Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NẮNG CHƯA TẮT TRONG VƯỜN

(Thương nhớ gửi B)

(NCTG) Ngoài vườn, nắng xiên những đường rất mảnh.

Ảnh: Điệp Giang

Nắng mùa này yếu ớt, mùa xuân dường như vẫn chưa qua hẳn. Và mùa hạ thì chưa tới. Trong khu vườn nhỏ bé và có phần nào ẩm thấp, thi thoảng, những bông su si lại bừng nở, như vừa vội vàng bật dậy sau một giấc ngủ quên. Dàn thác đổ đổ những dây leo hồng tiếp tục dài. Đã mấy tuần rồi ông chưa gọi người tới cắt lớp rễ mới. Nhưng ông tự nhủ, cứ để thế có khi lại hay.

Đúng hai giờ chiều, ông nghe thấy tiếng cạch nhẹ ở cổng. Rồi tiếng vòng xích khẽ chạm nhau kêu lạch xạch. Ngồi từ trên tầng hai, đu đưa trên chiếc ghế mây, ông có thể tưởng tượng cô đang đẩy cổng, dắt chiếc xe máy đầy bụi vào nhà. Quen thuộc, như chiều nào cô cũng làm vậy gần bốn năm qua. Rồi gạt chân chống, dựng chiếc xe nghiêng nghiêng ngay khi bánh trước gần chạm vào bồn cúc mốc. Quay lại, đóng cổng, thật nhẹ nhàng. Bao giờ cô cũng nghĩ ông đang ngủ vào lúc hai giờ chiều. Mười mấy năm rồi nhỉ? Có lẽ, chính xác là mười bốn năm nay ông không còn ngủ vào lúc hai giờ chiều. Ông chỉ lơ mơ nằm đó, đu đưa người trên chiếc ghế mây. Lắng tai nghe tất cả những tiếng động nhẹ của cây cối trong vườn. Tiếng chân người đi qua cổng. Tất thảy, những âm thanh quen thuộc của xóm nhỏ nơi ông đã sống gần ba mươi năm nay, từ lúc tất cả còn thơm mùi vôi vữa. Một khu tập thể kiểu mới. Những căn hộ được phân, khi người ta còn là những anh chàng và cô nàng độc thân, sáng sáng đi làm với những hộp cơm nhôm treo toòng teng trước ghi-đông xe đạp. Khi mỗi cuối tuần ren rén hẹn hò nhau một gốc cây rất xa bên ngoài rìa thành phố. Rồi tất cả trở nên mốc meo theo năm tháng. Và những căn hộ đơn thân, vốn rộng hay vừa đủ với một, hai kẻ độc thân, đã được lấp đầy bởi những gia đình nhỏ. Tiếng xách nước và tán chuyện rào rào ở bể nước chung.

Những cặp vợ chồng mới cưới phấn khích to nhỏ trong đêm. Rồi sau nữa, lũ trẻ xuất hiện. Và những tiếng khóc trẻ con có thể làm đau đầu và lấy dần đi lòng kiên nhẫn của những người kiên nhẫn nhất.

Tất cả trở nên mốc meo. Cho đến ngày phần nhiều trong số những căn nhà quá khứ ấy được đập đi xây lại. Lại trở nên cũ kỹ. Bọn trẻ lớn lên và ra đi. Những người quen thuộc ra đi. Những người lạ xuất hiện. Một nhóm những người già sẽ họp nhau mỗi thứ bảy hàng tuần cùng nghe chung chương trình đọc thơ người cao tuổi trên đài tiếng nói. Tiếng lệt xệt của đôi giày bata một ông già ngày nào cũng đi tập thể dục vào lúc không ai tưởng tượng nổi: buổi trưa.

Ngần ấy thứ âm thanh đã đi vào tai ông, lấp đầy, đi ra, trở lại, cứ thế. Và mốc meo như thế.

---

Ông nghe thấy tiếng cánh cổng đóng lại. Đó là một chiếc cổng sắt nặng nề và lớp sắt bị rỉ đang ăn dần hai bên bản lề khiến nó lệch xệ đi trông thấy. Ông có thể tưởng tượng cảnh cô phải hơi khẽ gồng người nâng cánh cổng bên phải lên để cái chốt rơi đúng vào lỗ nằm dưới mặt sân, rồi có tiếng cạch nhẹ. Cánh cổng được khóa lại.

Cánh cổng được khóa lại. Chiếc xe máy cũng được khóa lại, chắc chắn, cả khóa cổ và khóa càng. Lần gần đây nhất, cách đây gần hai năm, khi cô đang chăm chú tập đàn, họ bỗng nghe thấy tiếng vỡ rất lớn dưới sân nhà. Cô lao ra và nhìn thấy một tên trộm đang húc đầu xe luống cuống lăn qua chậu cúc mốc đã vỡ nát. Chiếc xe bị vứt lại, đổ kềnh càng nặng nhọc. Bồn cúc mốc trồng mười mấy năm bò lồm ngồm, lá bạc lẫn vào đất đen và những mảnh sứ trắng.

Hôm đó cô quên không khóa cổng.

---

Hầu như không bao giờ cô quên khóa cổng. Ông không nhớ nổi cô đã từng quên khóa cổng tới lần thứ hai hay chưa? Có thể có, có thể không. Ông không chắc, trí nhớ ông giờ giảm sút nghiêm trọng. Đôi khi ông kể cho cô nghe những câu chuyện khi họ ngồi dùng trà sau buổi tập đàn. Rồi bất thần, sực nhớ, ông đã kể câu chuyện ấy cho cô nghe một lần nào đó. Trong đúng khung cảnh đó. Một bàn trà câm lặng nằm trước mặt họ. Hai chiếc cốc bốc khói. Một ít bánh quy xốp nằm trên chiếc đĩa gốm màu xanh. Trên tường có những tấm ảnh đen trắng của ông thời trẻ. Trong tầm mắt ông, phía sau lưng cô, là chiếc đàn dương cầm quen thuộc – thứ tài sản quý giá duy nhất của ông – thứ tài sản duy nhất của quá khứ của ông. Cô ngồi đó, lưng thoải mái tựa vào thành ghế - một chiếc đi-văng cũ kỹ có màu nâu trầm, vải đã sờn nhưng vẫn còn êm. Nhà ông không có nhiều khách ghé thăm, kể từ mười bốn năm trước. Tóc đổ trước mặt, nhưng cô không lấy làm điệu đàng vuốt chúng, như những người phụ nữ khác. Cô để mặc chúng đổ dài trước mặt, và lắng nghe ông. Lặng lẽ. Chăm chú. Như thể những chuyện ông kể bao giờ cũng là lần đầu tiên.

Cô hình như đã chưa từng bao giờ quên khóa cổng, chỉ có lần duy nhất ấy. Bồn cúc mốc đã được trồng lại. Thứ cúc sống rất lâu và dẻo dai. Chúng được chuyển vào một chiếc bồn mới và chỉ vài tháng sau lại nhập vào cuộc sống quen thuộc ở khu vườn cũ, vươn nhanh những thân cành mảnh mai, loang loáng sáng. Chiếc xe được dựng lên, ông có thể nhìn thấy điều ấy. Ông thấy cô lao xuống những bậc thang, vừa cố gắng hết sức dựng chiếc xe lên, dắt nó qua mớ đất lẫn lộn vỏ chậu sứ trắng, vừa cắn chặt môi. Ông thấy hết. Rồi nghe tiếng cô bật khóc, nhỏ lắm, nhỏ lắm.

Ông thấy lại cảm giác máu chạy rần rần lên mặt. Ông sượng sùng. Ông sượng sùng vì mình không phải là người lao xuống những bậc tam cấp quen thuộc mười mấy năm chưa bước lại, không phải là người tri hô kẻ trộm, không phải là người nâng chiếc xe dậy và đưa nó tới dưới chân cầu thang – một chỗ an toàn hơn, cũng không phải là người vun lại chậu cúc mốc.

Ông nhắm mắt. Tưởng tượng như mọi chuyện xảy ra chỉ giống như vừa xem một cảnh phim hình sự. Để vờ quên đi tất cả.

Khi ông nghe tiếng bước chân của cô lên những bậc thang, chậm, từng bước một và ngập ngừng, như thể dừng lại một lúc, rồi quả quyết bước vào nhà, ông tránh không nhìn lên. Chỉ hỏi: “Chắc em quên khóa cổng?” Ông sợ cô sẽ trả lời bằng một giọng giận dỗi. Cũng sợ khi nhìn lên sẽ thấy mắt cô hoe đỏ. Nhưng cô chỉ trả lời bằng giọng nhẹ tênh: “Ừ, không hiểu sao hôm nay em lại quên?”. Rồi cô đi vào nhà tắm. Ông nghe tiếng vòi nước vặn nhỏ, tiếng nước chảy rất nhỏ. Ông có thể thấy hai bàn tay lấm đất của cô đang được kỳ cọ. Đó là những ngón tay thon dài và mềm mịn. Trắng muốt. Trắng xanh. Khi nó đặt trên những phím đàn, ông không biết những ngón tay trắng hơn hay những phím đàn trắng hơn nữa.

Khi cô bước ra, ngồi lại vào chiếc ghế da đen quen thuộc, khẽ hất vai để mái tóc dài đổ xuống, ông lại thấy cô vẫn như cô của nửa tiếng trước đó. Như cô của cả mấy năm trước đó. Như thế, đôi vai gầy nhỏ rung lên cùng những sợi tóc. Anh ánh sáng. Như thế. Như thế.

---

Không hiểu sao hôm đó cô lại quên đóng cổng? Cô đã trả lời ông như thế. Bằng cái giọng nhẹ tênh, quen thuộc, như của một người không bao giờ nghĩ ngợi sâu xa bất kỳ điều gì. Không hiểu sao? Không hiểu sao? Không hiểu sao?

Nhưng trước đó, vào lúc mười một giờ ba mươi phút sáng, ông đã suy nghĩ, rồi quyết định gọi cho cô. Khi nhấn tay vào những phím số, ông không đung đưa người được nữa trên chiếc ghế mây. Ông thấy mồ hôi mình rịn ra, thấy hai thái dương ướt rịn. Mồ hôi ướt nhẹp hai lòng bàn tay, chiếc ống nghe trong tay ông trơn tuột. Đó là chiếc điện thoại kiểu cũ, ống nghe vồng lên màu trắng ngà đang chuyển dần sang vàng sau bao nhiêu năm sử dụng. Ông quay số trong chiếc vòng tròn nhựa trong đầy vết xước, bằng ngón tay trỏ cụt. Cảm giác mỗi tiếng xè xè trở lại của chiếc vòng lấn át mọi âm thanh còn lại trong không gian. Nặng chịch. Thời gian dài như vô tận. Như thể chiếc ống nghe sẽ không bao giờ chạm tới cô. Tút. Tút. Tút. Tút. Tút. Câm lặng. Kéo dài. Hun hút. Vô vọng. Hy vọng. Bỏ xuống? Nghe tiếp? Đợi? Bỏ ngay đi! Không! Phải nói! Không! Bỏ xuống!

Tút! Ông thấy chiếc ống nghe tuột khỏi tay mình. Có lẽ ông không nên, không bao giờ nên.

- Alô!

Ông nghe thấy giọng của cô. Tiếng “Alô’ với ngữ điệu quen thuộc không thể lẫn của cô. Ông chụp lấy chiếc ống nghe. Tay phải cầm lấy nó. Và tay trái thì cầm lấy tay phải.

Alô!”, tiếng của cô một lần nữa. Giọng của cô nghe qua điện thoại bao giờ cũng trong và có vẻ trẻ hơn bên ngoài. Không giống như lúc cô ngồi nghe ông nói chuyện trước bàn trà. Giọng của cô lúc đó thường trầm và xuống rất thấp.

Alô!”, cô nhắc lại lần thứ ba. Ông thấy cả hai bàn tay mình đều run lên. Chiếc ghế mây không đu đưa cơ mà. Còn cơ thể thì căng cứng. Như đang kìm giấu điều gì đó quá sức chịu đựng của chính nó.

Em à?”, ông hỏi, và thấy mình sụm xuống.

---

Ông đã từng yêu cái cảm giác quanh mình tràn ngập âm thanh. Mỗi âm thanh chứa đựng một thông điệp tuyệt vời nếu ta hiểu nó. Tiếng cây cỏ cựa mình bật nẩy những chiếc lá đầu tiên, tiếng của những chiếc xanh non mỡ màng rỡn đùa cùng gió, tiếng của những đợt lá vàng ào ào đổ xuống vào cuối mùa xuân miền Bắc, tiếng của những chiếc lá khô cong queo lăn long lóc trên vỉa hè, tiếng của những chiếc lá bị chân người dẫm kêu lạo xạo… Đã có những lúc, ông đi trên đường và cảm thấy mình rối lạc trong âm thanh. Bằng âm thanh, ông thấy cuộc sống với đầy đủ những khoảnh khắc tận cùng của nó. Mỗi sớm bước ra cổng nhà, trên chiếc xe đạp màu cà phê, ông lắng nghe đủ nhịp xích kêu khi đạp nó tới giảng đường. Tiếng phanh kít của chiếc xe, tiếng lốp xe chạm vào nền đường bỏng rát, tiếng cháy sém của cao su khi phanh khựng vội vàng sau mỗi ngã rẽ khi chạm người bởi đầu óc còn mơ màng những giai điệu. Thứ âm thanh quen thuộc tuyệt vời của cánh cổng nhà khi mở ra, tiếng những hạt gạo bung nở sôi réo trên bếp dầu, tiếng xèo xèo lép bép của trứng tráng…

Những âm thanh là cả cuộc đời ông. Ông đã dành cho chúng quá nhiều thời gian. Và những bản nhạc. Ông quên đi tất cả. Đúng hơn là quên mất, quên mất tất cả. Những giờ giảng triền miên trong học viện, bên những cây đàn, luyện cho từng giọng hát, cho từng bàn tay. Những giai âm đẹp đẽ và huyền diệu của những soạn giả thiên tài, chúng làm ông ấm áp, ngay cả trong những ngày giá rét nhất, khi số tiền lương ít ỏi vừa dành để may tặng học trò một bộ đồ mặc đi dự thi và một tháng trước mắt chưa biết sẽ phải tiếp tục sống thế nào.

Ông đã sống như thế, cứ nghĩ âm nhạc có thể cứu vớt mọi thứ. Có thể giúp ông quên đi mọi thứ. Khi những ngôi nhà hàng xóm được đập đi và xây lại, căn nhà hai tầng mái bằng cầu thang lộ thiên đầy rêu vẫn nguyên như cũ. Cánh cổng có thi thoảng được thay lại bản lề. Và cây cối tiếp tục lan rễ, đâm nhánh, ra hoa và thi thoảng kết trái. Chỉ có loài cỏ dại luôn luôn mới, chúng tự sinh và tự héo úa, rồi trở lại, không khi nào giống khi nào.

---

Nhưng trước đó, vào lúc chín giờ ba mươi phút sáng, cô trở lại văn phòng làm việc. Như chưa hề có bất kỳ điều gì xảy tới.

Ngày hôm đó cô mặc một chiếc áo màu đen, thứ vải thô có những đường thêu cùng màu viền quanh cổ. Chiếc cổ gầy và cao. Tóc cô vẫn để xõa như thường ngày. Mặt vẫn không trang điểm. Đôi giầy bệt cũng màu đen.

Không ai thấy cô có bất kỳ điều gì khác. Bản thân cô có lẽ cũng không cảm thấy bất kỳ điều gì khác.

Trước đó, vào lúc tám giờ ba mươi phút sáng, phiên tòa xử vụ ly hôn của cô được mở. Một ngày ít nắng, ít cả gió. Một ngày giống như những ngày mùa thu cuối cùng trước mùa đông. Sân tòa vắng người. Phiên tòa cũng vắng ngắt. Không người thân thích tham dự. Chỉ có những người phải làm phận sự của họ. Không có nước mắt. Không oán trách, kể tội hay gào thét. Họ lặng lẽ tới và lặng lẽ đi. Không có quá nhiều của nả để chia chác, không có con cái để tranh chấp. Cô, đã chợt nhớ rằng, ngày họ ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn hình như cũng ít nắng và ít gió. Hình như cô cũng đã mặc một chiếc áo màu đen. Và quần trắng, vải thô. Cả đời cô đã chỉ yêu thích hai thứ màu duy nhất ấy – đó là màu của những phím dương cầm. Khi chúng nặng đi dưới sức ấn những ngón tay của cô, và chiếc chân khẽ dẫm lên đệm chỉnh phía dưới, cô mới thấy mình sống. Có thể chồng cô đã đúng, khi anh nói rằng chưa bao giờ anh thấy cô thực sự sống-cùng-anh. Chưa bao giờ, ngay cả khi họ làm tình. Anh chỉ thấy cô rung lên, như những phím đàn.

Rồi lúc mười một giờ ba mươi, ông gọi. Lúc hai giờ chiều cô quên khóa cổng. Lúc ba giờ kém một tên trộm đột nhập. Lúc ba giờ hơn cô thấy mình đứng trước chiếc gương rửa mặt và kỳ cọ những ngón tay, chúng nổi đầy gân xanh khó hiểu. Lúc bốn giờ ba mươi phút cô kết thúc buổi tập đàn. Lúc năm giờ chiều cô ngồi uống trà cùng ông. Và họ giữ nhau tự nhiên như mọi khi thường thế.

---

Mười bốn năm, ông loại dần những âm thanh khỏi tai mình. Lúc đầu, đó dường như là một sự kết thúc. Nỗ lực vô cùng. Một tai nạn giao thông bất ngờ khiến ông thức dậy trong bệnh viện và hiểu mình sẽ phải sống vô nghĩa toàn bộ quãng đời còn lại. Ngày đầu tiên xuất viện, khi họ đưa ông xuống khỏi xe và ngồi vào chiếc xe lăn đã dần trở nên quen thuộc trong suốt hơn hai tháng trời trước đó, ông có cảm giác, cánh cổng nhà sau lưng ông sẽ mãi mãi được đóng lại.

Mấy chục năm quen lấy âm thanh làm cuộc sống, quen lấy âm nhạc làm chỗ thân tình thiết tha, ông đã học được cách nhẫn nhịn trước mọi sự. Không oán thán, không bi than. Ông lẳng lặng sắp xếp cuộc đời mình theo một cách khác. Một đời sống mới không âm thanh. Chính xác là một đời sống mới không-bị-âm-thanh-quyến-rũ. Ông nhẫn nại mài mòn sự yêu thích âm thanh. Ông kiềm chế những nhịp đập của con tim già nua cứ rung lên trước sự tươi tắn của tiếng nước sôi réo vào đầu ngày khi chuẩn bị trà sớm, cố quên cách háo hức đoán nghe tiếng líu ríu của bọn trẻ đi qua cổng nhà đang nói chuyện gì, học cách vờ vịt không có sự tồn tại của tiếng hót những con chim nhỏ bé vẫn đậu trên những cây doi cây ổi trong vườn.

Và hơn hết, là phải đậy nắp, bịt kín và nếu có thể, thì gắn xi cây dương cầm choán gần hết không gian trong phòng gần balcon tầng hai.

Lúc đầu, tưởng như không bao giờ có thể làm nổi điều đó. Khi bật tivi, chỉ cần thoáng nghe một đoạn nhạc hiệu ngắn ngủn bất kì, trong óc ông, phần thiếu của bản nhạc lại diễn ra, âm thanh chảy róc rách, động tới từng tế bào. Tắt tivi. Nhưng nhắm mắt, cứ như ma làm, những bản giao hưởng, những khúc nhạc đệm, những tấu khúc, nhạc chiều, aria,… cứ vang lên, da diết không ngừng. Nút chặt hai tai, dùng tay day tới khi ù đặc. Đầu lắc thật mạnh. Nhưng chỉ đựợc một chốc lát. Khi hai tai đã hết ù, những bản nhạc trở lại, to dần, to dần như người ta vặn dần mức âm thanh từ cuống volume của một chiếc đài. Không ngừng lớn mãi.

Nhất là đêm. Trong đêm, những bản nhạc và âm thanh lũ lượt kéo nhau về thách thức sự kiên nhẫn của ông. Đáng sợ nhất là những bản nhạc ông đã từng dạy hay đệm cho các danh ca xưa kia. Chúng thôi thúc ông tới mức nghẹt thở. Hai bàn tay được giấu dưới lưng nhưng vẫn rung lên bần bật, và những bánh xe tưởng chừng chỉ lát lát thôi sẽ đẩy ông về phía cây dương cầm đã đóng nắp. Trườn dậy và tuột người khỏi giường, rơi vào chiếc xe lăn. Vội vã lao đến cây dương cầm đã bị bịt kín. Sợ hãi. Vội vàng quay lại. Hai bàn tay nắm chặt lấy những nan xe. Đắn đo. Bị hối thúc. Muốn bỏ đi. Nhưng những ngón tay vẫn đánh những bản nhạc vô thức. Chúng nắn nót những nan xe. Như thể đang lướt trên những phím nhựa đen trắng trơn nhẵn và mát lạnh.

Một đêm nọ, ông đã tự trừng phạt mình. Một nhát dao. Ngón trỏ. Không bao giờ còn chơi đàn được nữa.

Dần dần. Từ từ. Chút một. Mài mòn. Nỗ lực. Đừng rung động. Không được rung động. Phải cố gắng không bao giờ rung động nữa.

---

Người đồng nghiệp cũ báo tin người mua đàn sẽ đến vào buổi chiều. Ông ngồi trong căn phòng của mình ở tầng hai, từ đó có thể quan sát mọi thứ. Ngay chỗ chiếc ghế mây đung đưa. Nhìn qua ô cửa sổ rộng xuống sân, có thể thấy những ai đang đi lại trước cổng. Cũng có thể thấy cây cối trong vườn đã lớn lên, héo úa hay mới mọc như thế nào. Từ ngày về nhà, cầu thang lộ thiên đã được sửa lại, một bên là bậc tam cấp, một bên được láng xi-măng phẳng nhẵn, ông có thể dễ dàng lăn xe đi xuống. Lúc lên thì có phần khó khăn hơn. Nhưng hình như, ông mới chỉ vài lần đi theo con đường ấy. Mọi việc khác đều đã được một bà già nhà quê giúp việc tốt bụng làm cả. Vả lại, ông không có việc gì để phải xuống và ra bên ngoài. Nhất là khi, ông đang cố xóa sạch khỏi đầu những âm thanh quen thuộc.

Người mua đàn xuất hiện. Một cô gái mặc quần trắng, và áo đen. Dáng gầy, tóc dài quá vai. Ngoài ba mươi tuổi. Cô ấy không đẹp, nhưng dễ nhìn. Tuýp người nghiêm túc.

Ông đưa cho cô chiếc kéo. Tấm vải bọc đàn được cắt ra, từ tốn, chậm rãi. Những đường cong quen thuộc dần lộ. Màu gỗ đen bóng. Cây gậy chống. Nắp hộp được bật mở. Những phím đàn đen và trắng. Ông biết hai tay mình đang run lên nơi những nan xe. Và khi cô đụng vào những phím đàn, một nốt nhạc trong vắt rung lên, âm vang và những xung động của nó như lan mãi trong căn phòng tê buốt, im lặng, ngón tay trỏ của ông bỗng dưng đau nhức nhối. Cơn đau lan dần khắp cơ thể, như toàn bộ con người ông bấy lâu như vết thương đã kín miệng, lại bị mở ra một lần nữa.

Ông cố kìm nén những xúc cảm của mình. Đã mười năm rồi, ông mài mòn cảm giác của mình về âm thanh. Ông thường giễu mình mỗi khi bất chợt thấy tai lắng nghe chăm chú một thanh âm hay ho trong trẻo nào đó lọt vào nhà. Tự cười mình và chọc mình rằng đó chỉ là một bản tin loa phường giục giã mọi người đưa chó đi tiêm phòng dại hay cổ động ăn chín uống sôi phòng tránh dịch tả. Không, thực sự những thanh âm không còn đủ sức làm ông rung động nữa.

Cô gái kéo chiếc ghế da dưới gầm cây dương cầm, sửa lại tóc và ngồi vào đàn. Cô không có dáng ngồi của một người chơi dương cầm chuyên nghiệp. Những ngón tay của cô cũng quá mảnh mai. Ngón tay người chơi đàn cần nhiều hơn thế, vừa mịn mềm, nhưng vừa phải cứng cáp, vừa phải đủ độ lướt nhẹ như khẽ chạm nhưng cũng vừa phải đủ mạnh mẽ cho những nốt trầm rung. Nhưng cả con người cô toát lên sự háo hức vô bờ bến.

Ông để yên cho cô ngồi với những phím đàn. Thoáng mỉm cười khi nghĩ rằng cả cơ thể gầy guộc của cô trong bộ đồ đen trắng cũng giống như hai phím đàn có thể tạo ra nốt cao khi người ta chạm vào.

Còn cô gái, khi tay đã chạm vào phím đàn, hình như cô đã quên mất thực tại. Cô đã quên mất cô đang ở trong phòng người lạ. Bên cạnh một cây đàn lạ.

---

Nhưng hóa ra cô không phải là người lạ. Khi quan sát chăm chú người khách mua đàn, ông chợt nhận ra dáng điệu và cử chỉ của cô gái giống hệt người bạn cùng dạy năm xưa ở học viện. Đó là những năm đầu tiên, trường học vắng vẻ, lớp học nghèo nàn và nhạc cụ lèo tèo. Đám học sinh cũng chẳng khá gì hơn. Mỗi khóa chỉ khoảng hai chục đứa. Một ông thầy dạy thanh nhạc xuất sắc lúc đó không chỉ làm ở trường, còn thường xuyên tham gia các buổi hát thu âm phát trên đài tiếng nói và các festival âm nhạc. Ông đã từng đệm đàn cho người đàn ông ấy. Đó là một bậc đàn anh, kiêu hãnh, tự tin, có tài.

Đúng, khuôn mặt của khách mua đàn nhắc ông nhớ lại người bạn thuộc lớp đàn anh ấy. Sống mũi hơi gồ, mặt trái xoan, đuôi mắt dài. Những ngón tay thon dài, trắng xanh. Trong chốc lát, ông thoáng ngỡ ngàng. Người đàn ông tài hoa ấy đã mất trong đau đớn và sửng sốt của nhiều người. Đúng trước buổi biểu diễn cuối cùng. Ông ấy cắn lưỡi trong nhà vệ sinh ngay cánh gà của sân khấu. Buổi biểu diễn được tổ chức kỷ niệm bốn mươi năm danh ca đó chính thức đứng trên sân khấu chuyên nghiệp.

---

Cô gái xưng “em” với ông rất tự nhiên. Khi cô quay lại, ông vẫn đắm chìm trong những ký ức hỗn độn. Ông vẫn nhớ bài hát tủ của thầy giáo dạy thanh nhạc nọ. Đã có một thời, ngày nào đài tiếng nói cũng phát bài hát ấy, giọng hát ấy. Người ta đã không hiểu vì sao ông ấy lại quyết định tự tử đúng vào đêm diễn cuối cùng của mình. Một số người đồn rằng ông ấy đã bị mất giọng. Không, ông ấy nào có mất giọng. Chính ông đã cùng danh ca đó tập luyện trong những ngày cuối cùng. Ông nhớ rồi, đó là đêm trước của tai nạn giao thông.

Ông không dám nói với cô gái điều ông đang nghĩ trong đầu. Nhưng dường như cô gái đã biết cả. Ngừng tay trên những phím đàn, quay lưng lại và nhìn ông. Tự cô nói trước, rằng cô đã biết ông qua lời kể của bố. Cô đã chờ ngày mua cây đàn này, cây đàn bố cô đã từng tập những ngày cuối cùng. Giọng cô trầm trầm, nhỏ nhẹ. Cô nói ngày cuối cùng đó cô đã không về kịp. Cô đang đi học ở nước ngoài. Ông thấy vai cô thoáng rung trong chốc lát, nhưng cô lấy lại vẻ tự nhiên rất nhanh. Chỉ có vành mắt hoe đỏ là không giấu được, dù những sợi tóc đang cố che giấu nó.

Mười năm”, cô gái nói, “em vẫn không hiểu được tại sao cha em lại làm như vậy? Ngày nào em cũng tự hỏi, phải chăng có điều gì đó đã sai? Em nghe đi nghe lại những băng cát-sét của cha, nghe giọng hát vừa cao vừa trầm ấm tha thiết của ông, và em cứ nhủ, bằng cách nào đó, ông sẽ nói cho em hiểu. Nhưng ông không nói gì cả, cũng không để lại bất kỳ điều gì. Tình cờ cho tới khi em được một người bạn cho biết câu chuyện về anh và việc anh muốn bán cây đàn.”

Ông lại thấy những ngón tay của mình nắm chặt nan xe. Đầu ngón tay trỏ cứ như có lửa đốt, không cần nhìn ông cũng có thể thấy nó đang co lại yếu ớt tới dường nào. Suốt mấy chục năm dạy học, ông chưa bao giờ có bất kỳ điều gì, kể cả sự nổi tiếng. Sinh viên biết đến ông như một người thầy tận tụy, kiên nhẫn. Ông không nạt bất kỳ đứa trò nào, cho dù chúng bỏ giờ, đi diễn về mất giọng, đến giờ tập đàn muộn. Ông dành dụm chi tiêu mua tặng những bộ vest đuôi tôm cho những đứa học trò cưng nghèo khó vào những ngày tốt nghiệp. Ông đệm đàn cho những danh ca và không đòi hỏi bất kỳ một tràng pháo tay nào. Còn người ca sĩ kia đã có tất cả, anh có sự nổi tiếng, anh có những băng đĩa bán chạy, tiếng hát anh quen thuộc tới mức chỉ cần nghe xa xa loáng thoáng người ta cũng nhận ra, ngay cả khi anh mất đi, giọng hát của anh vẫn được dùng làm nhạc hiệu một số chương trình trên tivi. Nhưng anh đã chọn cách kết thúc tất cả vào lần cuối cùng ấy.

Và ông, thì chọn cách được-quên-lãng trong ngôi nhà này.

---

Cây đàn không được bán. Tấm vải bọc không phải đóng lại một lần nữa. Nhưng cánh cổng thì đã mở ra suốt hơn bốn năm nay. Cô vẫn đến nhà vào mỗi buổi chiều, lúc hai giờ. Sau tiếng cạch nhẹ, ông chỉ cần đung đưa người trên chiếc ghế mây, nhắm mắt, và vẫn thấy cô dắt chiếc xe quen thuộc vào nhà. Bánh trước gần chạm chậu cúc mốc.

Lúc bốn giờ ba mươi phút, họ kết thúc buổi tập đàn. Lúc năm giờ, họ ngồi trước mặt nhau với những cốc trà bốc khói. Cô sẽ tựa lưng vào thành chiếc đi-văng cũ, thoải mái và điềm tĩnh lắng nghe những câu chuyện của ông. Chăm chú, nhẫn nại. Có những câu chuyện hình như ông đã kể lại lần thứ mấy rồi, mà chỉ lúc lời nói đã tuột khỏi miệng, ông mới chợt nhớ.

Nhưng cô vẫn lắng nghe như thế. Như thể đó là lần đầu tiên.

Giống như câu chuyện này. Khi nắng trong vườn vẫn chưa tắt.

Tác giả bài viết: Nam Giang, Hà Đông 27-4-2009