NGUYỄN TRUNG CANG
- Thứ tư - 17/09/2014 21:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc - Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng, ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời...”
Nguyễn Trung Cang (thứ 4 từ trái sang) trong ban nhạc “Phượng Hoàng” - Ảnh tư liệu
Lang thang trên facebook thấy người bạn mình đang nghe “Còn yêu em mãi” của cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (*).
Nhớ, hai mươi năm trước, được nghe kể Nguyễn Trung Cang đã viết bài này trong trại cải tạo lao động ở một vùng rừng núi hẻo lánh dành tặng người vợ anh rất yêu thương như một lời trăng trối, rằng thôi, nơi rừng thiêng nước độc, đừng lên thăm anh nữa, chẳng biết khi nào anh về, cũng chẳng biết anh có về được không.
Dù biết cách xa với đời,
dù biết thủy chung chẳng rời,
mà vẫn xót xa tháng ngày,
chờ ta chi nữa em ơi,
còn đâu giây phút tuyệt vời.
dù biết thủy chung chẳng rời,
mà vẫn xót xa tháng ngày,
chờ ta chi nữa em ơi,
còn đâu giây phút tuyệt vời.
Nghe rằng, bài hát như một lời tiên tri, để sau đấy ít lâu nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang nằm lại trong trại lao động mãi mãi. Tổng phổ bài hát sau đấy được nhạc sĩ Lê Hựu Hà đem sang Mỹ trao tận tay vợ của anh, và bài hát được phổ biến thoạt tiên ở Mỹ.
Lại nghe rằng, sau đấy Nguyễn Trung Cang được về lại Sài Gòn, nhưng không có cảnh “khi tương phùng em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc”. Anh đã cô đơn, đói khát (và nghe đâu, cả nghiện ngập) rồi chết bên lề đường ở Sài Thành như một kẻ lang thang đích thực.
Có nhiều “huyền thoại”, hoặc nói cách khác, có nhiều lời đồn đoán quanh cái chết của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Nhưng dù thế nào, thì người nhạc sĩ tài hoa của miền Nam cũng đã từ bỏ dương thế ở ở tuổi gần bốn mươi trong đọa đày. “Còn yêu em mãi” trở thành tác phẩm cuối cùng của anh.
Câu hỏi được đặt ra ở đây: là một nhạc sĩ, tại sao Nguyễn Trung Cang phải vào trại cải tạo lao động, anh cần phải cải tạo để trở thành cái gì?
(*) Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (1947?-1985?) đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng từ trước 1975 như “Mặt trời đen”, “Dạ khúc”, “Nắng hạ”, “Phiên khúc mùa đông”, “Thương nhau ngày mưa”, “Lời nào muốn nói”... Anh cũng là thành viên ban nhạc “Phượng Hoàng” cùng với Lê Hựu Hà, Elvis Phương trước 1975. Sau 1975 anh vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc khác, như “Bâng khuâng chiều nội trú”, “Còn yêu em mãi”...)