Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

Có một bạn hỏi tôi: "... Bạn là đạo diễn, bạn cần một diễn viên thủ vai trong sáng, thánh thiện, có tính chât giáo dục. Vậy bạn có chọn một diễn viên có cuộc sống thực thường ngày hoàn toàn đối lập với tính cách của nhân vật trong phim không?"

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Mọi người chắc hiểu câu hỏi này liên quan đến vụ việc của một diễn viên trẻ gây ầm ỹ dư luận gần đây. Tôi không muốn nhắc đến vụ việc này nhưng câu hỏi gợi đến một vấn đề của người xem phim hiện nay, vấn đề của khán giả và thế là tớ có hứng để nói chuyện.

Nghệ thuật và cuộc sống là hai thứ khác nhau. Tôi biết rất nhiều nghệ sĩ ngoài đời thực sự là những con ngươi không thể chịu nổi, có thể nói là xấu xa cả về nhân cách và tính tình nhưng họ là những nghệ sĩ tài ba, nên dù có thể không ưa cá nhân người nghệ sĩ nhưng chúng ta cũng phải công nhận và thán phục những tác phẩm nghệ thuật của họ.

Với những người nghệ sĩ biểu diễn, những diễn viên thì có lẽ hơi khác một chút. Vì họ là người của công chúng, dễ bị soi mói bởi công luận. Hình ảnh của họ ngoài cuộc sống dễ bị ảnh hưởng đến hình ảnh những nhân vật của họ trên phim ảnh, nguy hiểm đến túi tiền của nhà sản xuất. Tôi cũng biết có những diễn viên có đầy những tính xấu ngoài đời nhưng trên màn ảnh hay sân khấu, họ quả thật đã thể hiện được những nhân vật tuyệt vời mà bất cứ người diễn viên nào cũng mơ ước làm được như vậy. Thán phục công nhận tài năng của họ là việc đương nhiên. Tôi nghĩ như thế mới công bằng, khách quan và văn minh. Nhưng với trình độ thưởng thức nghệ thuật như ở ta, nơi mà đa số khán giả vẫn quan niệm nghệ thuật phải giống như cuộc sống, nghệ thuật phải có tính giáo dục, nghệ thuật phải là công cụ tuyên truyền thì nhưng người diễn viên có vấn đề trong cuộc sống bị dư luận tiêu diệt là chuyện đương nhiên.

Tôi nhớ đến câu chuyện của mẹ tôi kể hồi chiến tranh hay chiếu phim lưu động miễn phí ngoài bãi cho nhân dân, có một phim kể câu chuyện bi thảm về tên địa chủ giàu có tàn bạo ức hiếp người nghèo, mỗi lần chiếu xong phải vứt màn ảnh đi vì nhiều anh căm phẫn quá rút súng bắn lên màn ảnh, có anh còn lao lên vung dao vung gậy lên đánh cái thằng địa chủ bất nhân trên màn ảnh... Cho đến ngày nay, sự ấu trĩ buồn cuời đó đã chấm dứt nhưng quan niệm lẫn lộn giữa nghệ thuật và cuộc sống thì vẫn còn dai dẳng.

Với những người làm trong nghề nghệ thuật biểu diễn có lẽ ai cũng biết câu chuyện hồi thế kỷ trước ở Châu Âu (Châu Âu cũng có thời kỳ ấu trĩ như ở ta thôi). Ở một nhà hát nọ có nghệ sĩ tài ba. Một lần, trong một vở bi kịch ông đóng vai phản diện, một khán giả vì quá căm phẫn đã rút súng lao lên sân khấu bắn chết ông. Người khán giả đó, ngay lúc ấy, đã nhận ra hành động điên rồ ngu xuẩn của mình và tự sát. Người ta chôn hai người cạnh nhau và viết lên bia mộ: “Nơi đây yên nghỉ của một nghệ sĩ vĩ đại và một khán giả vĩ đại”. Người phương Tây quả là hài hước.

Quay lại câu hỏi của bạn, tôi phải nói rằng cá nhân tôi không khoái những nhân vật trong sáng, thánh thiện, có tính chất giáo dục... Tớ khoái những nhân vật có vấn đề, méo mó dị dạng cũng được, có nhiều lỗi lầm cũng được, xấu xa cũng được nhưng phải hấp dẫn cuốn hút về tâm hồn hay xác thịt. Và tôi nghĩ tôi chưa điên đến độ đòi hỏi diễn viên phải giống hoàn toàn cả về tính cách cũng cuộc sống với nhân vật mà tôi muốn làm.

Kể cho các bạn câu nói của Andrzej Wajda, một trong những đạo diễn tài ba nhất thế giới người Ba Lan, khi ông giảng dạy diễn viên trong trường điện ảnh. Ông nói: “Các em gái ơi, nếu các em muốn làm một diễn viên tài năng, các em phải biết cách ngủ với 20.000 thằng đàn ông”.

Tôi mong bạn gì đừng sốc vì câu nói này. Vì nó không phải của tôi nên tôi vô can.

(*) Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, con trai nhà văn Bùi Bình Thi, thoạt tiên được biết đến qua những xê-ri phim truyền hình rất ăn khách như "12A và 4H", "Những mảnh vỡ hoàn hảo", "Bỏ vợ"…, được giới chuyên môn đánh giá cao với bộ phim ngắn 26 phút "Cuốc xe đêm" (giành Giải Cành cọ vàng cho đạo diễn  trẻ tại Liên hoan phim Cannes 2001), thực sự nổi tiếng với "Sống trong sợ hãi" (5 Giải Cánh diều tại Liên hoan phim Việt Nam 2005, Phim hay nhất trong cuộc thi “Giải thưởng tài năng mới Châu Á” tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần 9), có "tiền thân" là bộ phim tài liệu "Tay đào đất" trước đó và hiện tại, được coi là một trong những đạo diễn có tri thức, trình độ tay nghề và "chuyên nghiệp" nhất của điện ảnh Việt Nam.

Cầu toàn, khắt khe trong công việc và đối với chính chính, ngoài đời, Bùi Thạc Chuyên là người dễ gần, dí dỏm, tự tin và "sành điệu", như anh đã thể hiện trước cộng đồng Việt Nam tại Hung và các bạn Hungary, trong dịp đưa bộ phim "Sống trong sợ hãi" dự Liên hoan phim Quốc tế Titanic (Budapest) năm ngoái. Bùi Thạc Chuyên cũng là một blogger với nhiều bài viết hấp dẫn về điện ảnh và một số đề tài khác.

Xin cám ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cho phép NCTG đăng tải các bài viết của anh! (Trần Lê)

Tác giả bài viết: Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên