Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÔI SAO CÔ ĐƠN

(NCTG) Nhạc sĩ Thanh Tùng, tác giả những ca khúc “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”, “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Một thoáng quê hương” (cùng Từ Huy)... vừa qua đời hôm nay, thứ Ba 15-3-2016, tại Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.
Cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1993) - Ảnh tư liệu
Thanh Tùng là “ngôi sao cô đơn” vô cùng đặc biệt, bởi ông đã chọn cho mình một sự cô đơn đầy kiêu hãnh. Thế giới âm nhạc của Thanh Tùng đủ rộng mở cho những “trái tim tình” tề tựu và chia sẻ trong những yêu thương.

Ít có học viên thanh nhạc nào mà lại không chọn một vài bài nhạc của Thanh Tùng làm bài tủ, ít có cô cậu học trò nào chưa từng nghêu ngao những “Hoa tím ngoài sân”, “Giọt nắng bên thềm”, “Vĩnh biệt mùa hè” trong tuổi hồn nhiên tràn hoài niệm, ít có ai từng trải qua nỗi cô đơn mà không cảm thấy hình bóng mình trong bản “Một mình” đầy tâm trạng...

Thanh Tùng đến và đi trong mọi tầng lớp nghe nhìn, nhạc của ông vừa tự nhiên, gần gũi với công chúng, vừa uyên sâu khung cảnh sáng tác.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Tùng - “Ngôi sao cô đơn” khắc khoải!

 
*

Ngày bước chân mỏi mệt trên đường tình xa ngái, hoàng hôn lắng về cuối chân trời, ánh mắt chớm sương khi trông thấy người tình sớm hôm trở về tâm tưởng. “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, nhạc đã tắt nhưng trong lòng hãy còn vương.

Viết về nỗi cô đơn, không nhạc sĩ nào tinh tế hơn Thanh Tùng. Ông sáng tác không nhiều, những tác phẩm của ông hầu như bài nào cũng đi vào lòng người và có thể sống trong cộng đồng Việt ở tất cả mọi nơi. Thanh Tùng cô đơn về nơi xưa khắc khoải, cảm giác lạ lẫm ở một người đàn ông chấp nhận cuộc sống một mình buồn bã mỗi buổi sớm dậy tối tàn sau khi người vợ qua đời ở độ tuổi trăng thanh.

Cô đơn nhưng không hề tuyệt vọng, chấp nhận cô đơn để làm bạn với gió trăng, để xây dựng cuộc đời mới, thiếu vắng một người mà an nhiên với mọi sự. Nhờ vậy mới có bản “Một mình” tuyệt mỹ cô đơn cho bất kể tâm hồn lẻ loi nào cũng ngao du. Qua đó mới thấy lung linh “Giọt nắng bên thềm”, mới đến phút “Vĩnh biệt mùa hè” làm bâng khuâng trai đơn gái chiếc.

Ai sẽ là người thắng cuộc trong cõi tình ảo mộng!? Thanh Tùng cô đơn nhưng không hề cô độc, nhạc Thanh Tùng luôn làm người nghe rộn ràng thao thức giữa những tâm tư. Như định mệnh, tác phẩm “Ngôi sao cô đơn” của Thanh Tùng dành tặng ca sĩ Ngọc Bích luôn được người đời nhầm hiểu rằng ông đang viết cho chính ông. Bởi ca khúc thật quá, đến mức “Ngôi sao cô đơn” giờ đây trở thành một thành ngữ riêng mỗi khi nhắc đến Thanh Tùng.

Em hãy vì mọi người, từng lời hát từng nụ cười
Riêng em có buồn thì ngồi yên cho tôi ngắm xem
Vì sao trong đôi mắt em... có những... ngôi sao... cô đơn...


Nghe đến hai chữ “cô đơn” tự dưng thấy lòng buồn quạnh, dễ nhầm tưởng vào sự cô độc không lối thoát. Trong Anh ngữ phân biệt rõ “alone” và “lonely”. “Alone” chỉ trạng thái một mình không người bên cạnh về mặt không gian, còn “lonely” là về trạng thái tâm hồn, dịch nghĩa “cô đơn” ở cấp độ “nặng hơn” sẽ rơi vào “cô độc”.

Chợt nhớ single “Lonely” của Nana với mô-típ làm người nghe buồn thảm:

I’m lonely lonely lonely
I’m lonely lonely in my life
I’m lonely lonely lonely
God help me help me to survice.


Tạm dịch:

Ta cô đơn, cô đơn đến cô độc
Ta cô đơn, cô đơn suốt cuộc đời
Ta cô đơn, cô đơn đến cô độc
Đấng Tối Cao, ngài hãy cứu vớt sự sống này.


Ca khúc cùng tên “Lonely” của Akon có đoạn mở màn nhẹ nhàng hơn:

Lonely, I’m so lonely
I have nobody
To call my owwnnnn.


Tạm dịch:

Ôi cô đơn, ta cô đơn quá đỗi
Ta chẳng có ai cả
Cho riêng ta trên cõi đời…


Có thể nói cô độc là sầu là thảm, còn cô đơn là nghệ thuật của tâm hồn và lý trí. Nhạc sĩ Thanh Tùng không hề thiếu bóng hồng tri kỷ, nhưng ông chọn cách giữ hình bóng người vợ đã khuất cho nỗi cô đơn ngày càng sâu đậm như thiên mệnh. Tình yêu có chi là uổng phí, nếu Thanh Tùng đã toại nguyện với cuộc sống của ông, đó là điều nên chúc mừng mới phải.

Chuyện tình nhạc sĩ Thanh Tùng cũng có người đi người ở, tuy chưa bi đát như những “tình sử” thời xa xưa, chưa đến mức Phong - Hoa - Tuyết - Nguyệt làm nguồn cơ vẽ nên những tác phẩm tuyệt sắc thanh tao, nhưng chính âm nhạc của ông đã làm lay động tứ phương. Mẫu âm nhạc đơn sơ thức tỉnh những “Ngôi sao cô đơn” thay lời muốn nói.

Dù không hạnh phúc cũng phải tìm một lý do nào đó để hạnh phúc. Cô đơn trong sự lạc quan, thấm nhuần bản chất của cô đơn để đón chờ hạnh phúc tươi đẹp và chia sẻ với thực tại như nhạc sĩ Thanh Tùng giãi bày trong “Ngôi sao cô đơn” trần thế. Khi ấy sẽ đạt đến cảnh giới mà Lưu Vũ Tích (*) đã tả bằng ngôn ngữ đầy Thiền ý:

Vài lời đã tỏ muôn ngàn ý
Ngồi yên cũng khiến vạn cảnh đi.


Tương truyền có loài hoa tên gọi Tương Ly, chữ “tương” trong “tương phùng” và “ly” trong “ly biệt”. Tương phùng rồi chia tay, duyên đến duyên lại diệt. Đợi chờ ngàn năm cho một thuở yêu đương, giấc mộng vườn hoa rồi phải đến lúc lìa xa. Loài hoa ấy trong nhân gian là hoa Thược Dược, chỉ xếp sau hoa Mẫu Đơn, tác dụng chữa nhiều bệnh nhưng không sao chữa được bệnh ái tình.

Chạm nghĩ, loài hoa Tương Ly chữa bách bệnh nhưng không thể chữa được bệnh ái tình hẳn có lý do. Không thì thế gian đã vắng những chuyện tình làm thổn thức bốn mùa trăng, và cũng sẽ không có những “Ngôi sao cô đơn” làm đẹp cho đời.

Nếu một ngày bạn cảm thấy cô đơn, hãy xem đó như là tiếng hát trái tim theo khuôn viên của thời gian. Cô đơn để đến gần với thực tại, cô đơn cho biết tâm sự của người cô đơn.

Mang cái tên buồn tủi, vậy mà “Ngôi sao cô đơn” không chỉ có một trên đời!

(*) Lưu Vũ Tích, thi hào đời Đường.

Tác giả bài viết: Điệp Hồng Tiên Tử, từ Sài Gòn