Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Márai Sándor: “VIẾT BÁO TỬ TẾ BAO GIỜ CŨNG AGRESIVE”

(NCTG) “Tôi đã học được rằng nhà báo tốt là người trung thành với sự giận dữ, với những bản án và sự ác cảm của mình; trong khi tấn công, đúng là anh ta tin vào cơn tức giận của mình; sự trung thành ấy là chữ tín của nghề báo” - nhà văn Hungary Márai Sándor chia sẻ quan niệm về nghề báo.

Văn hào Márai Sándor (1900-1989)


Không chỉ là một nhà văn lớn mà trong đời cầm bút, Márai Sándor (1900-1989) đã viết hàng ngàn bài báo ở Hungary và nước ngoài.

Thập niên 20 thế kỷ trước, ông đã có thời gian dài cộng tác với nhiều tờ báo trong và ngoài nước, trong đó, đáng kể nhất là “Frankfurter Zeitung”, một tờ báo lớn và có uy tín ở Đức.

Ra nước ngoài sinh sống vào năm 1948, Márai Sándor vẫn làm phóng viên cho nhiều tờ báo. Sau biến cố 1956, ông tham gia Ðài Tự do Châu Âu một thời gian, trên cương vị một bình luận viên chính trị, văn hóa.

Trong các tác phẩm của mình - đặc biệt là trong các tập tản văn, bút ký và hồi ký -, Márai Sándor có nhiều trăn trở, suy nghĩ rất độc đáo về nghề văn, về nghiệp viết, nhưng rất ít khi ông nói về nghề báo.

Trích đoạn dưới đây trong tác phẩm “Lời bộc bạch của một công dân” (“Egy polgár vallomásai” (1934) là một trong những trường hợp hiếm hoi khi ông bày tỏ những quan điểm, suy tư của mình về nghề báo. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc NCTG (Giáp Văn Chung). (*)

*

...”Được, được, nhưng rồi từ nay anh sẽ viết gì?” - người ta hỏi tôi ở Pest, trong một tiệm cà phê, với ác ý không hề che đậy.

Đúng vậy, từ nay tôi sẽ viết về điều gì? Tôi nhìn cốc nước trên bàn và nghĩ: biết đâu tôi sẽ viết về nó. Tôi không biết người ta chờ đợi gì ở tôi, và tôi cũng không quan tâm đến điều đó. Có khả năng họ cũng chẳng chờ đợi ở tôi điều gì khác hơn là quỷ tha ma bắt tôi đi. Tôi cảm thấy sự chờ đợi này là lẽ đương nhiên, là con người. “Đời sống văn chương”, xét theo khía cạnh con người, không thể trong sạch và cao thượng hơn cuộc sống kinh doanh của những người môi giới đá quý hay các tay bán hàng thịt. Người nào thất bại trong cuộc tranh đua này - bởi mọi sáng tạo cũng là cuộc tranh đua, tác phẩm được sáng tạo không có mục đích tự thân, mà để phục vụ một điều gì đó, nghĩa là nó chống lại một điều gì đó hay một ai đó -, cũng bị bêu riếu chẳng khác gì một chủ ngân hàng thất bại hay một thương gia bị phá sản. Tôi sẽ viết gì? Tôi không biết. Về điều gì tôi thích ư, hay về những gì tôi nhất thiết phải nói dù thích hay không, với mọi hậu quả của nó? “Với mọi hậu quả” là tiêu ngữ cảm kích của tuổi trẻ mà tôi thích và hay nhắc lại khi làm việc. Nhưng trong cuộc sống không điều gì diễn ra “với mọi hậu quả”- bao giờ cũng có sự thoái thác còn ngoạn mục và ý nghĩa hơn cả quy tắc tuyệt đối -, rất dễ thỏa hiệp, rất dễ tìm lời giải thích “đạo đức” cho sự thỏa hiệp. Tôi bắt đầu viết, và dĩ nhiên không chỉ viết về những gì “tôi nhất thiết cần phải nói”... Tôi hay viết cả về những điều không hẳn là niềm tin của tôi; tôi viết những gì mà khoảnh khắc thôi thúc; tôi viết về điều đang run rẩy trong không khí vào thời điểm ấy, gần như không cảm nhận thấy, chỉ cần gọi thành tên và cũng không mấy “quan trọng”; mỗi buổi sáng tôi đều thức dậy với ý nghĩ một sự rủi ro, một đại hạn đã xảy ra, một điều gì đó đã rõ: tôi đã thất bại và có thể làm lại từ đầu. Rồi sau đó ngày nào tôi cũng viết chỉ vì ở đâu đó trong một căn hầm có một chiếc máy lớn, nửa đêm hôm nào nó cũng bắt đầu chạy; và phải cho cái máy ấy ăn, đêm nào cũng vậy, nó ăn giấy và mực, máu và thần kinh, và ngày nào nó cũng đòi ăn đúng vào giờ ấy, không thể mà cả với nó. Tôi viết vì một quy luật nào đó thôi thúc - không phải là thỏa thuận và sự cần thiết, một quy luật sâu sắc và phức tạp hơn nhiều; hợp đồng - mà tôi ký kết với bản thân, bằng thần kinh và tính cách của mình - buộc tôi làm. Không thể “quen” với việc viết báo. Không thể buông lơi, thoải mái trong công việc; nhà báo không thể nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình; một bài viết tồi, ngớ ngẩn hay thừa sẽ làm tổn hại đến chữ tín anh ta giành được; trong nghề báo không thể hãm nhịp độ lại được, cũng không phải là hay nếu nhà báo chỉ viết những gì “nhất thiết” anh ta muốn viết - có nhiều sự thật, và mỗi sự thật đều có hình thái khác nhau của nó.

Năm tháng trôi đi, tôi đã viết hàng ngàn bài báo, ngày nào cũng viết một hai bài, vì ban đêm máy chạy, vì chiều nào cũng “xảy ra một điều gì đó”, có khi ở ngay phố bên cạnh, có khi ở Tanganyika (1); và một hôm một ông bạn đứng tuổi hơn đến tìm tôi, ông nhìn tôi lẩm bẩm, rồi bảo: “Cậu hãy cẩn thận!”. Chúng tôi ngồi trong phòng biên tập, căn phòng sát sân ngột ngạt đầy mùi giấy in. “Cẩn thận đấy!- ông nói và nhìn tôi với vẻ ranh mãnh - Một thời gian dài con người ta cứ tin rằng mình chỉ tiêu xài những khoản lãi, nhưng rồi đến một ngày ta nhận ra ta đã tiêu vào vốn liếng từ lâu, và khi đó thì đã muộn...”. Tôi nhún vai, thương hại tiễn ông ra cửa; và còn lâu lắm tôi không “cẩn thận”. Viết báo cũng là một thứ ma túy, có thể bị hủy hoại vì nó, nhưng cho đến lúc đó thì nó cho ta sự u mê và quên lãng. Đôi khi tôi mệt mỏi, đôi khi tuyệt vọng, đôi khi quá xúc động, đôi khi thông tin quá mù mờ, nhưng ngày nào tôi cũng viết, như một bác sĩ ngày nào cũng cầm dao mổ. Cứ như có một thứ toxin (2) đặc biệt nào đó kích hoạt và gây nhiễm trong hệ thần kinh của người làm báo: không thể chịu đựng nổi sự im lặng. Vào tất cả các buổi chiều tôi đều ngồi trước bàn, trong một trạng thái thần kinh đặc biệt không dễ chịu và cũng không phiêu bồng, đúng hơn là chỉ được hâm nóng lên một cách nhân tạo: ngày nào cũng có một ai đó bị sát hại hay một người nào đó phá sản, ngày nào cũng diễn ra sự dối trá khủng khiếp ở một nơi nào đó hoặc người ta đã làm một việc đê tiện hi hữu nào đó, ngày nào cũng “xảy ra” một việc gì đó, từ cái nguyên liệu thối tha và đáng buồn là cuộc đời tôi dùng ngọn bút viết về những điều lặt vặt, nhưng dẫu sao chúng vẫn là thứ vi khuẩn, là mầm mống gây nên sự khốn cùng của con người vào ngày hôm ấy ở một nơi nào đó; và tôi tưởng rằng đó là viết báo... Tất cả mọi buổi chiều vào khoảng ba giờ, như thể dòng điện được nối mạch vào cơ cấu, hệ thần kinh của tôi với những chiếc ăng-ten râu và màng mỏng bắt đầu hướng ra để khám phá thế giới: tôi lục tìm các báo trong và ngoài nước một thứ gì đó bé tí xíu được “nói tới” ngày hôm đó, điều mà tôi hay một người nào khác cần nói cho tất cả mọi người biết, nếu không thì chẳng đáng sống và chẳng đáng viết - đôi khi bóng gió, đôi khi rất bóng gió, đôi khi chỉ đá qua điều tôi muốn nói -, rồi bắt đầu trạng thái hồi hộp lạ lùng, trạng thái “áp suất cao”, sự căng thẳng và sốt ruột kéo dài hàng giờ không hết, tới khi cuối cùng tôi buộc phải ngồi vào bàn, rồi hay hoặc dở, liến thoắng hay lắp bắp, sắc sảo hay uể oải đến tê liệt tôi viết ra điều mà tôi tưởng rằng nó định danh và đặt vào đúng vị trí một thứ gì đó trong sự hỗn mang của cuộc đời.

Viết báo tử tế bao giờ cũng agressive (3) - ngay cả khi nếu nó chứng thực, thỏa thuận hoặc đồng ý điều gì đó. Người viết báo cứ khăng khăng nhắc đi nhắc lại trước các hiện tượng của đời sống rằng đúng và amen (4), thì đó là nhà báo buồn tẻ và ít thuyết phục. Trong rạp xiếc dù thế nào người ta muốn những con thú dữ xé xác tất cả những ai, vô thần và công giáo, lạc vào vũ đài. Tôi nhận ra rằng chiều nào trong khoảng sáu bảy giờ chiều tôi cũng đánh hơi thấy máu, âm mưu và sự phản bội, sự lừa bịp và bất công, sự thối nát của quan chức, sự phụ tình và những ý đồ dung tục của đàn bà ở khắp mọi nơi. Tôi nhận thấy thái độ “máu chiến nhà báo”, và xét đoán bản thân mình một cách ngờ vực. Thế giới đúng là đầy rẫy những sự đểu giả, đầy mưu ma chước quỷ, nhưng đôi khi tôi muốn hiểu điều mà người viết báo chỉ có thể quở trách và “phanh phui”... Đó là chất ma túy mạnh, đặc biệt mà nhà báo không thể sống an toàn với nó lâu dài; sự ngờ vực máy móc, thế thượng phong vì người viết báo biết chắc chắn rằng chỉ có hai loại người, một là  người chưa bị “phanh phui”, hai là người đã bị “phanh phui” ra điều gì đó, dần dà sẽ biến cả người viết thành người kết án. Đúng, mọi người đều đáng ngờ... và tôi đã tận thấy vũ điệu tử thần mới ghê gớm làm sao trong những năm ấy, thấy những tên tuổi rạng rỡ, những con người hào nhoáng, giàu có và quyền thế, đức hạnh và tội lỗi, ngốc nghếch và thiên tài đã mất hút, đã bị hủy hoại như thế nào trong cái cối xay thời gian! Con người quyền lực mà mới ba hôm trước tôi ngồi ăn tối cùng các bậc tai mắt của thành phố, sáng ngày thứ ba sau đó đã nằm vật trên đi văng phòng làm việc với một lỗ thủng do đạn bắn trên trán, hoặc ngồi than thân trách phận trong nhà tù; bậc á thánh, mà các đấng quyền năng tên tuổi của thành phố rồng rắn chen lấn trước cửa văn phòng ông ta hôm sau đã lắp bắp trước những câu hỏi hóc búa của quan tòa. Tất cả trước sau đều kéo nhau vào “chuyên mục”, và nhìn ai tôi cũng thấy như đó là người đến một ngày sẽ là nhân vật trong bài báo. Quan niệm này không tử tế, nhưng trong thực tế đó là nghề viết báo...

Nhà văn đôi khi muốn trở thành nobilis (5). Thỉnh thoảng người viết muốn tán đồng một điều gì đó, sẵn lòng nói: vâng... Nhà báo vào trận với hai cây kiếm; nhà văn đôi khi cảm thấy mình chiến đấu ngay cả khi anh ta thỏa hiệp và im lặng. Tôi đã học được rằng nhà báo tốt là người trung thành với sự giận dữ, với những bản án và sự ác cảm của mình; trong khi tấn công, đúng là anh ta tin vào cơn tức giận của mình; sự trung thành ấy là chữ tín của nghề báo. Nhiều năm trôi qua cho tới khi tôi nhận ra rằng mình không tin tưởng vô điều kiện vào nỗi giận dữ của mình. Đến lúc phải lựa chọn: con người nhà văn đòi có tiếng nói, và lúc đó con người nhà báo phải im lặng, không thể sống cho cả hai, tin vào cả hai, trong những thời đoạn khác nhau của ngày không thể “thông cảm” điều mà trong những giây phút dồn dập của những giờ chính thức trong phòng biên tập bạn nhất thiết phải căm ghét và trừ khử... Đến một ngày tôi không tin tưởng nhất thiết rằng chính tôi cần phải loại trừ khỏi thế giới mọi sự thô bỉ, đểu cáng và bịp bợm; đúng, tôi không nhất thiết tin rằng bằng ngôn từ bay bổng còn có thể thay đổi được điều gì đó trên thế gian này. Một cảm giác bấp bênh, chếnh choáng xâm chiếm tôi, như người thợ nề nếu nhìn từ trên cao xuống. Tôi bắt đầu cẩn thận chú ý từng từ; tôi làm việc ít hơn, và sự ít hơn đó lại càng ngày càng mang lại cho tôi nhiều điều hơn.

Chú thích:

(*) Các tác phẩm đã chuyển ngữ của Márai Sándor (dịch giả Giáp Văn Chung): “Những ngọn nến cháy tàn” (Tủ sách “Nhịp cầu Thế giới”, Budapest 2008), “Bốn mùa - Trời và Đất” (Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Văn học, Hà Nội 2010).

(1) Tanganyika: một vùng lãnh thổ ở Đông Phi, nay thuộc Cộng hòa Tanzania.

(2) Toxin: độc tố tócxin, do vi khuẩn tiết ra.

(3) Aggresive (tiếng Anh): có tính chất tấn công, gây gổ, hiếu chiến; thích xung đột, thích đối đầu.

(4) Amen (thuật ngữ dùng ở cuối bài kinh cầu): Cầu cho được như vậy! Ở đây có nghĩa là tán đồng, hay ủng hộ.

(5) Nobilis (tiếng La Tinh): cao thượng, hảo tâm; sang trọng, tinh tế.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary