nhau, cánh rừng không để hở một khoảng trống nào. Vừa tới gần mặt nước, toàn bộ bờ hồ trải ra trước bạn: đây giải cát vàng, kia bãi sậy xám rùng mình giận dữ, đó thảm cỏ xanh đang vươn mình. Mặt nước phẳng lỳ như gương, không gợn sóng, đây đó, sát bờ, vẩn vơ vài cánh bèo, nhưng hồ sạch và nước trong veo, nhìn thấu được tận đáy hồ trắng bạch.
Hồ bí mật trong khu rừng bí mật. Hồ ngẩn ngơ nhìn trời, bầu trời nhìn lại hồ. Và không thể biết còn gì khác hay không trên mặt đất, không thể thấy gì từ phía trên cánh rừng. Và nếu có gì đi nữa, cái đó không cần ở đây, thừa thãi.
Phải dọn đến đây sống vĩnh viễn. Tại đây, tâm hồn bạn có thể trào dâng giữa trời và đất, như cái rùng mình của không trung, và bạn có thể nảy sinh những ý tưởng trong sáng, thâm trầm.
Nhưng không được! Một hoàng tử độc ác, một con quỉ mắt chột đã chiếm lấy hồ: đây, nhà nghỉ, nhà tắm của nó. Lũ nhóc của kẻ đê tiện đang câu cá và săn vịt giời từ chiếc thuyền nan. Thoạt tiên, chỉ thấy một quầng khói xanh nhỏ phủ trên hồ, rồi một thoáng sau, một tiếng súng nổ.
Bên kia cánh rừng, cả vùng ngoại ô còng lưng trĩu nặng. Và tại đây, để không ai quấy rầy BỌN CHÚNG, người ta đã chặn mọi nẻo đường, ở đây, cá mú và thú rừng được chăn nuôi riêng cho BỌN CHÚNG. Đây này, còn lại dấu vết: ai đó đốt lửa trại, lửa bị dập và người ấy bị tống khứ.
Cái hồ quí giá bỏ hoang.
Tổ quốc tôi…
Xem tiếp Phần 2.