“MY DESTINY” (Victor Hugo, 1867)
- Thứ năm - 27/08/2020 04:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phải chăng người ta nhìn ra biển, vì luôn muốn tìm đáp án đời mình từ vũ trụ ngoài kia?”.
1. Victor Hugo chủ yếu nổi tiếng với tài năng văn chương kiệt xuất - vừa là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, nhà tiểu luận, trong đó hai tác phẩm để đời nổi tiếng nhất là “Notre-Dame de Paris” (Nhà thờ Đức Bà Paris) và “Les Misérables” (Những người Khốn khổ). Ngay từ lúc sinh thời, hai cuốn này đã được xem như những tác phẩm quan trọng nhất từng được viết ra, vì tính phê bình chính trị xã hội sâu sắc của nó. Bản thân Hugo cũng là một tượng đài lịch sử quan trọng. Ổng sống qua thời Napoléon, chứng kiến những vương quyền vươn lên rồi sụp đổ, bao nhiêu là cách mạng, nổi dậy, tàn sát, thậm chí còn đích thân tham gia vào những cuộc chính biến lớn của thời đại. Bởi vậy nhiều người coi ông như là hiện thân của nước Pháp thế kỷ 19.
Vì vị thế trong văn chương và lịch sử quá lớn, nên một khía cạnh khác của ông thường bị lu mờ - khả năng sáng tạo hội họa. Hugo vẽ hơn 3.000 bức họa, tất cả đều bộc lộ năng khiếu bẩm sinh và tầm nhìn vượt xa thời đại.
2. Nếu ai chỉ biết đến Hugo qua văn chương, hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tranh ổng. Tiểu thuyết Hugo đậm tính hiện thực (không phải tả thực hoàn toàn, mà giống cái Roland Barthes gọi là “l’effet du réel” - ảo ảnh về cái thực), với nhiều tầng truyện đan xen phức tạp, nhiều thành phần nhân vật và nhiều bình luận chính trị xã hội. Ngược lại, tranh Hugo lại mang tính phi thực, trừu tượng, siêu nhiên. Trở đi trở lại là hình ảnh nhà thờ, lâu đài đổ nát. Nếu có con người thì hình hài méo mó, dị dạng, hoặc đôi khi là những con yêu quái thuộc về một thế giới khác.
Vì vị thế trong văn chương và lịch sử quá lớn, nên một khía cạnh khác của ông thường bị lu mờ - khả năng sáng tạo hội họa. Hugo vẽ hơn 3.000 bức họa, tất cả đều bộc lộ năng khiếu bẩm sinh và tầm nhìn vượt xa thời đại.
2. Nếu ai chỉ biết đến Hugo qua văn chương, hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tranh ổng. Tiểu thuyết Hugo đậm tính hiện thực (không phải tả thực hoàn toàn, mà giống cái Roland Barthes gọi là “l’effet du réel” - ảo ảnh về cái thực), với nhiều tầng truyện đan xen phức tạp, nhiều thành phần nhân vật và nhiều bình luận chính trị xã hội. Ngược lại, tranh Hugo lại mang tính phi thực, trừu tượng, siêu nhiên. Trở đi trở lại là hình ảnh nhà thờ, lâu đài đổ nát. Nếu có con người thì hình hài méo mó, dị dạng, hoặc đôi khi là những con yêu quái thuộc về một thế giới khác.
William Blake và những nghệ sĩ thuộc trường phái Lãng mạn đương thời, vốn si mê phong cách Gothic và Trung cổ, cũng vẽ những chủ thể như vậy, nhưng họ thường vẽ lại các nguyên mẫu đã có trước đó. Tính cấp tiến của Hugo là ở chỗ nguồn cảm hứng của ông quái đản hơn. Ông vẽ lại từ giấc mơ hoặc ác mộng của chính mình, hoặc những trải nghiệm ảo giác huyễn tưởng. Hugo tin vào những thứ tâm linh đồng bóng như nói chuyện với người chết (thời Hugo thì vụ này là mốt thịnh ở Pháp, từ “séance” - gọi hồn - cũng ra đời từ quãng này). Ông ghi lại trải nghiệm của mình sau những buổi đồng bóng và tin rằng mình có thể kết nối với linh hồn để khơi nguồn cảm hứng trong sáng tạo.
(Trước khi bạn nghĩ “ông này hơi khùng khùng”, thì cũng nên biết “séance” là một niềm tin phổ biến thời xưa. Rất nhiều người tin nó, có cả Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, ông Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, và một người khác rất được mến mộ ở đầu óc khoa học và logic - Arthur Conan Doyle, tác giả Sherlock Holmes.)
4. Tua tới đầu thế kỷ 20, khi phân tâm học của Freud tạo thành làn sóng lan sang nghệ thuật. Trường phái Siêu thực thời 1920-1930 hướng tới việc khám phá mối liên kết giữa nghệ thuật và phân tâm học. Các nghệ sĩ này đề cao cái “tiềm thức” (subconscious) trong sáng tạo, nên họ vẽ tranh bằng cách để cho bàn tay di chuyển ngẫu hứng trên bản vẽ mà không có chủ định, không có ý thức nào kiềm giữ. Hình ảnh họ chọn cũng không có logic nào, không có căn nguyên nào rõ ràng. Lối vẽ tâm linh huyền ảo của Hugo, hóa ra lại như một nỗ lực sơ khởi để tiến đến cái gọi là “automatic art” này.
Hình-ảnh trong tranh Hugo mang nét bí ẩn khó tả và hơi đáng sợ như tranh Siêu thực, với nhiều hình thù vừa cụ thể vừa trừu tượng. Trong khi cách-vẽ của Hugo lại mang tính thể nghiệm táo bạo. Ông đề cao vai trò của sự tình cờ. Ông để cho nước và mực cứ tự nhiên chảy và đọng lại, đồng thời sử dụng nhiều chất liệu tìm được sẵn, chẳng hạn như dấu vân tay, vải ren, lá cây và giấy nến tự làm, để tạo texture bề mặt. Ông thỏa ý cào xước, bôi nhòe, thử nghiệm với mực sepia, để hình ảnh tự động lộ ra từ mặt giấy và trí tưởng tượng của mình. Nhớ rằng đây mới chỉ là giữa thế kỷ 19. Vì những kỹ thuật này mà tờ “Los Angeles Times” còn “gợi ý” rằng Hugo là người tiên phong mở màn cho nghệ thuật trừu tượng.
André Breton, người viết “Manifeste du surréalisme” (Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực, 1924), đã ngợi khen tài hội họa của Hugo, bên cạnh những anh hào Siêu thực khác như Edgar Allen Poe và Charles Baudelaire. Breton không ưa văn Hugo, bảo văn ổng “sến” và thường. Nhưng Breton thích họa phẩm của Hugo, bảo “khi đỡ ngu thì Hugo đúng là một nghệ sĩ Siêu thực”.
Người ta ít biết đến tài năng hội họa của Hugo, vì ông ít phô trương cho công chúng, chủ yếu chỉ vẽ cho bạn bè và người nhà. Ông xem vẽ là hoạt động thứ yếu, không muốn phân tâm khỏi việc viết lách. Tuy nhiên đây không phải chỉ là thú vui thoảng qua. Hugo làm gì cũng nghiêm túc, văn chương dày cộp thì hội họa cũng không được mỏng. Các họa sĩ nổi tiếng, kể cả Van Gogh, cũng phải công nhận. Eugène Delacroix bảo nếu Hugo chọn nghề họa sĩ thay vì nhà văn thì ông sẽ trở thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ. Nhà phê bình nổi tiếng Théophile Gautier viết “nếu không phải là nhà thơ thì Victor Hugo sẽ là họa sĩ hạng nhất. Ông xuất sắc trong việc hòa lẫn vào những viễn cảnh hoang dại và âm u của mình kỹ thuật tương phản sáng-tối của Goya và hiệu ứng hình khối dữ dội của Piranesi”.
4. Chuyện vui về Victor Hugo. Sau khi gửi bản thảo “Les Misérables” cho nhà xuất bản, Hugo muốn biết liệu nhà xuất bản có thích sách của ông không. Thế ông mới gửi cho họ một lá thư, họ mở ra, bên trong chỉ vỏn vẹn: “?” - một dấu chấm hỏi. Nhà xuất bản nồng nhiệt trả lời: “!” - một dấu chấm cảm. Kết thúc cuộc trao đổi qua thư ngắn nhất lịch sử.
Dấu chấm hỏi “?” thật ra được tạo từ một từ tiếng Latin, “quaestio”. Lấy ký tự đầu tiên “q” chuyển thành dấu móc, và ký tự cuối cùng “o” chuyển thành dấu chấm. “Quaestio” nghĩa là “sự tìm kiếm”. Thật thú vị khi Victor Hugo, một người tưởng như biết hết mọi sự trên đời - ít nhất là qua trang sách ông viết - cũng có lúc cần tìm câu trả lời ở người khác. (*)
5. Sinh thời Hugo rất hăng hái tham gia chính trị. Ông được bầu làm nghị sĩ Hội đồng Lập hiến. Ban đầu ông ủng hộ Louis-Napoléon, cháu trai của Napoléon Bonaparte, nhưng dần thấy chế độ Louis-Napoléon chuyển sang độc tài, ông lên tiếng “phản động”. Sau khi Louis-Napoléon đảo chính năm 1851 và tự phong mình làm hoàng đế, Hugo trốn qua Brussels rồi lưu lạc sang đảo Jersey và Guernsey ở eo biển Anh.
Sau khi nền Cộng hòa Pháp được thiết lập năm 1870, Victor Hugo về lại Paris. Ông là một trong những nhà văn dẫn đầu trào lưu Lãng mạn đương thời. Ông được bầu vào Quốc hội Pháp, sau đó được bầu làm Thượng nghị sĩ. Năm 83 tuổi thì qua đời. Ông yêu cầu tổ chức tang lễ cho mình như một kẻ bần cùng, nhưng Tổng thống Jules Grévy ra lệnh tổ chức quốc tang. Hơn 2 triệu người đưa tiễn ông đến Điện Panthéon, nơi ông được an nghỉ bên những tên tuổi lớn như Alexandre Dumas và Émile Zola. Hầu hết các thị trấn và thành phố lớn của Pháp đều có đường phố hoặc quảng trường mang tên ông.
6. Quãng thời gian lưu vong xứ người từ sau 1850 là lúc Victor Hugo vẽ tranh nhiều nhất. Trong đó có cả bức này, mang tiêu đề “Ma destinée” (Định mệnh của tôi, 1867).
Bạn đã thấy bức tranh lúc đầu. Bây giờ nhìn lại lần nữa, bạn có thấy gì khác? Những con sóng ầm ào gợi tả cảnh biển quanh hòn đảo nơi Hugo lưu trú? Hay tượng trưng cho số phận xô dạt của kẻ lưu vong? Vòm sóng uốn cong như một dấu hỏi. Phải chăng người ta nhìn ra biển, vì luôn muốn tìm đáp án đời mình từ vũ trụ ngoài kia?
Ghi chú:
(*) Dấu chấm cảm (!) cũng được tạo từ một từ Latin, có thể là interiectiō (interjection) hoặc io! (hey!). Chữ “i” đứng đầu chuyển thành dấu sọc, chữ “o” đứng cuối chuyển thành dấu chấm. Viết dọc lên nhau thành dấu chấm cảm.
Như mọi từ nguyên khác, lúc nào cũng có người đặt nghi vấn và đưa ra cách giải thích khác. Tuy nhiên trên đây là cách lý giải truyền thống thường gặp nhất.