Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÚZSA (1), EM Ở ĐÂU?

(NCTG) “Nhưng cùng với thời gian, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, cả thơ cũng thế. Và chắc chắn bản thân người đọc thơ và người yêu thơ cũng cần có những đánh giá mới cho mình. Và rồi cũng đến lúc nàng múzsa mà tôi đang đi tìm cũng cần phải làm quen và biết trả lời những câu hỏi không kém phần triết học kiểu như “a szex vajon mi?”.

Minh họa: Internet

Tôi chẳng nhớ mình bắt đầu làm quen với việc viết lách từ khi nào. Cũng giống như những người khác, ai cũng có một thú tiêu khiển riêng. Người thì thích vẽ, người lại thích nặn tượng, còn tôi thì thích viết. Ở cái tuổi 16, 17 của mình, con người ta khó mà tưởng tượng được, thậm chí chẳng hề biết đến những mênh mông, cao cả, những sâu sắc đến trừu tượng của lĩnh vực mà mình quan tâm. Tất cả chỉ là một khao khát mãnh liệt được thể hiện mình, được bộc lộ mình bằng những con chữ. Để rồi có một lúc tự dưng nhận được một sự đồng cảm sâu sắc từ những câu thơ vô tình đọc được.

Cả đời tôi lặn lội kiếm tìm
Tôi chưa khôn hơn cái phần tôi đã dại
Ngắt bông hoa với nửa phần ưu ái
Còn nửa phần bất nhẫn với loài hoa.
Những lúc yêu hay buồn thăm thẳm
Thì giữa đường tôi bắt gặp thơ ca…

Tôi thích thơ tình có lẽ cũng từ lúc đó. Ban đầu đơn thuần chỉ vì những khoảnh khắc của “những lúc yêu hay buồn thăm thẳm”. Dường như lúc đó, ai cũng bắt gặp chính bản thân mình, chính những cảm giác của mình, có thể là hạnh phúc, sung sướng, mà cũng có thể là dằn vặt và đớn đau. Và rồi sau đó, con người ta lại càng thêm khao khát được chia sẻ với những người khác về nhũng cảm giác đã gặp và cả những cảm giác chưa từng được ai biết đến. Suốt cả thời sinh viên, tôi mê mải chép đầy cuốn sổ tay dày mấy trăm trang những bài thơ mà mình yêu thích. Bây giờ mở ra đọc lại, lại càng thấy tâm đắc với câumột người yêu thơ thì cái quan trọng trong thơ có lẽ không phải là hiện đại hay cổ điển, mốt hay không mốt mà là sự phong phú của tâm hồn, sinh động của ngôn ngữ và cái đẹp. Trong người đọc chỉ đọng lại những vần thơ đẹp” của chị Phan Bích Thiện. Không hiểu sao, tôi cứ sung sướng âm ỉ khi thấy mình giống với một “người yêu thơ” hơn là một “người làm thơ”.

Nhưng tôi phải tự thừa nhận mình “yêu thơ” một cách khá bảo thủ. Có lẽ bởi vì tôi không được đọc nhiều và biết nhiều về thơ mới. Vốn chỉ thích thơ “cổ điển”, tôi chỉ dám tin là mình hiểu được chứ không cảm nhận được cái hay của những khao khát vô cùng độc đáo, nhưng (nhiều khi) chẳng có vần điệu. Ngay cả nội dung chuyển tải của thơ mới cũng làm tôi lắm lúc ngỡ ngàng. Chất hiện đại và thời thượng của nó giờ đã không chỉ nằm gọn trong phạm vi thực tế và thực dụng của thời cuộc, mà trong nhiều trường hợp đã là một sự trần trụi không cần trải qua sự gột rửa về ngôn từ. Và vẫn là Phan Bích Thiện với ví dụ chính xác về âm nhạc của mình, vốn đã quen với những âm hưởng trữ tình của “szállj, szállj fel magasra” (2) (“Piramis”), con người ta hoàn toàn có thể bị sốc khi bất ngờ nghe được một điệu Rap theo kiểu “a szex vajon mi?” (3) (Pain).

Tuy nhiên, với những độc đáo của mình, thơ mới vẫn có được một tầng lớp hâm mộ đông đảo. Bởi vì không thể phủ nhận được rằng, thơ hiện đại bây giờ vẫn có những đồng cảm dành cho người đọc. Có đấy chứ, có nhiều là đằng khác. Chỉ có điều Erato - múzsa của thơ mới không còn (chỉ) là hiện thân của những thi vị quen thuộc, mà đã là sự hiện thân của một chất tự do không hề biết đến những ràng buộc và giới hạn của thẩm mỹ. Có thể chỉ trong một thời gian không xa nữa, sự hiện thân ấy sẽ mở ra một xu hướng mới để dần dần khẳng định một giá trị mới mà tại thời điểm này, nó mới chỉ dừng ở bước tìm chỗ đứng để khẳng định giá trị thi ca của mình.

Vậy còn với thơ mang phong cách “cổ điển” và những kẻ ít nhiều mang tính “bảo thủ” về thơ như tôi thì sao? Với những giá trị đã từng được khẳng định từ rất lâu, từ “em là con gái trong khung cửi” của Nguyễn Bính, trải qua “em yêu anh hơn cả thời xưa” của Xuân Quỳnh, cho đến “người - đàn - bà - giấu - đêm - vào - trong - tóc” của Hồng Thanh Quang, chất thơ không hề bị cũ đi hay trở thành lạc hậu. Nhưng không phải vì thế mà đi trên con đường này, người viết không thể không thể tạo ra những đột phá và tìm tòi mới. Để rồi muốn hay không, tôi vẫn hay đặt ra cho mình câu hỏi, vậy thì Múzsa của tôi, em ở đâu? Khi mà đến một lúc, dẫu cho có bạo dạn và mãnh liệt đến mấy, nàng thơ ngỡ như quen thuộc của tôi không khỏi cảm thấy lép vế và thiếu tự tin khi bắt gặp những cách thể hiện còn táo bạo hơn nhiều.

Nó có hay hay không, điều đó còn chờ vào phán quyết của người đọc. Nhưng sự xuất hiện của nó là một thách thức lớn, đòi hỏi người cầm bút phải vượt qua được sự lặp lại từ những thế hệ đi trước cũng như vượt qua được sự lặp lại của chính mình. Hẳn là tôi sẽ phải mất nhiều thời gian để có được một cái nhìn khác thì mới có thể đánh giá được giá trị thật sự trong thơ Phan Huyền Thư hay Vi Thùy Linh. Tuy nhiên, tôi không khỏi mong mỏi một điều rằng những gì được đánh giá là mớihiện đại ấy không phải chỉ để cho một số người đọc và cảm nhận. Thơ hãy là những điều gần gũi với mọi người và với cuộc đời, nhưng hãy đừng là những dung tục thô thiển, khiến cho người đọc nó không khỏi chua chát nghĩ thầm rằng để có được những thứ đó đâu phải cần đến một múzsa riêng. Xin mượn lời của Chế Lan Viên về mối tương quan thơ và đời này:

Rặng vải ven sông
Trái đã ươm hồng.
Chỉ chờ một tiếng chim thôi
Là trái ngọt!
Tu hú ơi!
Sao mày chưa chịu hót
Màu đỏ nóng lòng mày biết hay không?
Tiếng chim chói ngời ở cổ
Chỉ chờ cho sắc đỏ chín muồi
Là ngọc xổ!
Chỉ chờ cho màu hồng ngọt lự
Tiếng chim rơi!
Tương quan giữa anh và em,
giữa thơ và đời
Là vậy đó!
Như tiếng chim và màu vải đỏ
Đợi chờ.
Thúc giục.
Sóng đôi!

Tôi được đọc bài thơ này vào tháng 10-1990, khi mới bắt đầu trở thành sinh viên đại học, và cũng là lúc bắt đầu tập tọe viết lách. Bây giờ, sau bao nhiêu thời gian, mỗi khi đọc lại tôi vẫn cảm phục chất triết học đã được thi vị hóa hết sức kỳ diệu qua tài năng của tác giả. Từ một ví dụ hết sức bình thường trong cuộc sống đi đến một nhận xét thông thái và đầy bất ngờ về mối quan hệ giữa con người với con người trong tình yêu cũng như mối quan hệ ràng buộc thơ và đời. Vậy mà bài thơ vẫn hết sức tự do và phóng khoáng trong cách sử dụng câu chữ. Cho đến khi được đọc tập thơ “Khúc hát người xa xứ” của Trương Nam Hương năm 1991, tôi lại bắt gặp một bất ngờ khác:

… Anh nói yêu em nghìn lẻ một lần
Em như đá trước lời thương cảm ấy
Nên có cây si nặng bốn lăm cân
Cao mét sáu, tóc xờm như rễ vậy

Si sẽ mọc chỗ nào em đứng đấy
Dĩ nhiên không đột nhập chỗ em nằm
Đôi mắt tình anh mười năm loạn thị
Mười năm quên cả cạo râu cằm…

Đấy cũng là cách thể hiện về tình yêu đấy chứ. Cũng là những điều rất thật của đời thường, thế nhưng tình yêu ấy bên cạnh lối thể hiện hài hước lại toát lên một sự thanh cao và trong sáng của trần tục. Và sau hết, người đọc vẫn cảm nhận được chất thơ của nó, thay vì việc chỉ hiểu tác giả muốn nói gì. Trong suốt quãng thời gian mười mấy năm đam mê với thơ ca, tôi vẫn đang đi tìm cho mình những vần thơ như thế, như hiện thân của một múzsa hết sức gần gũi mà cũng đầy bất ngờ cho riêng mình. Tôi không dám chắc là mình đã tìm ra điều mình mong muốn.

Nhưng cùng với thời gian, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, cả thơ cũng thế. Và chắc chắn bản thân người đọc thơ và người yêu thơ cũng cần có những đánh giá mới cho mình. Và rồi cũng đến lúc nàng múzsa mà tôi đang đi tìm cũng cần phải làm quen và biết trả lời những câu hỏi không kém phần triết học kiểu như “a szex vajon mi?”.

(*) Mục “Diễn đàn văn nghệ” được mở ra để đăng tải những ý kiến, quan điểm về các dề tài nghệ thuật và, theo mong muốn của NCTG, sẽ là một diễn đàn mở để tất cả các bạn đọc cũng như CTV của NCTG có điều kiện trao đổi, tranh luận trên tinh thần dân chủ và tôn trọng lẫn nhau.

Bài vở đăng trong mục này không nhất thiết phản ánh quan điểm của NCTG (BBT).

Ghi chú (của NCTG):

(1) Nàng Thơ.

(2) “Bay lên, hãy bay lên cao...” (một ca khúc rất được ưa chuộng của ban nhạc Hungary “Piramis”, ra đời năm 1975).

(3) “Thử hỏi tính dục là cái quái gì?” (một ca khúc theo điệu Rap của Hung).

Tác giả bài viết: Giang Tuấn Ðạt, Budapest tháng 4-2004