NHÀ THƠ ILLYÉS GYULA VÀ THI PHẨM “MỘT CÂU VỀ ĐỘC TÀI”
- Thứ bảy - 09/06/2007 03:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặt tiền của Bảo tàng Công viên tượng, với thi phẩm "Một câu về độc tài" được khắc trên cánh cửa đồ sộ bằng đồng
Ở ngoài rìa Budapest, cách trung tâm thủ đô chừng 15 phút xe hơi, có một công viên rất nổi tiếng, thu hút sự chú ý của không ít du khách ngoại quốc đến thăm nước Hung. Đó là Bảo tàng Công viên Tượng (Szoborpark Múzeum - Statue Park Museum), một bộ sưu tập độc nhất vô nhị trên thế giới gồm những bức tượng, những đài kỷ niệm tiêu biểu của chế độ độc tài cộng sản.
Một thời, trong suốt hơn nửa thế kỷ của “CNXH hiện thực”, những công trình kiến trúc này từng ngự trị tại các quảng trường Budapest, phục vụ hữu hiệu ý thức hệ cộng sản và đường lối văn hóa chỉ huy. Ít nhiều, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Hung và đọng lại như những di chứng đau đớn, khó phai mờ, của quá khứ.
Đến thăm Bảo tàng, du khách có cảm giác như đang đi ngược lại thời gian, về những năm tháng mà vùng Đông Âu còn nằm sau “tấm màn thép” của thời kỳ Chiến tranh lạnh; quá khứ ấy, mặc dầu đã trôi qua gần hai thập niên, nhưng dường như vẫn lẩn khuất, hiện hữu đâu đây, giữa và trong mỗi chúng ta.
Đặc biệt, có thể cảm nhận một cách sâu sắc điều đó qua bài thơ “Một câu về độc tài” (Egy mondat a zsarnokságról) khắc trên mặt chính diện, được xây dựng theo phong cách hoành tráng của trường phái kiến trúc “hiện thực XHCN”, của bảo tàng viện đặc biệt này.
Thi sĩ, kịch tác gia Illyés Gyula, gương mặt quan trọng bậc nhất của đời sống văn học Hungary thế kỷ 20
“Một câu về độc tài” là thi phẩm nổi tiếng của thi sĩ, nhà soạn kịch Illyés Gyula (1902-1983). Thuộc hàng các nhà thơ hàng đầu của nước Hung thế kỷ 19, ông từng theo học trường Sorbonne (1922-1926), là bạn của Aragon, Éluard và thuộc nhóm khởi xướng trường phái siêu thực & ấn tượng ở Hung.
Trong sự nghiệp sáng tác, Illyés Gyula đã được nhận nhiều giải thưởng thi ca cao quí như Giải Baumgarten (4 lần; 1931-1936), Giải thưởng lớn Knokke (1956), Giải Herder (1970), Giải thưởng lớn của Hội các nhà thơ Pháp (1978), Giải Kossuth (3 lần: 1948, 1953, 1970; giải lớn nhất trong khoa học và nghệ thuật ở Hung), Giải József Attila (1950; giải thưởng lớn của Hung về thi ca). Nhà thơ cũng từng được đề cử Giải Nobel Văn chương.
Illyés Gyula sáng tác “Một câu về độc tài” từ năm 1950, thời của những bắt bớ, tù đày và án tử hình sau khi Đảng Cộng sản Hungary chiếm độc quyền chính trị tại Hungary, nhưng bài thơ chỉ được công bố năm 1956, vào thời gian diễn ra cuộc cách mạng dân chủ Hung.
Sau khi cách mạng bị đàn áp, bài thơ lại bị cấm và chỉ được tái công bố vào năm 1988, trong tuyển tập thơ của Illyés. Tuy nhiên, người dân Hung đã thuộc nó, đã bí mật chép lại trong sổ thơ và truyền tay nhau. Người tỵ nạn Hung ở nước ngoài đã in ấn bài thơ, lan truyền những đĩa, băng ghi âm thi phẩm với giọng đọc của chính tác giả.
Trong hơn ba thập kỷ bị cấm đoán, “Một câu về độc tài” vẫn gìn giữ và củng cố tình yêu tự do và công lý trong lòng người dân Hung. Thi phẩm là một bản án, cáo trạng mạnh mẽ giáng vào các thể chế độc tài nói chung và độc tài cộng sản nói riêng.
Illyés Gyula đã bóc trần và lên án bản chất và cơ chế của chế độ độc tài, đồng thời ông cũng chỉ ra tính chất “đồng hóa” của nó: độc tài xuất hiện ở mọi nơi mọi chỗ, ngự trị trong tinh thần và thể xác của mỗi con người, không chỉ trong chính trị mà trong cả đời sống thường nhật, biến họ thành nạn nhân và như một căn bệnh lây lan, dần dần, nó bắt các nạn nhân trở thành tín đồ phục vụ cho chính nó.
Về mặt nghệ thuật, “Một câu về độc tài” mang dáng dấp một thi phẩm “tân hình thức” với cách diễn đạt mang dấu ấn đời thường, phóng khoáng nhưng hàm súc, chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ. Có thể coi bài thơ là một “tiểu trường ca” với 50 khổ thơ “tứ tuyệt”; độc giả có thể đọc nó một hồi, không nghỉ, với ấn tượng như đang đối diện với những cơn sóng biển dạt dào, có lúc cuồn cuộn, ồ ạt không ngừng.
Đọc tác phẩm này của Illyés Gyula, dễ liên tưởng tới bài thơ “Tự do” của Paul Éluárd với điệp khúc “Ta viết tên em: Tự do” được lặp lại nhiều lần. Điều thú vị là Éluárd sáng tác “Tự do” khi Châu Âu đang nằm dưới gót giày xâm lăng của nước Đức Quốc xã, còn “Một câu về độc tài” lại nhằm vào chế độ độc tài kiểu Stalin - vốn tự hào đã đánh thắng phát-xít Đức, “cứu rỗi nhân loại” - hoành hành tại vùng Đông Âu chỉ sau đó ít năm.
Ở Hungary, ảnh hưởng của “Một câu về độc tài” thật sâu rộng. Bài thơ được coi như một di sản văn hóa của dân tộc Hung và đã có mặt trong một tuyển tập do chính phủ Hungary ấn hành, được phát cho mọi gia đình Hung nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm nước Hung Công giáo (1000-2000).
Đặc biệt, đầu thiên kỷ thứ ba, Hungary tổ cức một cuộc trưng cầu ý kiến các nhân vật tiêu biểu trên mọi lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội... của Hung về “một đồ vật, một khái niệm gắn bó với thế kỷ 20, đã đóng vai trò (tình cảm hoặc trí tuệ) quan trọng, quyết định trong cuộc đời ông hoặc gia đình ông; nói cách khác, một đồ vật mang dấu ấn nước Hung trong thế kỷ 20”.
Csoóri Sándor, một nhà văn, nhà thơ, một nhân sĩ nổi tiếng của Hung đã chọn bản thảo “Một câu về độc tài” vì theo ông, thi phẩm này, từ đầu đến cuối, vừa mang tính Hung, vừa mang tính nhân loại, giống như cuộc cách mạng 1956 ở nước này: “Năm 1957, Albert Camus đã viết về cuộc cách mạng Hung như sau:
“Nước Hung bị chà đạp, bị xiềng xích, đã nỗ lực cho tự do và công lý hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong vòng hai mươi năm qua...” (1). Đánh giá nền văn học thế giới đương đại, hẳn Camus cũng có thể nói như thế về “Một câu về độc tài”; tôi cho rằng bài thơ là một trong những tư liệu của thế kỷ 20, có khả năng đọng lại với thời gian”.
Cách đây 16 năm, “Một câu về độc tài” từng được dịch giả Diễm Châu chuyển ngữ (nguyệt san “Thế kỷ 21” số 25, tháng 5-1991, trang 60-62). Đó là một bản dịch tương đối thành công, tuy nhiên có thiếu vài ba khổ thơ và đôi chỗ chưa thật chính xác (có lẽ vì phải thông qua một ngôn ngữ trung gian).
Chúng tôi xin dịch lại “Một câu về độc tài” từ nguyên bản tiếng Hung, gắng sát ý, ngõ hầu giới thiệu với bạn đọc một tác phẩm lớn và có tiếng vang của nền thi ca Hung thế kỷ 20. (2)
Bản cáo trạng buộc tội các thể chế độc tài - Ảnh: Simon Pride
MỘT CÂU VỀ ĐỘC TÀI
Illyés Gyula (1950)
Ở nơi có độc tài,
thời độc tài ở đó,
không chỉ ở họng súng,
không chỉ trong những nhà tù,
có độc tài
không chỉ ở những phòng thẩm vấn,
không chỉ ở tiếng người lính canh
thét lên trong đêm tối
không chỉ ở lời buộc tội
tuôn ra cuồn cuộn, nhá nhem
không chỉ ở những lời tự thú,
và trong "mật mã" (3) của người tù
không chỉ trong phán quyết
lạnh lùng của quan tòa: có tội!
có độc tài
không chỉ trong tiếng hô "nghiêm!" nhà binh,
trong tiếng gằn giọng: "Bắn!"
trong tiếng trống rền,
không chỉ trong cách một thây ma
bị quăng xuống huyệt,
không chỉ trong những tin tức
thì thào lo âu
qua những cánh cửa
hé mở lén lút,
không chỉ trong ngón tay đặt trước miệng
"Im nào!", chớ cựa quậy!
ở đâu có độc tài,
thời độc tài ở đó
không chỉ trong nét mặt
dán vào song sắt nhà tù
và trong tiếng rên la
quằn quại, âm thầm sau song sắt,
trong lớp sóng trào
của nước mắt câm nín
gia tăng sự im lặng,
trong con ngươi giãn nở;
độc tài có trong tiếng trườn của chiếc xe
rón rén lướt trong màn đêm
và trong cái cách
nó dừng lại trước cánh cửa;
nó có khi anh "A-lô"
giữa chừng, qua ống nghe yên lặng
anh cảm thấy
một đôi tai lạ lẫm đang nghe ngóng;
không chỉ như nạn nhân
quằn quại giữa bầy rắn (4):
tàu hỏa, máy bay, đường ray,
nút trói, đầu sợi dây,
bởi, có độc tài
không chỉ trong những tiếng tung hô
đứng thẳng, gào thét
những tiếng hoan hô, những khúc hát,
nó có trong những bàn tay
vỗ không biết mỏi
trong khúc nhạc kịch,
trong điệu kèn,
nó có ở góc phố
trong pho tượng đá vươn người,
kêu vang
vui tươi hay rền rĩ nghiệt ngã
nó có trong phòng tranh muôn màu
và rạng rỡ,
trong riêng mọi khung tranh,
ngay cả trong cọ vẽ;
bởi độc tài có
hiện tại
ở khắp mọi nơi,
còn hơn cả vị thần ngày trước của của anh;
bởi độc tài có ở
trong những nhà trẻ
trong lời khuyên của cha
trong nụ cười của mẹ.
trong câu ấp úng của một đứa bé
với người khách lạ,
trong cách anh quay lại nhìn sau
trước khi mở miệng thì thầm,
không chỉ trong dây kẽm gai,
không chỉ trong những dòng sách,
trong những khẩu hiệu mê muội
còn hơn cả dây kẽm gai;
nó cũng còn đó
trong nụ hôn giã biệt,
trong cách người vợ hỏi:
"Bao giờ về, anh yêu?"
trong những câu "khỏe không?"
lặp lại thật quen thuộc ngoài phố
trong cái bắt tay
bỗng dưng đã hờ hững hơn,
trong khuôn mặt người thương
thình lình sững lại, băng giá,
vì chính nó có mặt
ở nơi ta hò hẹn,
không chỉ trong cuộc khẩu cung,
mà cả trong lời thú nhận,
trong câu nói say sưa, ngọt ngào,
như con ruồi chết chìm trong men rượu,
bởi anh chẳng còn một mình
cả trong những giấc mơ,
độc tài nằm trên giường cưới,
và trước đó, trong cả nỗi khát khao,
bởi anh chỉ tin là đẹp
những gì đã một lần thuộc về nó;
anh ngủ với nó
mà ngỡ là mình yêu,
nó ở trong đĩa và trong ly,
trong mũi, miệng
trong ánh sáng và bóng tối,
ở bên ngoài và trong buồng anh,
như thể cánh cửa để ngỏ
và mùi xác thối tràn vào,
như thể trong tòa nhà
đâu đó thoát hơi ga,
khi anh thì thầm một mình,
thì nó, độc tài, căn vặn,
anh không còn độc lập
ngay cả trong mộng tưởng,
trên kia, giải Ngân Hà cũng đã khác,
giải biên giới, nơi chùm ánh sáng quét qua,
cũng tựa như bãi mìn
vì sao như một lỗ nhòm lén,
trời cao nhung nhúc những lều vải
hợp thành một trại lao động độc nhất
bởi độc tài lên tiếng
trong cơn sốt, tiếng chuông,
từ cửa miệng người tu sĩ đang giải tội,
từ những bài thuyết giáo,
nhà thờ, nghị viện, đoạn đầu đài
và bao nhiêu sân khấu;
anh hoài công khép mở mí mắt,
nó vẫn hoài nhìn anh;
như căn bệnh,
nó cặp kè bên anh, như kỷ niệm,
bánh tàu quay, anh nghe,
theo nhịp: "Mày là tù nhân",
độc tài anh hít thở
trên núi, ngoài ao hồ;
khi lằn chớp lóe lên, nó đấy
trong từng tiếng động,
từng tia sáng bất ngờ,
trong từng nhịp đập thảng thốt của trái tim;
trong sự yên tĩnh
trong nỗi buồn chán của chiếc còng tay,
trong cơn mưa rào xối xả,
trong song sắt vút lên tận bầu trời,
trong cơn tuyết đổ cầm chân anh
trong màu trắng bức tường xà-lim,
nó nhìn anh
qua đôi mắt con chó của anh,
và bởi nó có mặt trong mọi dự định,
trong ngày mai của anh,
trong tâm tưởng anh,
trong mọi cử chỉ của anh;
như con nước theo dòng chảy,
anh theo nó và sản sinh ra nó;
thử đưa mắt nhìn ngoài tầm của nó,
nó sẽ nhìn anh trong tấm gương,
anh hoài công muốn trốn, nó rình rập anh
vừa là tù, đồng thời anh là tên cai ngục;
nó len lỏi vào vị thuốc anh hút,
vào chất vải áo quần anh mặc
nó thấm vào anh, nó ăn sâu
thấu tận tủy xương anh;
anh muốn nghĩ suy, nhưng chỉ có
những tư tưởng của nó hiện về,
anh muốn nhìn, nhưng chỉ thấy
những gì nó phù phép cho anh,
và quanh anh, bừng cháy
khu rừng, bởi một que diêm,
bởi khi liệng đi,
anh đã quên dẫm nát;
như thế cả anh nữa, nó cũng canh chừng anh,
tại nhà máy, ngoài đồng, trong nhà ở;
và anh không còn cảm thấy: thế nào là sống,
thế nào là thịt, là bánh mì,
thế nào là yêu, là khao khát,
là giang rộng cánh tay,
và như thế, chính kẻ nô lệ
tự rèn lấy xiềng xích mình mang;
anh vỗ béo chính nó khi anh ăn
và vì nó anh sinh con đẻ cái,
ở nơi có độc tài:
mỗi người là một mắt xích;
anh toát ra một mùi hôi thối,
vì chính anh cũng là độc tài;
bởi, vì anh, đứa trẻ
trở nên bất trị,
và trong lòng anh, người vợ hiền thảo
hóa thành con điếm;
như bầy chuột chũi dưới nắng mặt trời
thế đấy, chúng ta mò mẫm trong tăm tối,
và cựa quậy không yên trong căn phòng kín
tháo chạy cả khi đã ở giữa sa mạc;
bởi ở nơi có độc tài,
tất cả đều vô ích,
cả bài thơ này nữa, dù nó trung thành,
như bất cứ tác phẩm nào,
bởi nó ở
ngay bên phần mộ của anh,
nó hạ lệnh cho anh phải là ai,
tro của anh cũng nhằm phục vụ nó. (5)
Ghi chú:
1. Trích bài viết "Máu của người Hung" (Albert Camus).
2. Bài viết này đã được trích đăng trên "Tạp chí Thơ", "Văn" (Hoa Kỳ).
3. Nguyên văn: fal-morse (trong tù, các tù nhân thường liên lạc với nhau theo tín hiệu Morse bằng cách gõ vào tường).
4. Ở đây, tác giả dùng một điển tích trong thần thoại Hy Lạp, không chuyển ngữ được. Xin dịch thoát ý.
5. Có thể tham khảo các bản dịch tiếng Anh, Đức, Pháp và Ý tại địa chỉ online của Bảo tàng Công viên Tượng.
*
EGY MONDAT A ZSARNOKSÁGRÓL
Hol zsarnokság van,
ott zsarnokság van
nemcsak a puskacsőben,
nemcsak a börtönökben,
nemcsak a vallató szobákban,
nemcsak az éjszakában
kiáltó őr szavában,
ott zsarnokság van
nemcsak a füst-sötéten
lobogó vádbeszédben,
beismerésben,
rabok fal-morse-jében,
nemcsak a bíró hűvös
ítéletében: bűnös!
ott zsarnokság van
nemcsak a katonásan
pattogtatott „vigyázz!”-ban,
„tűz!”-ben, a dobolásban,
s abban, ahogy a hullát
gödörbe húzzák,
nemcsak a titkon
félignyílt ajtón
ijedten
besuttogott hírekben,
a száj elé hulltan
pisszt jelző ujjban,
ott zsarnokság van
nemcsak a rács-szilárdan
fölrakott arcvonásban
s e rácsban már szótlan
vergődő jajsikolyban,
a csöndet
növelő néma könnyek
zuhatagában,
kimeredt szembogárban,
ott zsarnokság van
nemcsak a talpraálltan
harsogott éljenekben,
hurrákban, énekekben,
hol zsarnokság van,
ott zsarnokság van
nemcsak az ernyedetlen
tapsoló tenyerekben,
kürtben, az operában,
épp oly hazug-harsányan
zengő szoborkövekben,
színekben, képteremben,
külön minden keretben,
már az ecsetben;
nemcsak az éjben halkan
sikló gépkocsizajban
s abban,
megállt a kapualjban;
hol zsarnokság van, ott van
jelenvalóan
mindenekben,
ahogy rég istened sem;
ott zsarnokság van
az óvodákban,
az apai tanácsban,
az anya mosolyában,
abban, ahogy a gyermek
idegennek felelget;
nemcsak a szögesdrótban,
nemcsak a könyvsorokban
szögesdrótnál jobban
butító szólamokban;
az ott van
a búcsúcsókban,
ahogy így szól a hitves:
mikor jössz haza, kedves;
az utcán oly szokottan
ismételt hogy-vagy-okban,
a hirtelen puhábban
szorított kézfogásban,
ahogy egyszercsak
szerelmed arca megfagy,
mert ott van
a légyottban,
nemcsak a vallatásban,
ott van a vallomásban,
az édes szó-mámorban,
mint légy a borban,
mert álmaidban
sem vagy magadban,
ott van a nászi ágyban,
előtte már a vágyban,
mert szépnek csak azt véled,
mi egyszer már övé lett;
vele hevertél,
ha azt hitted, szerettél,
tányérban és pohárban,
az ott van az orrban, szájban,
hidegben és homályban,
szabadban és szobádban,
mintha nyitva az ablak,
s bedől a dögszag,
mintha a házban
valahol gázfolyás van,
ha magadban beszélgetsz,
ő, a zsarnokság kérdez,
képzeletedben
se vagy független,
fönt a Tejút is már más:
határsáv, hol fény pásztáz,
aknamező; a csillag:
kémlelő ablak,
a nyüzsgő égi sátor:
egyetlen munkatábor;
mert zsarnokság szól
lázból, harangozásból,
a papból, kinek gyónol,
a prédikációból,
templom, parlament, kínpad:
megannyi színpad;
hunyod-nyitod a pillád,
mind az tekint rád;
mint a betegség,
veled megy, mint az emlék;
vonat kereke, hallod,
rab vagy, rab, erre kattog;
hegyen és tenger mellett
be ezt lehelled;
cikáz a villám, az van
minden váratlan
zörejben, fényben,
a szív-hökkenésben;
a nyugalomban,
e bilincs-unalomban,
a zápor-zuhogásban,
az égigérő rácsban,
a cellafal-fehéren
bezáró hóesésben;
az néz rád
kutyád szemén át,
s mert minden célban ott van,
ott van a holnapodban,
gondolatodban,
minden mozdulatodban;
mint víz a medret,
követed és teremted;
kémlelődsz ki e körből?
ő néz rád a tükörből,
ő les, hiába futnál,
fogoly vagy s egyben foglár;
dohányod zamatába,
ruháid anyagába,
beivódik, evődik
velődig;
eszmélnél, de eszme
csak övé jut eszedbe,
néznél, de csak azt látod,
mit ő eléd varázsolt,
s már körbe lángol
erdőtűz gyufaszálból,
mert amikor ledobtad,
el nem tiportad;
s így rád is ő vigyáz már,
gyárban, mezőn, a háznál,
s nem érzed már, mi élni,
hús és kenyér mi,
mi szeretni, kívánni,
karod kitárni,
bilincseit a szolga
maga így gyártja s hordja;
ha eszel, őt növeszted,
gyermeked neki nemzed,
hol zsarnokság van,
mindenki szem a láncban;
belőled bűzlik, árad,
magad is zsarnokság vagy;
vakondként napsütésben,
így járunk vaksötétben,
s feszengünk kamarában,
akár a Szaharában;
mert ahol zsarnokság van,
minden hiában,
a dal is, az ilyen hű,
akármilyen mű,
mert ott áll
eleve sírodnál,
ő mondja meg, ki voltál,
porod is neki szolgál.
(1950)