MỘT NGƯỜI BẠN
- Thứ bảy - 10/05/2014 21:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Với giọng kể vẫn run rẩy, nó nói không bao giờ quên được cái cảnh bị nhốt trong xe, nhìn qua cửa kính chứng kiến tận mắt xe tăng, xe bọc thép bật đèn pha, dàn hàng ngang như máy “gặt đập liên hợp” quét qua quảng trường, máu đỏ lòm chảy thành sông, khắp nơi tiếng rên la, tiếng súng...”.
Làng nhỏ ở Áo - Ảnh: Internet
Sắp vào năm đầu đại học, lọ mọ kiếm được ký túc xá của viện Á Phi trong một tu viện cách thành phố cả tiếng đi tàu nhanh. Tu viện nằm lưng đồi bên rìa làng nhỏ, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có rừng sồi với ruộng lúa, chẳng có gì để ăn chơi. Phụ huynh tống thằng con ở lại, an tâm về nước.
Ký túc xá mới mở, cũng chưa phải đi học, mấy đứa túm tụm với nhau: hai thằng Việt, một con Hàn, một thằng Tàu. Cứ tối đến, bốn đứa lại nấu ăn xì xụp, ngồi quanh bàn rộn ràng những câu chuyện vừa quen vừa lạ.
Bắt đầu bằng chủ đề phong tục tập quán như cầm bát lên húp roàn roạt với khạc nhổ ra đường, rồi qua đến ăn thịt chó với chiến tranh biên giới... Nói một hồi mới thấy đứa nào cũng bị nhồi vào đầu một mớ bòng bong lịch sử như một đám thằng mù sờ quanh con voi, mỗi đứa khẳng định một khác.
Thằng Tàu kể, từ nhỏ trong trường được học rằng Việt Nam hay Hàn Quốc, tất cả đều chung nòi giống, lãnh thổ vốn là một phần của Trung Hoa, sau này tách ra... Trẻ con từ bé đã được thổi vào đầu giấc mộng bành trướng.
Rồi nó kể về cuộc chiến 79, chính phủ ra rả ca ngợi chiến thắng. Nhà nó bên quân đội, nó nghe lỏm những câu chuyện kinh hoàng của đám lính sống sót trở về. Đến trường, nó thì thầm kể cho đám bạn nghe cảnh lính dàn hàng ngang xung phong lên đồi, đại liên bắt xuống, từng lớp bị đốn chết như ngả rạ... Tất nhiên chẳng đứa nào trong lớp nó tin.
Cả bọn tự nhiên thở dài, chán nản. Thế hệ nối tiếp thế hệ vẫn cứ bơm vào đầu chỉ toàn hung hăng đánh giết, biết đến bao giờ...
Ảnh: Patrick Zachman
Sau này thân nhau, nó mới kể bố nó làm rất to bên quân đội. Năm 89, lúc còn bên Tàu, nó cũng như bao đứa bạn đầy nhiệt huyết, trốn gia đình đi biểu tình Thiên An Môn. Đêm đó, giữa hàng ngàn sinh viên nằm la liệt cắm trại trên quảng trường, lính cận vệ của bố nó bằng cách nào đó đã tìm được và dùng sức mạnh lôi nó ra xe quân sự.
Với giọng kể vẫn run rẩy, nó nói không bao giờ quên được cái cảnh bị nhốt trong xe, nhìn qua cửa kính chứng kiến tận mắt xe tăng, xe bọc thép bật đèn pha, dàn hàng ngang như máy “gặt đập liên hợp” quét qua quảng trường, máu đỏ lòm chảy thành sông, khắp nơi tiếng rên la, tiếng súng...
Sau đó quân đội tràn vào, xe phun nước, xe gom rác lượn qua lượn lại cố gắng xóa đi mọi vết tích, mùi tanh vẫn còn nồng đến hôm sau. Nó ngồi trong xe vừa khóc vừa nôn bò ra sàn. Ngay lúc trời sáng, lập tức có người áp tải nó ra sân bay, điểm đến là nước trung lập ở giữa Châu Âu này. Đêm đêm nó vẫn gặp những giấc mơ toàn chân tay vương vãi xâm xấp trong dòng nước đỏ lòm...
Đài báo đưa tin loáng thoáng, chết dăm ba thành phần cực đoan. Báo nước ngoài rụt rè đưa ra con số vài ngàn. Nó nhớ đêm đó người biểu tình nằm đông đặc như cá mòi kín quảng trường, toàn sinh viên các trường nổi tiếng. Sau này có nhiều nhóm thống kê số người bị cán thành thịt vụn vượt quá bảy ngàn. Đâu phải ai cũng may mắn thoát được như nó...
Hàng năm, cứ đến dịp này lại nhớ đến nó, đến câu chuyện đẫm máu của nó. Mấy năm trước báo đài còn đưa vài hình ảnh nhắc nhở mọi người. Rồi bài đăng thưa thớt dần, thời gian xóa mờ những tội ác cũ, nhường vị trí cho tội ác mới. Chỉ có những người trong cuộc như nó hay những cha mẹ mất con chắc chắn sẽ không bao giờ quên.
Ảnh: AP
Bây giờ không biết nó còn lang thang dưới núi An-pơ thanh bình hay đã quay lại theo nghiệp quân đội của gia đình mà nó từng căm thù, rồi lại như thế hệ trước cuốn theo cuộc chiến mới...
*
Mấy ngày nay nhiều người ngỡ ngàng trước việc xảy ra. Nhưng một dân tộc tạo ra một chính phủ, một quân đội lạnh lùng giết chết bảy ngàn đứa con của chính mình một cách man rợ nhất mà không hề hối hận, vậy đối với người ngoài thì có việc gì mà nó không dám làm...