Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NÉT (OUTLINE) CỦA BÙI QUANG NGỌC

(NCTG) Hồi nhỏ tôi có nghe định kiến Bùi Quang Ngọc hay "đàn đúm với anh em trẻ". Đến giờ, nhìn tranh ông, thấy đúng. Hội họa của ông không cằn cỗi, là sáng tạo thực sự và nét (outline) của ông bộc lộ điều đó. Ông không vẽ đa diện, nhưng cả cuộc họa của ông là đa diện.

"Khỏa thân" - Tranh của Bùi Quang Ngọc

Như một đạo sĩ Đông Phương, là một người Việt Nam thiên về duy cảm (sự duy lý bộc lộ bên trong), ông đặt mình vào đối tượng vẽ. Tranh ông bộc lộ sự hiểu một cách rung động. Điều đáng quý trong một chân dung Nguyễn Tiến Chung, với nét đen tinh tế, mảnh, nhỏ, chuẩn xác trên gương mặt tóc, ông sử dụng nét to bút dạ vào cặp kính. Có lẽ ông không chấp nhận sự lặp lại về nét. Với Thái Tuấn, nét màu đậm tung phá, ông không tả mà muốn đối thoại. Màu mảng và nét có lúc hòa quyện, có chỗ bật ra trong mảng màu nóng ấm. Với chân dung Nguyễn Gia Trí, ông cẩn trọng đặt nét, lúc khoan, lúc nhạt trên nền màu lửa với nét tóc buông thả, trẻ trung, nét mặt trầm tư nơi ông đầu tư nhiều nhất. Nét cùng màu hòa quyện, sự hữu cơ của thân thể một cách khúc chiết. Mảng áo đậm, trầm, nét khuất lấp vào đấy. Nét cùng với không gian và mảng, ánh sáng, gam màu tương phản mạnh làm tôi nhớ chuyện người ta đem tượng Pushkin từ cánh rừng đặt ra ngoài đường phố đã làm tăng thêm sự trầm tư của nhân vật. Nếu không bằng mỹ cảm Đông Phương, tài năng người vẽ và nhân vật là một, thì có lẽ không ra bức tranh này. Trước Hoàng Lập Ngôn, với nét rung màu lam nhạt lãng mạn, y phục vui vẻ, một Hoàng Lập Ngôn hiện diện tươi, hóm. Lại gặp ông trước Hoàng Cầm - thi sĩ đất Kinh Bắc -, tình cảm, nét uyển chuyển, gam màu êm dịu, trong và sáng, sự hoàn thiện không thêm bớt, trong một bố cục nét chặt chẽ không làm mất đi sự thi vị của bức tranh. Hãy nhìn nét hở trên đường viền ánh mắt, Hoàng Cầm trở nên xa xăm như gặp trong truyện hay sân khấu cổ. Từ vài nhân vật như vậy, đã thấy khả năng nhập cảm trong hội họa của ông, không dùng sự áp đặt duy lý, hẹp hòi, bắt nhân vật theo mình, khả năng tạo hình, nhập cảm kém không làm được như thế. Nhắm mắt lại và lùi xa về thời gian và không gian, những nét cùng nhân vật của ông hiển hiện không thể xóa nhòa bởi tâm hồn con người ông là vậy. Sự khổ đau, đầy đọa dày vò không làm tan biến đi được hiện tượng thẩm mỹ như thế. Không thấy tiếng thở than của nét, chỉ thấy một sinh linh khắc khoải theo từng đối tượng. Điều trói buộc ở sự đạt một vài diện nhỏ được cho là phong cách, định hình, không cắt nghĩa nổi trước hội họa của ông, hoặc trở thành tầm thường, nhỏ bé trước ông. Lại gặp ông trước Trọng Kiệm, nét liền mạch, cởi mở, tinh tế, không kiểu cách. Từ nét, ta đọc được cảm xúc của ông. Chỉ có đôi mắt sinh học thuần túy mới không nhìn được điều ấy, mặc dù ông đặt vấn đề hội họa trực diện. Qua Văn Cao, với nét của ông, chân dung Văn Cao hơi mang chất hí họa. Ta nhìn được tổng hợp hơn về người nghệ sĩ này, ông vẽ nhiều về Văn Cao từ nhiều cách nhìn.

Chân dung nhà thơ Đoàn Phú Tứ của Bùi Quang Ngọc

Tôi viết nên dòng chữ chân thành này, mong tác giả đọc được. Không mong lặp lại sự kẻ cả, giáo điều, định kiến, thờ ơ, bạc bẽo, tị hiềm, bon chen của không ít số đông trước những cá nhân đã đánh đổi cả cuộc đời, xây dựng căn nhà đẹp, chắc mà không được nhìn thấy con người đến trú ngụ, chưa nói đến sự phá phách vô tình hay cố ý. Với chân dung tác giả bài thơ quen thuộc "Màu tím hoa sim", ông thể hiện đầy đủ khúc chiết nét hình con người tưởng như đã chìm rơi vào quên lãng. Thực ra, trước một tác phẩm nghệ thuật, sự bổ chẻ, phân cắt không bao giờ mang tính hoàn thiện, đứng trên phương diện học thuật là cần thiết. Tính phân cắt xét về một mặt để biết, còn sự hiểu là tổng họp toàn diện. Sự cảm không bao giờ thiếu vắng trong thưởng thức và sáng tạo. Sự hiểu kém thì "cảm" mù mờ, nhạt nhẽo, có khi phi nghệ thuật, phản tác dụng. Về chân dung Nguyễn Tuân, nét xù xì, bản mạnh, có chỗ nét sáng, tối hòa vào mảng sáng, tối. Mảng và nét mang tính tương đối. Chân dung của Bùi Xuân Phái trong nét cọ nâu phóng khoáng, bó khuôn hình con người họa sĩ thâm sâu cô đọng này. Với Quang Dũng, nét nhường chỗ cho mảng màu bằng bút pháp mạnh (kể cả mảng nhỏ), bộc lộ chất hùng thi, tình thi ở nhà thơ đẹp này.

"Chở cát trên sông Hồng" - Tranh của Bùi Quang Ngọc

Qua chân dung các nhân vật, ông vẽ họ hay vẽ chính ông? Hãy nhìn vào chân dung tự họa của ông. Trong con người ông cũng mang đầy đủ âm thanh, thi vị, hài bi, luận triết. Từ đấy mới thấy hội họa của ôg phong phú và nét của ông đẹp như con người sáng tạo với chính mình. Tin ông còn đi xa và sâu như ông đã đi. Nhìn những tác phẩm của ông, người xem nghĩ và yêu. Nét của ông là khúc chiết vị cảm.

Tác giả bài viết: Họa sĩ Lê Thương - Budapest, 1997