Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ MỘT QUỸ DỊCH THUẬT VĂN HỌC VIỆT NAM

“Nếu thực sự quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra ngoài, phương án tốt nhất là ủng hộ những cá nhân, những nhóm có đề án tốt, có năng lực thật sự, hiểu biết tâm lý đọc của công chúng nước ngoài và có quan hệ tốt với các NXB nước ngoài” – ý kiến của nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng.

Một số bản dịch tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh

Nếu như việc giới thiệu văn học cổ điển Việt Nam từ trước đến nay đã được thực hiện bài bản bởi những thiết chế chính thống và thuộc nhà nước, thì văn học đương đại, nhất là văn học từ sau đổi mới, hầu như hoàn toàn do các cá nhân ở nước ngoài (người Việt cùng đồng nghiệp/ đối tác nước sở tại) khởi xướng và thực hiện. Tình trạng này đặt ra cho tôi một số suy nghĩ:

1/ Nhìn qua những tác phẩm được bạn đọc phương Tây chú ý nhất gần đây:

Một khảo sát trên mạng cho thấy:

Về Văn xuôi, cho đến nay, có 5 tác phẩm được người đọc bình chọn là xuất sắc, cũng là những tác phẩm nhận được nhiều bình luận.

- “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh (“The Sorrow of War”, bản dịch tiếng Anh của Phan Thanh Hảo, Frank Palmos hiệu đính): Cho đến nay vẫn xếp vị trí đầu bảng trong số các tác phẩm được bạn đọc phương Tây chú ý. Nó đã được xếp trong top 10 các tiểu thuyết Đông Nam Á. Có người đã nói là nó xứng đáng được giải Pulitzer (giải văn học sáng giá nhất của Mỹ) và được so sánh với “Mặt trận phía Tây không có gì lạ” của Remarque.

- “Chốn vắng” của Dương Thu Hương: Bản tiếng Pháp (“Terre des oublis” của Phan Huy Đường) là một thành công ở Pháp (gần 200.000 bản phát hành, giải thưởng của báo Elle, tái bản trong các bộ sách Le Livre de Poche, Robert Laffont, …) tiếp theo là các bản dịch xuất bản ở Mỹ (bản tiếng Anh “No Man’s Land” của Nina McPherson) ở Ý và Tây Ban Nha.

- “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương (Bản dịch tiếng Anh “Paradise of the Blind” của Nina McPherson): Được chọn trong “500 cuốn sách lớn của tác giả nữ”.

- Tuyển tập truyện ngắn “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp (“Crossing the River”, bản dịch của Nguyễn Nguyệt Cầm).

- Tập truyện ngắn “Trong sương hồng hiện ra” của Hồ Anh Thái (“Behind the Red Mist”, bản dịch của Wayne Karlin & Nguyễn Quí Đức).

Về Thơ, gây được tiếng vang rộng rãi duy nhất là Tuyển tập “Chó đen và đêm” (“Black Dog, Black Night”) do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover chọn và dịch, gồm 17 nhà thơ trong nước và 4 nhà thơ gốc Việt công dân Mỹ: Cuốn sách được tạp chí thơ online “Coldfrontmag” bình chọn là tuyển thơ dịch hay nhất của Mỹ năm 2008.

- Tập đoàn những NXB nổi tiếng như Macmillan Reference USA™, Charles Scribner's Sons® hoặc Primary Source Media™… đã quyết định chọn 15 bài thơ của 11 nhà thơ Việt Nam trong tuyển tập “Black Dog, Black Night” để đưa vào tổng tập văn học thế giới, một loại SGK tham khảo văn học thế giới bằng tiếng Anh. Tên tổng tập này “LitFinder” (tạm dịch: Tìm Văn), do nhà thơ Emma Hull biên tập, xuất bản tại chi nhánh ở Anh quốc.

2/ Vài suy nghĩ từ khảo sát trên:

a/ Các tác phẩm trên được ưa thích vì những khía cạnh chủ yếu sau: khách quan trung thực trong việc tái hiện hiện thực xã hội, không định kiến (định hướng) chính trị; thấm đẫm chất nhân bản, nhân văn; đặc sắc về tâm lý - văn hóa Việt Nam; lối viết tương đối hiện đại.

Cần xoá bỏ ngộ nhận: những tác phẩm được nước ngoài ưa chuộng là do nội dung “chống đối”… (“Nỗi buồn chiến tranh” một thời gian bị giới chính thống trong nước cho là tiêu cực, nhưng nhiều bạn đọc Mỹ lại thấy khâm phục hình ảnh anh bộ đội, những nhân vật nữ trong đó được họ coi là anh hùng, cuốn sách được coi là đối trọng với những sách về Việt Nam do người Mỹ viết).

Thương hiệu cho văn học Việt Nam chỉ có được một khi có những tên tuổi đủ sức chinh phục công chúng thế giới. Mà muốn chinh phục thế giới, trước nhất phải độc đáo - sự độc đáo của văn hóa và hiện thực Việt Nam nhưng thể hiện ở tận mức cá nhân chứ không chỉ là “đậm đà bản sắc dân tộc” nói chung. Nhưng sự độc đáo ấy phải mang một tư tưởng nhân văn cao sâu ở tầm nhân loại. Một đóng góp thực sự vào văn học thế giới phải là sản phẩm “3 trong 1” (cá nhân – dân tộc – nhân loại) như thế.

Gần đây tôi thường nghĩ đến một hiện tượng văn hoá Việt Nam có sức mạnh chinh phục người phương Tây rất lớn: đó là những ý niệm và thực hành Phật giáo đang được hiện đại hoá theo phong cách rất Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh (được gọi là “Pháp môn Làng Mai”).

Tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng phổ quát đã thấm nhuần sâu xa và được Việt Nam hoá tích cực nhất trong lịch sử dân tộc. Thích Nhất Hạnh cũng là một nhà văn, ông có vài chục cuốn sách được xuất bản trên thế giới với hàng triệu bản. Hiện tượng này có thể cho ta những gợi ý tốt về con đuờng ra thế giới của văn học Việt Nam.

b/ Tất nhiên các cá nhân chỉ có thể giúp đưa vài nét chấm phá của văn học Việt Nam ra thế giới. Một tổ chức chuyên nghiệp là điều ai cũng dễ mong muốn, kiểu như NXB Thế giới đã làm ít nhiều với phần văn học cổ điển (tuy nhiên cần lưu ý: cho đến nay, hai tác phẩm cổ điển được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài cũng không phải do NXB Thế giới của Việt Nam mà do người Việt ở Mỹ và người Mỹ thực hiện: “The Tale of Kiều” của Huỳnh Sanh Thông và “The Spring Essence” của John Balaban).

Nhưng với văn học đương đại, vấn đề trước tiên nằm ở chỗ: cách nhìn nhận tác phẩm ở nước ta khác về cơ bản với các nước. Ở ta, chắc hẳn một tổ chức do nhà nước chỉ đạo sẽ quyết định việc chọn tác phẩm theo những tiêu chí hết sức chính thống và “truyền thống” nể nang, phong trào. Liệu một tổ chức như thế sẽ đưa ra những cái mình muốn hay những gì người đọc muốn – những “gì” mà cho đến nay, chỉ có các NXB nước ngoài mới nắm được?

Thí dụ, để quyết định in 5.000 bản đầu tiên của quyển thơ Việt Nam vừa rồi, NXB Milkweed, một NXB có uy tín ở Mỹ, phải để một năm gửi bản thảo thăm dò thị trường, sau khi nhận được sự ủng hộ của các trường đại học, các nhà phát hành hàng đầu như Barnes and Noble, Border, Amazon.com, họ mới dám in.

c/ Nếu thực sự quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra ngoài, phương án tốt nhất là ủng hộ những cá nhân, những nhóm có đề án tốt, có năng lực thật sự, hiểu biết tâm lý đọc của công chúng nước ngoài và có quan hệ tốt với các NXB nước ngoài.

Vì chưa có cơ chế này nên vừa rồi, hai dịch giả đã thành công với tuyển thơ Việt Nam ở Mỹ gõ cửa nhiều nơi trong nước xin tài trợ dịch “Thơ Nguyễn Trãi” đã chẳng được ai ngó ngàng đến (may sao phút chót NXB Văn hoá Sài Gòn lấy một phần bản dịch của họ đưa vào một cuốn sách sắp in. Và tin mới nhất: NXB Counterpath Press ở Mỹ đang in tuyển tập này).

Tài trợ cho việc dịch thuật là hết sức cần thiết, vì thực tế với lượng bản in khiêm tốn của các tác phẩm Việt Nam ở nước ngoài, tác quyền cho người dịch khá thấp, họ vẫn làm việc vì nhiệt tình với văn học Việt Nam là chủ yếu. Không thể hình thành một đội ngũ chuyên nghiệp có chất lượng trong điều kiện như thế.

3/ Giải pháp thực tế (và ít tốn kém): một quỹ dịch thuật văn học Việt Nam

Đó sẽ là một foundation (quỹ/sáng hội) phi chính phủ, chuyên tài trợ các dự án dịch thuật Văn học Việt Nam (chủ yếu là đương đại), hoạt động giống như quỹ Phan Chu Trinh hiện hành của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật:

- Là tổ chức độc lập, gồm những chuyên gia có uy tín về giao lưu văn học Việt Nam - quốc tế, được Bộ văn hóa và Hội Nhà văn bảo trợ.

- Chủ động xin tài trợ từ mọi nguồn (nhà nước, các đoàn thể, các nhà hảo tâm trong ngoài nước).

- Xét duyệt tài trợ những dự án dịch thuật cả trong, ngoài nước.

- Trao thưởng những công trình có giá trị.

Xin gợi ý về cái tên: từ câu thành ngữ “đem chuông đi đấm nước người”, có thể gọi quỹ này là Vietlitbell Foundation (Quỹ “Chuông văn học Việt”).

Tác giả bài viết: Hoàng Hưng