MỘT NGƯỜI THÀY
- Thứ sáu - 23/04/2004 22:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Người ta vẫn thường nói, không có con đường nào trải thảm đỏ đưa đến đỉnh cao khoa học. Nhưng đỉnh cao khoa học là cái gì khi thày chông chênh, mon men đi ra khoảng không vô tận để tìm đến ranh giới giữa cái đã biết và cái chưa biết?”.
GS. Nguyễn Hoàng Phương (1927-2004)
Cách đây đã hơn ba chục năm. Chiến tranh...
Một hôm thằng bạn cùng lớp chạy đến huých tôi: “Này, có đi nghe giảng về toán học hiện đại không?”. Toán học hiện đại, nghe cũng hấp dẫn đấy chứ. Thế là hai đứa chúng tôi ngồi chồm hỗm trên chiếc xe “trâu”, một loại xe đạp cũ kỹ không biết có từ bao giờ, hăm hở phóng đến khu giảng đường của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trên đường Lê Thánh Tông, trong lòng phấp phỏng hồi hộp.
Khi chúng tôi đến nơi thì lớp đã vào học. Thày giáo nhìn qua chúng tôi rồi tiếp tục giảng bài. Bằng cái giọng miền Trung trầm và ấm, thày đưa chúng tôi, hơn một chục đứa học trò lớp 8, lớp 9, đến với một thế giới hoàn toàn mới mẻ của Toán học. Chậm rãi, thủ thỉ như kể chuyện, thày giới thiệu cho lũ trẻ chúng tôi những khái niệm cơ bản của Lý thuyết nhóm, một ngành Toán học có tính trừu tượng cao và thường được dạy cho các sinh viên đại học chuyên ngành Toán.
Bọn trẻ như bị thôi miên, ngồi im thin thít nghe giảng. Và điều đáng ngạc nhiên nữa đối với tôi, “lính mới tò te”, là đến giờ giải lao giữa hai tiết học không một đứa nào đứng dậy. “Hôm trước thày kể đến đâu rồi nhỉ?” - thày hỏi lũ trẻ và cả lũ nhao nhao trả lời. Và rồi, cũng bằng cái giọng trầm và ấm, thày kể mà như đọc, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” và “ Bá tước Monte Christo” của Alexandre Dumas cho lũ trẻ chúng tôi.
Sau này tôi mới biết, thày đã tự đi đến các trường phổ thông để tuyển chọn lũ trẻ và mở một lớp thí điểm dạy thử Toán học cao cấp cho học sinh Trung học. Bên ngoài giảng đường, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Mỗi tuần một buổi. Mỗi tháng một lần kiểm tra, mà phần thưởng là một cái bút máy hay một quyển sách nhỏ thày đã tự mua cho lũ trẻ. Tất cả chỉ vì một nỗi khát khao...
Thời gian trôi. Rồi chuyện ông lang Cần đâu đó trên phố Đội Cấn chữa bệnh bằng các phương pháp “mê tín dị đoan”. Rồi chuyện Trường sinh học..., kẻ tin người nghi. Có lẽ lần cuối cùng tôi gặp thày là khi chúng tôi cùng vào dạy thỉnh giảng trên Đại học Đà Lạt. Lúc đó thày đã già đi nhiều.
Người ta vẫn thường nói, không có con đường nào trải thảm đỏ đưa đến đỉnh cao khoa học. Nhưng đỉnh cao khoa học là cái gì khi thày chông chênh, mon men đi ra khoảng không vô tận để tìm đến ranh giới giữa cái đã biết và cái chưa biết?
Tôi cầm tờ báo trong tay mà thoáng lặng người: Thày, giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, đã không còn nữa!
Có một điều chắc chắn: sự say mê, táo bạo và mơ mộng đầy chất thơ trong nghiên cứu khoa học của thày hẳn còn đang đâm chồi nảy lộc đâu đó, rải rác, trong nhiều thế hệ học trò.
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư...