Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHỆ SĨ LANG THANG

(NCTG) Trời về khuya, mỗi lúc một thêm lạnh. Trên bức tường lớn ngoài cửa Ga Trung tâm Berlin, chiếc nhiệt kế điện tử có mặt hình to cỡ chiếc Tivi 29 inch nhấp nháy chỉ số âm 15 độ C. Ai nấy có việc đi tầu hoặc đón người thân đều nhào nhanh vào trong Ga tránh cái lạnh giá buốt. Tuyết vẫn rơi từng chùm bên ngoài, như phụ họa với bản nhạc buồn thê lương, hắt ra từ trong nhà Ga.

Minh họa của Lê Thương

Trong khoảng trống phòng đợi hình vòm, tại một góc khuất nẻo, một nghệ sĩ violon đang chơi rất say sưa. Trang phục của anh rất cổ điển: giầy đen, quần đen, áo đuôi tôm và thắt nơ đen. Những thứ đó như càng làm tăng thêm bản nhạc có giai điệu cổ điển, với một vẻ u hoài man mác, lãng mạn. Anh chơi hết bản nhạc của Mozart chuyển sang Schubert rồi Paganini, nét mặt của người nghệ sĩ cứ mơ mơ màng màng, đôi mắt như hướng tới cõi hư vô xa xăm nào đó...

Tất cả các giai điệu mà nghệ sĩ đang chơi của các tác giả vĩ đại, nhưng lạ thay như cố ý nghệ sĩ chỉ chơi rặt các giai điệu trữ tình, buồn, đến nao lòng. Trước mặt anh là chiếc hộp đàn, trong đó đã có khá nhiều tiền kim loại, thỉnh thoảng cũng có những đồng tiền giấy mang nhãn hiệu của các quốc gia khác nhau: Anh, Pháp, Mỹ...

Khách thưởng tiền cho một tài năng, hay thương một kẻ khốn khó? Chỉ biết rằng ai đi qua cũng nhẹ nhàng thả vào hộp đàn chút ít. Mải say sưa với điệu nhạc, thỉnh thoảng nghệ sĩ khẽ đánh mắt cám ơn.

Bên cạnh anh, khoảng mươi mét, có một phụ nữ ăn mày. Trông diện mạo, mầu da, rõ là người từ xa tới. Một nước vùng Trung Á, Thổ, Libanon... hoặc kẻ hành khất sắc tộc Tzigane phiêu bạt khắp thế giới. Chị ta ngồi trên một tấm vải rách trải trên sàn Ga, đang đùa với một con bé chừng 4 tuổi, nhem nhuốc nhưng xinh xắn. Cứ trông ánh mắt của chị, cách âu yếm với đưa bé... cái sự nghịch ngợm của đứa bé, toát lên một điều: đây không phải là đứa trẻ đi mượn trong các tiểu thuyết viết về kỹ nghệ ăn mày, mà là hai mẹ con thực sự. Trước mắt hai mẹ con là một tấm bìa các tông khổ giấy A4 có dòng chữ bằng tiếng Đức, có lẽ ai đó đã "làm phúc" viết giùm: "Mẹ con tôi đói, xin ông bà rủ lòng thương".

Cái bát nhựa để bên cạnh chỉ loáng thoáng vài đồng xu nhỏ. Trời càng khuya, người đi lại thưa dần. Những người lao công người Đức bắt đầu dọn dẹp, họ càu nhàu mắng mỏ mẹ con người ăn mày:

- Xéo đi chỗ khác cho người ta làm việc. Nước Đức không phải con bò sữa mà kéo nhau đến vắt cho kiệt!

Chị không hiểu câu mắng, nhưng biết rằng mình phải di chuyển để cho họ lau sàn tiếp, vội đưa bàn tay run rẩy vét vào lòng bát. Đôi mắt thảm hại buồn rười rượi khi thấy lòng bát chỏng chơ vài đồng xu. Chị khẽ thở dài đứng dậy, kéo con dịch sang chỗ đã được người lao công kia lau sạch, ngồi lại xuống..

Người nghệ sĩ cũng dừng tay chơi đàn, anh đặt chiếc đàn lên chiếc ghế bên cạnh, cầm hộp đàn tiến về phía hai mẹ con người ăn mày. Chiếc bóng lênh khênh của anh trùm lên che khuất người đàn bà và đứa bé. Không nói một lời, anh chỉ đưa tay vuốt tóc đứa bé. Đoạn khẽ nghiêng hộp đàn bên trên chiếc đĩa nhựa của mẹ con người đàn bà ăn mày... từng đồng tiền kim loại nhè nhẹ rơi xuống trước con mắt sáng rực đày vẻ biết ơn của người mẹ và đứa bé.

Còn lại mấy tờ giấy bạc, anh hất nhẹ vào chiếc mũ của mình, đội lên đầu, khóa nắp hộp đàn, xách lên, nhìn chăm chú họ, gật gật vẻ làm hiệu chào rồi lững thững ra khỏi phòng chờ, hướng ra phía đường sắt, lên tầu. Hai mẹ con người đàn bà ăn mày lắp bắp mấy từ "cám ơn... cám ơn nhiều" - bằng tiếng Đức không mấy sõi - nhìn theo ân nhân với con mắt vui, pha lẫn vẻ ngạc nhiên...

Ngoài trời tuyết vẫn rơi... rơi ngày một nhiều dầy hơn...

Tác giả bài viết: Phương Trang Linh, Berlin, tháng 1- 2001