Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÀY HỘI CỦA GIỚI TRẺ YÊU THÍCH THIÊN VĂN HỌC TẠI HUNGARY

(NCTG) Hungary là nước chủ nhà kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế (IOAA) lần thứ 13, được tổ chức tại Keszthely - thành phố nằm ở phía Tây hồ Balaton, cách thủ đô Budapest 185km - trong thời gian 2-10/8/2019 và kết thúc với thành công xuất sắc của đoàn Việt Nam.
Đoàn Việt Nam xuất sắc tại kỳ IOAA 2019 (Keszthely, Hungary) - Ảnh: Đoàn Việt Nam
1 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, 1 giải khuyến khích và lọt vào Top 5 trong xếp hạng đồng đội là kết quả chung cuộc của “team” Việt Nam với 8 thành viên, tất cả đều đến từ lớp Chuyên Lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Đặc biệt, Nguyễn Mạnh Quân đạt số điểm cao nhất của toàn cuộc thi và được BTC trao giải giành cho người chiến thắng tuyệt đối (Absolute Winner).

Trong số 8 thí sinh dự thi với 5 thí sinh trong khuôn khổ Đội chính thức và 3 thuộc Đội khách mời, có tới 7 thành viên của đoàn Việt Nam mới vào lớp 11. Riêng Hồ Phi Dũng vào lớp 12, được báo chí trong nước coi là một “soái ca” đẹp trai và học giỏi, năm nay tiếp tục đoạt HCB sau thành công tương tự tại kỳ thi năm ngoái tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nói về thành công của đoàn, thầy Lê Mạnh Cường - người từ nhiều năm nay đã đồng hành cùng các thí sinh kể từ khâu tuyển chọn, trực tiếp huấn luyện và hướng dẫn các em - cho hay: đây là kết quả cao nhất của đoàn sau 4 lần tham dự IOAA, đồng thời cũng là kỳ Olympic Quốc tế mà Việt Nam đoạt nhiều HC nhất, với sự có mặt của đội Khách mời.
 
Nguyễn Mạnh Quân đoạt thành tícch đỉnh cao - Ảnh: BTC cuộc thi
Nguyễn Mạnh Quân đoạt thành tích đỉnh cao - Ảnh: BTC cuộc thi

Hơn thế nữa, mới qua 4 lần thi, đội tuyển trẻ nhất mà Việt Nam từng tham dự đã đạt được thành tích quá xuất sắc với vị trí số 1 chung cuộc, ngôi vị mà tất cả các thí sinh xuất sắc từ các cường quốc Thiên văn học đều “thèm muốn”, theo thầy Cường. Nguyễn Mạnh Quân là thí sinh duy nhất được cả khán phòng đứng lên vỗ tay chúc mừng và kính nể!

Ví “kỳ tích” của Quân với áo vàng chung cuộc trong các giải đua xe lớn, thầy Lê Mạnh Cường bày tỏ hy vọng khởi đầu tốt đẹp của Nguyễn Mạnh Quân và đồng đội sẽ gây sự chú ý cho các học sinh trung học ở Việt Nam, khiến giới trẻ quan tâm học hỏi, tìm hiểu thêm về môn Thiên văn học, một lĩnh vực còn mới mẻ, non trẻ và ít nhân lực tại Việt Nam.

Theo thông tin của BTC cuộc thi, tổng cộng, 17 HCV, 52 HCB và 58 HCĐ đã được trao cho các tài năng trẻ, trong số đó, có 4 HCĐ thuộc về các thí sinh Hungary (6 thí sinh khác của Hung cũng được nhận giải khuyến khích) và đây là kết quả tốt nhất của đoàn nước chủ nhà tính từ năm 2011, khi quốc gia Trung Âu này cử đại diện tham gia lần đầu tiên.
 
Sân chơi của giới trẻ yêu Thiên văn học - Ảnh: Truyền hình Keszthely
Sân chơi của giới trẻ yêu Thiên văn học - Ảnh: Truyền hình Keszthely

Cuộc thi IOAA 2019 đã hội tụ một lượng kỷ lục các thí sinh đến từ 46 quốc gia trên khắp thế giới. Truyền thông Hungary nhận định rằng sự kiện này có tầm quan trọng to lớn đối với đời sống khoa học Hungary, bên cạnh đó, lợi ích về mặt du lịch của IOAA cũng rất rõ ràng, khi nước chủ nhà có dịp giới thiệu và quảng bá vùng Biển hồ” Balaton nổi tiếng.

Ngoài các thí sinh trong “đội hình” chính thức của Hungary, báo chí Hung cho hay: trong thành phần các đoàn đoạt HCV và HCB của cuộc thi đồng đội, cũng có sự hiện diện của các thí sinh Hung. Kết quả năm nay của đoàn Hungary là khả quan vì, giống như ở Việt Nam, tại Hung, Thiên văn học không phải là một bộ môn riêng trong chương trình phổ thông.

Trong khi tại một số quốc gia khác, có những học viện chuyên thực hiện nhiệm vụ đào tạo các tài năng trẻ về Thiên văn học, ở Hungary, học sinh chỉ được làm quen với một số kiến thức thiên văn trong khuôn khổ môn Vật lý hoặc Địa lý, và nâng cao tầm hiểu biết trong các câu lạc bộ và hiệp hội Thiên văn học, với sự hỗ trợ của giới chuyên môn.
 
Đoàn Hungary tại kỳ thi - Ảnh: Facebook của sự kiện
Đoàn Hungary tại kỳ thi - Ảnh: Facebook của sự kiện

Hơn 250 thí sinh tham dự IOAA 2019 đã trải qua một tuần lễ căng thẳng với các bài thi bằng tiếng Anh gồm các nội dung: thi xử lý dữ liệu, thi thực hành (trong đó có thi quan sát bầu trời đêm qua 88 kính thiên văn đặt tại sân thể thao KTX Pethe Ferenc, Keszthely, nơi các thí sinh quốc tế tá túc trong kỳ thi), thi giải các bài tập lý thuyết và thi đồng đội.

Sở dĩ Keszthely được lựa chọn làm địa điểm cuộc thi vì tại đó, khâu tổ chức ăn ở và tiến hành thi cử cho các thi sinh là lý tưởng nhất, theo Giám đốc Dự án Rózsahegyi Márton, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn học và Địa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (*). Đặc biệt, theo ông, IOAA 2019 còn có ý nghĩa với Hungary về mặt du lịch.

Mỗi khi đưa các đoàn đi tham quan, ở gần thành phố luôn có một yếu tố tích cực gì đó đặc trưng cho Hungary, chẳng hạn như hồ Balaton hoặc (vùng cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng) Salföldi Major, nghĩa là những nơi mang tính biểu tượng cho nước Hung” - ông Rózsahegyi Márton cho hay, nhấn mạnh yếu tố quảng bá đất nước của sự kiện khoa học này.
 
Nội dung thi quan sát bầu trời đêm qua kính viễn vọng - Ảnh: Schmall Rafael
Nội dung thi quan sát bầu trời đêm qua kính viễn vọng - Ảnh: Schmall Rafael

Nhà tổ chức Hungary bày tỏ niềm tin, rằng sau 10-20 năm nữa, các thí sinh sẽ nhớ lại: “Đúng rồi, dạo ấy tôi chỉ mới muốn trở thành nhà thiên văn, thì cuộc thi ở nước Hung đã thật tốt đẹp đối với tôi”. Bản tin của Hãng Thông tấn Hungary MTI cũng nhấn mạnh, thứ hạng tốt trong kỳ thi có thể là bước đệm cho các thí sinh vào các đại học nổi tiếng thế giới.

Trên cương vị nhà bảo trợ cho IOAA 2019, Giáo sư Viện sĩ Kiss L. László, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn học và Địa học cho hay: được đăng cai cuộc thi quốc tế lớn nhất dành cho học sinh trung học trên lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý Thiên văn là niềm vui lớn, đồng thời là cơ hội có một không hai với ngành Khoa học Thiên văn Hung.

Tại Hungary, việc nghiên cứu và giảng dạy Thiên văn học ở cấp đại học khởi đầu từ thế kỷ 15, và trung tâm quan sát thiên văn đầu tiên được thành lập từ năm 1776. Thế kỷ 19, ngành Thiên văn học Hungary trở thành một bộ phận của nền khoa học quốc tế, và từ đó, các nhà nghiên cứu Hung đã tham gia các công trình khoa học quốc tế ở tầm cao nhất.
 
Ngày hội của giới trẻ yêu Thiên văn học - Ảnh: Keszey Ágnes
Một kỳ thi đáng nhớ với đoàn Việt Nam​ - Ảnh: Keszey Ágnes

Kỳ thi IOAA được tổ chức thường niên từ năm 2007 (đoàn Việt Nam tham dự từ năm 2016) với hai mục tiêu: quảng bá Thiên văn học và Vật lý Thiên văn, cũng như tăng cường sự giao lưu và thúc đẩy các mối quan hệ chuyên môn trong giới trẻ. Nỗ lực đẹp đẽ ấy đã được TS. Szendrő Péter, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Học đường diễn đạt:

Cuộc thi này mang giá trị tượng trưng vì nếu nhìn lên bầu trời, chúng ta sẽ thấy những vì sao tuyệt vời. Cho dù bầu trời ấy sẽ khác khi quan sát ở Brazil hay Việt Nam, nhưng tất cả chúng ta đều chiêm ngưỡng một bầu trời chung. Bầu trời ấy không có biên giới như giữa các quốc gia...”. Và IOAA 2019 thực sự đã là một cuộc chơi không biên giới của giới trẻ.

Được thử thách và giao lưu trong vòng tay bè bạn là cảm tưởng của nhiều thí sinh ngoại quốc và Hungary khi trả lời phỏng vấn truyền thông nước này. Bên cạnh kỷ niệm không phai về một kỳ thi thành công, các thành viên đoàn Việt Nam hẳn sẽ còn nhớ mãi tấm lòng thịnh tình của các tình nguyện viên Hung, và cả những giọt nước mắt cảm động khi chia tay...

Ghi chú:

(*) Cùng Đại học TP. Szeged, đây là một trong hai nhà tổ chức chính của sự kiện này.

(**) Có thể xem phóng sự của Đài Truyền hình TP. Keszthely về cuộc thi tại đây.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh