Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGUYÊN XUÂN

(NCTG) - Mình cố gắng nhịn đến sáng mai được không?

Minh họa của họa sĩ Lê Thương

Ông đeo kính hỏi, mắt thất thần nhìn gương mặt méo mó đẫm mồ hôi của vợ. Bà đỡ gắt:

- Đau đẻ còn chờ sáng giăng. Đàn ông đàn anh mò vào đây làm gì?

Ông đeo kính cum cúp đi. Đứng ngoài hành lang, chốc chốc thót người nghe tiếng rên la từ trong phòng đẻ vọng ra. Khi tia nắng đầu ngày chọc xiên qua lớp mây đông thì có tiếng trẻ con oe lên. Ông đeo kính nhảy chồm sung sướng:

- Nhịn được rồi! Ra rồi!

Con bé được đặt tên là Nguyên Xuân. Bố mẹ đã đồng lõa dành cho nó một ngày sinh đặc biệt: mùng một tháng một. Phía trước nó là một năm mới tinh khôi với nguyên vẹn mùa xuân.

Ở nhà thì Nguyên Xuân được gọi là Nhịn, có lẽ để vinh danh thành tích nhịn đẻ ba mươi sáu tiếng của mẹ. Nhịn được dạy dỗ rằng ở đời, có nhịn thì nên. Sau này Nhịn được biết thêm rằng nhịn nhà mình là gia giáo thâm thúy lắm chứ không phải nhịn bừa bãi vô tổ chức. Như mấy ông bà nhà quê dở buổi làm đồng nhịn dành cứt về nhà bón cây, đấy là thói nhịn tiểu nông. Hay như cô Dự hàng xóm, chồng say đánh ngày ba bận, nuốt nước mắt cắm mặt nuôi con, ấy là thứ nhịn đàn bà ngu muội. Nhịn nhà mình đây có chữ thờ đàng hoàng, nét mực Tàu đen xì, nền giấy ố vàng, đồ cổ xịn. Nghe bảo cụ tổ làm quan to, cuối đời ngẫm nghĩ, viết ra độc chữ ấy truyền lại cho con cháu. Cả họ thờ chữ ấy mấy đời, đến đời bố thì cuộn lại, sợ tàn tích phong kiến. Mấy năm sau này, bố lục đục lấy ra, treo lên. Đứng giữa cửa ngắm nghía, bố lớn giọng bảo chúng nó có sắm sa lông, cúp kiếc, giàn karaôkê ôkiếc gì gì thì được chứ đừng hòng sắm nổi truyền thống. Một chữ này của nhà mình, đố thằng trọc phú nào mua nổi. Nhịn hỏi đấy là chữ gì hả bố. Bố cũng không rõ lắm, chắc là chữ "Nguyễn", họ nhà mình.

- Tao học chữ Tây chứ có học chữ Nho đâu. Để hỏi lại xem.

Bố đi hỏi khắp nơi, hóa ra đấy là chữ "Nhẫn". Bộ "đao" đứng trên bộ "tâm", "nhẫn" ý như cầm dao cắt gọt con tim nông nổi của mình, nhẫn nhục nuôi chí lớn. Bố vỗ đùi đánh đét, công nhận các cụ thâm thật. Chữ này phải lồng khung kính mà treo mới xứng. Nhưng hỏi giá mấy nơi làm khung đắt quá, mẹ cằn nhằn phí tiền, bố và chữ "nhẫn" đành chờ. Buổi trưa, Nhịn nằm ngọ nguậy trên giường, tay bị bố giữ chặt. Giá được đi chơi thì thích hơn nhưng bố bắt Nhịn phải ngủ trưa để lấy sức chiều học tiếp. Nhịn he hé mắt đếm những vệt cứt ruồi bám trên tờ chữ gia bảo, nhiều quá, lần nào cũng đếm dở dang là ngủ mất.

Gương mặt bố mẹ rạng rỡ tự hào khi đón Nguyên Xuân vào nhà mới. Từ lúc ở nước ngoài, Xuân đã được xem ảnh, nhưng thực tế vẫn làm choáng váng. Cái nhà ba tầng đồ sộ, mái củ tỏi Nghìn lẻ một đêm ả Rập, cột chống Hy Lạp, phòng ốc kiểu Tây nhưng trang trí nội thất á Đông. Bàn ghế, tủ chè nhất loạt thửa từ Đồng Kỵ, gỗ gụ đen khảm trai óng ánh, tưng bừng những chim những hoa.

- Con thấy thế nào? - bố mẹ đồng thanh hỏi.

- Đẹp lắm ạ.

Xuân đáp, đưa mắt khắp phòng cố tìm một vật dụng quen thuộc.

- Bức thư pháp "Nhẫn" đâu hả bố?

- Treo cái này hay hơn chứ! -Bố chỉ tay vào bức thêu to bằng cái mâm treo cạnh tủ thờ, chữ "Phúc" vàng trên nền kim tuyến đỏ lấp lánh.

- Chữ này lộn ngược - Xuân nhận xét.

Bố đắc ý:

- Ăn nhau ở cái lộn ngược ấy đấy! Phúc lộn ngược là "Phúc đảo", đồng âm với "Phúc đáo", là "phúc đến", gọi phúc lộc đến nhà mình. Từ hôm treo nó lên, bố mẹ bán nhà cũ được giá, mua đất cát cũng gặp thời nên mới lên được cơ ngơi này đấy con ạ.

Ngày thứ hai, Xuân chắp tay sau lưng, đứng xa ngắm nghía cái nhà, càng ngắm càng tự hỏi sao lại củ tỏi, sao lại vôi hồng, sao lại cửa sổ xanh lá cây. Mẹ giải thích:

- Bố mẹ già rồi, mua nhà xây sẵn cho tiện. Mái củ tỏi hết mốt nên được giảm giá. Củ tỏi trên mái, mình trong nhà, có phải nhìn đâu mà sợ. Kệ thiên hạ.

Ngày thứ ba, Xuân đi vòng quanh nhà, cố không bình luận về tranh thảm Ba tư, chùm đèn thủy tinh mạ vàng sáng chóe, nhưng không nhịn được lại hỏi:

- Cái tượng kia ai tặng nhà mình?

Bức tượng nàng tiên cá đứng ưỡn vú dưới chữ Phúc lộn ngược. Bố tự hào:

- Bố mua từ tận Đà Nẵng đấy. Đá trắng nguyên khối quý lắm, ai cũng phải khen.

Nàng tiên cá tự biết mình trắng đẹp, ngoảnh mông vào ông Lộc bụng phệ tay nâng thoi vàng miệng cười hể hả. Cạnh ông này là ông Lã Vọng cù rù ngồi câu cá trên hòn non bộ xi măng, một anh nông phu nằm tênh hênh bên cây cầu, con trâu, mái chùa... tất cả to bằng nhau, cùng nép bóng cây si bonsai. Nhìn mãi thấy vui mắt.

Sang đến ngày thứ tư, Xuân đã tập được thói quen đi vệ sinh xong không dội nước. Bệ xí Thái Lan trắng tinh hiện đại nhưng giật nước ào ào tốn chết. Mẹ cẩn thận đặt cái chậu nhựa đầy nước và cái gáo bên cạnh, xong việc chỉ cần với tay múc đúng hai gáo dội là vừa đủ. Xuân cũng học cách vào nhà vệ sinh không bật đèn khi trời còn sáng và trong bóng tối nhờ nhờ tránh bước thẳng vào chậu nước dội, chậu rửa mặt, chậu ngâm quần áo bày la liệt như bát quái trận đồ trên sàn. Nhà có máy giặt nhưng mẹ thích giặt tay. Giặt máy tuy không phải động chân tay nhưng ngồi rỗi mà nghe nước chảy rồ rồ, máy quay rung tường nhà, tưởng tượng ra con quái vật phàm phũ mỗi phút ngốn bao nhiêu là điện, là nước, là xà phòng, gan vàng dạ sắt nào chịu cho thấu. Nhưng thiếu nó thì không được. Ngày ngày, mẹ âu yếm lau bụi trên máy hút bụi, máy giặt, máy điều hòa, lò vi sóng, đầu video... Rồi mẹ bồi hồi ôn lại ngày xưa, nhà mình chỉ có độc cái tủ với cái phản. Căn phòng mười một mét vuông, sinh hoạt tất tật bên trong, kéo riđô để bố dạy học bên ngoài. Tối tối, hai mẹ con nằm trong giường, cấm nói chuyện sợ ảnh hưởng đến buổi dạy của bố. Con vân vê núm vú mẹ, món đồ chơi duy nhất. Khi ấy, mẹ ôm con vào lòng, ao ước có cái máy khâu để máy hàng thuê phụ bố đỡ vất vả. Mơ có một chỗ nấu ăn, rửa bát trời mưa không bị ướt đầu. Có tiền thì mình sắm cái chạn để chống chuột, mua cho hai bố con chiếc bàn học nhỏ kê ở góc kia. Rồi cả tivi, tủ lạnh. Căn phòng mười một mét vuông chật ních những đồ đạc mơ ước. Đến hôm mua được tủ lạnh, mẹ vui mất ngủ, nghĩ nhà mình thế là có máu mặt trong xóm, chẳng thiếu thứ gì. Mùa hè, cả xóm phải sang xin đá, mẹ xởi lởi đem cho, thật nở mày nở mặt... Mẹ kể, vừa kể vừa cười mình ngày xưa sao khổ thế, khổ mà không biết là mình đang khổ. Chiều muộn, bóng tối lan trùm căn phòng, Xuân với tay định bật đèn nhưng mẹ ngăn lại. Ngồi không có làm gì đâu mà bật đèn cho tốn điện. Xuân bùi ngùi nhìn mẹ ngồi trong bóng tối, kể mãi chuyện đổi đời. Cái xóm ngày xưa, theo lời mẹ, bây giờ nhà nào cũng triệu phú tỉ phú. Bố mẹ bán căn phòng nhỏ ở trung tâm, mua nhà ba tầng ven đô tưởng đã to nhưng thấm vào đâu so với nhà mặt tiền của các chú các bác. Động đến là trăm cây, nghìn cây vàng. Bà Sâm từ độ bán nhà đâm ra lên huyết áp vì lo trấn lột. Nhà mới của bà tường cao kín mít rắc mảnh chai nhưng vẫn phải nuôi thêm chó dữ. Hai con bécgiê lồng lộn đuổi nhau suốt ngày trong mảnh sân kín, mở cửa ra là nước đái chó xông lên người chết cũng phải tỉnh dậy. Bà Sâm lam lũ với hai con chó chả khác nào khi xưa phải tăng gia lợn trong nhà. Chú Thịnh cũng là tỉ phú. Chú mua hơn nghìn mét đất, xây tường bao, kẻ biển "Biệt thự Triệu Bông Hồng". Chú Thịnh nguyên văn sĩ bỏ nghề về phụ vợ bán cháo lòng, còn tí máu văn chương trút cả vào cái biển, tô vẽ hoa hồng rực rỡ. Cũng phải tâm hồn lãng mạn lắm mới tưởng tượng ra được Triệu Bông Hồng giữa khu đất chó ỉa bên cống thối sông Tô Lịch quanh năm nghẽn đặc rác rưởi, xác mèo, chuột chết trương phềnh.

Thế là cả xóm lên đời hết. Chữ "Nhẫn" qua lần chuyển nhà thất lạc vào đâu chẳng biết, châm ngôn mới của bố nghe oanh liệt hơn: "Cứ đạn bắn xối xả là xong". Túi bố luôn có "đạn", là mấy tờ đô xanh xanh không phải để tiêu mà để làm "chúng nó" sợ. Bố uống bia để bụng phát triển tự nhiên. Bụng phệ cộng với đô la trong ví là tướng giám đốc, đi đâu cũng được vị nể khác thường. Mẹ không còn tiêu những buổi tối vào mơ ước nữa. Cái gì mua được bằng tiền thì đã mua rồi, mẹ đâm buồn. Thú vui của mẹ bây giờ là đi gọi hồn. Nói chuyện với người sống chán rồi, bây giờ mẹ chuyển sang tín nhiệm ma.

Bà Sâm giới thiệu cho mẹ một cô đồng rất giỏi. Bà là khách thường xuyên của cô đồng, hai tuần đến gọi hồn một lần, khi đi háo hức, khi về bâng khuâng. Mẹ úp mở bà ấy đang có bồ đấy. Bố bực dọc:

- Nhảm nhí! Sắp xuống lỗ rồi còn bồ bịch gì. Đến tai chồng bà ấy thêm rách việc ra.

Mẹ hứ một tiếng:

- Tôi mắt thấy tai nghe nhé, không thèm đặt điều! Ông có ở đấy đâu mà biết. Không tin thì tuần sau đi với tôi. Mà không, ông đi thì "họ" lại ngượng, vía dữ như hùm ấy. Thôi để con Xuân đi với tôi. Với lại cô đồng này cũng hay lắm, xem một lần cho biết.

Bà Sâm là chị họ bố, ngót nghét bảy chục tuổi. Bà thuộc loại phụ nữ cổ, chỉ chăm chăm chúi chúi vào chồng con, suốt ngày ru rú trong nhà. Con cái lớn dựng vợ gả chồng ra ở riêng hết, bà sống với ông chồng, tiền bán cái nhà cũ thừa ra, ăn đến chết cũng không hết. Chồng bà còn khỏe, nhập hội "Ham sống sợ chết", các cụ già rủng rỉnh, ăn chơi dối già, đi vắng suốt. Còn lại mình bà với hai con chó giữ nhà và màn hình tivi mở từ sáng đến khuya. Bà ngồi, cằm phị xuống tận ngực, chương trình gì cũng mở tới cùng nhưng không ai dám chắc bà đang thức hay ngủ bởi cặp mắt sụp mí, những nếp nhăn trên mặt không động đậy. Thỉnh thoảng như sực tỉnh, bà đấm thùm thụp vào cái chân bị thấp khớp, rên "Ôi giời" bình luận cho tất cả các chương trình từ hoạt hình, phim hài, bạo lực đến tin thời sự động đất, tăng năng suất lúa, cúp bóng đá, thăm viếng ngoại giao. Bà Sâm bây giờ cũng xoay ra bồ bịch thì khiếp thật, mà lại có ông già nào lãng mạn đến mức vắt ra được giọt tình ở bà lão bảy mươi như thế.

Nhưng mà có khi mẹ chẳng nói ngoa.. Buổi sáng hôm sang rủ bà Sâm đi gọi hồn, Xuân kinh ngạc thấy một bà Sâm hoàn toàn khác. Tivi vẫn bật nhưng bà không xem mà lăng xăng đi lại. Đồ lễ đã chuẩn bị tươm tất. Gà quay, xôi gấc, hoa quả thượng hạng. Nhất là một bó hồng đỏ lộng lẫy, cành vừa mập vừa dài, mười bông như một, cánh nhung lóng lánh nước đọng, đẹp không chê vào đâu được. Mẹ ghé tai Xuân thì thào: "Hồng tặng bồ đấy. Bà này thế mà lãng mạn lắm!" Bà Sâm hôm nay diện quần tây, áo nhung đen, tóc búi cài trâm, nom nhẹ nhõm, trẻ trung ra cả chục tuổi. Xuân nghi hoặc để ý bà đang trang điểm. Nhìn các bà già son phấn bao giờ cũng cảm động. Giống như hàng rau xót xa vảy đẫm nước vào mớ rau héo chợ chiều, biết chắc là vốn liếng sắp đi tong rồi nhưng vẫn cứ ngồi cố đến khi tàn bóng. Cái cách bà Sâm hôm nay chải chuốt không giống thế. Nó nắn nót, âu yếm trên từng nếp nhăn. Chưa hết, thay vì bôi dầu Nhị Thiên Đường như thường lệ, bà lại xịt tí nước hoa. Bảy chục tuổi, cả đời hết nuôi lợn đến nuôi chó mà bây giờ bỗng dưng thích nước hoa thì nhất định là có vấn đề.

Nhà cô đồng nằm sâu trong ngõ, trên gác. Cửa chính treo mành mành nhưng cửa sổ mở rộng nên thoáng. Chính giữa phòng là điện thờ, khói hương nghi ngút. ánh sáng nhiều nên không khí không có vẻ âm u, huyền bí như Xuân tưởng. Bà Sâm nhanh nhẹn bày đồ lễ. Cô đồng dọn ra đĩa gạo, đĩa muối, chén rượu, thuốc lá, bình trà. Mẹ rút nén hương thắp, cắm vào cốc gạo để trước mặt cô đồng. Người nào việc nấy thành thạo, nhịp nhàng. Xong xuôi, ba người quỳ một hàng sau lưng cô đồng. Cô này xuýt xoa khấn vái, gieo âm dương rồi chắp tay, đầu gục xuống. Im phăng phắc. Xuân nhớ ông nội. Hôm ra thăm mộ ông, Xuân khóc. Khóc với người chết dễ hơn với người sống. Không cần giải thích, không cần kể lể, chỉ nước mắt mặn chát rơi xuống, thấm vào đất mộ. Thần giao cách cảm. Ông linh thiêng chắc hiểu vì sao Xuân bỗng dưng bỏ việc, ngàn dặm trở về... Cô đồng chợt rùng mình như có ai đẩy. Cô ngáp, mặt vếch lên bốn nhăm độ, cặp mắt khép hờ toàn lòng trắng liếc xéo sang bên, dài dại:

- Trung. Trung đây.

Mẹ và bà Sâm nhìn nhau. Đồng thanh thưa:

- Dạ, không quen hồn nào tên là Trung cả.

- Trung họ Vũ. Tìm cô Bé.

- Dạ, chắc hồn nhầm người.

- Thôi thế hồn đi vậy.

Cô đồng lại ngáp. Rùng mình. Hồn đi. Nửa tiếng trôi qua, có hồn ông Lục tìm bà Tài, hồn cụ Tô tìm Uyên, hồn cô Vị, hồn bà cả Tẹo tạt qua chơi, không ai nhận lại đi. Mỗi lần hồn nhập, hồn đi, cô đồng lại ngáp. Miệng cô chắc là cửa để hồn chui ra chui vào. Xuân quỳ mãi mỏi chân, lơ đãng ngó ra cửa sổ, tưởng tượng các hồn đang đi mây về gió đông đúc. Mẹ thì thào:"Mãi chưa thấy ông Tuấn về. Mọi khi nhanh lắm cơ." Cô đồng lại ngáp:

- Tuấn đây.

Bà Sâm nhổm lên:

- Anh đã về.

Mẹ bấm tay Xuân. Hai mẹ con dỏng tai nghe. Bà Sâm trách:

- Hôm nay anh về chậm thế.

- Anh bận đi mua thuốc cho em. Qua đò đông phải chờ lâu quá. Thế hôm nọ ngã có đau không?

Bà Sâm bắt đầu sụt xịt:

- Em vấp vào cái xích chó, chúi đầu xuống. May mà chỉ tím chân thôi chứ không gẫy xương.

Cô đồng dịu dàng:

- Anh đã gọi mà em không nghe. Anh đỡ cho em đấy. Thế em đã bóp thuốc chưa?

Cô đồng cầm tay bà Sâm, nắn bóp nhẹ nhàng. Mắt cô đồng vẫn khem khép, miệng thủ thỉ:

- Anh thương em.

Nước mắt bà Sâm trào ra, giàn dụa:

- Sao không về thăm, báo mộng cho em?

- Hôm nọ anh về, là con bướm nâu bay quẩn mãi trong bếp của em đấy thôi. Gớm hai con chó nó cứ vừa cắn vừa sủa. Mấy lần khác thì bà cô ông mãnh nhà em không cho anh vào.

Hồn khoe với bà Sâm đã xin được việc mới, lương khá lắm, bà không phải đốt tiền âm nữa. Hồn lại dặn kỹ tuần sau bà Sâm đi chợ, thấy chị áo xanh bán thuốc thấp khớp thì mua. Thuốc ấy đích thân hồn tìm cho bà, uống vào sẽ đỡ... Trời gần đứng bóng. Nắng chiếu qua cửa sổ sáng rực căn phòng. Xuân kinh dị nhìn bà Sâm với cô đồng ngồi miên man trong nắng, lời tâm sự nửa thật, nửa kỳ quái hoang đường.

Mẹ và Xuân hôm ấy về không. Thăm nom cũng có giờ, hồn ông bà nội ngoại chắc thấy tình yêu của bà Sâm mãnh liệt quá nên nhường. Mẹ cứ tấm tắc hồn thiêng thật, chuyện bà Sâm ngã, đến ông chồng kề bên cũng không biết, thế mà hồn nói vanh vách. Bà Sâm hỉ mũi, ngậm ngùi:

- Ông ấy theo tôi hơn bốn chục năm nay, chuyện gì mà không biết!

Mồ ma ông Tuấn si mê bà Sâm từ lúc bà còn con gái nhưng chả được xơ múi gì ngoài một tấm ảnh. Ông chết trận lúc mới hai tư, ảnh người tình trong mộng đút túi áo ngực cũng chôn theo. Cho đến năm vừa rồi đi gọi hồn, bà Sâm mới ngớ ra là mình được yêu suốt mấy chục năm. Hồn kể ra trăm ngàn kỷ niệm, bao nhiêu lần hồn luẩn quẩn bên bà những khi bà ốm đau, buồn giận chuyện chồng con. Một chồng, bốn con với bảy đứa cháu nội ngoại, thế mà ngẫm suốt đời, hóa ra không ai gần gụi bà như hồn. Mà cũng chỉ có ma mới chung tình vô đìều kiện như thế! Bà Sâm cảm tấm lòng ấy nên nhận lời yêu ma sau hơn bốn chục năm âm dương cách trở. Bà Sâm chia tay mẹ con Xuân, đi ngay ra Hàng Mã. Bà đã hứa với hồn là mua sổ tay và bút máy để hồn chép thơ, chắc là thơ tình.

Nhưng sổ với bút ấy không đến tay được hồn tình. Bà Sâm đang lom khom hóa vàng thì ông chồng ở đâu xồng xộc về. Ông túm tóc bà, lôi thẳng vào buồng. Này thì đồng cốt! Này thì đú đởn! Này thì nhân tình nhân bánh! Không cần tra hỏi, cứ mỗi câu ông thụi cho bà một quả. Hai ông bà già, sức lực chẳng còn mấy, chỉ thấy xương với da đụng nhau lục cục. Bà Sâm không cãi, cũng không đỡ đòn, chỉ khóc. Bà càng khóc, ông càng điên tiết. Mấy chục năm cứ tưởng lấy được con vợ đức hạnh, nào ngờ nó bồ bịch ngay trước mũi ông, làm người ta đồn giăng giăng đến tai ông, rằng ăn ở với vợ ra làm sao mà bà ấy chán đến độ xoay ra mê một cô hồn. Yêu hồn thì làm sao ông kiểm soát được, ai mà biết đêm nào chúng nó cũng tình tẹo với nhau trên giường ông, ông sờ sờ ra đấy mà chúng nó làm gì ông cũng đành chịu. Khốn nạn quá! Cái sừng vô hình bị ma cắm bốn mươi mấy năm chắc đã sum suê gốc rễ. "Mày yêu ma. Mày có giỏi ngủ với nó được không? Nó có cái này không?" Ông hùng hục trật quần, phô bày vốn quý hơn hẳn con ma. Nhưng bất chấp nộ khí xung thiên của ông, thằng cu - bây giờ gọi là ông lão cũng được, chỉ rủ xuống rất nhu mì. Hai ông bà nhìn chăm chăm vào nó một lúc. Nó rung rung dịu dàng, không ngẩng lên. Ông đỏ mặt, càng giận hơn, chửi: "Đồ ngu" rồi kéo phắt quần lên. Ông lao ra đá tung chậu vàng mã, đái thẳng vào ngọn lửa đang thoi thóp. Cuốn sổ thơ cháy dở dang thâm đen, những lời tình tự không chỗ đậu theo tàn tro bay tứ tung. Ông hầm hầm lên công an phường tố cáo cô đồng hành nghề mê tín dị đoan. Đòn dương đã vậy, đòn âm, ông thuê hẳn một thày pháp cao tay trấn bùa, mấy lá bùa đỏ ngoằn ngoèo dán từ cổng chính vào buồng ngủ. Ông còn đặt con dao dưới gối, dọa ma nào vớ vẩn mò đến ông chém chết. Họp gia đình, ai cũng trách bà dại dột, tin đồng cốt quàng xiên, cúng bao nhiêu tiền cho nó. Bà Sâm đổ ra ốm một trận tưởng chết. Hôm Xuân sang thăm, bà đã đỡ nhưng còn yếu, chỉ ngồi bất động trước tivi, đến cái câu "Ôi giời" mọi khi cũng không thấy bà nói nữa.

Xuân một mình tìm đến cô đồng. Biết là chẳng ích gì nhưng vẫn đến. Có một chút niềm tin dù là hoang đường vẫn còn hơn chẳng có gì. Nhà cô đồng khóa cửa im ỉm. Xuân về, ngang qua quán cà phê cũ. Nắng cuối thu lốm đốm rơi qua tán lim già, lá sẫm xanh, bí ẩn. Xanh như mười năm trước, khi Xuân nói "Em sẽ đi xa", xanh như hôm qua Xuân lại nói "Em muốn trở về". Hai lần cùng nói với một người. Hai lần người ấy chỉ nhìn Xuân thương xót. Xuân nhớ lúc ấy có một cái lá lim bay tạt xuống mặt bàn. Nó nằm chơ vơ, con mắt xanh lặng lẽ. Mười năm có khi cũng rơi như thế, mười năm, là một phần mấy của cuộc đời?

Xuân ra sân bay vào buổi chiều cuối năm chớm rét. Xe băng ngang sông Hồng. Dưới chân cầu những xoáy nước đỏ quạch phù sa như vết thương hun hút. Một lá ngô già ngập ngừng nơi mé nước rồi thong thả xuôi dòng. Xuân ngoái ngược trở lại phía những cụm nhà lố nhố ven đô, cố tìm cái mái củ tỏi màu hồng, sao bây giờ ngó thân thương hơn mọi thứ khác. Gió lùa cay mắt. Ngước lên trời cao, chợt thấy mình không phải là người đàn bà cứng cỏi, mạnh mẽ như bạn bè vẫn bảo, chỉ là con bé Nhịn tay bị giữ chặt, buồn nhìn chữ "Nhẫn" bộ "đao" đè lên bộ "tâm" nghiệt ngã. Lưỡi dao vô hình cắt gọt con tim nông nổi, gọt bao nhiêu cho tròn một kiếp người?

Xuân ngồi nhìn căn buồng mới thuê trống trải, trang trí duy nhất là cành hoa sữa đã rụng tiệt hoa sau chuyến bay gần trọn một ngày. Tay Xuân luồn trong túi áo mân mê cái chìa khóa ngôi nhà cũ. Nó không quá xa, nửa tiếng chạy xe, Xuân sẽ về lại đấy. Lò sưởi bập bùng, salon bọc da êm ái, và một người đàn ông quen thuộc. Anh ta sẽ đón Xuân vào, đại lượng như đón người đàn bà dại dột, vài năm một lần đem đời mình ra đập vỡ chơi rồi loay hoay hàn gắn lại. Sẽ không đả động gì đến chuyện Xuân đã bỏ việc, đã dọn đi..., những cơn đồng bóng đàn bà. Sẽ bình thản cùng ngồi xem tivi như năm ngoái, năm kia, như mười năm trước. Bình thản cho đến khi anh ta lột chiếc áo ngủ, ấn giúi Xuân xuống nệm. Vùi sâu, xoáy lút những nhát đâm ngoáy vào vết thương chưa bao giờ khép miệng giữa hai người... Xuân rùng mình, rút hẳn chìa khóa ra khỏi túi, tìm một phong bì. Nắn nót viết lên địa chỉ căn nhà cũ. Bỏ chìa khóa vào. Dán kín.

Khi Xuân từ bưu điện trở về thì pháo lác đác rộ lên. Sắp giao thừa. Xuân mở gói quà mang theo từ Hà Nội. Một bức thư pháp. Mực tàu đen đằm trên nền giấy dó, nét bút tinh anh, phóng khoáng. Chữ "Tâm". Không có bộ "đao" ở trên, chỉ một chữ "tâm" thật đậm, cái đường móc hất lên, nửa như khát khao, nửa như thách thức. Xuân treo bức thư pháp lên khoảng tường trống gần cửa. Gió lùa qua khe chữ lay nhè nhẹ. Văng vẳng tiếng chuông nhà thờ. Xuân mở tung cửa sổ. úp mặt vào làn không khí giá băng tinh khiết, nồng nàn hương pháo. Nền trời đen thẫm bùng lên muôn vạn chùm hoa lửa. Nước mắt ấm trên môi, Xuân nhận món quà sinh nhật bố mẹ đã dành cho từ lúc chào đời. Một năm mới phong kín như chưa từng mất mát. Nguyên Xuân.

* Phạm Hải Anh, nhà văn, tiến sĩ Ngữ văn (chuyên ngành văn học Trung Quốc), hiện đang sinh sống tại Amsterdam, Hà Lan. Tác giả nhiều tiểu luận và truyện ngắn đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước. Đã ấn hành: "Huyết đằng" (Nhà xuất bản Văn Mới, 2001, Hoa Kỳ).

Amsterdam 14-12-2002 - Viết cho ngày sinh

Tác giả bài viết: Phạm Hải Anh