NHẠC SĨ PHÚ QUANG, NHƯ TÔI BIẾT
- Thứ sáu - 17/12/2021 23:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phú Quang là vậy, bộc trực thẳng tính nhưng cũng biết kiềm chế khi cần. Trong con người ông, song song tồn tại tính nghệ sĩ đồng thời với tính kỷ luật nghiêm túc” – tác giả Đăng Hương nói về cố nhạc sĩ Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang và bố tôi (nhạc sĩ Đặng An Nguyên) là đôi bạn khá đặc biệt. Cùng trưởng thành từ mái trường Nhạc viện Hà Nội trong Bộ môn Nhạc cụ, Phú Quang học kèn Cor, bố tôi học Cello. Sau cả hai đều chuyển sang ngành học khác, bố tôi là Sáng tác và Phú Quang là Chỉ huy dàn nhạc.
Khi ra trường, cả hai lại theo nghiệp sáng tác và cùng “chinh chiến” ở “mặt trận” ca khúc đặt hàng. Khi Bố tôi ổn định ở mảng báo hình thì Phú Quang cũng lừng danh ở mảng sáng tác nhạc phim. Hai ông cùng trực tính và nếu ai gần gũi đều nhận thấy, tình yêu thương con người của hai ông ít thể hiện ra ngoài, mà chảy ngầm bên trong bằng các sáng tác cũng như cách hành xử đậm chất đàn anh, bao dung và quảng đại.
Bố tôi thường nhận xét về Phú Quang: “Nó chỉ viết về Hà Nội là hay, người gốc Hà Nội nên nó rõ người Hà Nội yêu thích gì nhất. Đừng bắt nó viết về nông thôn là nó “chết” đó”. Khi tôi cho Phú Quang biết nhận xét này, ông cười nheo nheo mắt, “bố cháu nói đúng, chú chỉ viết về cái gì chú rõ nhất. Tội gì mà chú viết về nông thôn khi đã có Phó Đức Phương, Trần Tiến và bố cháu nhỉ”.
Khi bố tôi ốm nặng, Phú Quang tới thăm và bảo: “Anh cố lên, em bệnh đầy mình cả mấy chục năm vẫn ngon. Anh khỏe bao năm nay rồi sẽ khỏi bệnh thôi”. Đời trớ trêu, bố tôi khoẻ như hùm nhưng đi trước, Phú Quang bệnh nhiều lại cứ tà tà chiến đấu rất dai.
Khi bố tôi ra đi, Phú Quang đã định cư ở TP. Hồ Chí Minh và không hay biết. Khi tôi thực hiện chương trình phỏng vấn ông vài năm sau, ông vẫn hỏi thăm “bố cháu dạo này thế nào”. Và khi biết bố tôi đã mất vài năm, ông lặng người và nói:
“Chú không tiễn bố cháu được thật là đáng trách. Bố cháu và chú từng thân lắm, bố cháu thương chú như em trai còn chú thì nể bố cháu vì đã lớn tuổi nhưng vẫn rất cố học hành thành công. Chất nhạc hai anh em chẳng liên quan, bố hay chê chú ăn “món Hà Nội” lâu quá không ngán, còn chú thì chả dám chê bố cháu cái gì để bố cháu còn cho bài chú lên truyền hình”.
Phú Quang vẫn hóm hỉnh như thế, ông thương yêu đồng nghiệp và sẵn sàng rút ví với những ai cần sự giúp đỡ. Bố tôi nổi tiếng chăm chỉ và thăng tiến khá nhanh nhưng đầu những năm 1980 thì giống như nhiều công chức, ông vẫn nghèo lắm, đi làm chỉ mặc hai bộ đồ cũ. Ông từng đươc Phú Quang lôi đi sắm áo quần nhiều lần với lý do “anh lương thấp, em đi làm ngoài thu nhập đẹp hơn”.
Sau này, bố tôi nhiều lần nhắc lại: “Nó sắm quần áo cho bố là vì bố giới thiệu phim cho nó viết nhạc, tiền đó là tiền hoa hồng đấy con ạ”. Phú Quang có tư duy thị trường và giá trị gia tăng phải nói là sớm nhất giới nhạc sĩ. Chính vì thế khi show của ông bán vé tốt, bố tôi chẳng lạ, còn bảo: “Bố chỉ nghe được 2 bài của nó là buồn ngủ, nhưng nhạc của nó thị trường thích, nó sắp giàu rồi”.
Lần cuối tôi gặp Phú Quang dự định là chương trình talkshow về Hà Nội, ông chưa nhận lời ngay và bảo: “Chú nói nhiều quá rồi giờ chẳng có gì mới đâu”. Sau khi nghe tôi thuyết phục, ông nhận lời nói chuyện về đề tài mà ông cho là hay - trong sáng tác ca khúc, nhạc có trước hay lời có trước.
Thống nhất vậy nhưng buổi talkshow ấy Phú Quang phần lớn nói về việc ông đã đấu tranh thế nào để tồn tại và phát triển như khán giả đang thấy. Khá nhiều bí mật được ông bộc bạch thẳng thắn liên quan tới giới chức lãnh đạo một thời. Nhưng rồi kết thúc talkshow ông lại bảo: “Cháu cắt đi, nhạy cảm lắm. Chú chỉ muốn giãi bày cho nhẹ người nhưng thực chất thời đó nó vậy, chẳng nên trách ai nữa làm gì”.
Phú Quang là vậy, bộc trực thẳng tính nhưng cũng biết kiềm chế khi cần. Trong con người ông, song song tồn tại tính nghệ sĩ đồng thời với tính kỷ luật nghiêm túc. Phải chăng chính vì thế mà Phú Quang thành công cả về sự nghiệp sáng tác với vô số tình khúc lãng mạn, và nuôi sống gia đình bằng việc tổ chức show diễn mang thương hiệu của chính ông.
(*) Tác giả là BTV Âm nhạc Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV), một cây bút lâu năm của NCTG.
Khi ra trường, cả hai lại theo nghiệp sáng tác và cùng “chinh chiến” ở “mặt trận” ca khúc đặt hàng. Khi Bố tôi ổn định ở mảng báo hình thì Phú Quang cũng lừng danh ở mảng sáng tác nhạc phim. Hai ông cùng trực tính và nếu ai gần gũi đều nhận thấy, tình yêu thương con người của hai ông ít thể hiện ra ngoài, mà chảy ngầm bên trong bằng các sáng tác cũng như cách hành xử đậm chất đàn anh, bao dung và quảng đại.
Bố tôi thường nhận xét về Phú Quang: “Nó chỉ viết về Hà Nội là hay, người gốc Hà Nội nên nó rõ người Hà Nội yêu thích gì nhất. Đừng bắt nó viết về nông thôn là nó “chết” đó”. Khi tôi cho Phú Quang biết nhận xét này, ông cười nheo nheo mắt, “bố cháu nói đúng, chú chỉ viết về cái gì chú rõ nhất. Tội gì mà chú viết về nông thôn khi đã có Phó Đức Phương, Trần Tiến và bố cháu nhỉ”.
Khi bố tôi ốm nặng, Phú Quang tới thăm và bảo: “Anh cố lên, em bệnh đầy mình cả mấy chục năm vẫn ngon. Anh khỏe bao năm nay rồi sẽ khỏi bệnh thôi”. Đời trớ trêu, bố tôi khoẻ như hùm nhưng đi trước, Phú Quang bệnh nhiều lại cứ tà tà chiến đấu rất dai.
Khi bố tôi ra đi, Phú Quang đã định cư ở TP. Hồ Chí Minh và không hay biết. Khi tôi thực hiện chương trình phỏng vấn ông vài năm sau, ông vẫn hỏi thăm “bố cháu dạo này thế nào”. Và khi biết bố tôi đã mất vài năm, ông lặng người và nói:
“Chú không tiễn bố cháu được thật là đáng trách. Bố cháu và chú từng thân lắm, bố cháu thương chú như em trai còn chú thì nể bố cháu vì đã lớn tuổi nhưng vẫn rất cố học hành thành công. Chất nhạc hai anh em chẳng liên quan, bố hay chê chú ăn “món Hà Nội” lâu quá không ngán, còn chú thì chả dám chê bố cháu cái gì để bố cháu còn cho bài chú lên truyền hình”.
Phú Quang vẫn hóm hỉnh như thế, ông thương yêu đồng nghiệp và sẵn sàng rút ví với những ai cần sự giúp đỡ. Bố tôi nổi tiếng chăm chỉ và thăng tiến khá nhanh nhưng đầu những năm 1980 thì giống như nhiều công chức, ông vẫn nghèo lắm, đi làm chỉ mặc hai bộ đồ cũ. Ông từng đươc Phú Quang lôi đi sắm áo quần nhiều lần với lý do “anh lương thấp, em đi làm ngoài thu nhập đẹp hơn”.
Sau này, bố tôi nhiều lần nhắc lại: “Nó sắm quần áo cho bố là vì bố giới thiệu phim cho nó viết nhạc, tiền đó là tiền hoa hồng đấy con ạ”. Phú Quang có tư duy thị trường và giá trị gia tăng phải nói là sớm nhất giới nhạc sĩ. Chính vì thế khi show của ông bán vé tốt, bố tôi chẳng lạ, còn bảo: “Bố chỉ nghe được 2 bài của nó là buồn ngủ, nhưng nhạc của nó thị trường thích, nó sắp giàu rồi”.
Lần cuối tôi gặp Phú Quang dự định là chương trình talkshow về Hà Nội, ông chưa nhận lời ngay và bảo: “Chú nói nhiều quá rồi giờ chẳng có gì mới đâu”. Sau khi nghe tôi thuyết phục, ông nhận lời nói chuyện về đề tài mà ông cho là hay - trong sáng tác ca khúc, nhạc có trước hay lời có trước.
Thống nhất vậy nhưng buổi talkshow ấy Phú Quang phần lớn nói về việc ông đã đấu tranh thế nào để tồn tại và phát triển như khán giả đang thấy. Khá nhiều bí mật được ông bộc bạch thẳng thắn liên quan tới giới chức lãnh đạo một thời. Nhưng rồi kết thúc talkshow ông lại bảo: “Cháu cắt đi, nhạy cảm lắm. Chú chỉ muốn giãi bày cho nhẹ người nhưng thực chất thời đó nó vậy, chẳng nên trách ai nữa làm gì”.
Phú Quang là vậy, bộc trực thẳng tính nhưng cũng biết kiềm chế khi cần. Trong con người ông, song song tồn tại tính nghệ sĩ đồng thời với tính kỷ luật nghiêm túc. Phải chăng chính vì thế mà Phú Quang thành công cả về sự nghiệp sáng tác với vô số tình khúc lãng mạn, và nuôi sống gia đình bằng việc tổ chức show diễn mang thương hiệu của chính ông.
(*) Tác giả là BTV Âm nhạc Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV), một cây bút lâu năm của NCTG.