MỘT TƯ LIỆU VỀ VĂN HÀO MAXIM GORKY
- Thứ tư - 06/06/2007 13:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gorky và Leon Tolstoy tại điền trang Yasnaya Polyana
Đọc bộ tiểu thuyết tự truyện bộ ba "Thời thơ ấu", "Kiếm sống", "Những trường đại học của tôi", biết bao trái tim từng đồng cảm với cậu bé Peshkov (tên thật của Gorky), vật lộn, bươn chải với cuộc đời gian khổ và số phận phũ phàng, tự học để trở thành một "nhà văn chân đất" và một con người mang tư tưởng dân chủ cách mạng. Và cũng không ít thanh niên ở tuổi mới lớn, lên đường ra chiến trận với ấn tượng lãng mạn của "Bài ca chim báo bão", của chàng Danko bứt xé trái tim mình để rọi sáng con đường khổ ải và dẫn dắt đoàn người...
Gorky tham gia phong trào cách mạng Nga từ những năm còn rất trẻ, ông bị bắt giam lần đầu tiên năm 1889 vì những hoạt động đối lập và bị đặt dưới sự theo dõi thường xuyên của cảnh binh Nga hoàng. Năm 1905, văn hào tích cực tham gia "cuộc cách mạng thứ nhất" và gia nhập đảng bôn-sê-vích; ông ủng hộ đảng của Lenin bằng uy tín và tài sản của mình. Sau khi cuộc cách mạng bị đè bẹp, từ đầu năm 1906 trở đi, Gorky buộc phải rời nước Nga, ông qua Mỹ rồi sống nhiều năm lưu vong đảo Capri (Ý). Năm 1913, ông về nước trên cơ sở lệnh ân xá của chính phủ Nga hoàng và hoạt động tuyên truyền phản chiến ở Nga. Năm 1915, Gorky phát hành tờ tạp chí "Letopis", tập trung các nhà văn có tư tưởng dân chủ và tạo điều kiện đăng tải bài vở cho nhiều nhân tài trẻ.
Trong năm 1917 và sau cách mạng tháng Mười, Gorky có quan điểm đối kháng với chính thể bôn-sê-vích: trong loạt bài nổi tiếng "Những suy tưởng không hợp thời": ông nhìn nhận "cuộc cách mạng thứ hai" là một tấn thảm kịch; đồng thời, văn hào coi những người bôn-sê-vích là những kẻ thử nghiệm nguy hiểm và vô đạo đức. Thời kỳ nội chiến, mặc dầu tham gia một cách hình thức vào đời sống văn hóa "cách mạng" - như thành lập Nhà xuất bản Văn học Thế giới, phát hiện nhiều tài năng trẻ cho nền "văn học mới", làm báo... -, về thực chất, Gorky luôn là một cái gai trong mắt Lenin, tuy hai người vẫn duy trì một mối quan hệ rất gần gũi và mật thiết ở một mức nhất định.
Gorky và Anton Chekhov tại Yalta (năm 1900)
Mối quan hệ nhiều khi gay gắt và mang tính đối kháng của Gorky với đảng bôn-sê-vích trước 1917 và với chính quyền Xô-viết trong và sau thời gian cách mạng tháng Mười, không mấy khi được giới nghiên cứu văn học Việt Nam thời xưa nhắc đến, vì nó làm hỏng bức tranh tổng thể về Gorky do bộ máy tuyên truyền văn hóa của Stalin đề ra. Tuy nhiên, , chúng ta cũng được biết một lời đánh giá "chính thống" trong bài phát biểu "Mac-xim Go-rơ-ki" của Nguyễn Khánh Toàn trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh văn hào tại Hà Nội tối 16-5-1968, đăng trên "Tạp chí Văn học" số 6 năm 1968:
"Con đường M. Go-rơ-ki đi theo chân lý cách mạng không phải luôn luôn trơn tru, bằng phẳng, không phải không có thử thách. Đôi lúc, khi con thuyền cách mạng gặp cơn sóng gió, có những bước gập ghềnh như sau khi Cách mạng 1905 thất bại, Sa hoàng khủng bố gắt gao, nhà nghệ sĩ cũng đã có những phút hoang mang dao động, thậm chí bi quan, và đã phụ họa vào những trào lưu duy tâm do một nhóm trí thức thiếu lập trường kiên định đề xướng. Hoặc trong những ngày bão táp của Cách mạng tháng Mười, khi cuộc đấu tranh giai cấp vô cùng ác liệt, chính quyền xô-viết mới ra đời, để bảo vệ sự sống còn của mình treo đầu sợi tóc, phải đối phó kiên quyết với những con thú dữ phản cách mạng trong và ngoài, thì M. Go-rơ-ki đã có những phút nao núng, có những cách nhìn lệch lạc, tàn dư chưa thanh toán của những tình cảm nhân đạo trừu tượng tiểu tư sản." (!)
Năm 1921, theo lời khuyên (thực chất: theo sự thúc ép - như chúng ta được biết sau này) của Lenin, Gorky ra nước ngoài, một phần để chữa bệnh. Về sau, quan niệm của ông thay đổi. Từ năm 1931 trở đi, văn hào trở về Liên Xô và đóng vai trò lớn trong việc thành lập Hội Nhà văn Liên Xô. Cùng nhiều văn nghệ sĩ khác, ông hy vọng Hội sẽ tạo nên bầu không khí hòa dịu trong văn giới, nhưng kỳ thực Hội Nhà văn Liên Xô chỉ là công cụ trong tay Stalin, và đã góp phần đáng kể trong việc gây dựng nền độc tài chuyên chính và sùng bái cá nhân của nhà độc tài. Ấy là chưa nói đến việc đầu thập niên 30, Gorky đã dẫn đầu một nhóm nhà văn đi thăm và ngợi khen các trại tập trung, các công trình xây dựng, nơi hàng triệu tù khổ sai bị đày đọa và chết dần mòn vì đói khát, khổ cực, làm việc nặng nhọc và tra tấn thể xác - đây là điều mà nhiều người mãi mãi không tha thứ cho văn hào.
Maxim Gorky lâm trọng bệnh và qua đời năm 1936 giữa những hoàn cảnh rất mờ ám. Năm ông mất cũng đồng thời là năm mở đầu thời kỳ "đại khủng bố" và "những vụ án Moscow" do Stalin lĩnh xướng.
*
Ngay từ khi còn sống, con người Gorky đã bị bao phủ bởi một màn sương mù dày đặc: để tận dụng uy tín lớn lao của ông trong giới văn nghệ sĩ Nga và trong giới trí thứ thiên tả quốc tế, bộ máy tuyên truyền của Stalin đã dựng nên một hình ảnh "chính thống" về Gorky, khác xa với những gì mà ông có.
Gorky (ngoài cùng, bên trái) cùng các lãnh tụ thượng đỉnh của ê-kíp Stalin (Kaganovich, Molotov, Voroshilov, Stalin, Kalinin) tại lăng Lenin
Đồng thời, vào giữa thập niên 30, khi thấy Gorky có một số biểu hiện "bất tuân phục" - như không chịu viết tiểu sử để tụng ca Stalin (vai trò ấy, sau này, được giao cho nhà văn Pháp Henri Barbusse), tìm cách liên lạc với những nhà văn ngoại quốc có tiếng như Romand Rolland, André Gide... để cảnh báo về họa độc tài ở Liên Xô... -, sự hiện diện của ông đã trở nên khó xử đối với Stalin. Không phải vô cớ mà nhiều người cho rằng ông đã bị Stalin hạ lệnh ám sát, ngay trước cuộc hội ngộ đã hẹn trước với văn hào Pháp André Gide ở Moscow, để tránh những "hậu họa" có thể xảy ra đối với chính thể độc tài. Điều đáng chú ý là Yagoda, trùm mật vụ chính trị Xô-viết, kẻ được Stalin cắt cử để theo dõi sát sao Gorky, cũng đồng thời là một "bậc thày" trong nghề giết người bằng độc dược.
Bài viết sau đây của Yuriy Annyenkov, đăng trên tờ "Literaturnaya Rossiya" (Văn học Nga) vào những năm đầu của thời kỳ cải tổ (cuối thập niên 80 thế kỷ trước), cho chúng ta thấy một chân dung đặc sắc, nhưng ít được biết đến, của văn hào Gorky. Đồng thời, nó cũng đưa ra một giả thuyết về nguyên nhân cái chết ám muội của nhà văn.
Các chú thích trong bài là của người dịch.
"Bậc thày của nền văn học hiện thực XHCN Xô-viết"
MAXIM GORKY
Dù người ta có kể gì đi nữa về Gorky - như về một đại diện của những tầng lớp khốn cùng ở Nga, về một thiên tài vô sản và về sự giản dị bẩm sinh, bản tính khiêm tốn vô sản của ông, về tính chất của một nhà tuyên truyền cách mạng [trong ông] và về niềm tin mác-xít nơi ông -, Gorky trong đời tư là một người có khiếu thẩm mỹ sành sỏi đặc biệt, ông tuyệt nhiên không xa lạ với những giai tầng xã hội khác, ông thích nếu được các nữ diễn viên xinh đẹp và những phụ nữ quý tộc bao quanh. Bằng nhận định này, không phải tôi muốn nói Gorky cần đến những thứ đó: [đơn giản] chúng chỉ làm ông thích thú. Chính ông, con người hào hoa trong cuộc sống và có những đức tính tinh thần tuyệt vời, đã có thể vươn cao hơn những định kiến giai cấp trong những năm cách mạng và đã cứu sống tính mạng, đôi khi cả tài sản, của nhiều thành viên thuộc giới quý tộc Nga.
Vào thời gian khi ông đã nổi tiếng, Gorky luôn mặc bộ đồ màu đen bằng dạ mịn, chiếc sơ-mi cài khuy bên và thắt chặt chiếc thắt lưng da. Ông có một đôi ủng cao và một chiếc mũ rộng vành lãng mạn che mái tóc. Cả thế giới biết đến hình ảnh "dân chủ" này của Gorky; nó góp phần vào huyền thoại Gorky. Nhưng nếu bá tước Leon Tolstoy - mặc dù xuất thân của ông - đã biến thành một người nông dân chân đất thực sự thì trang phục của chàng vô sản Gorky chẳng có vẻ gì là một trang phục công nhân hay nông dân, nó chỉ là một bài thơ quần áo mang tính cá nhân và trang hoàng. Dầu vậy, bộ trang phục Nga giả hiệu của ông đã nhanh chóng trở thành một thứ "mốt" trong thế giới văn nghệ xuề xòa và trong những nhóm thanh niên cách mạng, nó còn đọng lại nơi đó ngay cả khi Gorky đã từ bỏ nó, chỉ giữ lại chùm ria mép nổi tiếng, từ ngoại hình trước kia của ông.
Gorky luôn luôn mất bình tĩnh, [thậm chí] ông còn đỏ bừng mặt mũi mỗi khi phải viết một cái gì đó nhẹ nhõm, vui đùa, hài hước. Mặc dù trong đời sống thường ngày ông thích vui đùa và cười cợt, ông thực sự cảm thấy sợ hãi, run rẩy nếu phải viết ra giấy.
Vậy mà sau cách mạng, ông nhanh chóng viết vở kịch "Sofoshov hổn hển", tác phẩm trào phúng về một anh chàng Xô-viết thích ba hoa bẻm mép, anh ta gây dựng bước đường công danh nhanh như chớp nhờ tài hùng biện khoác loác. Đạo diễn Konstantin Milashevsky nhiều lần mời tác giả đi dự những buổi tập dượt, nhưng Gorky, ngượng ngập vì tác phẩm vui nhộn của mình, đã từ chối.
Tôi có mặt trong buổi tổng diễn tập và buổi diễn đầu tiên, được tổ chức ở Nhà hát Bách thú Petrograd. Đạo diễn Milashevsky đã dàn dựng rất ý nhị và sắc sảo... Khán giả nồng nhiệt đón chào vở kịch, nhưng nó chỉ được trình diễn vỏn vẹn trong ba ngày: những kẻ được gọi là các "đồng chí chịu trách nhiệm" đã nhận ra [hình ảnh của] mình trong nhân vật Sofoshov. Vở kịch của Gorky là tiền bản độc đáo của "Con rệp" của Mayakovsky, nhưng vở đó chỉ ra đời chín năm sau...
Gorky hoàn toàn không có lòng ghen tị nghề nghiệp, vốn rất đặc trưng cho những người làm văn học. Ông rất vui mừng khi phát hiện và nâng đỡ các tài năng mới trong văn học. Điều này đã thực sự trở thành một sở thích điên cuồng luôn ám ảnh ông và đôi khi, nó có một kết cục hết sức bất ngờ. Ở Kuokkala, ngay từ thời gian trước Thế chiến thứ nhất, có một thanh niên hỗn hào, tóc rối bù, ăn vận bộ trang phục kiểu Gorky xuất hiện quanh nhà Gorky, anh ta đọc cho Gorky nghe vài mẩu trong tác phẩm của mình. Gorky tin rằng gặp được một tài năng, ông chiều chuộng và còn đề nghị anh ta cùng ông tham gia một đêm Gorky do ông tổ chức tại một nhà hát nhỏ địa phương, nhằm ủng hộ một hoạt động gì đó của đảng Xã hội Dân chủ. Trong giờ nghỉ, vào đúng giây phút thích hợp, anh chàng tóc rối nẫng cả món tiền khỏi quỹ và tẩu thoát. Không ai gặp lại anh ta, trong đời cũng như trong văn học.
Tuy nhiên, cũng có những nhà văn mà Gorky thù ghét. Chẳng hạn, ông coi Ilya Ehrenburg là "ký sinh trùng".
Gorky có phải là đảng viên cộng sản không? Nếu có, thì cũng chỉ trong những năm cuối đời, nhưng tôi cũng không dám chắc.
- Tôi thuộc loại quẩn quanh bên đảng - ông thích nói như thế.
Và điều này cũng đúng. Ông lang thang vô định quanh đảng, lúc thì bên phải, lúc thì bên trái [so với] đường lối của đảng, lúc chậm trễ, lúc quá vội vã. Giống như trong đời tư, ông cũng là một nghệ sĩ trong chính trị. Ông không thể chấp nhận được sự gắn bó bắt buộc, tính kỷ luật với một thứ chủ nghĩa nào. Ông coi lệ thuộc tinh thần là sự lăng mạ con người. Bằng những chệch hướng và dao động, ông muốn khiến đường kẻ thẳng trở nên nhân tính hơn.
Nhưng đồng thời, người bạn đường "quanh đảng" đó vô cùng hữu ích đối với đảng. Được quần chúng ưa chuộng và có tiếng tăm, ông đã phục vụ đảng một cách đáng kể. Rất lâu trước ngày cách mạng tháng Mười, ông đã ủng hộ đảng về mặt vật chất, khi đó đảng không có nguồn [tài chính] nào khác, trừ những cuộc "trưng dụng" thô bạo như những trò [cướp bóc] do Stalin thực hiện (1). Hơn mọi người khác, Gorky biết rõ cách "vòi tiền" những kẻ giàu có để "khích lệ những nhà dân chủ" và ủng hộ "các tổ chức chính trị hàng đầu"; cố nhiên, những khi ấy không bao giờ ông nhắc đến tên đảng bôn-sê-vích. Những nhà đại tư sản, chủ xưởng, chủ ngân hàng có tư tưởng tự do, vốn mừng rỡ vì được quen biết đại văn hào, đã không thể chối từ và Gorky chuyển tiền của họ cho Lenin. Khi cuộc cách mạng bùng nổ, những kẻ có lòng từ thiện ngây thơ nói trên trở thành những nạn nhân đầu tiên. Đáng phải nhớ đến bài học này...
Gorky không giấu nổi nỗi thất vọng, ông bảo tôi:
- Biết làm sao được? Tiến trình lịch sử là thế.
Cuộc đời Gorky không bằng phẳng, [ngược lại, nó] luôn căng thẳng và phức tạp. Và nghệ thuật của ông cũng vậy. Ông viết cuốn "Thời thơ ấu" đáng được gọi là thiên tài, nhưng ông cũng còn viết "Bài ca chim báo bão" khá vô vị (điều này, chẳng hạn, không bao giờ có thể xảy ra đối với Dostoyevsky). Đáng tiếc là những tác phẩm xuất sắc nhất của Gorky hoàn toàn không được ưa chuộng như những cuốn tồi nhất. Nghệ thuật là như thế!
Năm 1936, Gorky từ trần ở Liên Xô. Bí ẩn cái chết của ông cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, cũng bởi trong một thời gian dài, người ta lan truyền giả thuyết về "âm mưu tội lỗi" của các bác sĩ, một việc chưa bao giờ xảy ra.
Tôi tin [vào lời] giáo sư Pletnyov, người thày thuốc lỗi lạc đã chữa chạy cho Gorky cùng các bác sĩ khác. Những lời lẽ của ông trùng với giả thuyết của Trotsky (2):
"Chúng tôi chữa bệnh tim mạch cho Gorky, mặc dù ông không yếu lắm về thể chất: ông bị dằn vặt về tinh thần thì đúng hơn và càng ngày ông càng tự buộc tội mình. Ông đã cảm thấy ngạt thở ở Liên Xô. Ông rất muốn quay trở lại Ý. Thực chất, ông trốn chạy bản thân vì ông không còn sức phản kháng một cách đáng kể. Nhưng nhà độc tài đa nghi của điện Kremlin sợ nhất việc văn hào lừng danh có thể lên tiếng chống lại thể chế của ông ta. Và cũng như mọi khi ông cần, ông ta lại tìm thấy thứ công cụ hiệu quả nhất. Lần này, thứ công cụ ấy là một hộp kẹo màu hồng được thắt ngang bởi một sợi dây lụa sặc sỡ. Đây không còn là một hộp kẹo [đơn thuần], mà là một đồ vật tuyệt diệu. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ nó. Gorky để nó ở chiếc tủ con đầu giường bệnh. Ông muốn mời khách khứa đến thăm; lần này, ông đưa cho hai y tá làm việc ở đó và chính ông cũng ăn vài chiếc kẹo. Một giờ sau, cả ba người đều cảm thấy đau quặn vùng dạ dày và sau một giờ nữa thì cả ba đều chết. Chúng tôi giải phẫu tử thi ngay lập tức và kết quả đã chứng tỏ dự đoán xấu nhất của chúng tôi. Họ đã bị đầu độc.
Các bác sĩ chúng tôi đều im lặng và chúng tôi cũng không phản đối ngay cả khi điện Kremlin thông báo một thuyết chính thức, hoàn toàn bịa đặt, về cái chết của Gorky. Tuy nhiên, điều đó cũng không cứu vãn chúng tôi. Ở Moscow, người ta bắt đầu thì thầm rằng Gorky bị ám hại: Soso đầu độc ông. Những lời đàm tiếu đó vô cùng phiền phức đối với Stalin. Phải đánh lạc hướng sự chú ý của nhân dân, phải tìm ra những tên tội phạm khác. Cố nhiên, đơn giản nhất là đổ vấy [mọi tội lỗi] cho các bác sĩ. Các thày thuốc bị giam trong ngục, họ bị buộc tội đầu độc Gorky. Rằng tại sao họ lại làm điều này ư? Một câu hỏi ngu xuẩn! Cố nhiên là theo sự ủy nhiệm của bọn phát-xít và những thế lực tư bản độc quyền. Kết cục ra sao, ai nấy đều đã biết..."
Giáo sư Pletnyov bị kết án tử hình; sau này, bản án được thay bằng 25 năm tù khổ sai trong trại tập trung. Tại Vorkuta, một vùng quê lạnh lẽo, cây cỏ trơ trụi và bùn lầy ở một nhánh sông chảy ra Bắc Băng Dương, năm 1948 (tức 12 năm sau ngày Gorky qua đời) Pletnyov gặp gỡ Brigitte Herland, một phụ nữ gốc Đức, ít lâu sau trở thành y sĩ trong bệnh xá trại giam do Pletnyov điều khiển. Vài tháng sau Pletnyov kể cho cô biết sự thật về cái chết của Gorky. Sau khi được thả tự do, năm 1954, Brigitte Herland công bố câu chuyện của giáo sư Pletnyov (khi đó ông đã mất).
Chú thích:
(1) Stalin đã tổ chức và tham gia nhiều vụ cướp ngân hàng, mang danh "lấy tiền cho đảng". Tình trạng này đã có lúc lên đến mức báo động, khiến Lenin phải ra chỉ thị cấm các vụ "trưng dụng" tương tự.
(2) Trotsky đặt nghi vấn Gorky đã bị đầu độc.