NHÂN ĐỌC TIỂU THUYẾT “NÀNG IĐO”
- Thứ bảy - 24/10/2009 22:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuốn tiểu thuyết từng được chuyển thể điện ảnh
Đây là một cuốn tiểu thuyết rất thú vị và hấp dẫn, và phải cám ơn dịch giả đã tặng tôi sách nhân dịp gặp mặt Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary hàng năm vào cuối tháng 8 vừa rồi.
“Nàng Iđo” xoay quanh số phận của hai con người Iđo (Ida) và Trobo (Csaba). Iđo là một cô gái xinh đẹp, trong trắng. Trong trắng đến mức nàng không biết đến những khái niệm rất thường ngày như “trăng hoa”, “ham vui”…Tuy cha nàng là một triệu phú nhưng nàng lại bị nuôi dạy như trẻ con mồ côi trong trường dòng từ bé. Với sự nuôi dạy hết sức khắc nghiệt trong trường dòng, nhưng Iđo đã luôn khát khao “tự do và tình yêu”.
Sau khi bị đuổi từ trường dòng do bảo vệ chân lý tự do của một người bạn, nàng lại bị người cha gả bán cốt để rảnh tay trong chuyện buôn bán và vui thú của mình. Trobo, người chồng mà nàng bị cha ép cưới cũng là một nạn nhân của xã hội đồng tiền. Là một họa sĩ nhưng chàng thiếu phương tiện làm việc. Không có tiền, chàng không thể phát triển tài năng được.
Là một người anh tình cảm, thương yêu em gái, gắn bó với quê hương, chàng đã vì em gái của mình mà hy sinh mọi quyền lợi của cá nhân mình. Đứng trước lời kêu cứu của em gái, chàng đã phải bắt buộc tìm đên mối hôn nhân chỉ vì tiền.
Hai con người mà tâm hồn đều bị thương tổn, đều căm ghét lối sống không tình cảm chỉ biết có đồng tiền của xã hội bây giờ tình cờ phải sống với nhau. Họ đã thỏa thuận sống với nhau như những người xa lạ, hôn thú giữa hai người chỉ là hình thức, và sẽ ly dị sau một năm. Cuộc sống chung mang lại cho họ nhiều rắc rối, hiểu lầm, nhưng đồng thời cũng làm họ ngày hiểu nhau hơn. Càng ngày, họ càng phát hiện ra được nhiều nét đẹp trong tính cách, tâm hồn của nhau và ngày càng gắn bó với nhau.
Đây tái bản lần thứ ba của cuốn “Nàng Iđo” do Hà Anh My dịch, riêng thực tế này cũng phần nào chứng minh sự quan tâm của bạn đọc tới sách. Lướt qua trên mạng, tôi cũng được biết rằng cuốn truyện này - lần đầu tiên cách đây gần mười năm - đã được phát trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” trên đài và rất được “sought after”.
Dưới đây, xin trích dẫn một số ý kiến và cảm nhận của các độc giả về cuốn tiểu thuyết này.
* Bạn CamChuong18:
“Truyện ngọt ngào như một viên kẹo vậy. Nàng Iđo tuy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng mà số phận cũng ko suông sẽ như ý, nhưng là nhân vật nữ mạnh mẽ đáng nhớ. Thích nhất lúc cả hai cùng nhau đi vẽ, và Trobo tưởng Iđo chết, cảnh mô tả khu vườn, nắng, mái tóc, cây dù che, chim chóc ríu rít đẹp như một bức tranh huyền ảo và không thực, nhưng ở mãi trong lòng khi truyện đã hết…”
* Bạn Cylamen:
“Truyện nhẹ nhàng. Sau những truyện hơi hơi nặng đô mà mình đọc gần đây, gặp được truyện này như uống được 1 cốc nước mát. Tình yêu trong sáng, có gì đó hơi ngại ngần xa cách ước lệ, nhưng có lẽ vì thế nên mới trong veo đến thế chăng?...”
* Bạn hasun24:
“Nàng Iđo” là cuốn sách mà mình dùng khoản tiền lần đầu tiên trong đời tự kiếm được để mua. Đó cũng là cuốn sách đầu tiên mà tôi tự tay mua lấy vào ngày sinh nhật mình. Tính ra bây giờ cũng được 7 năm rồi. Lần đầu tiên biết cuốn này cũng qua chương trình đọc truyện đêm khuya của đài tiếng nói Việt Nam. Hồi đó, đêm nào mình cũng ngóng chờ đến 10h30 để nghe truyện, nghe một cách say mê, đến mức thuộc từng từ, rồi sáng hôm sau lại đến lớp kể cho đứa bạn thân.
Mình và đứa bạn thân rất thích truyện này. Truyện có giọng văn trầm ấm, nhẹ nhàng, âm hưởng của Hungary in dấu rất rõ…”
* Bạn haydimi:
“Quyển này đọc lâu rồi. Nó thuộc thể loại Romance.
Quyển này nói về một cuộc sống chung của hai người “xa lạ” giữa nàng Iđo và chàng Trobo. Có lẽ câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu đây không phải là một cuộc hôn nhân ép buộc mà cha Ido gã nàng đi để dễ bề sống với tình nhân bằng tuổi con gái mình. Hai “kẻ xa lạ” buộc phải sống như vợ chồng đối với xã hội trong vòng một năm. Và cuộc sống chung mang lại cho họ nhiều rắc rối, hiểu lầm, nhưng đồng thời cũng làm họ hiểu nhau hơn và nảy sinh tình cảm với nhau.
Giọng văn nhẹ nhàng, nhưng lại có chút gì tự hào về người Hung. Mình thích quyển này”.
Bản thân tôi là dân ngoại đạo về văn học do đó không thể phân tích mổ xẻ tác phẩm như các nhà phê bình văn học nhưng “Nàng Iđo” cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi tự hỏi điều gì đã làm cho cuốn truyện này hấp dẫn đối với bản thân mình đến thế?
Và tôi đã phát hiện rằng ngoài cốt truyện thực sự thú vị, văn phong đầm ấm, nhẹ nhàng, có lẽ cái chất Hung trong câu truyện đã làm cho mình thấy gần gũi hơn, đồng cảm hơn với những nhân vật, những diễn biến cũng như cảnh vật trong tác phẩm. Và trong vấn đề này phải nói rằng dịch giả đã rất thành công trong việc chuyển tải nội dung của cuốn sách từ tiếng Hung sang tiếng Việt, một công việc không hề đơn giản chút nào bởi tiếng Hung là một trong những thứ tiếng khó nhất trên thế giới.
Để có thành công như vậy, ngoài kiến thức về tiếng Hung cũng như sự hiểu biết về văn hóa hóa Hung, dịch giả chắc chắn phải có sự say mê, hứng thú cao độ đối với văn học Hung, một điều không dễ tìm thấy trong chúng tôi, những người đã từng hoặc đang sống, làm việc và học tập ở Hung. Bản thân tôi đã ở Hung trên 10 năm nhưng cũng ngại dịch tiếng Hung hơn tiếng Anh, mặc dù tôi chưa bao giờ được đặt chân lên các nước nói tiếng Anh.
Tôi thực sự cảm ơn dịch giả Hà Anh My (**) đã đem đến cho độc giả Việt Nam một cuốn truyện lý thú, cho phép chúng ta hiểu biết thêm về văn học Hung, đặc biệt là đối với những người đã từng sống, làm việc, và học tập ở Hung như chúng tôi.
Cuốn truyện sẽ thành công hơn nữa nếu không có một số lỗi có thể tránh dược về chính tả, dịch thuật và văn phạm. Hy vọng rằng trong lần tái bản tiếp theo, những hạn chế này sẽ được khắc phục.
(*) Cuốn thứ nhất là “Mười người da đen nhỏ” (của Agatha Christie, Hà Anh My dịch) và cuốn thứ hai là “Những ngọn nến cháy tàn” (Márai Sándor, Giáp văn Chung dịch).
(**) Hà Anh My là bút danh của chị Nguyễn Võ Lệ Hà, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hungary, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Hungary sang tiếng Việt như “Nàng Iđo” (Ida regénye), “Tâm hồn bí ẩn” (Láthatatlan ember, cả hai đều của nhà văn lớn Gárdonyi Géza); “Lứa tuổi hai mươi” (Húsz évesek, Berkesi András), “Tập truyện ngắn Hungary”… (ghi chú của NCTG).