NGHỆ THUẬT ĐỌC VÀ VIẾT
- Thứ tư - 20/06/2007 06:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Olof Lagercrantz (1911-2002) - Ảnh: Malin Lundberg
Lagercrantz được coi là người cầm cân nảy mực của nền văn hóa Thụy Điển những năm sau Đệ nhị Thế chiến. Với một phong cách tự tin, đầy kiêu hãnh, các tập tiểu luận, tùy bút, ghi chép, chuyên khảo, độc thoại văn học của ông chứng tỏ một tầm nhìn sâu rộng và đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội Thụy Điển. Năm 1965, Lagercrantz được giải thưởng văn chương của Hội đồng phương Bắc và sau đó, nhiều giải khác. Ông qua đời năm 2002.
Đoạn trích sau đây là một phần trong bài tiểu luận cùng tên ("Om konsten att läsa och skriva", 1985) của Lagercrantz. Người dịch xin cám ơn tạp chí "Nhật ký Hungary" (Magyar Napló) của Hội Nhà văn Hungary.
*
Điều gì xảy ra khi chúng ta đọc? Cặp mắt chúng ta lướt đi lướt lại từ trái sang phải qua những hàng chữ màu đen trên nền giấy trắng. Và thiên nhiên cùng những sinh vật sống, những suy tưởng mà ai đó vừa mới nghĩ ra, hoặc từ hàng ngàn năm trước, lại tràn vào óc tưởng tượng của chúng ta. Thật kỳ diệu, còn kỳ diệu hơn cả chuyện một hạt giống trong lăng mộ các hoàng đế Ai Cập chợt nảy mầm. Và điều màu nhiệm ấy lặp lại từng phút một.
Những con người chúng ta gặp trong sách vở sinh động như kẻ sống. Họ nói chuyện như chúng ta, hít thở như chúng ta, khóc và cười như chúng ta. Nhưng nếu giang tay ôm họ vào lòng, tay ta sẽ chỉ quơ vào không trung.
Theo một thuyết cổ xưa, chính Đức Chúa Trời là nhà văn đầu tiên. Ông viết "Kinh Thánh", thế giới liền phát sinh dưới ngòi bút ông. Ông sáng tạo ra Adam và Adam bước ra trước chúng ta từ những trang sách của ông như một kẻ bằng xương bằng thịt. Ông sáng tạo ra Eve và lập tức, nàng Eve xinh đẹp nẩy nở ấy đã đứng dưới gốc cây trí tuệ. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, chưa có văn hào nào đạt đến mức độ ấy. Độc lập với điều này, một số kẻ hiếu danh vẫn muốn thử nó.
Wolfgang Iser, một nhà nghiên cứu người Đức, diễn đạt như sau về bí ẩn của việc đọc: "Đọc sách là sự kiện nhà văn và độc giả cùng diễn một trò tưởng tượng trên cùng một sân khấu. Bởi vì, chẳng những nhà văn, mà độc giả cũng sáng tạo. Một nhà văn cừ phải hiểu rõ điều đó và phải động viên độc giả hợp tác."
Nhà văn Ba Lan-Anh Joseph Condrad (1) viết cho một người bạn rất được ông kính trọng: "Tôi mừng vì tin vui rằng cuốn sách của tôi được BẠN ưa thích, bởi lẽ tôi chỉ viết nửa cuốn sách ấy, phần còn lại thuộc về độc giả."
Như vậy, nếu độc giả viết năm mươi phần trăm một cuốn sách thì điều này có nghĩa là cuốn sách càng hay nếu người đọc nó càng giỏi và anh ta càng có nhiều tình thương yêu khi đọc nó. Lạy Chúa, hãy cho chúng con, những nhà văn, thật nhiều độc giả cừ khôi!
Có những nhà văn quên rằng người bạn sáng tạo của họ là độc giả. Chẳng hạn, hai thần đồng văn chương của thế kỷ chúng ta, Marcel Proust (2) và James Joyce (3), đã hít hết không khí xung quanh họ. Ngoài một vài đoạn ngắn, không ai có thể đọc liền một lúc tác phẩm "Theo dấu thời gian đã mất", hay "Ulysses", mà không có cảm giác nghẹt thở. Hai văn hào nói trên đã giết chết nghệ thuật truyện ngắn trong hòa bình và trong công chúng độc giả của nó. Rằng đây là dấu hiệu của sự hoàn thiện hay sa sút? - hãy để họ tự quyết định!
Một số cuốn sách nhất định được viết ra để không ai có thể vượt qua. Chúng thúc giục sự chinh phục, như những thành phố lớn mà trong đó chúng ta chỉ đi hết được vài phố ngắn, hoặc như những ngọn núi cao mà chúng ta không thể leo lên tới đỉnh. Chúng ta chỉ ngước mắt lên nhìn thành vách dựng đứng và cảm thấy một sự thách thức kỳ lạ.
Một lần, có một cô gái ngồi đối diện với tôi trên tàu điện ngầm và cô đọc cuốn "David Copperfield" (4). Tôi cúi xuống gần cô và hỏi, cô tưởng tượng vẻ mặt David như thế nào? "Cháu biết mặt mũi anh ấy như thế nào đấy - cô đáp. - Có một tấm ảnh anh ta trong sách mà." Cô đọc một ấn bản được minh họa bởi những cảnh trong bộ phim được dựng từ tiểu thuyết, và cô gái đánh đồng gương mặt anh tài tử xi-nê với David.
Những kẻ khác lại nhìn các nhân vật trong truyện họ đọc theo một cách khác. Một thanh niên quen biết tôi thú nhận anh coi gương mặt những nhân vật trong tiểu thuyết như một tờ giấy trắng. Một người khác bảo anh nhìn rõ hình dáng, áo quần và điệu bộ các nhân vật, nhưng không bao giờ thấy mặt họ. Người bạn thứ ba cho rằng nếu nhà văn miêu tả bộ mặt nhân vật, anh bỏ ngay qua đoạn đó hoặc cố gắng quên đi càng nhanh càng tốt.
Khi chúng ta đọc, chúng ta khó để ý đến bản thân chúng ta. Nếu cuốn sách làm ta thích thú, ta dồn toàn bộ tâm trí vào đó. Nhiều lần, tôi thử phân tích hình ảnh diễn ra trong tôi của một vài nhân vật tiểu thuyết, nhưng chúng biến đổi nhanh tới mức tôi bị nhầm lẫn. Còn có thể thấy được đôi chút những nhân vật phụ, song vẻ mặt các nhân vật chính luôn thay đổi không ngừng.
Ấn bản đầu tiên của tác phẩm "Lord Jim" của Joseph Conrad
Một lần, tôi tự làm mình ngạc nhiên một cách thành công khi đọc. Tôi coi cuốn "Lord Jim" (5) của Conrad. Tác giả cuốn sách viết nó bằng một cách khiến độc giả luôn luôn phải hòa mình với nhân vật chính, chàng Jim bất hạnh.
Trong một giây phút quyết định, Jim sai lầm và làm hỏng cuộc đời anh với hành động ấy. Cùng các thủy thủ khác, anh bỏ mặc con tàu hơi nước đã bị khai tử với tám trăm người Hồi giáo hành hương trên boong. Anh phạm phải quy tắc bất thành ngôn đã được cả thế giới coi là thiêng liêng, rằng đoàn thủy thủ chỉ có thể rời khỏi con tàu đắm sau cùng. Jim bị lên án cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật.
Condrad viết lại tấn thảm kịch ấy theo một cách làm mọi độc giả của ông cảm thấy rõ rệt sự phản bội cùng nỗi nhục nhã của Jim. Nhưng bạn đọc cũng thấy được nỗ lực của anh để rửa những vết nhơ. Đồng sự của Jim là những kẻ đểu cáng, đê tiện. Nhưng anh có những đòi hỏi rất cao với bản thân. Sau tai họa, Jim chiến đấu quyết liệt vì tâm hồn của chính anh, còn chúng ta, những độc giả cuốn sách, ngày càng thấy rõ: trong hoàn cảnh tương tự, chúng ta cũng dễ dàng gặp phải số phận như anh. Cùng với Jim, nhà văn đưa chúng ta ra trước tòa án: tòa án lương tâm chúng ta. Nếu quên đi những điều này, thuyền trưởng Marlow (6), người dẫn truyện trong cuốn sách, sẽ nhắc đi nhắc lại: "He is one of us." "Anh ấy là một người trong số chúng ta."
Qua cuốn sách, chúng ta biết dáng dấp Jim: đầu hướng về phía trước, lưng hơi còng, cái nhìn lim dim, cả người anh "gợi nhớ hình ảnh con bò đực đang lấy đà vào cuộc chiến." Chiều cao hơn 1,7m một chút cùng giọng nói trầm và đầy hơi cũng phù hợp với Jim. Nhưng khi tả khuôn mặt anh, nhà văn chỉ cho chúng ta biết Jim có cặp mắt xanh.
Lần ấy, tôi đọc cuốn tiểu thuyết có lẽ đến hàng chục lần. Nín thở, tôi chăm chú để ý khuôn mặt Jim mỗi khi anh bị khủng hoảng tinh thần. Lúc ấy, gương mặt anh đột nhiên hiện ra trước tôi một cách bất ngờ. Mọi sự chỉ xảy ra trong một phần rất nhỏ của một giây, rồi nét mặt ấy lại thay đổi. Đôi mắt xanh nhìn tôi, rồi gương mặt anh, lúc thì mang hình khuôn mặt tôi, lúc mang hình cha tôi, rồi con trai tôi, người bạn tôi, kẻ thù tôi. Tôi rời mắt khỏi cuốn sách và nhận thấy một bóng ma tên là Jim do Condrad tạo ra, nhưng cùng lúc đó anh ta lại mang khuôn mặt của hàng ngàn người khác. Tôi thôi đọc và ngẩng lên, trong giây phút ấy, ánh đèn mờ đi trên khuôn mặt biến đổi không ngừng.
Một cuốn sách hay phải tạo cho người đọc một ảo tưởng rằng nó nói về cảm xúc của chính anh ta. Còn khi đọc một cuốn sách tuyệt nhất, chúng ta cảm thấy đột nhiên nhận ra một điều gì quan trọng mà ta đã biết, có điều vừa quên nó đi thôi.
Bà vợ Leon Tolstoy (3) diễn đạt một cách thú vị bí ẩn của việc đọc sách. Văn hào trao cho bà vợ tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" để bà sao lại. Bà viết như sau trong thư gửi chồng: "Khi em ngồi xuống chép lại, những đoạn văn của anh cứ kéo em vào thế giới thi ca và em vẫn cảm thấy không phải cuốn sách của anh hay đến mức ấy, mà chính vì em thông minh đến độ này."
Chú thích:
(1) Joseph Condrad (1857-1924): nhà văn Anh gốc Ba Lan.
(2) Marcel Proust (1871-1922): văn hào Pháp.
(3) James Joyce (1882-1941): văn hào Anh gốc Ái Nhĩ Lan.
(4) Tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Anh Charles Dickens (1812-1870).
(5) Tác phẩm lớn của Condrad, sáng tác năm 1900.
(6) Nhân vật dẫn truyện, xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết của Condrad.
(7) Leon Tolstoy (1828-1910): đại văn hào Nga.