Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỴ NƯƠNG - TRƯƠNG CHI DỊ KHÚC

(NCTG) “Cứ thế đã hai mùa trăng mà Mỵ Nương vẫn không trở lại bến sông xưa gặp người tri kỷ. Tiếng sáo lẻ loi buồn hơn cả màn đêm cô tịch”.

Minh họa của Lê Thương

Ta ép lòng ta chút lệ đau
Biệt ly để héo hắt cho nhau
Lệ ta rỏ mãi đà khô cạn
Vùi cõi riêng trong vạn ngày sầu.

Trương Chi kể từ phút gặp mặt Mỵ Nương bỗng trở nên ngơ ngẩn. Ngày biếng ăn, đêm biếng giấc. Ngày qua ngày thường buông thuyền giữa dòng, thổi sáo vu vơ từ sáng đến khuya. Cứ thế đã hai mùa trăng mà Mỵ Nương vẫn không trở lại bến sông xưa gặp người tri kỷ. Tiếng sáo lẻ loi buồn hơn cả màn đêm cô tịch. Tiếng sáo khóc rằng:

Gió sông, chừ, lạnh lẽo
Trăng lẻ soi hồn mê
Hồng nhan, chừ, hút bóng
Sầu dâng tới sao Khuê.

Không lâu thì đổ bệnh. Căn bệnh trầm kha. Tất cả thầy lang trong vùng đều bó tay. Tưởng đã chết thì một hôm, có nhà sư quá giang làm phúc đưa chàng lên núi chữa bệnh. Về sau bệnh khỏi, Trương Chi không buồn ngó tới cây sáo nữa. Ở hẳn trên núi làm thuốc cứu nhân độ thế cùng nhà sư. Con bệnh chủ yếu là khách phong lưu đa tình sẵn nợ gió trăng.

Lại nói về Mỵ Nương, kể từ giã biệt Trương Chi trở về, bị vua cha giam cầm, liền lâm bệnh nặng. Từ đó, gương cả ngày không soi đến, lược cả ngày không cầm đến. Đêm lại đêm, thường mộng mị thấy chàng thổi sáo, dáng điệu tao nhã mà oai nghiêm, đa tình mà thanh khiết. Cứ thế được hai mùa trăng, vuốt bàn tay lên mái tóc, tóc rụng xuống như mưa. Dáng mai vóc liễu xem chừng đã hao gầy lắm rồi. Trong cung, khắp chốn liền ban lệnh cấm không để bất cứ tiếng sáo, địch, đàn, hát nào được vẳng đến nơi nàng ở. Nhưng bệnh tình Mỵ Nương không vì thế mà thuyên giảm. Tất cả các danh y trong cung đều bó tay. Một hôm, có hai nhà sư vào yết kiến xin được chữa bệnh cho nàng. Thấy một trong hai người đứng trước mặt mình là Trương Chi, người nàng bấy lâu tơ tưởng, nay đã cạo đầu khoác áo cà sa, Mỵ Nương giơ tay áo che mặt không nhìn

Đêm đó Mỵ Nương thấy trong lòng nôn nao, biết bệnh mình đã vào đến cao hoang, liền gọi đứa thị tỳ lấy giấy bút ra và mài mực. Đoạn gắng ngồi lên, sửa soạn quần áo đầu tóc cho chỉnh tề, rồi viết lên giấy mấy câu thơ, tương truyền như sau:

Tri kỷ nan tầm
Hiểu đời đã trễ
Nghĩ uổng biết nhau
Xót xa khôn kể.

Rồi lặng lẽ chảy nước mắt. Hai khắc giờ sau thì lìa bỏ cõi đời, hồn bay về bến sông. Tội nghiệp, nàng đâu biết cả bến sông ấy người đời cũng lấp đi rồi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thủy Minh, 6-7-2002