NGHỀ THẤT TRUYỀN
- Thứ bảy - 25/08/2012 23:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ lụy. Có những việc hôm qua là đúng, hôm nay hóa sai. Có những nghề “cha truyền con nối”, sau “đổi mới”, biến mất cái rụp, hóa ra thất truyền.
Mậu dịch thời bao cấp - Ảnh tư liệu
Quá trình chuyển từ nền kinh tế “kế hoạch hóa XHCN” sang “nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN” khiến nhiều nghề “mất dạng” ở nước mình, bây giờ kể ra, bọn tuổi teen lại bảo mình bịa đặt.
Quy gai, quy xốp
Mình nhớ hồi mới lên chín, mười. Mỗi dịp lễ, tết, mấy anh chị em mình thường tranh nhau mang bột mỳ đi đặt làm bánh. Tranh nhau là vì cận tết, hàng xếp dài dằng dặc. Giắt vào lưng cuốn truyện “việc nhỏ nghĩa lớn” của tủ sách “Người tốt việc tốt” là yên trí đọc đến hết. Lại không phải làm việc nhà.
Bánh thời ấy chỉ có hai loại chính: quy gai và quy xốp. Quy gai có bản rộng bằng hai ngón tay, dài chừng hai phần ba cái bánh “Sam-pa” (Champagne) thơm phức, ngon lành có từ thời Pháp. Trên mặt bánh nổi vài đường gân với những chiếc “gai”. Quy xốp giữ nguyên hình dạng truyền thống – vuông hoặc tròn, đường viền tròn trịa, đều đặn như sóng đăng-ten. Mặt bánh được chia thành những ô vuông bởi các lỗ châm kim thẳng hàng tăm tắp. Mỗi lần được mẹ chia phần cho một, hai chiếc bánh, tụi trẻ con thường bẻ bánh theo đường kẻ đó thành những mảnh vụn vuông vắn để nhấm nháp dần dần.
Bây giờ, mỗi dịp Trung thu, người ta mang biếu nhau những hộp bánh tiền triệu với đủ hình hài, kích cỡ. Từ nhân hạt sen, trứng mặn đến nhân tổ yến, vi cá mập. Thời của bọn mình, được một phần tám chiếc bánh nướng mậu dịch đen thui là “bố tướng”. Những biển hiệu kiểu “Chuyên quy gai, quy xốp”, “Chuyên vá xăm, vá lốp”, “Chuyên bơm mực bút bi”, “Chuyên lộn cổ sơ mi” từng một thời là “nguồn sống” cho những gia đình ở thành phố, bây giờ còn giữ được sẽ hóa thành “đồ cổ”.
May ra chỉ có nghề “vá xăm, vá lốp” là chưa bị “thất truyền”. Nhưng so với thập kỷ bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, “công nghệ” đã được “hiện đại hóa” rất nhiều. Không còn thấy cảnh bác thợ mồi một chút mùn cưa trộn với cặn dầu mazút cho vào cái hộp “vá chín”, khét mù.
Gạo bao cấp
Đi mua gạo thời ấy luôn là nỗi ám ảnh thường trực của người thành phố. Ngoài việc phải ra khỏi nhà từ sáng sớm, đặt một cục gạch để lấy chỗ mà chưa chắc đến đầu giờ chiều sẽ tới lượt mình, còn là nỗi lo nơm nớp vớ phải bao gạo mục, nỗi lo bị mậu dịch viên cân thiếu, cân “điêu”.
Các cô bán hàng thực phẩm, công nghệ phẩm và lương thực dù “thon thon hình vại” hay “thoai thoải hình chum” thì cũng vẫn cao giá hơn các thí sinh hoa khôi, hoa hậu thời nay. Họ có quyền chọn cho mình những anh “pho tá nguyên cây”, những chàng kính cận dày hơn đít chai chân ướt chân ráo trở về từ “các nước XHCN anh em”; hoặc những công chức đạo mạo, bảnh bao từ các công ty “ếch, mếch”.
Sổ gạo, “báu vật” thập niên 70-80 tại Việt Nam. “Mất sổ gạo” có thể là tai họa lớn nhất thời đó! - Ảnh tư liệu
Họ cũng từng một thời là “đại gia” của cơ chế bao cấp. “Đại gia” nhưng vẫn phải ăn gạo mậu dịch vàng khè, trộn lẫn với thóc và sạn như dì ghẻ của Tấm hành hạ con chồng không cho đi dự hội nhà vua. Mỗi cô bán gạo có chừng dăm, bảy “vệ tinh”. Những người này được “ân sủng” vào tận bên trong cửa hàng, tay lăm lăm một cái xiên.
Câu thành ngữ của các cụ từ thuở xa xưa - “đâm bị thóc, chọc bị gạo” - đến thời bao cấp mới được phát huy hết các “giá trị ngôn ngữ tiềm tàng”. Trước khi mở ra một bao gạo mới cân cho khách hàng, các “đồng chí vệ tinh” dùng xiên xoay tròn một vòng để kiểm tra chẩt lượng. Nếu rơi ra là những hạt gạo dài đều, trong veo thì bao gạo đó được đẩy sang một bên, dành cho “các đối tượng nội bộ”.
Thời ấy chưa có khái niệm “khách hàng là hoàng đế”, nhưng các cô mậu dịch viên còn quyền uy hơn cả “hoàng thái hậu”. Chỉ cần những gương mặt gày gò, nhàu nhĩ của đám đông xếp hàng vừa thiếu ăn vừa thiếu ngủ cất lên một lời phản đối hoặc phàn nàn thì lập tức “quả báo” nhỡn tiền ngay chứ không cần phải đợi đến “đời con khát nước”.
Cô nhân viên ghi sổ sẽ lật qua, lật lại quyển sổ gạo nhàu nát, đen đúa vì mồ hôi và bụi bặm, hai mắt ánh lên những tia laze. “Kẻ nổi loạn” – bây giờ đã trở thành “nạn nhân” – sẽ hoặc phải quay về tiểu khu lấy dấu xác nhận của Ủy ban vì một cái tên viết thiếu rõ ràng hoặc vì địa chỉ trên sổ gạo không thuộc địa bàn cửa hàng phục vụ…
Ngàn lẻ một lý do, đụng đâu chết đó. Gien “cừu” cũng từ đó mà sinh sôi, phát triển cho đến tận bây giờ. Sau khi nghề “mậu dịch viên” thất truyền, nghề đổi gạo sổ lấy gạo mới của bà con nông dân cũng mất theo. Bây giờ chẳng ai còn nghe thấy tiếng rao: “Ai đổi gạo khô…ô…ô…ông?” trên các nẻo đường thành phố.
“Đôi dép Bác Hồ”
Có một thời cả nước mình toàn đi dép cao su. Cả nước có mỗi “Nhà máy nhựa Tiền phong”, dép nhựa trong 4 quai còn quý hiểm hơn cả Nike với Adidas. Có hai loại dép cao su. Một loại chế từ các lốp xe cũ, mỏng và cong veo. Loại sang hơn được đúc theo kích cỡ, gọi là “dép đúc”. Dù dép lốp hay dép đúc thì loại này chỉ có một style như nhau: hai quai trước, hai quai sau, được rút qua 8 chiếc lỗ “tiền chế” trên mặt dép.
Trời hanh khô, nắng ráo, đi trên đường nhựa thì khỏi cần nói. Có đôi dép râu bốn quai thì cứ việc phăm phăm đi lên CNXH. Ngại nhất là những ngày trời mưa, đường trơn lầy lội. Gặp phải đám đất sét hút chặt xuống đường, bặm môi nhấc lên thì “dép ơi ở lại, chân đi nhé”. Thế là cần phải “thủ” sẵn trong người một cây “rút dép”.
“Thời trang” những năm bao cấp - Ảnh tư liệu
“Thiết bị” này chỉ gồm một sợi thép mỏng, độ rộng chừng một ngón tay. “Nhà sản xuất” gập thanh thép làm đôi và bấm vào phần cuối một chiếc nẹp cố định. Trẻ con chừng 5-6 tuổi trở lên đã phải biết tự rút quai dép cho mình một cách thành thạo, nếu không muốn chân đi đất, tay xách dép.
Vui nhất là lúc đi tàu từ nơi sơ tán về thành phố, mấy bác bán dạo trên tàu, tay tủng tẩy cả một chùm “rút dép” vừa đi vừa rao, như hát: “Rút dép! Rút dép! Hai hào một rút. Phòng khi đường xá xa xôi. Phòng khi trái nắng, giở trời, đồng bào cứ việc yên tâm vững bước mà đi”.