Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“MỘT BƯỚC ĐI VÀO CUỘC SỐNG MỚI”

(NCTG) “Nửa chữ cũng là thày”... Tuy nhiên, tôi không có hân hạnh được làm học trò giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, thậm chí cũng không được quen biết ông. Chỉ một lần được nhìn ông ở khoảng cách gần: đó là lần ông về lớp chúng tôi (ở trường Chu Văn An) để nói chuyện về Trường sinh học và Nhịp sinh học.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương, đỉnh cao của khoa học Toán - Lý, người đi đầu trong khoa học Tâm Linh Việt Nam


Cuộc nói chuyện, dĩ nhiên, được tổ chức “nội bộ”, vì những kiến giải của giáo sư về những gì thời đó chưa biết đến, thường bị liệt vào dạng “mê tín dị đoan”. Dạo đó, tôi còn nhỏ, nghe ông nói chỉ hiểu lõm bõm, nhưng tôi thấy các thày cô giáo, và một vài vị phụ huynh dự giờ ấy, đều lắng nghe ông một cách thích thú và chăm chú.

Và sau đó, tôi cũng chỉ “biết” đến ông, khi đã lớn hơn một chút, và đủ trình độ để đọc (và hiểu một cách tương đối) cuốn “Hình học vũ trụ” ông viết về mô hình hình học “phi Euclide” của Lobachevsky & Bolya, đặt nền móng cho ngành Vật lý học hiện đại thế kỷ XX. Sách ông viết hấp dẫn, đại chúng nhưng vẫn giữ được những tiêu chí khoa học. Và bay bổng.

Bẵng đi một thời gian dài. Ít thấy sách vở “chính thống” nào nhắc đến tên ông, cho dù tên tuổi và những kiến giải lạ lùng về những hiện tượng chưa có lời giải thích “khoa học” của ông vẫn hay là đề tài của giới trí thức thạo tin.

Một lần, tôi rất có ấn tượng khi được nghe (người khác nói về) lời giải thích của ông cho câu hỏi “tại sao có những người có khả năng tiên tri”: “Vì họ được một Người Khổng Lồ, đứng ngoài hệ quy chiếu và không gian của chúng ta, rỉ tai bảo cho biết!”.

Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi báo chí Việt Nam nở rộ với những đề tài ăn khách như đề tài “đường vào thế giới chưa biết”, về các nhà ngoại cảm có nhiều “công năng đặc dị”, “khả năng siêu phàm”, về những hiện tượng “cận khoa học”..., tên ông lại được nhắc đến và có lẽ chỉ khi đó, độc giả bình thường mới được biết đến ít nhiều về ông.

Nhưng khá nhiều người, dưới ảnh hưởng của những bài báo mang tính “giật gân” về chuyện tìm m, ngoại cảm..., lại chỉ nghĩ ông là một nhân vật kỳ bí với những ý tưởng “không truyền thống”, chứ không hề biết ông từng là một trong những “khai quốc công thần” của ngành Vật lý Việt Nam.

Để rồi, một ngày kia, nhàn rỗi, tôi bâng quơ lướt (surface) trên Mạng, vào đại một diễn đàn trực tuyến, và giật mình vì những dòng tưởng nhớ ông:

Thật lạ! Hai vị giáo sư tài đức vẹn toàn - ông và giáo sư Tôn Thất Bách - qua đời chỉ cách nhau đôi ba ngày, mà “ông Bách con ông Tùng” thì được báo chí (truyền thống và điện tử) dành không biết bao nhiêu giấy mực, được độc giả từ khắp nơi trên thế giới gửi lời phân ưu; còn sự ra đi của ông sao mà thầm lặng!

Lục lọi mãi trên Net, tôi chỉ thấy “Lao Động” và “Khoa học & Đời sống” (ấn bản điện tử) là có đưa tin và bài; mà cả hai bài đều là của những người bạn thân nhất của giáo sư viết. Có cái gì buồn bã và bi thảm trong sự ra đi ấy!

Tuy nhiên, dầu sao, “Lao Động Điện Tử” cũng đã dành những lời trân trọng cho sự ra đi ấy: “Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương ra đi lặng lẽ, cô đơn, nhưng nhìn lại một đời cống hiến cho khoa học của ông, ta thấy sừng sững một tinh thần lao động, một ý chí mạnh mẽ vì những tìm tòi với nước ta còn là mới mẻ, một tấm gương cho thế hệ trẻ”.

Đọc những dòng này, tôi thầm nghĩ lại: phải chăng, với ông, cái chết chỉ là một bước chuyển tiếp sang một thế giới vĩnh hằng, và một người minh triết như ông, không cần những sự vinh danh ồn ào (dù chân thành)? Như lời nhà văn Xuân Cang, bạn hữu thân thiết của ông, “giáo sư Nguyễn Hoàng Phương biết trước cái chết của mình và coi đó chỉ là một bước đi vào một cuộc sống mới”.

Với những dòng muộn màng này, cầu mong ông an bình trong cuộc sống mới đó!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh