Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÙA HÈ RỚT

Cả năm trời chỉ ngóng một mùa sang
Như cả đời mong một lời mê muội
Để mắt long lanh tình lại mới
Để vần thơ chẳng cũ với lòng người...

Mới hôm qua thôi, ngoài cửa sổ còn mờ mịt khí ẩm của mùa Thu. Sương mù, mưa giá, và gió… Gió hiện hình trên những tán lá run rẩy và những bụi hoa rạp xuống, nghiêng ngả trong một nỗi hoảng sợ thê thiết… Mới hôm qua thôi, nhìn cảnh mà thấy lạnh vào lòng.

Trong rừng thu - Ảnh: RoseVN (từ Moscow)

Vậy mà sáng nay, cửa kính lóng lánh sáng lên một cách lạ lùng. Bước ra khỏi nhà, hơi ấm mềm mại của mặt trời ùa đến, ôm lấy người làm nóng tim lên, bước đi như mơ, miệng bỗng mỉm cười vô cớ… Dường như ngoài trời còn ấm hơn trong nhà đến mấy độ. Trời trong vắt, xanh và cao đến thảng thốt, xanh một màu như trong bức tranh của trẻ con, chỉ một màu giản dị và thơ ngây, thậm chí cả gam độ đậm nhạt cũng không hề thay đổi. Cỏ dưới chân vừa hôm qua còn nằm ngang dọc rối bời, lác đác có những vạt ua úa, giờ thốt nhiên mang màu xanh mướt, đều đều rập rình về một phía, trông nhởn nhơ, nhẹ nhõm như bờ cỏ mùa xuân. Rặng thùy dương rung rinh khoe những chùm quả đỏ dậy màu nắng, những chùm quả sẽ còn nằm đó đợi mùa Đông phủ tuyết, tự biến mình thành những đốm hy vọng nho nhỏ cho người trong cảnh xám lạnh hoang tàn.

Khóm hoa trước nhà ai đỡ mà đã đứng thẳng dậy, kiêu hãnh tiếp tục nở đến tận cùng những đóa hoa rực rỡ của mình. Ong bướm lại lăng xăng quanh đó. Những con bọ đốm đủ màu bay vù vù đầy phấn khích. Những vũng nước đọng trên đường cũng soi được bóng thoáng qua của lũ sâu bọ vui vẻ ấy. Đường dây điện vắt ngang những ngôi nhà có một đàn giọt sáng long lanh bám đuôi nhau chạy đi chạy lại, nhìn đến là vui mắt!

Cái gì cũng như đang lay động, đang hoan hỉ sướng vui.

Cái trong veo của mùa lạ giải phóng mọi suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu, khiến đầu nhẹ bỗng. Bước chân nhẹ bỗng. Lòng thanh thản như chưa từng lo buồn về bất cứ điều gì, như một cô gái mới lớn, tự tin và hớn hở đến với cuộc đời…

Ai vậy, cái gì vậy? Mà đã thay đổi được cả thiên nhiên, khiến cho nét cau có hôm qua biến thành vẻ tươi tắn bây giờ?

Ai vậy, cái gì vậy? Đã khiến tim mình trở nên ngọt ngào và nôn nao trong ngực cùng một khúc hát quen mà chẳng nhớ nổi được lời?

Chỉ là một mùa nhỏ nằm gọn trong lòng mùa lớn: Mùa Hè Rớt của tiết chớm Thu.

*

Ai từng gắn bó với nước Nga lại không biết đến Mùa Hè Rớt, lại không mong ngóng nó suốt cả một năm trời!

Phải rồi, đó là một mùa đẹp. Nhưng nó đặc biệt hơn các mùa đẹp khác, là vì nó quá ngắn ngủi và lại xuất hiện quá đột ngột, lọt thỏm giữa những lạnh giá u buồn của mùa lá rụng, mang cho con người chút ấm áp bất ngờ, như một mối tình sét đánh trong đời, cháy bùng lên rồi lịm tắt, nhưng vẫn cứ để lại những dư âm ngọt ngào không dễ gì nguôi quên. Mà cũng có thể ví nó như tuổi “hồi xuân” của người phụ nữ, đến cái độ mặn mà nhất của nhan sắc khiến khí chất nồng nàn lồ lộ với người thương, thắm thiết lên lần cuối bằng mắt sáng môi tươi, thậm chí còn khiến người ta say mê hơn cả những cô gái trẻ.

Có phải vì thế chăng mà trong tiếng Nga, mùa này được gọi là Babie-leto: “Mùa hè của các bà”?

Tôi thầm kính phục dịch giả nào là người đầu tiên chọn cái tên “Mùa Hè Rớt” mà đặt cho Babie-leto ở Nga. Dịch ra tiếng Việt như thế, nghe thật thanh thoát và độc đáo. Có người dịch là “Mùa hè muộn” - không, không phải thế, nó không muộn, nó đúng thời, đúng khắc đấy chứ! Đó đơn giản chỉ là, thiên nhiên kỳ vĩ đã vô tình đánh “rớt” một mùa Hè nhỏ trong lòng mùa Thu mới chớm bắt đầu.

Sau những đợt lạnh và mưa kéo dài, lá trên cây đã lác đác lên màu đỏ, vàng chen lẫn với màu xanh. Chúng chỉ ửng rực lên khi vào Mùa Hè Rớt. Lúc ấy, nắng mềm óng ả, trời sáng tươi, những cơn mưa hoàn toàn biến mất. Không khí khô và nhẹ khiến thở cũng dễ hơn, suy nghĩ cũng giản dị hơn, và vì thế mà cũng dễ dàng cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi nhớ đến bài thơ “Mùa Hè Rớt” của thi sĩ Olga Berggoltz, nổi tiếng đối với bạn đọc Việt Nam không chỉ vì Olga viết về mùa này một cách rung động sâu sắc, mà còn vì bản dịch rất tinh tế của nhà thơ Bằng Việt:

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nắng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất...
Lanh lảnh bầy chim bay đi muôn nhặt,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu…

Mùa mềm mại khiến lòng người cũng mềm mại theo. Tục cổ xưa của Nga kể rằng, trong một, hai tuần của Mùa Hè Rớt, người ta tranh thủ làm lành với nhau, gỡ hòa các mối xích mích căng thẳng trong quan hệ.

Có phải vì thế chăng mà Mùa Hè Rớt được đợi mong đến thế, suốt cả một năm ròng?

Mùa Hè Rớt còn được coi là mùa của lễ hội nông thôn Nga. Người ta vội vã kết thúc công việc đồng áng của năm: rơm se thành “bánh” trên đồng, khoai tây, táo được chất vào hầm, dưa chuột được sẻ vào các hũ to, muối để dành mùa rét, xếp chật các giá gỗ. Những buổi chiều nắng non, khói trên các mái nhà tỏa thơm mùi bánh mới. Rồi ấm xamôva reo rộn rã, mật ong tươi có màu óng ả, mứt dâu ngào đường thơm nức, táo cuối mùa đỏ dậy như má thiếu nữ, những quả phúc bồn tử đen thẫm cuối cùng lấy trong vườn nhà… tất cả được trang trọng đặt lên bàn giải hoa thêu, xung quanh vang lên tiếng hát dìu dặt cùng tiếng phong cầm ngẫu hứng, mải mê. Chiều xuống, mặt trời lại lưu luyến không rời trần gian, y như trong những ngày Hè ấm áp. Trời sáng cho đến tận đêm. Ở một nếp nhà quê nào đó, các mẹ, các chị quây quần vừa hát vừa guồng sợi, quay tơ, thêu thùa, đan móc. Đôi khi có ai đó hát nức lên một bài ca cổ buồn thảm thì vài ba người lại dừng tay làm, nhìn về phía vòm trời xa, tuy đã thẫm đi nhưng vẫn trong vắt… để mà thở dài…

Bức tranh nông thôn Nga vào Mùa Hè Rớt được Fedor Tutchev (1803-1873), một nhà thơ cổ điển lớn có thi nghiệp gắn bó với phong cảnh Nga, tả lại như sau:

Có một mùa ngắn ngủi, đẹp lạ thường
Trong lòng Thu chớm về non nớt
Ngày trong vắt như pha lê sáng ướt
Và những buổi chiều chói lọi cứ rực lên

Nơi liềm hái lùa nhanh, gié lúa rơi bên
Giờ đã trống cả rồi - không gian trải rộng
Chỉ mong manh sợi tơ nhện mỏng
Lóng lánh trên luống đất rảnh rang

Không khí cũng rỗng đi, không nghe nữa tiếng chim ngàn
Những cơn bão mùa Đông vẫn còn xa lắc
Màu trời xanh ấm mềm, trong vắt
Rót xuống cánh đồng đang lúc nghỉ ngơi…
(Thụy Anh dịch)

Nếu bạn từng ở Nga, từng ngắm những cánh đồng rơm màu vàng nâu mùa chớm Thu, đọc bài thơ này, bạn không thể không thốt lên: “Ôi chao, đúng quá!” Cảnh ấy trong thơ sẽ đem lại cho bạn cảm giác đang được hưởng Mùa Hè Rớt ngoài đời một cách rõ rệt và đầy xúc động, cho dù bạn không còn ở trên đất Nga này nữa.

Lẽ đương nhiên, đâu chỉ một mình nước Nga có Mùa Hè Rớt! Ở châu Âu và Bắc Mỹ, mùa ấy đến muộn hơn đôi chút. Nó có tên là “Mùa hè thổ dân” (ở Mỹ), “Mùa hè Thánh Martin” (ở Ý và Pháp), “Mùa hè dân Tzigane” (ở Bulgaria), “Mùa hè tơ Nhện” (ở Tiệp)…

Nhưng, tôi có thể mạnh miệng mà đoan rằng, chắc chỉ có ở Nga mùa này mới được đón nhận say mê đến thế, bởi, phía trước là một mùa Đông khắc nghiệt và dai dẳng như cả một đời người…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thụy Anh - Mùa Hè Rớt 2007, Serpukhov