Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ VĂN YULY DANIEL VÀ TÁC PHẨM "ĐÂY LÀ ĐÀI TIẾNG NÓI MOSCOW"

(NCTG) Tháng Hai 1966, ở Moscow, đã diễn ra một vụ án làm chấn động dư luận quốc tế. Các bị cáo - hai nhà văn Andrei Sinyavsky và Yuly Daniel - đã bị buộc tội "chống phá chính quyền Xô-viết" và phải chịu bản án tù hết sức nặng nề (7 và 5 năm tù khổ sai cấm cố trong các trại tập trung lao động) chỉ vì "tội" thông qua một nhân viên thuộc tòa đại sứ Pháp tại Moscow, họ đã đưa các bản thảo ra nước ngoài và cho ấn hành dưới các bút danh Tertz và Arzhak.

Vụ án này được coi như hành động chính thức đầu tiên của thể chế Brezhnev nhằm vào giới trí thức tự do, đánh dấu về mặt hình thức sự kết thúc của thời kỳ "hòa dịu" (mang tính tương đối, của “kỷ nguyên” Khrushchev). Đây cũng là lần đầu tiên, các nhà văn Liên Xô bị ngồi trên ghế bị cáo với tội danh "Tuyên truyền và cổ động nhằm phá hoại và suy yếu chính quyền Xô-viết" (Điều 70 của bộ Luật Hình sự, được thông qua thời Khrushchev).

Yuly Daniel (1925-1988)

Trong số hai văn sĩ bị kết án, Yuly Daniel là một gương mặt đặc biệt của nền văn học Nga. Sinh năm 1925, tham gia và bị thương nặng trong Đệ nhị Thế chiến, sau chiến tranh, ông tốt nghiệp Học viện Giáo dục Moscow và làm nghề dạy học ở vùng Kaluga. Thập niên 50, Daniel chuyển lên Moscow và đến giữa những năm 60, ông trở thành một dịch giả và nhà văn có tiếng. Tuy nhiên, đa số các truyện ngắn, truyện vừa mang tính trào phúng, châm biếm của nhà văn đều được in ở nước ngoài vì dưới chế độ Xô-viết, cái cười - nhất là cái cười thâm trầm, nhằm vào điểm yếu cốt tử của chế độ, như của Daniel - đã bị khai tử và không còn đất sống từ lâu.

Thời gian ở trại tập trung và sau khi ra tù, Daniel vẫn tiếp tục dịch thuật; dưới bút hiệu Petrov, ông đã chuyển ngữ thành công thơ Byron, Rimbaud, Verlaine và dân ca Scotland. Cạnh đó, những vần thơ và truyện ngắn của Daniel về cảnh tù đày cực nhục ("Những vần thơ từ tù ngục", Amsterdam, 1971) đã khiến nhiều độc giả phải nhỏ lệ; trong các tác phẩm này, nhà văn từ bỏ giọng văn châm biếm quen thuộc, thay vào đó là bút pháp khô khan của thể loại văn tư liệu, khiến độc giả dễ liên tưởng đến Shalamov, một nhà văn lớn của thế giới ngục tù Gulag.

Daniel mất năm 1988, chưa kịp chứng kiến ngày các tác phẩm của ông được ấn hành ở quê hương. Chỉ đến thời "cải tổ", tên tuổi nhà văn mới được chính thức nhắc lại trên báo chí và văn đàn Xô-viết. Tuyển tập các tác phẩm của Daniel được in ở Moscow vào năm 1991, mang tựa đề "Đây là Đài Tiếng nói Moscow".

*

Daniel không để lại một văn nghiệp đồ sộ. Các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác và đăng tải ở phương Tây vào đầu thập niên 60, là những mũi nhọn chĩa vào thể chế độc đoán Xô-viết và cái gọi là "xã hội XHCN" ở Liên Xô. Tiêu biểu, có thể kể đến "Những cánh tay" (1963) - lời độc thoại khiến người đọc phải rùng mình của một cựu nhân viên mật vụ chính trị); "Người từ Viện Khoa học Báng bổ" (1963) - tác phẩm trào phúng, đả động đến một đề tài bị coi là "cấm kỵ", và do đó, không được lọt vào dòng văn học "chính thống" Xô-viết: nhân vật chính của truyện có khả năng sinh con theo ý muốn và các vị lãnh tụ thượng đỉnh cũng muốn sử dụng "dịch vụ" này; "Sám hối" (1964) - nhân vật chính, Viktor Volsky, sau khi ra tù, đã kết tội một bạn cũ là chỉ điểm, khiến anh bị bắt; vì hành động này, Volsky bị thân nhân, bạn hữu từ bỏ. Lâm vào cảnh cô đơn, anh cảm thấy áy náy lương tâm, dường như chính anh có tội; khi đã không còn tỉnh táo, Volsky nói lên ý tưởng của tác giả: "Chúng ta ở trong tù hay nhà tù ở trong chúng ta, chả có gì khác biệt!... Các cậu tưởng rằng Cheka, NKVD, KGB (1) bỏ tù các cậu ư? Không, chính chúng ta đã làm điều này. Nhà nước là chúng ta".

Trong số các tác phẩm của Daniel, truyện vừa "Đây là Đài Tiếng nói Moscow" (1962) chiếm vị trí hàng đầu. Mang màu sắc anti-utopia của "Chúng ta" (Zamyatin) hay "1984" (Orwell), vượt qua khuôn khổ thông thường của đa số các tác phẩm châm biếm khác, câu chuyện giả tưởng này là lời kết án sâu sắc hiện tại và quá khứ của chính thể Xô-viết theo mô hình Stalinist.

Bắt nguồn từ một sắc lệnh phi lý và lố bịch của chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô - tuyên bố ngày 10-8-1960 là Ngày Giết chóc Tự do -, Daniel đã đặc tả những phản ứng trái ngược của người dân và đặt họ vào một tình thế rất đặc biệt và dị kỳ, khi sự sát nhân được hợp thức hóa trên phương diện nhà nước. Chương cuối của tác phẩm đưa ra một sự kiện mang tính tiên tri: vào ngày đã định trên, có hơn một ngàn án mạng xảy ra trên toàn lãnh thổ Liên Xô, đại bộ phận là ở các nước Cộng hòa vùng Caucasus. Tuy nhiên, như một biểu tượng về chính trị, tại ba nước Cộng hòa vùng biển Baltic, không hề diễn ra một vụ giết người nào và do đó, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô phải ra một chỉ thị nhằm "nâng cao công tác tư tưởng" ở khu vực này.

Với nội dung như thế, dễ hiểu nếu "Đây là Đài Tiếng nói Moscow" không thể được hiện diện ở quê hương của nhà văn. Trong phiên tòa xét xử Daniel, "tội" sáng tác truyện này là một điểm chính yếu trong bản cáo trạng buộc tội nhà văn.

Trích đoạn sau đây phần nào cho thấy nội dung sâu sắc của câu chuyện.

*

ĐÂY LÀ ĐÀI TIẾNG NÓI MOSCOW (trích đoạn)

I.

Giờ đây, khi tôi tìm cách nhớ lại trong tâm tưởng những sự kiện của mùa hạ năm ngoái, tôi thấy rất khó sắp xếp lại những hồi tưởng của tôi, cũng như khó thuật lại ăn khớp và có thứ tự tất cả những gì tôi đã thấy, đã nghe và đã cảm thấy. Tuy nhiên, cái ngày bắt đầu chuyện đó, tôi lại ghi nhớ một cách vô cùng chính xác, đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Chúng tôi ngồi ngoài vườn của căn nhà nghỉ. Tối hôm trước chúng tôi đến đây để ăn mừng sinh nhật Igor, chúng tôi nốc khá nhiều, cả bọn phè phỡn đến đêm và cuối cùng, chúng tôi đi ngủ với niềm tin thần thánh là sẽ ngủ liền tới chiều hôm sau; nhưng vẻ yên bình của miền quê đã khiến chúng tôi tỉnh giấc từ lúc 7 giờ. Chúng tôi mò dậy và cùng nhau làm đủ thứ trò quỉ sứ: mặc độc quần lót, chúng tôi chạy trong đường mòn, chúng tôi tập xà để luyện cơ tay (nhưng chẳng đứa nào trong bọn đu được hơn 5 lần), Volodka Margulis còn đổ nước giếng lạnh như băng lên người, mặc dù mọi người đều biết cậu ta không mấy khi tắm vào buổi sáng, viện cớ sẽ đi làm muộn.

Chúng tôi ngồi đó và tranh luận sôi nổi: làm sao tiêu được ngày Chủ nhật một cách tốt nhất. Đi bơi, chơi bóng chuyền hay chèo thuyền? Một tên quá sốt sắng trong bọn còn nêu ý kiến: đi bộ sang nhà thờ của làng bên.

- Cái nhà thờ nhỏ ấy tuyệt lắm - cậu ta cố chứng tỏ -, cổ lắm rồi, tớ cũng không nhớ là từ thế kỷ nào.

Nhưng mọi người đều phì cười cậu: thử hỏi ai có hứng dạo bộ 8 cây số trong cái tiết trời nóng nực này?

Có lẽ chúng tôi đã tạo ra một cảnh tượng thật kỳ lạ: một nhóm đàn ông, đàn bà ở độ tuổi 30-35, quần áo cởi tuột, như thể đang ở bờ biển. Chúng tôi tế nhị bỏ qua những đường nét nực cười và buồn bã của nhau: vú xệ, bụng phệ ở đàn ông, chân đầy lông, mông chảy ở phụ nữ. Chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu, đã biết rõ ai mặc Âu phục, quần áo, cà-vạt kiểu gì, nhưng chưa hề đoán được kẻ khác ra sao trong trạng thái trần như nhộng. Chẳng hạn, ai nghĩ được rằng Igor, kẻ luôn ăn vận lịch sự, bảnh bao, và chinh phục hàng loạt các bà các cô trong học viện, lại là một tên chân vòng kiềng. Ngắm nhìn kẻ khác cũng hồi hộp, vui nhộn và bối rối như thể coi họa báo khiêu dâm vậy.

Chúng tôi ngồi đó, mông dính chặt vào cái ghế tồi tàn đặt trên cỏ, và cân nhắc những thành tích thể thao chấn động đang còn ở trước mắt, khi Lilya đột ngột xuất hiện ở sân hiên.

- Này, các cậu - cô nói -, tớ chẳng hiểu tí gì hết.

- Gì cơ? Hiểu cái gì cơ chứ? Ra đây bảo cho bọn tớ hay nào.

- Tớ chẳng hiểu gì sất - cô nhắc đi nhắc lại và nhoẻn miệng cười than thở. - Đài bảo là... Người ta nói trong đài, nhưng tớ chỉ nghe được khúc cuối. Mười phút nữa họ sẽ phát lại.

- Sắp có một đợt hạ giá - Volodka bắt chước giọng trầm của người phát thanh viên -, đã là lần thứ 21, đệm ngực và nịt vai sẽ rẻ đi...

- Vào nhà đi các cậu - Lilya gọi -, nhanh lên, tất cả mọi người.

Chúng tôi nhào vào nhà, ở đó, một chiếc đài phát thanh được treo lơ lửng trên đinh tường, trong một hộp nhựa. Lilya chỉ thở dài trước những câu dò hỏi, vặn vẹo của chúng tôi.

- Hệt như một cái đầu máy hơi nước - Volodka nói hóm hỉnh. - Nhưng em yêu ơi, em nghe thấy cái gì hay ho vậy?

- Lilya, đừng bỡn cợt bọn tớ nữa - Igor lên tiếng -, hãy thú nhận là giặt giũ một mình cũng chán lắm.

Nhưng đúng lúc đó, chiếc đài cất tiếng.

- Đây là Đài Tiếng nói Moscow. Đây là Đài Tiếng nói Moscow. Chúng tôi đọc Sắc lệnh ngày 16-7-1960 của Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết. Vì mức sống ngày một lên cao...

Tôi nhìn quanh. Ai nấy bình thản đứng nghe giọng nam trung trầm bổng của người phát thanh viên, chỉ mình Lilya bồn chồn như một tay thợ ảnh trước lũ trẻ, và cô vẫy tay bảo mọi người đến gần chiếc đài.

- Volodya, quẳng cho mình bao diêm - Zofia nói, nhưng mọi người ra hiệu cho cô im lặng. Zofia nhún vai, vò nát điếu thuốc chưa châm và quay mặt nhìn ra cửa sổ.

-... công bố: vào ngày Chủ nhật, 10-8-1960...

- Đây, đoạn này đây! - Lilya kêu lên.

-... Ngày Giết chóc Tự do! Vào ngày này, mọi công dân Xô-viết trên độ tuổi 16 được quyền tự do giết chóc bất cứ một đồng bào nào, ngoại trừ những người có trong điểm Một của bản Ghi chú kèm theo Sắc lệnh này. Sắc lệnh được đi vào thực hiện từ hồi 6 giờ 00 phút ngày 10-7-1960 và có hiệu lực đến 24 giờ 00 phút. Ghi chú. Điểm Một. Không được giết: a) Trẻ em dưới 16 tuổi; b) các quân nhân mặc quân phục và các cộng tác viên của cảnh sát; c) các nhân viên ngành giao thông trong khi thực thi nhiệm vụ. Những vụ giết người trước hay sau thời điểm qui định, hoặc những vụ giết người với mục đích cướp bóc hay hãm hiếp phụ nữ, bị coi là tội phạm và sẽ bị xét xử theo luật định. Moscow. Điện Kremlin. Đoàn chủ tịch Tối cao...

- Bây giờ, đài sẽ phát những bản nhạc được ưa thích... - phát thanh viên nói tiếp, và chúng tôi chỉ biết đứng ngơ ngẩn nhìn nhau.

- Lạ thật - tôi lẩm bẩm -, lạ, lạ lắm. Hoàn toàn không thể hiểu nổi, người ta muốn gì với cái trò này.

- Rồi họ sẽ giải thích - Zoya trấn an -, chưa bao giờ có chuyện báo chí không kèm theo đôi lời bình luận.

- Nhưng đây là hành động khiêu khích! - Igor chạy ngang dọc trong phòng, tìm áo. - Đây là sự khiêu khích. Đây là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, có điều chúng lẻn vào làn sóng của chúng ta.

Anh nhảy lò cò và tìm cách xỏ chân vào chiếc quần.

- ... xin lỗi - và anh khập khiễng đi ra hiên nhà để cài khuy quần ở đó. Chảng ai cười anh ta cả.

- Tiếng nói Hoa Kỳ? - Volodka hỏi lại, suy tư. - Không, không thể thế được. Không, điều này không thể thực hiện về mặt kỹ thuật. Bây giờ là chín rưỡi - anh nói thêm, mắt liếc đồng hồ -, các chương trình đã bắt đầu. Nếu chúng nhảy vào làn sóng của ta thì bọn mình phải nghe thấy cả hai chương trình chứ.

Chúng tôi quay lại vườn. Ở hiên nhà nghỉ hàng xóm, cũng xuất hiện những người ăn mặc hở hang. Tập trung thành nhiều nhóm, họ nhún vai tỏ vẻ khó hiểu.

Cuối cùng, Zoya có thể châm thuốc. Cô ngồi xuống một bậc thang, chống cùi tay vào đầu gối. Tôi ngắm nhìn bộ đồ tắm hai mảnh căng phồng ở hông cô, bầu vú hở phân nửa từ kẽ ngực đồ sộ. Zota đẫy đà, nhưng rất cân đối. Cô là người tôi thèm muốn nhất trong số các cô trong hội. Mọi người gọi Zoya là "Người đàn bà máu lạnh" vì ánh mắt cô.

Igor đã mặc xong quần áo, anh đứng đó như một thầy truyền giáo trước lũ thổ dân Mã Lai. Anh đã hơi nguội trước lời tuyên bố dứt khoát của Volodka, rằng cái tin này không thể là âm mưu của lũ găng-xtơ bên kia đại dương. Có thể thấy Igor đã hối hận vì anh đã quả quyết coi lời tuyên bố đó như một hành động khiêu khích. Mặc dù, theo tôi, anh đã hoảng sợ hoàn toàn vô cơ sở: trong số chúng tôi, khó mà có ai làm chỉ điểm.

- Thực chất bọn mình lo lắng làm quái gì? - anh nói, giọng tin tưởng. - Zoya hoàn toàn có lý: rồi người ta sẽ bình luận. Tolya, cậu nghĩ sao?

- Có giời biết được - tôi lầu bầu. - Còn một tháng nữa. Cho đến cái ngày Tự do chi đó...

Câu nói nghẹn trong cổ họng tôi. Chúng tôi lại ngẩn ra nhìn nhau.

- Mặt khác - Igor lắc đầu -, theo tớ toàn bộ cái trò này đều có hậu trường là tình hình chính trị quốc tế.

- Chắc cậu định nói đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chứ gì, Igor?

- Ôi, Lilya, cậu im đi thì hơn, cậu ăn nói linh tinh cái gì ở đây thế!

- Bọn mình đi bơi đi - Zoya đề đạt và cô đứng lên ngay. - Tolia, anh mang hộ em cái mũ bơi với.
 
Hẳn toàn bộ sự đảo lộn này đã khiến Zoya chấn động, bằng không, cô đã chẳng xưng hô "anh", "em" với tôi ngay trước mặt mọi người. Nhưng dường như chẳng ai nhận ra điều đó.

Chúng tôi đi dạo về phía con suối, khi đó Voloya đuổi kịp tôi, anh khoác tay và hướng cái nhìn tiên tri vào tôi, đau đớn, anh nói:

- Tolya, cậu biết không, tớ có cảm giác người ta đang định làm một cái gì đó với dân Do Thái...

II.

Giờ đây, khi đặt bút viết những dòng này, càng ngày tôi càng nghĩ tại sao tôi lại phải khởi viết những ghi chép này. Đằng nào tôi cũng không bao giờ in được chúng ở nước ta, ngay cho người khác đọc cũng chẳng được. Đưa ra nước ngoài ư? Một phần, điều này không thể thực hiện được trong thực tế, phần khác, điều tôi muốn viết đã được hàng chục tờ báo ngoại quốc loan tin, mọi đài phát thanh đã gào nó ngày đêm, đây đã là một đề tài cũ rích. Và thực chất, đăng tải trong những tờ báo chống chính quyền Xô-viết không phải là việc đẹp đẽ gì cho cam.

Nhưng tôi tự nhủ: tôi biết chính xác tại sao tôi viết. Tôi cần phải xác định rõ với bản thân: rốt cục, điều gì đã xảy ra. Và cái chính là: điều gì đã xảy ra với tôi? Tôi đang ngồi bên bàn viết tại đây, tôi mới 35 tuổi. Tôi vẫn làm việc tại một nhà xuất bản công nghiệp xuẩn ngốc, ngoại hình tôi không thay đổi, sở thích tôi cũng không. Đến giờ tôi vẫn ưa thi ca, thích uống rượu, yêu đàn bà. Và nói trắng ra là họ cũng ưa tôi. Tôi đã trải qua chinh chiến. Đã giết người. Tôi cũng suýt bỏ mạng. Khi các bà các cô sờ phải vết sẹo bên bẹn tôi, họ rụt tay lại và khe khẽ kêu lên: "Trời, gì đây anh?" "Sẹo chứ gì - những khi ấy, tôi nói -, một mảnh đạn đấy". "Tội anh quá, đau lắm phải không anh?" - ai nấy đều thương cảm. Tóm lại, tôi không hề thay đổi. Mọi người quen, bạn hữu, đồng nghiệp của tôi đều bảo: "Tolya, cậu chả thay đổi gì hết". Nhưng cái ngày đó đã khiến tôi hoàn toàn bị chấn động, buộc tôi phải trực diện với chính mình. Phải nghĩ lại từ đầu, một lần nữa, rằng tôi là ai.

Và còn một điều nữa. Tôi không phải nhà văn. Lúc còn trẻ, cố nhiên, tôi có làm thơ; hiện tại, nếu cần, tôi cũng ngoáy bút vớ vẩn những vần thơ tệ hại, tôi sản xuất những bài phê bình sân khấu, nhưng không có gì giá trị cả. Tuy vậy, tôi vẫn muốn viết. Không phải vì tôi mắc chứng cuồng viết, những kẻ như thế (tôi khá hay gặp bọn họ tại tòa soạn) đoan chắc rằng họ là thiên tài, nhưng tôi biết tôi không có tài chi cả. Cùng lắm là một chút tài mọn. Nhưng dù sao tôi cũng cần phải viết. Bởi lẽ tôi đang ở trong một thế vô cùng thuận lợi: tôi biết trước là sẽ không bao giờ, không ai đọc các tác phẩm của tôi, thành thử tôi có thể viết ra giấy tất cả những gì nảy ra trong đầu mà không sợ bị ai phạt. Nếu tôi có hứng viết câu "Và chiếc dương cầm, như một người da đen của Phi lục đen, nhe răng cười" - thì tôi cứ viết. Nếu tôi muốn viết về chính phủ, rằng họ là những kẻ mị dân, đạo đức giả xảo quyệt, và nói chung, đê tiện khốn nạn, thì tôi cứ viết... tôi có thể tự cho phép mình một sự xa xỉ, là trở thành một người cộng sản duy nhất, độc nhất.

Cố nhiên, nếu muốn thật sự thành thực, tôi không giấu giếm: tôi vẫn hi vọng đến một lúc nào đó, tôi sẽ có các độc giả. Không phải bây giờ, mà nhiều, nhiều năm nữa, khi tôi không còn trên thế gian này. Rồi "sẽ có một nhà sư bền lòng, kiên gan, cầm trong tay tác phẩm vô danh được tôi viết một cách nhiệt thành". Nghĩ đến điều ấy thật dễ chịu.

Và giờ đây, sau khi đã vạch ra mọi thứ trước mặt các độc giả tương lai do tôi hình dung ra, đến lúc tôi phải tiếp tục câu chuyện.

Cái ngày hôm đó đã bị chúng tôi phá hỏng hoàn toàn. Chúng tôi chọc tức nhau bằng những câu bông đùa buồn tẻ, chúng tôi lơ đãng đùa cợt, không ai nhấp một tí rượu nào và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã giải tán đi mọi ngả.

Trở về Moscow, hôm sau tôi đi làm. Tôi biết sẽ không thể tránh khỏi trò thị phi về Sắc lệnh, tôi đã biết trước ai sẽ nêu ý kiến và ai im lặng. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên vì hầu như chả ai dám ho he. Vâng, cũng có hai ba kẻ đặt cho tôi câu hỏi "sao, anh nghĩ thế nào về vụ này?" "Tôi không biết, rồi hẵng hay" - tôi lẩm bẩm và câu chuyện kết thúc ở đó.

Hôm sau, tờ "Izvestia" (Tin tức) đăng một bài báo dài lê thê ký tên Ban Biên tập, với tựa đề "Chuẩn bị cho Ngày Giết chóc Tự do...". Bài báo rất ít đả động đến thực chất của chiến dịch đó, nó chỉ lặp đi lặp lại những ngôn từ thường thấy: "mức sống được nâng cao - với những bước đi bằng đôi hài bảy dặm - nền dân chủ đích thực - chỉ có ở đất nước chúng ta - mọi thế lực xấu xa - lần đầu tiên trong lịch sử - những đường nét có thể thấy được - báo chí tư sản..." Và người ta còn nói thêm rằng không ai được gây thiệt hại đến tài sản nhân dân, do đó cấm dùng thuốc nổ và đốt phá. Cũng như: Sắc lệnh không ứng với những kẻ đang ở tù. Chỉ có vậy. Mọi người đọc bài báo từ chữ đầu đến chữ cuối và cho dù chẳng ai hiểu thêm tí gì, nhưng vì sao đó, ai nấy đều cảm thấy yên tâm. Có lẽ bởi phong cách của bài báo: cái giọng điệu trịnh trọng thường thấy, vượt quá mức thường nhật, đã đem lại sự an lòng. Thật vậy, chẳng có gì đặc biệt, chỉ có thêm một Ngày mới: sau Ngày Binh chủng Pháo binh, Ngày Nhà báo Xô-viết là Ngày Giết chóc Tự do... Sẽ không có ứ đọng giao thông, các cơ quan cảnh sát được bảo vệ hoàn toàn - như thế trật tự sẽ được duy trì. Mọi việc lại trở về nhịp điệu thường nhật.

Khoảng chục ngày trôi qua như thế. Và khi đó bắt đầu những sự việc kỳ quặc, khó thể hiện được bằng một từ. Bồn chồn, bối rối, một trạng thái đặc biệt. Mọi người bắt đầu vội vã chạy ngược chạy xuôi. Ở bến xe điện ngầm, tại rạp chiếu bóng, ngoài đường phố, người ta tiến lại gần nhau, nhăn nhở một cách miễn cưỡng, họ bắt chuyện với nhau về bệnh tật, về thú câu cá, về chất lượng loại vớ chân bằng ni-lông, tóm lại, về tất cả những gì nảy ra trong đầu họ. Và nếu được lắng nghe chứ không bị kẻ khác ngắt lời ngay tức thì, họ nhìn thẳng vào mắt nhau hồi lâu, sâu sắc, đầy ý nghĩa, họ siết tay nhau mãi không thôi. Những kẻ khác, đặc biệt là giới thanh niên, làm trò ồn ã, cư xử hỗn hào, cố ra vẻ ta đây tài giỏi, họ hát hò nhiều hơn thường lệ trên hè phố, ngâm thơ từng đoạn và nhấn giọng, đặc biệt là thơ Esenin. (...) Các truyện tiếu lâm được sản xuất hàng loạt ở mức độ chóng mặt. Volodka Margulis chạy từ người bạn này đến người bạn khác và thiếu chút nữa, anh đã ngạt thở vì cười khi kể lại chúng. Một bận, khi nhồi cho tôi toàn bộ "sản lượng" tiếu lâm mới, Volodka còn kể rằng Igor đã tuyên bố trong một phiên họp nào đó của Viện Hàn lâm: ngày 10-8 là kết quả của đường lối sáng suốt của đảng ta, và Sắc lệnh chứng tỏ sự mở mang khả năng đề xướng sáng tạo của các tầng lớp quần chúng nhân dân, v.v... và cứ thế, anh ta tiếp tục với cái giọng điệu này.

- Cậu biết không, Tolka - Volodka nhận xét -, tớ luôn luôn đoán rằng Igor là một thằng cha hám danh thối tha hạng nhất, nhưng dù sao tớ cũng không chờ những lời nói ấy từ cửa miệng hắn.

- Tại sao? - tôi hỏi. - Có gì lạ ở đây? Người ta ủy nhiệm cho cậu ấy đăng đàn và có thế thôi. Nếu cậu là đảng viên, hẳn cậu cũng phát biểu như thế với toàn lực của cậu.

- Tớ á, không bao giờ. Thứ nhất, không bao giờ tớ vào đảng. Thứ nhì...

- Thứ nhì, cậu đừng có rống lên như thế. Tại sao cậu lại khá hơn Igor? Thời xảy ra "vụ án các bác sĩ" (2), chẳng phải là cậu đã rêu rao về thứ tinh thần quốc gia đó ư? (...) Tốt nhất là cậu hãy kể xem Nina dạo này thế nào? Lâu nay cậu có gặp cô ấy không?

Volodka còn lải nhải thêm nửa giờ đồng hồ nữa, anh ta tô vẽ cho mối tình gian nan của mình rồi bỏ đi. Tôi chưa kịp đóng cửa, anh đã lại bấm chuông. Thò đầu vào khe cửa mở hé, Volodka thì thầm để hàng xóm khỏi nghe thấy:

- Tolya, nếu ngày 10-8 này có cuộc tàn sát người Do Thái, tớ sẽ vào cuộc. Tớ sẽ bắn nát đầu lũ rận rệp này, rồi cậu xem. Nhìn đây này!

Và anh mở chiếc áo vét-xtông, chỉ cho tôi thấy cán khẩu súng lục sĩ quan lấp ló trong túi áo trong; từ dạo chiến tranh đến giờ Volodka vẫn giữ khẩu súng đó.

- BỌN ẤY không dễ dàng đương đầu với tớ đâu.

Khi anh đi hẳn, tôi còn đứng hồi lâu giữa phòng: BỌN ẤY? Ai là BỌN ẤY ở đây?

(...)

Ghi chú:

(1) Tên của cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô trong từng thời kỳ lịch sử.

 (2) Vụ án ngụy tạo do Stalin đề ra và điều khiển vào năm 1953, nhằm vào các bác sĩ (gốc Do Thái) nổi tiếng, có nhiệm vụ điều trị cho các lãnh tụ cộng sản Liên Xô. Đây là khởi điểm của một chiến dịch có qui mô, với mục đích đày ải và diệt trừ sắc dân Do Thái ở Liên bang Xô-viết.

Chiến dịch này thất bại vì cái chết đột ngột của nhà độc tài Stalin.

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu, chú giải và chuyển ngữ theo bản tiếng Hung