NGÀY "BEATLES" (1)
- Thứ sáu - 07/12/2007 21:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hồi nhỏ, như mọi đứa trẻ thuộc thế hệ 7X, tôi lớn lên giữa một “thế giới âm nhạc”: Nhà không có cassette hay loa, đài gì, nhưng không lo thiếu nhạc, vì hàng xóm tứ phía xung quanh ai cũng rất hào hứng mở nhạc to hết cỡ. Đúng là một sự giao thoa văn hóa quy mô lớn. Các buổi trưa, chiều, tôi thường mò ra ngồi một mình ở máy nước đầu xóm để hưởng cái sự giao thoa văn hóa ấy.
Từ bên phải, cassette nhà này rỉ rả: “Từ ngày yêu em, anh hứa rất nhiều - Hứa rằng cả đời chí yêu mình em”.
Bên trái da diết: “Chiêu Quân nàng ơi, trỗi chi khúc bi ai não nuột, sương chiều nay lạnh buốt…”
Một nhà khác: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi? Để một mai tôi về làm cát bụi…”
Cái đài Orionton của một nhà nào đó cố át đi tất cả bằng các giai điệu vui vẻ như "Đường hành quân đi giữa mùa xuân", và những ca khúc đến giờ không còn mấy ai nhớ, như "Tính tôi thích thể thao" (hình như tác giả là nhạc sĩ Đỗ Nhuận?), hoặc một bài chế giễu thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: “Phố tôi có một anh chàng mặt mũi khôi ngô, hàm răng trắng tinh, mắt thì sáng, mà lại hay cười… Anh chàng đẹp trai mà, nhưng ai ngờ chỉ thích ăn chơi…” (Không hiểu đến giờ, còn ai biết gì về những tác phẩm này không?)
Rồi còn quan họ Bắc Ninh. Dân ca Nam Bộ: "Lý đất đồng", "Ru con", "Lý con sáo". Nhạc xanh của Liên Xô: "Sông Volga", "Đôi mắt huyền", "Cây bạch dương", "Cây thùy dương", "Cây liễu"…
Tóm lại, tôi cứ để cho đủ loại nhạc đánh nhau trong đầu. Cho đến một ngày, hình như là năm lớp 2, trong đủ làn điệu âm thanh sôi nổi tứ phía, tôi nghe nổi lên một giai điệu - tuyệt đẹp, bằng một thứ tiếng không ai hiểu được.
(nhạc dạo…) "I get high when I see you go by, my, oh, my…"
Ngay sau đó là một bản khác cũng hay và lạ không kém.
Tôi nhảy từ trên tường xuống đất, chạy băng tới ngôi nhà có thứ âm nhạc đó phát ra. Vốn là một đứa trẻ nhút nhát, nhưng tôi cũng đủ can đảm để lắp bắp hỏi anh hàng xóm, trống ngực đập thình thình: “Bài gì thế ạ?” Anh hàng xóm cởi trần mặc quần đùi, vừa xỉa răng vừa quài tay lấy cho tôi cái vỏ băng cassette, đen sì, trên đó có ảnh chụp vài gương mặt đàn ông, và tên các bài hát. Anh không nói một lời (do không biết phát âm tiếng Anh), chỉ cho tôi tựa bài mà chúng tôi đang nghe: "Nichelle". (Thật ra là "Michelle", vỏ băng bị in sai, báo hại tôi mãi mấy năm về sau vẫn gọi nó là bài "Nichelle").
Đó có phải là lần đầu tiên tôi nghe nhạc "Beatles"? Không chắc, vì sau này tôi còn được nghe nhiều giai điệu "Beatles" rất quen thuộc, tưởng như tôi đã nghe chúng từ lâu lắm rồi. Nhưng từ lần đó, tôi biết đó là những bài hát tiếng Anh, của một ban nhạc tên có chữ B ở đầu. Và tôi bắt đầu thèm được hát những bài đó. Phải biết tiếng Anh thì mới hát được. Vào thời gian ấy, nhiều trường ở Hà Nội vẫn chỉ dạy tiếng Nga, nên nếu học tiếng Anh, nghĩa là tôi phải đạp xe 7 cây số để đi học tại một trường cấp II có dạy tiếng Anh. Và không bao lâu sau tôi đã trở thành trùm đi học muộn của lớp. Chẳng sao, tất cả chỉ vì một mong ước rất trẻ con: một ngày nào đó sẽ nghe và hát được lời những ca khúc của cái bọn gì ấy.
Trong suốt thời gian này, anh hàng xóm tiếp tục đầu độc cả khu bằng những sản phẩm độc hại của CNTB. Anh chỉ có mỗi một băng "Beatles" thời kỳ 1966 - 1969 ấy thôi, nên tôi cứ liên tục được nghe "Get back", "Hey Jude", "Here There and Everywhere", "I Will", "Let It Be" (thách người nào mới học tiếng Anh mà nghe và hiểu được nghĩa của cụm từ này đấy!), "Something"... khoảng gần 30 bài. Mãi về sau này anh mới tiếp tục với các bài hát khác như "Put Your Hands on My Shoulders", "You Mean Everything to Me", "We Are the World"… Lạ một điều là anh không hề biết tiếng Anh, không hiểu vì sao anh lại thích "Beatles" và nhạc quốc tế đến thế.
May mắn cho tôi là "Beatles" dùng một thứ tiếng Anh đơn giản đến mức tôi không cần phải học đến mấy năm mới hát được những câu đầu tiên. Lớp 7 bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét. Trên vở và giấy nháp, xen giữa những dòng thóa mạ thầy cô giáo kiểu như “mụ điên, ghét thế” đã là những từ tiếng Anh rất long lanh: "I get high when I see you go by, my, oh, my…"
Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles...